1.
Ta vốn là một kẻ câm, từ khi sinh ra đã chưa từng mở miệng nói được một lời.
Trước khi sinh ta, cha mẹ đã có hai đứa con gái, nên cha lúc nào cũng khát khao có một đứa con trai. Thế nhưng, khi ta và đệ đệ song sinh cùng ra đời, cha vừa mừng vừa buồn phiền vì lại có thêm một đứa con gái.
Thấy ta không phải con trai, cha nhăn mày cau mặt, phất tay ra hiệu bảo đại tỷ bế ta đi chỗ khác. Nhà không giàu có, cha đã nhiều lần định bỏ rơi ta, nhưng đều bị mẹ ngăn lại.
Đến năm ta lên năm, vẫn chưa từng nói một lời, lúc ấy cha mẹ mới phát hiện ta là một đứa câm. Từ đó, ngay cả mẹ cũng không còn tha thiết bảo vệ ta nữa.
Trong mắt cha, ta là một gánh nặng. Từ khi hiểu chuyện, ta chỉ biết cố gắng làm nhiều việc, ăn ít đi để tránh bị cha quát mắng.
Đến năm ta mười lăm, phú hộ Diệp gia đi khắp thành tìm kiếm nữ nhân hợp bát tự để cưới làm lễ xung hỷ cho Nhị thiếu gia sắp chết. Nhưng ai cũng biết Diệp Nhị thiếu gia chỉ còn sống được vài ngày nữa, hơn nữa phong tục ch//ôn người ch//ết theo còn rất phổ biến trong những gia đình giàu có, nên việc này không khác gì đưa con gái mình vào cửa tử.
Nhưng Diệp gia hào phóng vô cùng, khiến nhiều nhà lén lút đưa bát tự con gái mình đến thử vận may. Cha ta cũng không ngoại lệ.
Cha ta là nông dân quanh năm cày cấy, chưa từng nhìn thấy số bạc lớn như vậy. Một đứa con gái ông chẳng ưa đổi lại nhiều bạc đến thế, quả là đáng giá!
Đại tỷ đã lấy chồng, nhị tỷ biết nói, biết làm việc, giỏi lấy lòng cha hơn ta. Vì thế, khi nghe tin Diệp gia cần một cô nương hợp tuổi, cha đã không ngần ngại đưa bát tự của ta đi nộp.
Trùng hợp thay, bát tự của ta và Nhị thiếu gia lại hoàn toàn phù hợp với nhau.
Diệp Nhị thiếu gia bệnh tình nguy kịch, Diệp gia nhanh chóng đến bàn chuyện hôn sự với cha ta. Họ làm mọi thủ tục đầy đủ, từ mai mối, lễ vật dồi dào cho đến hôn thư. Thậm chí còn muốn rước ta bằng kiệu tám người khiêng.
Yêu cầu duy nhất là ta phải xuất giá trong vòng ba ngày!
Người nhà quê nào đã thấy qua cảnh tượng như vậy, cha ta phấn khởi ưỡn ngực, vui vẻ đồng ý ngay.
Ngày xuất giá, lần đầu tiên cha nói với ta bằng giọng điệu dịu dàng:
“Tam nha đầu, cha nuôi con từ nhỏ đến bây giờ rồi, hôm nay đã gả vào nhà họ Diệp, sau này phải chăm sóc phu quân, hiếu thuận với cha mẹ chồng, nghe chưa?”
“Không có chuyện gì thì đừng về nữa!”
Nghe lời cha nói nhỏ, ta chỉ ngồi im trong kiệu hoa, cúi đầu không đáp.
Nhị tỷ đứng bên cạnh, có chút thương xót, nhân lúc cha không chú ý liền lén đưa cho ta một gói giấy dầu.
Trên đường đi, ta mở ra nhìn, bên trong là chiếc bánh xốp nhị tỷ yêu thích. Bánh đã vỡ vụn thành nhiều mảnh, nhưng vẫn còn chút hơi ấm. Không biết tỷ ấy phải cất bao lâu để không bị cha phát hiện.
Ta biết, nhị tỷ sợ ta oán trách.
Nhưng đối diện với sinh tử, ai mà chẳng sợ chứ?
2.
