Hàng xóm không chịu giải tỏa, nhà tôi phát tài rồi

[5/6]: Chương 5

Ngô Lai Tài gằn giọng thở hổn hển, cả người căng lên như dây đàn:


"Mày ra lệnh cho tao à? Mày là cái thá gì chứ? Hôm nay ông mày không cho mày đi đấy, mày làm gì được tao?"


"Nói cho mày biết, không đồng ý điều kiện của tao thì mày đừng mơ rời khỏi đây nguyên vẹn!"


Tình thế đã đến mức không thể lùi. Một khi nhường đường hắn coi như mất trắng, giấc mộng đổi đời trong một đêm cũng tan thành mây khói.


"Tiểu Vương, gọi điện đi. Báo cáo là tôi đang bị đe dọa thân thể."


"Ngô Lai Tài, hôm nay tôi nhất định sẽ đi ra khỏi con đường này. Nếu anh dám động vào một ngón tay của tôi, tôi thề sẽ cho cả nhà anh vào tù bóc lịch vài năm!"


"Anh dám tấn công cán bộ nhà nước đang thi hành công vụ? Tôi nói thật, chắc mấy người các anh sống yên ổn lâu quá rồi nên quên mất pháp luật là gì đấy!"


Ông Lưu ra hiệu cho nhân viên đi cùng, rồi chỉ thẳng vào đám người nhà họ Ngô. Khí thế nghiêm nghị không cần gào lên cũng khiến người ta thấy lạnh sống lưng.


Dù gì cũng là người từng va chạm bao nhiêu sự vụ, cái thần thái ấy mấy người dân quê sao đọ nổi.


Lời vừa dứt, đã thấy mấy người trong họ hàng bên Ngô Lai Tài bắt đầu lùi ra sau. Rõ ràng, họ không hề nghi ngờ những gì ông Lưu vừa nói.


Ngô Lai Tài làm căng thế là vì muốn giành phần thịt, còn đám người theo phe hắn cùng lắm cũng chỉ mong húp được ít nước canh.


Chỉ vì muốn húp chút nước canh mà kéo cả mình vào rắc rối, có đáng không?


"Ngô Lai Tài! Đồ khốn, mày muốn tạo phản à?!" Đúng lúc ấy, một tiếng quát lớn vang lên.


Tiếp đó là cảnh trưởng thôn cưỡi chiếc xe đạp cà tàng lao như bay tới, chưa kịp bóp phanh đã đâm thẳng vào thằng con rể thứ hai của Ngô Lai Tài.



Ông ta cũng chẳng buồn quan tâm mình có đâm trúng ai không, vứt xe sang một bên rồi chạy thẳng đến rồi tung một cú đá thẳng vào mông Ngô Lai Tài.


Sao ông trưởng thôn lại xuất hiện?


Tôi còn đang ngạc nhiên thì thấy Lưu Thắng Vượng liếc sang tôi, tay làm động tác gọi điện thoại. Tôi lập tức hiểu ra, chắc lúc nãy thấy tình hình căng quá nên anh ta đã nhanh trí gọi báo cho trưởng thôn.


"Ngô Lai Tài, đồ khốn này… Mày chán sống rồi hả?! Ông Lưu là lãnh đạo cấp thành phố, mày cũng dám bao vây người ta? Mày muốn vô tù gặm cơm nguội à?!"


"Con mẹ nó, cả làng cả xóm ngày nào cũng vì nhà mày mà loạn! Muốn chec thì tự tìm sợi dây t.r.e.o c.ổ đi, đừng có ở đây gây chuyện phá làng phá xóm nữa!"


Vừa chửi, trưởng thôn vừa liên hoàn đá vào người Ngô Lai Tài như đang thi triển quyền pháp ‘vô ảnh cước’. Sáu mươi tuổi đầu rồi mà đá nhanh đến mức còn thấy cả tàn ảnh.


Không trách ông nổi, nếu thật sự có chuyện xảy ra với ông Lưu ở làng này. Ngô Lai Tài bị bắt thì chắc rồi, nhưng bản thân trưởng thôn cũng không thoát khỏi liên đới trách nhiệm.


"Mấy thằng kia cũng rảnh lắm phải không? Mày là con nhà họ Trần đúng không? Còn mày, cháu bên nhà họ Tiền tao nhớ mặt hết rồi đấy."


"Ngô Lai Tài cho mấy đứa uống nhầm nước gì mà dám hùa theo hắn chống lại lãnh đạo thành phố? Chúng mày sống chán rồi à?"


"Chờ vụ này xong, tao sẽ tới từng nhà nói chuyện với cha mẹ, ông bà của chúng mày."


"Biến hết đi cho tao! Còn lề mề nữa là tao tiễn cả lũ lên trại cải tạo nung gạch cho tỉnh người ra!"


