Thôn Đào Thủy đã có người mất.
Người đầu tiên là Chu Đại Lăng, kẻ ăn xin khắp làng.
Trước kia, mỗi trưa, hắn lại đi quanh thôn, gõ bát xin ăn trước cửa các nhà. Hắn tính tình hiền lành, ai cho thì hắn vui vẻ nhận, ai không cho thì cũng chẳng giận, chỉ cúi người chào rồi rời đi.
Vì vậy, dân thôn Đào Thủy ai cũng thương hại hắn.
Thế nhưng, một ngày nọ, người trong thôn nhận ra đã mấy hôm không thấy bóng dáng hắn.
Một người tốt bụng đi tới ngôi miếu hoang nơi hắn trú ngụ, chỉ thấy thi thể lạnh lẽo của Chu Đại Lăng.
Quan sai trong trấn tới, bịt kín mũi miệng, thảo luận với lý chính điều gì đó. Nghe xong, lý chính mặt mày tái mét, chân đứng không vững.
“Mau, mau, mau về nhà mà trốn đi, đây là ôn dịch.”
Nhưng dù trốn kỹ, người ta vẫn phải thở, mà ôn dịch lại là loại quỷ ẩn mình, khi phát hiện ra nó, nó đã xuất hiện từ lâu.
Thế là, từ người đầu tiên, rồi đến người thứ hai, dần dần, người thứ ba, thứ tư, thứ năm…
Lão Điền tính tình kỳ quặc cuối cùng cũng không chịu được nữa, ông ta bịt kín mũi miệng, mò mẫm từng bước đến châm cứu cho những người mắc bệnh trong thôn.
“Ta từng châm ch/ết người, các ngươi có sợ không?”
Đến nhà nào, ông cũng hỏi câu ấy.
Đến nước này rồi, ngựa ch/ết phải chữa như ngựa sống, người dân nào còn sợ nữa, không chỉ không sợ mà còn thúc giục ông mau châm cứu.
Lão mù tìm huyệt châm cứu, vừa châm vừa bảo: “Dưới gốc cây hoè lớn, Thu Muội đang nấu thuốc đấy, mau mà lấy uống, không lấy tiền đâu. Nhớ nhé, đó là bạc nhà lão Trần bỏ ra, phải biết ơn.”
Tiệm hoành thánh của Trần gia làm ăn phát đạt, Vương Hành lại không có ở đây, ta đành tự ý lấy số bạc ấy để giúp đỡ.
Bạc hết có thể kiếm lại, nhưng người mất thì chẳng thể sống lại. Ta tin rằng Vương Hành và ta đều có chung suy nghĩ này.
Châm cứu xong, uống thuốc rồi, bệnh nhân dần khỏe lại, nhưng ôn dịch quá dữ dội, sức lão mù có hạn, trong khi người sốt ở thôn Đào Thủy lại ngày càng nhiều.
Tổ mẫu và Mã nãi nãi tiếp nhận việc nấu thuốc, còn Thu Muội cũng đi châm cứu cho bệnh nhân. Người đầu tiên cô bé cứu sống là đứa con trai thứ hai nhà Trương quả phụ.
Đúng như cô bé từng nói, giờ đây, dân làng đều đến cầu xin Thu Muội châm cứu.
Vương Hành tháng mười một đã đi tới Tùy Châu, không có tin tức gì, khiến ta vô cùng lo lắng. Giờ ôn dịch đã làm lòng người hoảng sợ, nghe nói ngay cả trong cung cũng có người phát sốt.
Hắn một mình bôn ba, lại là công tử quen sống trong nhung lụa, không biết chăm sóc bản thân, thì sao có thể chịu đựng được?
Aiz...
Đông giá đã đến, lòng ta dần dần không yên. Một nỗi sợ chưa từng có, như con rắn nước, cứ âm thầm, lạnh lẽo bủa vây lấy ta mỗi ngày.
Ta đã mơ thấy ác mộng.
Không, không phải, là tổ mẫu ta đã mơ thấy ác mộng.
Tháng chạp, tổ mẫu nhiễm phải dịch bệnh, sốt cao không hạ, rơi vào mê man.
Nhờ uống thuốc tiểu sài hồ mà cả nhà ta đều bình an vô sự, Đông Bảo có sốt hai đêm nhưng nhanh chóng hồi phục, vui vẻ hoạt bát trở lại.
