Mang danh tình thân

[3/5]: chương 3

May mắn là buổi phỏng vấn diễn ra suôn sẻ. Các anh chị phỏng vấn đều rất hài lòng với phần thể hiện của tôi, còn khen tôi là người chuẩn bị kỹ lưỡng nhất trong số các sinh viên tốt nghiệp năm nay.


Ngay tại chỗ, họ đã chốt luôn hợp đồng. Chỉ cần tôi vượt qua được vòng khám sức khỏe và xét duyệt hồ sơ, là có thể chính thức đi làm.


Thấy sắc mặt tôi tái nhợt, chị HR còn hỏi tôi có phải đang khó chịu trong người không.

Cuối cùng chị ấy còn dặn đi dặn lại: “Công ty bên chị yêu cầu kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi nhận việc. Lịch khám sẽ được sắp xếp theo đợt, nếu lỡ hẹn thì sẽ bị coi là từ bỏ.”


Tôi lập tức gật đầu và cam đoan: “Không vấn đề gì ạ, hôm khám em chắc chắn sẽ có mặt đúng giờ.”


7.


Phỏng vấn xong trở về, tôi quăng người lên giường và ngủ một mạch đến khi trời tối. Lúc tỉnh dậy, thì nhìn thấy mẹ đang cầm hợp đồng nhận việc của tôi lên xem.


Tim tôi như thắt lại, vội lao tới giật lại rồi nhét thẳng vào ngăn kéo khóa kỹ.


Nhìn thấy tôi đề phòng như vậy, bà giận đến nỗi suýt nghẹn: “Con làm cái gì vậy hả? Mẹ chỉ xem qua một chút chứ có đụng chạm gì đâu!”


Tôi mệt mỏi nhìn bà, trong mắt viết rõ chữ hai chữ ‘không tin’.


Bà sầm mặt, khó chịu ra mặt:


“Hừ, đúng là không biết người ta lo cho mình. Không hiểu công ty đó trúng tà gì mà lại chọn con nữa.”


“Không chừng đây là công ty ma đấy, tuyển sinh viên mới vào bóc lột không công rồi bỏ!”


Với bất kỳ quyết định nào của tôi, mẹ đều phản đối bất kể là đúng hay sai. Lý do đưa ra thì luôn vừa vô lý vừa buồn cười:


“Con còn nhỏ, đâu biết xã hội hiểm ác thế nào.”


“Con thì biết gì, tuổi này bị lừa cũng không nhận ra đâu.”


Mục đích chỉ có một, đó là bắt tôi phải nghe lời bà.


Bà gõ gõ lên ngăn kéo, rồi lại buông ra những câu kinh điển dùng để chê cười và lừa gạt con gái:


“Mẹ làm vậy là vì con thôi. Mẹ đã nhờ cậu con tìm cho con một công việc mới rồi.”


“Chỗ này thì đừng đi nữa, nhìn đã thấy không phải công ty đàng hoàng gì.”


Cậu tôi làm chủ thầu xây dựng, nên quen biết rất nhiều người trong ‘giới’ ăn nhậu.


Kiếp trước, công việc cậu ấy giới thiệu cho tôi là đi làm ‘công chúa’ ở một tụ điểm ăn chơi có tiếng, với lý do lương cao mà công việc nhẹ nhàng.


Tôi vẫn còn nhớ như in cái giọng đầy hâm mộ của cậu khi đó:


“Chỗ này ngon lành mà, mỗi tối chỉ phải làm vài tiếng hát hát hò hò. Rồi uống chút rượu là xong, một đêm thôi mà kiếm được vài nghìn tệ!”


“So với việc cậu làm quần quật cả tháng còn chẳng bằng!”


Tôi tức đến phát điên, mà hỏi ngược lại sao không giới thiệu em họ vào làm ở chỗ này.


Cậu của tôi nghe vậy thì trừng mắt quát lên: “Làm sao được? Ngại muốn chết, con bé còn đang ôn thi công chức kia kìa!”


Đấy, cái người được mẹ tôi hết lời ca ngợi là ‘vì con lo cho con’ chính là như thế đấy. Cái gọi là ‘công việc chính đáng và kiếm nhiều tiền’ của bà, chính là như vậy.


Kiếp này, tôi cạch mặt cậu và đám họ hàng kỳ dị kia. Chỉ cần nghe thêm một câu từ họ, tôi thấy bản thân như sắp nổ tung đến nơi.


Mẹ tôi vẫn tiếp tục lải nhải, hết khuyên nhủ rồi lại mắng. Bà còn bảo tôi ‘đừng không biết điều’.