Vì muốn cho ta được chút thể diện, Diệp gia bày đèn kết hoa tưng bừng náo nhiệt. Nghe nói Diệp Nhị thiếu gia, Diệp Tĩnh Chi bệnh tình quá nặng, không thể tự đứng dậy, vì thế Diệp đại thiếu gia, huynh trưởng của chàng, thay mặt bái đường cùng ta.
Thật tốt, ít ra họ không dùng con gà trống thế lễ.
Bái đường xong, ta được dìu vào phòng tân hôn. Lúc bước qua sân, ta lén vén khăn trùm, thoáng liếc ra ngoài. Trước cửa phòng được phủ kín lụa đỏ kia, có đặt một cỗ quan tài lớn.
Ta sững người, nhẹ nhàng thở dài. Xem ra lời đồn quả không sai, chiếc quan tài kia thực sự đủ rộng cho hai người nằm.
Khi bước vào phòng tân hôn, ta được dìu đến ngồi bên giường. Người hầu trong phòng đồng loạt cúi đầu kính cẩn về phía sau ta.
“Nhị thiếu gia!”
Ta khẽ nghiêng đầu. Tiếng thở phía sau yếu ớt, nhưng ta vẫn cảm nhận được chàng đang cố gắng ngồi dậy.
“Khụ… khụ... Các ngươi ra ngoài cả đi!”
Cửa phòng đóng lại, không gian bỗng chốc chìm vào tĩnh lặng. Khăn trùm bị gỡ xuống, một gương mặt tái nhợt nhưng ôn hòa hiện ra trước mắt ta.
Ta ngẩn người. Còn chưa kịp phản ứng, chàng đã đưa cho ta một túi bạc bên cạnh gối.
“Cô nương... khụ khụ... cưới nàng vốn không phải ý của ta, ta không muốn... không muốn vì ta mà liên lụy đến một người vô tội nào cả. Nàng... khụ khụ... hãy cầm lấy số bạc này mà mau rời đi!”
“Ta... ta đã sắp xếp người ở cửa sau chờ sẵn…”
Ta vẫn không nhúc nhích, chỉ im lặng nhìn chàng.
“Cô nương?”
Ta hồi thần, lắc đầu đáp lại. Chàng có vẻ lo lắng, còn chưa kịp nói thêm thì đã ho sù sụ. Ta nhanh chóng đỡ lấy chàng, nhẹ nhàng giúp chàng vuốt ngực.
Một ngụm m//áu tươi trào ra từ miệng chàng. Ta hốt hoảng đứng lên định gọi người, nhưng chàng vội túm lấy góc áo ta.
“Ta không sao, đừng gọi ai đến... có thể giúp ta… rót một chén nước không?”
Uống nước xong, dường như chàng đã lấy lại chút sức, áy náy nở một nụ cười yếu ớt với ta.
“Khiến nàng chê cười rồi, thân thể ta, ta tự biết rõ, vốn chẳng nên làm khổ một cô nương vô tội. Thật không ngờ phụ mẫu ta lại cố chấp đến thế, ta thay họ xin lỗi nàng.”
“Nàng yên tâm, hôm nay nàng rời đi, mọi việc ta đều sẽ lo liệu ổn thỏa, quyết không liên lụy đến nàng và gia đình nàng.”
Ta vẫn lắc đầu, tự tay đỡ chàng nằm xuống, nhẹ nhàng chỉnh lại chăn.
Chàng có chút ngỡ ngàng, chỉ vào cổ họng ta mà hỏi:
“Nàng... nàng không thể nói sao?”
Ta gật đầu, rồi dưới ánh mắt ngạc nhiên của chàng, đứng lên đi về phía bình phong.
Rửa mặt qua loa bằng nước trong phòng, ta tắt đèn, nằm xuống chiếc tràng kỷ cạnh cửa sổ.
Chàng cũng không nói gì thêm. Trong bóng tối, chỉ còn lại tiếng thở của hai người chúng ta.
Nhưng ta ôm bụng, trằn trọc mãi không sao ngủ được. Từ sáng đến giờ, ngoài miếng bánh mà nhị tỷ dúi cho, ta chưa ăn gì cả. Thật sự là đói lắm…
Ta nhắm mắt, cố ngủ để quên cơn đói đi.