Chỉ có tổ mẫu là bệnh tình không thuyên giảm, châm cứu, uống thuốc đều đã làm, nhưng bà vẫn mê sảng, dường như mất trí.
Bà khi thì nhắm mắt, lặng lẽ khóc nức nở: “Ông ơi, ta có lỗi với ông. Con cả chúng ta chết thật thảm thương, con gái thì bị người ta ức hiếp, ta làm ma cũng chẳng dám gặp ông.”
Khi thì bỗng mở to mắt, nghiến chặt răng: “Không xong rồi! Phủ Quốc công bị tịch biên! Chúng ta chịu ơn họ, phải bán cả nồi niêu xoong chảo cũng phải cứu giúp họ!”
Mã nãi nãi ngồi bên cạnh khóc như mưa, nắm chặt tay tổ mẫu, nghẹn ngào: “Lý Đại Hoa, tỷ là tỷ tỷ ruột của ta, tỷ mà có chuyện gì, ta cũng không sống nổi nữa!”
Thu Muội vừa khóc vừa mời lão mù đến: “Điền gia gia ơi...”, ta cũng nghẹn ngào, không biết nên nói gì.
Lão mù chỉ phất tay: “Cứu người gấp rút, bớt nói lời thừa.”
Chưa hết một nén nhang, tổ mẫu ta đã bị châm cứu thành con nhím, đầu, trán, cánh tay, chân và lòng bàn chân đều bị châm. Mỗi khi lão mù châm một mũi, cả nhà ta lại rùng mình một cái.
Nhìn người thân chịu khổ, cái cảm giác đó, ai từng trải qua mới hiểu thấu.
May thay, trời còn thương, nửa đêm tổ mẫu ta toát mồ hôi, yếu ớt thều thào gọi một tiếng “đói”.
Ta sờ lên trán bà, A Di Đà Phật, hạ sốt rồi.
Trận ôn dịch chưa từng có này kéo dài từ cuối đông đến đầu xuân, nghe nói đã cướp đi sinh mạng của mười vạn người. Ngay cả lão Hoàng thượng cũng nhiễm phải, dù có ngự y chăm sóc, cuối cùng ông cũng hồi phục, nhưng sau trận bệnh này, sức khỏe của ông đã không còn như trước.
Bầu trời kinh thành, có lẽ lại sắp thay đổi
Đêm giao thừa, thư của Vương Hành mới đến muộn màng. Trong thư, hắn nói lần này đi xa gặp phải chuyện không thể tránh, nhưng đến tháng ba, khi ta tròn tuổi cập kê, hắn nhất định sẽ về kịp.
Thế là ta đếm từng ngày trôi qua, một ngày, hai ngày, ba ngày—
Nhưng đến khi hoa dại trên núi đã nở, ngày ta cập kê cũng gần kề, hắn vẫn chưa trở về.
Thư viện Cô Trúc vì dịch bệnh đã sớm cho nghỉ, quán hoành thánh trên trấn cũng đóng cửa từ lâu.
Ta không thể kìm lòng, đành đến khách điếm Thanh Phong tìm hắn.
Tiểu nhị che mũi, đẩy cửa một gian phòng, vẻ mặt lo âu nói với ta: "Vương công tử mới trở về hôm qua, nhưng ngài bị nhiễm ôn dịch, đang phát sốt."
(Đoạn này tui đổi xưng hô cho tình củm-)) )
Thì ra là vậy.
Tháng ngày qua, thanh kiếm sắc treo lơ lửng sau gáy ta cuối cùng cũng đã rơi xuống vào lúc này.
Ta từng bước chậm rãi tiến tới, như trân bảo, từ từ đến bên giường chàng.
Chàng nằm yên ở đó, dung mạo như tranh, thanh tú như ngọc, chính là vị công tử mà ta đã đem lòng yêu mến từ lần đầu gặp gỡ.
Trong vở kịch người ta hay nói: "Biết yêu sắc đẹp, thì ngưỡng mộ người trẻ trung."
Chàng là công tử tuấn tú, cao quý như vậy, ta chỉ là một thôn nữ, làm sao không yêu được?
Nếu không phải ta sớm đã động lòng, thì khi không biết thân phận chàng, ta sao có thể tự tay làm một chiếc mũ da cáo tặng chàng?