Tôi bực mình nên lôi tai nghe ra nhét chặt vào tai, rồi bật nhạc lớn hết mức. Cuối cùng, thế giới bên ngoài cũng yên tĩnh lại.


8.


Tôi tưởng mẹ tôi đã từ bỏ ý định ép tôi đổi việc, nào ngờ tôi vẫn đánh giá quá thấp mức độ bệnh hoạn của bà.


Trước ngày khám sức khỏe, mẹ giả vờ thản nhiên hỏi quan tâm: “Mai con đi bệnh viện khám à? Có muốn ăn món gì không?”


Tôi lập tức cảnh giác mà trả lời: “Tối nay sau 10 giờ không được ăn uống gì hết, bác sĩ dặn rồi ạ.”


Mẹ tôi chỉ “ồ” một tiếng rồi không nói thêm gì nữa.


Tới bữa tối, bà nấu một mâm cơm rất thịnh soạn… Có món cá kho mà tôi thích, còn hầm cả một nồi canh sườn thơm ngào ngạt.


Tôi uống canh sườn mà lòng bắt đầu lung lay: chẳng lẽ mẹ thực sự thay đổi rồi? Bà ấy đã biết nghĩ cho tôi rồi sao?


Mười giờ tối. Tôi nhìn đồng hồ và cố gắng nghiêm túc tuân thủ lời dặn của bác sĩ, không ăn không uống thêm bất kỳ thứ gì.


Nhưng đến tầm mười một giờ đêm, bụng tôi bắt đầu đau quặn. Ban đầu chỉ là kiểu đau nhói như bị co thắt, tôi tưởng bụng dạ có vấn đề nên lò dò vào nhà vệ sinh ngồi một lúc.


Nhưng càng lúc càng đau dữ dội, chưa kể da tôi bắt đầu nổi mẩn đỏ.


Vừa đau vừa ngứa, mặt tôi cũng bắt đầu sưng vù lên. Cả người ngứa ngáy, khó chịu đến mức lăn lộn trên sàn.


Đau bụng, nổi ban, phù nề… Cảm giác quen thuộc ập đến khiến tôi bừng tỉnh. Tôi gắng gượng bò dậy, loạng choạng chạy vào bếp và lao đến lục tung thùng rác.


Quả nhiên, mấy vỏ trứng vỡ nát nằm yên lặng dưới đáy thùng rác.


Một làn mùi tanh nồng của trứng xộc thẳng lên mũi khiến mắt tôi bắt đầu mờ đi, và tôi ngã vật xuống sàn hoàn toàn mất ý thức.


9.


Lần nữa tỉnh lại, trước mắt tôi là căn phòng bệnh quen thuộc và mùi thuốc sát trùng nồng nặc khiến người ta buồn nôn.


Tôi đang nằm trên giường bệnh, kim truyền cắm trên tay vẫn còn chưa rút.


Nhìn ra ngoài cửa sổ thấy trời vẫn chưa sáng hẳn. Tim tôi giật thót, vội quay sang hỏi người bệnh nằm giường bên cạnh: “Bác ơi, bây giờ là mấy giờ rồi ạ?”


Một bác trai liếc nhìn điện thoại rồi đáp: “Mới 7 giờ sáng thôi, cô bé.”


Mới 7 giờ. May quá còn kịp, vì lịch tập trung khám sức khỏe là 10 giờ sáng… Tôi vẫn còn thời gian để đi tới đó.


Tôi định rút kim truyền ra để lao ngay đến công ty.


Đúng lúc đó, y tá bước vào tiêm thuốc cho bệnh nhân giường bên và đang đọc thông tin xác nhận: “Ngày 24 tháng 8 năm 2024, Trương Thục Phân, nữ, viêm dạ dày…”


Tôi không nghe rõ phần sau, chỉ chậm rãi ngẩng đầu lên. Ánh mắt như bị điểm huyệt, nhìn chằm chằm vào tấm thẻ thông tin trên tay cô y tá, lẩm bẩm như mất hồn: “Hôm nay là… ngày bao nhiêu ạ?”


Cô y tá liếc tôi một cái, rồi nhẹ nhàng đáp lại: “Ngày 24. Có chuyện gì vậy?”


Tôi như bị rút cạn hết sức lực, nước mắt trào ra không kiểm soát nổi. Buổi khám sức khỏe là vào ngày 23, còn hôm nay đã là 24… Vậy là tôi đã hôn mê tròn một ngày hai đêm.