Một lúc sau, ta nghe thấy một tiếng động vang lên khe khẽ, hình như Diệp Tĩnh Chi muốn xuống giường.
Chàng cần đi vệ sinh sao? Ta có nên dậy hầu hạ chàng không?
Đang nghĩ ngợi, bên cạnh ta bỗng vang lên tiếng đặt đồ vật.
Ta mở mắt, thấy một bóng người quay về giường. Ta sờ thử, là một đĩa bánh ngọt.
Do dự một hồi, ta nhón lấy một miếng, cắn thử. Vị ngọt dịu, mềm mịn, ngon hơn bất cứ món gì ta từng được nếm.
Giàu có quả là tốt đẹp.
Ta vội vàng ăn hết cả đĩa bánh, thấy Diệp Tĩnh Chi không có động tĩnh gì nên lại quay về tràng kỷ.
Chàng hẳn là ngủ rồi.
Ta vừa định nhắm mắt thì nghe chàng khẽ thở dài.
“Nàng đã không muốn rời đi, vậy thì cứ như thế cũng được, xem như ta tham lam đi! Chỉ cần ta còn sống một ngày, sẽ bảo vệ nàng một ngày. Dù không lâu nữa ta sẽ thật sự ch//ết đi, cũng sẽ lo liệu cho nàng chu toàn, quyết không liên lụy đến nàng.”
“Chàng nhát định sẽ sống thọ trăm tuổi!”
Giọng ta bất giác bật ra.
“Gì cơ?”
Chàng kinh ngạc, đỡ người ngồi dậy.
“Cô nương, vừa rồi nàng… nói chuyện sao?”
Phòng vẫn lặng ngắt như tờ, không một tiếng trả lời.
Một lúc lâu sau, chàng chậm rãi nằm xuống.
Ta đưa tay sờ cổ họng mình, nhắm mắt lại.
Diệp Tĩnh Chi, chàng sẽ thọ trăm tuổi.
Lần đầu tiên, ta nảy sinh một chút tư tâm.
Không ai biết rằng ta không phải không biết nói, mà là không thể nói. Vì chỉ cần ta mở miệng cầu nguyện, nguyện ước ấy tất sẽ thành hiện thực.
Nhưng để đổi lấy điều ấy, cái giá phải trả vô cùng đắt.
Ta từ nhỏ đã lạnh nhạt với nhân tình, không ai từng quan tâm đến mong ước hay cảm xúc của ta. Vì thế, dù cha mẹ có hà khắc thế nào, lòng ta cũng chẳng hề gợn sóng.
Khi biết rằng gả vào Diệp gia là có thể trả ơn dưỡng dục của cha, ta đã không chút do dự mà đồng ý.
Sống ch//ết với ta, chỉ là duyên phận mà thôi.
Nhưng giờ đây, ta bỗng thấy rằng, được làm thê tử của Diệp Tĩnh Chi, dường như cũng không tệ.
3.
Hôm sau, ta thức dậy rất sớm, Diệp Tĩnh Chi nghe tiếng động liền mở mắt nhìn ta.
“Có thể đỡ ta ngồi dậy được không?”
Ngoài cửa, mấy nha hoàn nghe thấy động tĩnh liền gõ cửa, mang theo nước vào phòng. Thấy Nhị thiếu gia đã ngồi dậy bên giường, vẻ mặt họ thoáng hiện nét kinh ngạc.
Rửa mặt xong, ta chuẩn bị ra ngoài hành lễ với lão gia, phu nhân, nhưng từ sau lưng đã nghe tiếng gọi.
“Tri Thu, ta đi cùng nàng!”
Tri Thu!
Chàng vậy mà biết được tên của ta!
Nhờ phúc của đệ đệ, ta không giống như đại tỷ và nhị tỷ bị gọi là Tiểu Xuân hay Nhị Hoa, mà được đặt tên là Cố Tri Thu.
Cha ta vì muốn đệ đệ có tên tốt, đã bỏ tiền mời một vị tú tài trong trấn đặt cho đệ ấy cái tên Cố Ngôn Lễ. Có lẽ vì biết ta và đệ đệ là song sinh, nên tiện tay thêm hai chữ Tri Thu cho ta.