Chỉ bởi vì tình yêu không biết bắt đầu từ đâu, từ lần đầu gặp gỡ, ta đã muốn dùng đôi bàn tay đầy vết chai sần của mình, sưởi ấm cho chàng trong đêm dài lạnh lẽo, cùng chàng chia sẻ những ngày mưa nắng gian truân.
Nếu có phúc ba đời, ta sẽ vì chàng mà thêm áo, nấu cơm, sinh con đẻ cái, và cùng chàng làm những việc chỉ có phu thê mới được làm nơi thế gian.
Cho nên, chàng không thể nằm đây lạnh lẽo, cô độc như thế.
Ta, Trần Xuân Muội, nhất định phải đưa chàng, Vương Hành, bình an vô sự, trở về thôn Đào Thủy.
Có lẽ là ý trời, ta mang theo hộp trang sức bên mình.
Ta nhờ tiểu nhị mang chúng đi cầm để mời thầy thuốc giỏi nhất trong trấn đến.
Sau khi chẩn mạch, thầy thuốc không khỏi nhíu mày: "Công tử trước đây có bị thương không? Nếu không, sao bệnh lại nặng đến thế?"
Lòng ta đột nhiên thắt lại: "Xin ngài hãy xem kỹ thêm."
Thầy thuốc gật đầu, rồi vén áo chàng lên. Những vết thương đỏ thẫm hiện ra, khiến ta không thể rời mắt.
"Những vết roi này, có vẻ đã ba bốn năm rồi." Thầy thuốc lẩm bẩm.
Đã ba bốn năm sao?
Ba bốn năm trước, kẻ có thể làm chàng bị thương, ngoài Vương gia ở Thanh Châu đuổi chàng ra khỏi gia môn, còn có ai khác?
Công tử của ta—
Khi còn trẻ, áo mỏng nhẹ nhàng, cưỡi ngựa truy phong.
Chàng thanh cao, kiêu ngạo là thế, mà lại phải một mình, trong đêm dài vô tận, như con thú hoang đơn độc, lặng lẽ liếm vết thương của mình.
Ta ngẩng đầu, cố đẩy nước mắt ngược trở lại, gượng ép một nụ cười, khẩn thiết cầu xin thầy thuốc: "Xin ngài mở lòng từ bi, kê cho chàng một phương thuốc."
"Ôi, đừng khóc nữa, lão phu sẽ kê đơn ngay thôi. Cháu gái ta cũng tầm tuổi cô, lão không thể nhìn con bé nào rơi nước mắt."
"Hu hu..."
Thầy thuốc giật mình: "Nói không khóc, sao lại khóc to hơn thế này?"
Kê xong đơn thuốc, nhờ tiểu nhị đi mua thuốc. Trước khi rời đi, thầy thuốc dặn ta: "Cậu ta là huynh trưởng của cô sao?"
Ta buột miệng: "Đây là vị hôn phu của ta."
Thầy thuốc vuốt vuốt râu, "Thế thì tiện rồi, nửa đêm cô phải cẩn thận một chút, đừng để hắn sốt trở lại. Chỉ cần qua được đêm nay, uống thuốc thêm vài ngày nữa, rồi từ từ tĩnh dưỡng một hai tháng, ắt sẽ không sao."
Ta cúi đầu cảm tạ, tiễn thầy thuốc ra khỏi khách điếm.
Đi được vài bước, thầy thuốc vẫn còn quay lại nói: "Con bé này mắt tinh hơn cháu gái ta, chọn được vị hôn phu tốt đấy."
Đêm ấy, ta hoàn toàn không có ý định ngủ.
Vì sau khi thầy thuốc đi, Vương Hành lại lên cơn sốt.
Ta cởi áo chàng, liên tục dùng khăn ấm lau người cho chàng, hết lần này đến lần khác đút nước cho chàng uống.
Nhưng sắc mặt chàng càng lúc càng tái, uống thuốc vào mà lại chẳng toát được chút mồ hôi nào.
Khi ánh sáng ban mai lấp ló ngoài cửa sổ, mắt ta đã đỏ ngầu vì thức trắng, tóc tết ướt đẫm mồ hôi, tay sờ lên trán nóng như lửa của chàng, ta đột nhiên sụp đổ.
Ta đổ người lên ngực trần của chàng, vừa đấm vừa lay, vừa khóc vừa mắng.