Tôi vội lục tìm điện thoại, vừa mở máy lên đã thấy hàng loạt cuộc gọi nhỡ.


Chị HR gọi cho tôi rất nhiều lần, sau đó nhắn tin sang: “Xin lỗi cô Lâm, do cô vắng mặt trong buổi khám sức khỏe nên chúng tôi buộc phải hủy tư cách trúng tuyển. Chúc cô sớm tìm được công việc phù hợp.”


Tôi vội vàng nhắn lại giải thích, nhưng chỉ thấy một dấu chấm than đỏ rực hiện lên trên màn hình.


Chị HR đã chặn tôi.


Tôi gọi điện cho mẹ, giữa phòng bệnh có gần chục con người. Tôi không thèm giữ hình tượng nữa mà gào lên giận dữ:


“Tại sao mẹ lại phá hoại công việc của con?!”


“Nếu mẹ muốn con chec thì cứ nói thẳng ra đi, mẹ rốt cuộc có phải mẹ ruột của con không vậy?!”


Đầu dây bên kia, mẹ tôi lúc đầu còn ấp úng chống chế: “Ai da… mẹ quên mất là con dị ứng trứng. Mẹ đâu có cố ý…”


Nhưng sau khi tôi lạnh lùng lột trần lớp vỏ đạo đức giả của bà, giọng bà lập tức trở nên gay gắt và lớn tiếng quát ngược lại: “Con yếu ớt thì đừng đổ lỗi cho mẹ! Kêu uống sữa thì không chịu uống, bệnh là do con tự rước vào người thì trách ai được hả?!”


10.


Tôi không biết mình đã trở về nhà bằng cách nào.


Mẹ tôi lại dùng chính những thủ đoạn cũ, khiến tôi ngã đúng cùng một chỗ đến hai lần.


Tôi không hiểu, tại sao bà lại không chịu nổi khi thấy tôi sống tốt? Như thể tôi chỉ có thể sống dở chết dở, để bà có thể đứng trên cao mà mang danh người ‘cứu rỗi’ rồi chỉ trỏ mà kiểm soát từng li từng tí.


Tôi cần một lời giải thích từ bà.


Vừa rút chìa khóa định mở cửa, tôi nghe thấy giọng mẹ đang nói chuyện điện thoại từ trong nhà vang ra. Không hiểu sao tôi chợt khựng lại, đứng yên ngoài cửa và lắng nghe xem bà đang nói gì.


Sau cánh cửa, giọng mẹ tôi vang lên đầy vui vẻ:


“Con chị đẻ ra, chị lại không hiểu được nó chắc?”


“Nó mà không đi khám được thì công việc thế nào chẳng mất, đợi lát nữa chị sẽ khuyên nó tìm đến chỗ của em.”


“Đúng rồi đúng rồi, con gái thì phải tranh thủ lúc còn trẻ mà kiếm thật nhiều tiền. Chứ già rồi thì ai mà thèm để ý nữa, có chỗ làm vừa nhàn hạ lại lương tận mấy nghìn một ngày.”


“Đúng là không biết suy nghĩ mà!”


Đứng ngoài cửa, tôi siết chặt nắm tay. Không dám tin người đang nói bên trong kia lại chính là mẹ ruột của mình.


Người mẹ nào lại bắt con gái đi làm tiếp rượu? Người mẹ nào lại phá hoại công việc của con, thậm chí còn cố tình làm tổn hại đến sức khỏe của nó cơ chứ?


Đó không phải là mẹ ruột, đó là… một kẻ bệnh hoạn!


11.


Tối hôm đó, mẹ tôi như thường lệ vẫn chuẩn bị một bữa tối thịnh soạn. Tôi không buồn để ý sắc mặt bà, vừa ăn đồ ăn ngoài vừa lướt điện thoại.


Nhịn được một lúc, bà cuối cùng cũng không chịu nổi mà bật dậy nói to: “Con làm vậy là có ý gì?”


Tôi không thèm ngẩng đầu lên: “Không có ý gì cả. Chỉ là sau này, cơm mẹ nấu con không dám ăn nữa.”


Nói rồi tôi cười nhạt một cái: “Lỡ đâu mẹ lại bỏ trứng vào thì sao?”


Lúc này bố tôi không thể giả vờ câm điếc được nữa, ông đặt mạnh bát xuống rồi trừng mắt nhìn tôi: “Nhạc Nhạc, mau xin lỗi mẹ con ngay.”


Bình luận (0)
Đăng ký tài khoản (5s xong)

Hãy là người bình luận đầu tiên