Sau khi mua nhà, tôi nhìn rõ bộ mặt của gia đình.

[4/5]: Chương 4

Tôi từng đọc được một đoạn văn trên mạng, và vẫn nhớ rất rõ:


"Tình yêu của cha mẹ kiểu Trung Quốc luôn vừa vặn, nó không đủ nhiều để khiến con cái lớn lên khỏe mạnh và hạnh phúc, cũng không quá ít để khiến chúng dứt khoát từ bỏ. Chỉ đủ để con cái vừa oán trách nhưng cũng vừa xót xa trong vô số đêm dài, con biết rõ là họ có yêu mình nhưng cũng không thể phủ nhận họ từng làm tổn thương mình. Và thế là hai chữ 'áy náy' nằm đó, chính giữa mọi thứ để cân bằng tất cả... vừa đủ để khiến ta đau lòng cả đời."


Lúc đọc đến đó, tôi không biết mình bị tác động bởi điều gì mà chỉ biết tay run lên. Đôi mắt lập tức lướt nhanh qua và không dám đọc tiếp.


Vậy mà từng chữ, từng câu... đến nay tôi vẫn nhớ như in.


Chồng ôm lấy tôi, giọng nhẹ nhàng nhưng kiên định: "Vợ à, em đừng nghĩ nữa! Em còn có anh cùng con gái, bọn anh sẽ luôn ở bên em không rời đi đâu cả. Đừng buồn nữa... được không?"


Tôi ngã bệnh nặng sau ngày hôm đó, nằm liệt giường nhiều ngày. Chồng và con gái thay phiên nhau chăm sóc tôi, không rời nửa bước.


Đến ngày tôi khỏi bệnh, cũng là lúc tôi thật sự buông bỏ mọi thứ.


7.


Một tuần sau, là đến sinh nhật tôi.


Vì những chuyện xảy ra trước đó, năm nay cả nhà tôi quyết định sẽ tổ chức sinh nhật thật linh đình và không để bản thân chịu thiệt nữa. Thế là tôi và chồng xin nghỉ một tuần phép, đưa con gái đến đảo du lịch vài ngày coi như tự thưởng cho chính mình.


Trong suốt chuyến đi, tôi bật chế độ "không làm phiền" với số của bố mẹ và tận hưởng một sinh nhật trọn vẹn đầu tiên sau nhiều năm trời.


Ngày cuối cùng của chuyến du lịch, tôi nhận được cuộc gọi từ em trai. 


"Chị! Chị đang làm gì đấy, sao không nghe điện thoại của bố mẹ hả?!" Giọng em trai tôi vang lên hốt hoảng ngay khi tôi vừa bắt máy.


Tôi giữ bình tĩnh, giọng điềm đạm: "Có việc gì thế?"


"Mẹ bị ngã gãy chân rồi giờ đứng cũng không nổi, chị mau về đi!" Giọng của nó trở lên gấp gáp không giấu nổi hoảng loạn.


Tôi khẽ nắm điện thoại, quay sang con gái và dịu dàng mỉm cười trấn an nó. Rồi quay lại nói vào điện thoại: "Bị ngã khi nào? Đã đưa đến bệnh viện chưa?"


"Vừa lúc ăn tối thôi giờ đang nằm viện rồi, bác sĩ bảo bị gãy xương và phải nằm điều trị. Chị đừng hỏi đông hỏi tây nữa, mau về đi! Gọi điện cả đêm không ai bắt máy là sao chứ?!" Giọng em trai bắt đầu mang theo oán trách.


Tôi không dài dòng, chỉ nói thẳng: "Bọn chị không ở nhà. Tuần này anh chị đưa Tiểu Thanh đi chơi ở ngoài đảo, giờ không về được."


"Đi ra ngoài đảo?!" Em tôi sững sờ, rồi lập tức cất cao giọng: "Chị bị làm sao thế? Đang yên đang lành chị kéo cả nhà đi xa vậy làm gì, mẹ đang nằm viện mà chị còn lòng dạ nào mà vui chơi à? Mau đặt vé về ngay đi!"