"Vương Hành, mau mở mắt ra cho ta! Ta đã nói với thầy thuốc rằng ta là vị hôn thê của chàng, nếu chàng có mệnh hệ gì, ta phải thủ tiết vì chàng đó!"
"Chàng đúng là đồ công tử bột không giữ lời! Ngày mai ta cập kê rồi, nếu ta không đến tìm, chẳng lẽ chàng không định tặng lễ cập kê cho ta sao?!"
"Chàng thật quá đáng! Khiến ta động lòng, rồi định bỏ rơi ta sao? Ta nói cho chàng biết, đời này chàng không thoát được đâu! Không chỉ kiếp này, kiếp sau chàng cũng phải làm trâu ngựa trả nợ cho ta!"
"..."
Ngoài cửa sổ, một vầng trăng non treo lơ lửng, vài đám mây phiêu lãng trôi. Trong phòng, ta đầu tóc rối bù, khóc lóc thê thảm như ma kêu quỷ khóc.
Bỗng nhiên, một bàn tay nhẹ nhàng chạm lên đầu ta. Ta giật mình, ngẩng mặt lên, nước mắt nước mũi đầm đìa, chạm phải đôi mắt cười dịu dàng.
"Đến tuổi cài trâm, nàng đã có thể gả đi rồi. Tại hạ là Vương Hành, ngưỡng mộ nàng từ lâu, mong nàng rủ lòng thương, cho phép tại hạ được trèo cao. Nếu kiếp này may mắn, có nàng làm thê tử, nguyện làm trâu làm ngựa, không nề hà khổ cực."
Dưới ánh nến chập chờn, với đôi môi nứt nẻ, chảy máu, và giọng nói khàn đục, chàng ấy chậm rãi thề với ta lời hứa sâu nặng nhất trần gian.
Lễ cập kê của ta, cuối cùng không thể thực hiện được.
Vương Hành đang bệnh, cả nhà ta lại bận rộn, không chỉ vì vụ xuân, mà còn phải dành thời gian nấu thuốc, châm cứu giúp dân làng.
Trước cửa tử, chuyện cập kê thật chẳng đáng kể gì.
Đến tháng tư, khi Vương Hành bình phục, hắn mang theo lễ vật phong phú, rầm rộ đến thôn Đào Thủy.
Vừa bước vào nhà, hắn "bịch" một tiếng quỳ sụp xuống trước mặt tổ mẫu, cha và mẹ ta.
“Tổ mẫu, thúc, thẩm, vãn bối đã để ý Xuân Muội từ lâu, nguyện cưới nàng làm thê tử. Hôm nay là đặc biệt đến để cầu hôn.”
"Đ... đ... gì cơ?!"
Lời còn chưa dứt, tổ mẫu ta suýt nữa nhảy bật lên khỏi giường.
Cha mẹ ta cũng tròn mắt, ngạc nhiên không thốt nên lời. Chỉ có Mã nãi nãi ngồi bên mỉm cười, vẻ như sớm đã biết trước chuyện này.
Vương Hành quỳ thẳng lưng, giọng chắc như đinh đóng cột: "Vãn bối cầu xin được cưới Xuân Muội, mong người đồng ý."
Tổ mẫu ta trợn trừng mắt, không tin vào tai mình, giọng còn run: “Ngươi nói ngươi, một công tử quyền quý, muốn cưới Xuân Muội?”
“Dạ, vãn bối ngoài Xuân Muội ra, không cưới ai khác.”
Tổ mẫu lắc đầu quầy quậy: “Nó chữ còn không biết đọc!”
Vương Hành liền đáp: “Vãn bối năm loại ngũ cốc còn chẳng phân biệt được!”
Tổ mẫu vẫn từ chối: “Nó là con bé nhà quê!”
Vương Hành vội nói: “Vãn bối là kẻ không cha không mẹ!”
Tổ mẫu: “...”
Tổ mẫu ngẩn người, càng nói càng thấy hai người này quả thực là trời sinh một đôi, rất xứng hợp.
“Việc này cũng được, chỉ là đột ngột quá, ngay cả mối mai cũng chưa có—”
Tổ mẫu ngập ngừng, hai tay xoa vào nhau, như còn chưa kịp phản ứng.