Chửi xong Ngô Lai Tài, trưởng thôn quay sang tẩn luôn một trận mắng như tát nước vào mặt đám họ hàng nhà họ Ngô.


12.


Chớp mắt một cái, đám người vừa rồi còn hùng hổ trung thành với Ngô Lai Tài đã tan tác như chim bay thú chạy, ngay cả con trai với mấy thằng con rể nhà hắn cũng chuồn sạch.


Dù lời trưởng thôn có phần hơi quá, nhưng trong tình huống này quả thực rất hiệu quả.


"Chủ nhiệm Lưu, thật xin lỗi! Để anh bị kinh sợ rồi, anh không sao chứ?" Xử lý xong tình hình, trưởng thôn lập tức quay sang hỏi han ông Lưu với vẻ đầy quan tâm.


"Lão cáo già…" Tôi không nhịn được buột miệng chửi thầm một câu.


Trước đây lúc nghe nói giải tỏa chỉ liên quan đến mỗi nhà Ngô Lai Tài, vì chẳng dính líu lợi lộc gì nên trưởng thôn liền lặn mất tăm mà để mặc ông Lưu tự mình đối đầu với nhà đó.


Giờ thấy chuyện có khả năng lớn sảy ra thì lại sợ bị vạ lây, ông ta mới hấp tấp lao đến. Việc không liên quan thì trốn nhanh như chồn, việc liên quan thì vội tới như cháy nhà.


"Không sao, trưởng thôn đến đúng lúc lắm. Sau vụ này tôi sẽ báo cáo đầy đủ với xã về sự phối hợp tích cực của trưởng thôn trong công tác." Đối với kiểu người trơn như lươn này ông Lưu cũng chẳng có mấy thiện cảm, liền đáp lại bằng một câu vừa mỉa mai vừa khách sáo rồi quay sang chào chúng tôi để rời đi.


"Đồ trời đánh, đây chẳng phải là ức hiếp người ta sao? Nói là giải tỏa rồi lại không giải tỏa nữa!" Uông Hỷ Mai thấy tình thế đã mất, bà ta ngồi phịch xuống đất gào khóc ăn vạ.


"Quản vợ mày cho tử tế vào! Suốt ngày như mụ điên ấy, có lý cũng phải làm quá cho bằng được!" Trưởng thôn bực bội mắng một câu, rồi leo lên xe đạp chuẩn bị rời đi.


Không biết là vô tình hay cố ý, bánh xe đạp vừa hay lăn đúng lên cổ chân của Uông Hỷ Mai. Chỉ có điều, cổ chân bà ta đâu phải dạng vừa khiến bánh trước vừa chạm qua đã làm xe đạp đổ lăn quay.


"Mẹ kiếp, đúng là sao quả tạ, cả cái nhà chẳng có đứa nào ra hồn!" Trưởng thôn lầm bầm chửi, vừa lết vừa dựng xe đẩy với cái chân tập tễnh.


Về phần nhà Ngô Lai Tài, chẳng ai trong chúng tôi quan tâm nữa. Thậm chí còn thấy hả hê trong bụng.


Chúng tôi chỉ có ba ngày để dọn đi, thời gian căng như dây đàn ai mà còn rảnh để dây với hắn?


Trước tiên là phải thuê một căn nhà tạm trong thành phố. Mấy căn hộ tái định cư mà chính quyền cấp đều là nhà thô chưa sửa sang gì, không mất nửa năm thì đừng mong dọn vào ở.


Đồ đạc thì cái nào cho được thì cho, cái nào bán được thì bán. Thứ gì tiếc không nỡ bỏ thì gom lại, từng chuyến từng chuyến chở sang nhà thuê.


Vậy nên mấy nhà chúng tôi bận tối mắt tối mũi, đến ngủ còn chẳng ra giấc. 


Còn với bản tính của Ngô Lai Tài, thì tất nhiên là không chịu ngồi yên rồi. Nhà hắn không được đền bù, nên hắn cũng không muốn để chúng tôi yên ổn ra đi.


Hắn bắt đầu giở trò: đập kính, cạy khóa, ném rác ra cửa, buông lời móc méo… Hèn hạ, bẩn thỉu, thủ đoạn gì cũng lôi ra dùng.


Nhưng chúng tôi đang bận dọn nhà, chẳng hơi đâu mà đôi co.


Có điều, sức chịu đựng của con người cũng có giới hạn. Đêm đó, Ngô Lai Tài lén hắt cả xô phân chó lên cửa nhà Lý Nhị Ngưu— Đúng lúc ông này dậy đi vệ sinh bắt quả tang tại trận.