Vậy nên, ta mới có tên là Cố Tri Thu.
Hẳn là chàng đã xem qua tờ sinh thần bát tự của ta.
Trong lòng ta nghĩ vậy, nhưng vì đứng yên một lúc không động, chàng đành phải gọi tiểu tư ngoài cửa vào giúp mình xuống giường. Thấy vậy, ta đành bất đắc dĩ bước tới đỡ chàng.
Dọc đường, gia nhân trong nhà ai nấy đều ngạc nhiên khi thấy chúng ta đi cùng nhau. Cảm giác ngạc nhiên đó kéo dài mãi đến khi chúng ta bước vào viện của lão gia và phu nhân.
Phu nhân vốn là tiểu thư của gia đình quyền quý, khi gả vào Diệp gia, cuộc sống hết sức suôn sẻ, được yêu thương hết mực, cho đến khi sinh ra một đứa con trai ốm yếu.
Đời người nào ai được vẹn toàn, cả đời bà đã rơi bao giọt lệ vì đứa con có thể rời bỏ mình bất cứ lúc nào.
Chưa kịp vào cửa, một phụ nhân trung niên dung mạo xinh đẹp đã vội vã bước tới, lo lắng nhìn Diệp Tĩnh Chi.
“Tĩnh Chi, chẳng phải ta đã dặn con ở trong phòng nghỉ ngơi sao, sao lại ra đây?”
Diệp Tĩnh Chi khẽ mỉm cười, nắm tay ta, cúi mình hành lễ với phụ nhân và nam nhân trung niên phía sau bà.
“Mẹ đừng lo, con đã thấy khỏe hơn nhiều, khiến phụ mẫu phải bận lòng rồi!”
“Tri Thu, đây là cha và mẹ ta!”
Ta chợt bừng tỉnh, vội vàng hành lễ trước lão gia, phu nhân.
Phu nhân lúc này mới hoàn hồn, xúc động nắm chặt lấy tay ta.
“Đứa trẻ ngoan!”
“Rước con vào nhà thật là đúng đắn, Tĩnh Chi còn có thể xuống giường được rồi!”
Chưa từng có ai đối xử với ta nhiệt tình như thế, ta nhất thời hơi bối rối.
“Phu nhân!”
Lão gia lên tiếng ngắt lời bà ấy, trong giọng có chút bất đắc dĩ.
“Phải rồi, phải rồi, lễ ra mắt, ta suýt quên mất!”
Phu nhân vội quay người lấy chiếc hộp phía sau, trao cho ta.
“Tri Thu, đây là chiếc vòng ngọc mà mẹ chồng ta tặng khi ta mới về nhà, nay ta trao lại cho con!”
Ta nhìn sang Diệp Tĩnh Chi bên cạnh, chàng nhẹ gật đầu với ta. Ta liền đón lấy rồi hành lễ cảm tạ.
Ngay sau đó, lão gia cũng trao cho ta một hộp gỗ.
“Đây là mấy cửa hiệu ở phía nam thành, chỉ cần con sống tốt với Tĩnh Chi, Diệp gia sẽ không để con chịu thiệt thòi!”
Lễ vật này quá lớn, ta ngần ngại không dám nhận, Diệp Tĩnh Chi đứng bên cạnh bèn đưa tay nhận thay ta.
“Vậy con xin thay mặt Tri Thu cảm tạ cha mẹ!”
Ta lập tức cúi người hành lễ theo. Lão gia gật đầu với ta, rồi nhìn sang Diệp Tĩnh Chi, vẻ mặt vui mừng không giấu được.
“Ngồi xuống dùng bữa đã nào.”
“Các cửa hiệu ở Giang Nam xảy ra chút chuyện, đại ca của con sáng sớm đã lên đường đi giải quyết rồi.”
“Đợi nó trở về sẽ đến gặp các con, nếu nó biết thân thể con có chuyển biến tốt như vậy, hẳn là sẽ vui lắm.”
Hãy là người bình luận đầu tiên
Nơi bạn có thể đọc các thể loại truyện chữ yêu thích, bạn có thể tự do đăng tải những tác phẩm của chính mình, hoặc bản dịch của nhóm. Hãy đăng ký tài khoản ngay hôm nay.