Lúc này, Mã nãi nãi từ nãy đến giờ vẫn cười trộm, mặt mày hớn hở đứng dậy, nhìn tổ mẫu mà nói: “Không phải có người làm mai sẵn rồi sao? Tỷ tỷ, tỷ thấy ta làm mai được không?”
Tổ mẫu đáp: "… Ta thấy được."
Mối hôn sự này tiến triển thuận lợi và nhanh chóng hơn ta tưởng, khiến ta bất ngờ.
Ta cứ nghĩ tổ mẫu và cha sẽ còn phân vân chuyện môn đăng hộ đối chứ.
Nhưng rồi cũng hiểu ra, sau khi chứng kiến cảnh tịch biên gia sản, trải qua ôn dịch, mọi người khó khăn lắm mới thoát khỏi kiếp nạn, đã nhìn thấu mọi chuyện đời.
Cái gọi là môn đệ, sao có thể so sánh với chân tình?
Chỉ là, ta không ngờ rằng, trong lúc mấy người lớn nói đôi ba câu, họ đã bắt đầu chọn ngày lành để ta và Vương Hành thành thân rồi.
Ngoài ta và Vương Hành, chuyện hôn sự của biểu ca Chu Cần cũng đã định.
Tân nương là con gái của Lưu đại ca trong trấn, tên là Lưu Thủy Tú.
Tên thì mềm mại, nhưng tính cách lại cứng rắn. Nghe nói có lần biểu ca bị tiêu chảy, tự mình đi y quán, giữa đường đau bụng đến mức không đứng nổi.
Lúc đó, đúng lúc Lưu Thủy Tú đi ngang qua, nàng hỏi rõ sự tình, không nói một lời, liền cõng biểu ca đến tận y quán.
Biểu ca từ đó để tâm tới nàng, sau đó chỉ mua thịt nhà Lưu đại ca, viện đủ mọi lý do để tiếp cận nàng, cuối cùng dùng sự siêng năng và tấm lòng chân thật mà làm nàng cảm động.
Cô mẫu của ta đối với vị con dâu tương lai này vô cùng hài lòng: “Nữ nhân ấy à, phải mạnh mẽ một chút, nếu không thì chẳng chống đỡ nổi gia đình.”
Đang tìm cách để thân thể mình mềm mại hơn, ta bèn nghĩ thầm: "Thôi vậy, chắc ta bỏ cuộc thôi."
Vương Hành đứng bên cạnh không nhịn được cười, chàng ghé sát tai ta thì thầm: “Không sao, cứng hay mềm ta đều thích cả.”
Mặt ta lập tức đỏ bừng, liền véo vào eo chàng một cái thật mạnh.
Đúng lúc chúng ta đang bận rộn trêu đùa nhau, thì kinh thành thực sự đã đổi thay.
Khi lão Hoàng đế nhiễm phải ôn dịch, các Hoàng tử và phi tần đều không dám lại gần, chỉ có Tam Hoàng tử, người từng bị giam cầm, không quản thân mình, tóc tai rối bời, ngày đêm túc trực bên giường suốt nửa tháng trời.
Ngài nếm thuốc trước, chăm sóc như gối ấm quạt mát, lão Hoàng đế sốt cao không hạ, ngài ở trước Phật phát nguyện giảm tuổi thọ để cứu phụ hoàng. Khi lão Hoàng đế tỉnh lại, ngài ấy vui mừng đến rơi nước mắt.
Lão Hoàng đế đã gần tuổi hoa giáp, sau khi trải qua lần sinh tử này, bỗng nhiên giác ngộ.
Khi lâm triều trở lại, ông lập tức hạ chiếu lập Tam Hoàng tử, người xưa nay có tiếng hiền đức, làm Thái tử, và phong vương cho các Hoàng tử khác, bắt họ không được rời khỏi phong địa nếu không có chiếu chỉ, cũng không được tự tiện vào kinh.
Triều đình chấn động, bão tố nổi lên, nhưng lão Hoàng đế cương quyết, ba ngày sau khi lập Thái tử, ông lại tuyên cáo thiên hạ:
“Khi trẫm mới lên ngôi, đã đốt hương nguyện cầu trời đất, nếu được phù hộ thì sau hai mươi năm trị vì, trẫm sẽ nhường ngôi cho con, không dám vượt qua con số hai mươi mốt năm của Thế Tổ khai quốc. Nay trẫm xin theo ý nguyện khi xưa, xuất cung ở biệt cung, nhường ngôi cho Thái tử.”