Lý Nhị Ngưu chẳng nói chẳng rằng lao lên đấm đá loạn xạ, đánh cho Ngô Lai Tài nằm sóng soài ra đất. Mặt mũi không còn nhận ra.


Tiếng động làm mấy nhà chúng tôi tỉnh giấc, vừa chạy kéo người ra vừa tranh thủ thụi thêm vài cú cho hả giận.


Còn Uông Hỷ Mai, ngoài cái mác hung dữ chứ thực chất lại là loại chỉ biết gào khóc. Lúc thực sự có chuyện thì ngoài khóc lóc ra chẳng dám làm gì khác.


Cuối cùng cũng phải gọi công an tới giải quyết.


Do Ngô Lai Tài là người gây sự trước, còn Lý Nhị Ngưu ra tay sau nên cảnh sát cũng chỉ xử lý theo hướng mâu thuẫn dân sự. Nguyên tắc là không bắt không phạt.


Ngô Lai Tài bị ăn một trận nhừ tử, tức tối đến nỗi rít lên từng tiếng nhưng chẳng làm gì được. Vừa thấy cảnh sát rời đi, hắn lại bắt đầu lải nhải chửi bới om sòm.


Kết quả? 


Đám chúng tôi vừa dọn xong một đống đồ liền quay lại, không nói không rằng đè Ngô Lai Tài sát vào tường.


13.


"Ngô Lai Tài, chúng ta làm hàng xóm mấy chục năm. Từng ấy năm ông cứ cưỡi lên đầu lên cổ chúng tôi mà sống."


"Không phải là chúng tôi sợ ông, chỉ là chẳng ai muốn mang đôi giày mới đi giẫm vào phân chó. Ngày mai tụi tôi dọn đi rồi, ông đừng có tìm cách gây chuyện nữa. Khéo lúc nào tôi phát hiện bị ung thư, sẽ tới trói ông lại rồi ném thẳng xuống ao cho cá rỉa đấy."


Tôi vừa nói vừa tát cho Ngô Lai Tài mấy cái bôm bốp vào mặt, giọng đầy sát khí.


Mãi đến lúc ấy Ngô Lai Tài mới hiểu rõ, hóa ra bao năm nay tụi tôi không phải sợ hắn mà chỉ là không muốn chuốc phiền vào người.


Dự án làm đường quả đúng như ông Lưu nói, tiến độ cực kỳ gấp rút. Chúng tôi còn chưa kịp dọn xong thì xe thi công đã lù lù kéo vào làng.


Vừa xác nhận mấy nhà đã chuyển đi, máy xúc lập tức đẩy sập tường rào.


Nhưng Ngô Lai Tài vẫn không cam lòng… Hắn không dám động vào chúng tôi nữa, bèn quay sang cản trở thi công.


Cả nhà hắn đứng chắn trước đầu xe ủi, tuyên bố hùng hồn: hoặc là dỡ nhà hắn, hoặc là cứ cán thẳng qua người đi!


Lúc tụi tôi chào tạm biệt bà con để rời làng, hiện trường giải tỏa đã có mặt cảnh sát túc trực. Riêng nhà Ngô Lai Tài thì chẳng thấy ai đâu, không rõ bị bắt hay sợ quá nên trốn biệt rồi.


Chính quyền bố trí cho năm nhà chúng tôi ở cùng một khu chung cư. Vốn là hàng xóm thân quen mấy chục năm, giờ lên thành phố sống giữa chốn xa lạ lại càng thêm gắn bó.


Sáng dậy cùng tập thể dục, trưa chơi cờ, tối tụ họp lai rai vài chén rượu ngồi tán chuyện đời. Chúng tôi đều là những người từng sống qua thời khốn khó, chẳng mưu cầu gì nhiều mà chỉ mong được an yên. Mà nay đã có được, thấy cuộc sống thật nhẹ nhõm và thong dong.


Hôm ấy, Lý Nhị Ngưu gọi chúng tôi qua nhà uống rượu. Rôm rả trò chuyện một hồi rồi lại nhắc đến quê cũ: "Đức Vượng này, đường mới bây giờ thông xe rồi. Hay tụi mình tranh thủ về quê một chuyến? Tôi lái xe chở mấy ông đi, vừa đủ năm người đúng một xe."


Từ khi chuyển lên thành phố, cậu ta liền học lái và tậu được một chiếc ô tô nhỏ. Từ đó trở đi, cứ có dịp là kéo bọn tôi đi "luyện tay lái".


"Được đấy, lâu rồi chưa về. Chúng ta ghé qua ao cá nhà Lão Du ăn bữa cá cho đã." Tôi không nghĩ ngợi gì, gật đầu cái rụp.



Bình luận (0)
Đăng ký tài khoản (5s xong)

Hãy là người bình luận đầu tiên