Từ đó, lão Hoàng đế trở thành Thái thượng hoàng, một lòng hướng đạo, cầu thần, du sơn ngoạn thủy, không ai sướng bằng ông nữa.
Tam Hoàng tử lên ngôi làm tân đế, Tam Hoàng tử phi, người từng cùng ngài bị giam cầm, trở thành Hoàng hậu.
Ngày Tân hoàng đăng cơ, đúng vào thời gian thôn Đào Thủy bận rộn nhất với vụ xuân. Người trong nhà không đủ tay làm, Vương Hành, vị hôn phu của ta, đương nhiên phải đến giúp đỡ.
Cho dù y phục có quý giá, giày ngọc có khó kiếm, nhưng đến nhà nhạc phụ tương lai, chàng rể nhỏ cũng phải xuống ruộng cày cấy. Càng lấm lem bùn đất, càng thể hiện lòng thành tâm.
Nhưng mà—
“Cái này… cái cày sắt này dùng thế nào đây?”
Từ khi đính hôn, Vương Hành luôn tranh làm việc, nhưng khổ nỗi chàng từ nhỏ đã được giáo dục của gia đình quyền quý, nào có học cách làm ruộng?
Khi cầu hôn, câu “không phân biệt ngũ cốc” của chàng quả thật không sai chút nào.
Nhìn chàng cau mày, tay nắm lấy cái cày sắt, đi cũng không được, mà không đi cũng không xong, ta tức giận mà phẩy tay: “Ai chà, thật là ngốc, ngay cả đứa trẻ bảy tám tuổi cũng biết cày, mà chàng lại không học nổi.”
Vương Hành đỏ mặt, mồ hôi nhễ nhại, nhưng vẫn từ trong ngực lấy ra một chiếc khăn, ân cần lau mặt ta, “Đừng giận, ta sẽ làm được ngay thôi.”
Nhìn thấy những vết sẹo đỏ thẫm trên người chàng, ta khẽ thở dài: “Thôi bỏ đi, chàng lên bờ ngồi nghỉ đi, thầy thuốc đã nói chàng nên tĩnh dưỡng thêm vài tháng, để cơ thể hồi phục hoàn toàn. Những vết thương đó… thực sự là?”
Chàng nhạt nhẽo gật đầu: “Là gia pháp của Vương gia Thanh Châu.”
Ta giận dữ nói: “Đúng là một lũ lòng lang dạ sói! Vô tình vô nghĩa! Theo ta, cắt đứt quan hệ với họ càng sạch sẽ càng tốt!”
Vương Hành là cháu ruột của Hoàng hậu đương triều, từ khi Tân hoàng đăng cơ, Vương gia Thanh Châu, kẻ gió chiều nào theo chiều ấy, lại bắt đầu nảy lòng tham, ngầm muốn lợi dụng Vương Hành để đưa một vài người trong tộc vào triều đình.
Vương Hành kiêu ngạo, sao có thể đồng ý? Nghe nói chàng đã xé tan mấy lá thư từ Thanh Châu gửi đến.
“Yên tâm đi, ta đã không còn là người của Vương gia nữa. Sau này, nhà của ta chỉ có Trần gia, Đỗ gia và nhà ngoại của ta thôi.”
Ta thở dài trong lòng, yên tâm sao?
Ôi, không thể yên tâm được.
Vốn dĩ, ta và chàng là một cặp rất xứng đôi.
Một kẻ không biết chữ, một kẻ không biết ngũ cốc; một thôn nữ, một chàng lang bạt không nhà; một người không quyền không thế, một người không cha không mẹ.
Nhưng nay, chàng lại gián tiếp trở thành vương thúc của Tân hoàng, và còn là người thân cận nữa.
Cái hôn sự này, rốt cuộc có còn tính không đây?
Nghĩ đến đó, ta chỉ muốn ruột gan mình rối tung cả lên.
Hãy là người bình luận đầu tiên
Nguyệt Truyện hoan nghênh các tác giả, dịch giả, nhóm dịch và các fanpage đăng truyện lên website của chúng tôi. Mọi chi tiết về nhuận bút, kiếm tiền và các thỏa thuận khác vui lòng nhắn tin trực tiếp đếnfanpage Facebook Nguyệt Truyệnhoặc email nguyettruyennet@gmail.com