Tôi nhắm mắt lại, giọng bình thản: "Sinh nhật chị."


Đầu dây bên kia im lặng như bị ai đó bóp nghẹn. Tôi khẽ bật cười, tiếng cười không mang chút vui vẻ nào.


Năm nào đến sinh nhật, tôi cũng phải tự nhắc trước vài ngày trong nhóm chat gia đình. Để đến hôm đó được ‘bất ngờ’ nhận những lời chúc và quà tặng từ bố mẹ và em trai.


Mà thực ra, đó chẳng phải một kiểu né tránh sao? Vì tôi nhớ rõ hồi nhỏ, mẹ chưa từng coi trọng sinh nhật tôi là gì.


Em trai tôi trước đây còn hay nhớ, thỉnh thoảng nó sẽ mua bánh sinh nhật cho tôi và gửi lời chúc. Nhưng mấy năm nay, điều đó cũng không còn nữa.


Năm nay, tôi không nhắc ai cả. Và như dự đoán, không ai nhớ nổi tuần này là sinh nhật tôi.


"Ngày mai chị sẽ về." Tôi nói dứt khoát, rồi cúp máy.


---


Hôm sau, sau khi đưa con gái về nhà ổn thỏa tôi liền một mình đến bệnh viện.


Mẹ nằm trên giường bệnh, một chân bó bột. Sắc mặt bà có vẻ ổn không đến mức quá nghiêm trọng.


Tôi nhìn mà khẽ thở phào.


Em trai tôi là Trần Hiểu, đang ngồi cạnh bên gọt táo. Thấy tôi vào mẹ có vẻ hơi ngượng, ánh mắt lấp lửng: "Hiên Hiên à, mẹ xin lỗi nhé! Mấy ngày nay mẹ ngã gãy chân, nên cả nhà lu bu quá mà quên mất sinh nhật con. Để mai mốt mẹ khỏe rồi, mẹ bù lại cho con nhé."


Tôi mỉm cười, không nói gì.


Sinh nhật tôi là vào ba ngày trước. Bà ngã chân là tối qua, vậy thì cái gọi là ‘lu bu quá quên mất’… là bận cái gì?


Mẹ thấy tôi không nói năng gì nên đoán là tôi không định truy cứu, bèn quay sang em trai tôi rồi nói: "Hiểu à, con về nhà nghỉ đi. Có chị con ở đây là được rồi."


Trần Hiểu “ừm” một tiếng, đứng dậy chuẩn bị rời đi.


Tôi nhìn em trai, liền giọng lạnh mà dứt khoát: "Khoan đã. Trần Hiểu, em ngồi xuống đã. Mấy hôm tới mẹ sẽ cần em chăm sóc."


Em trai tôi ngơ ngác gãi đầu: "Gì vậy chị?"


"Chị đã xin nghỉ một tuần, công việc bây giờ đang chất đống rồi phải quay lại xử lý gấp. Mấy hôm tới để em ở lại chăm mẹ đi, đợi mẹ mổ xong thì chị sẽ về thay ca."


Tôi nói với giọng bình thản không chút do dự. Trần Hiểu nghe xong thì không phản đối gì, mà lập tức gật đầu đồng ý. Nhưng mẹ tôi thì không, bà như bị chọc trúng dây thần kinh liền lập tức bật dậy mà hoảng hốt nói: "Ôi trời… Hiên Hiên à! Không thể để em con ở lại được, nó còn phải đi làm mà!"


Tôi quay sang nhìn mẹ, ánh mắt không dao động: "Mẹ, chẳng lẽ con thì không phải đi làm à? Con đã nói rồi, con cũng có rất nhiều việc phải xử lý. Mẹ mổ xong thì con sẽ về chăm."


Mẹ thở dài một hơi, giọng mềm mỏng như đang khuyên bảo: "Hiên Hiên à, con phải nghe lời mẹ. Em con còn phải lo cho gia đình, đàn ông mà… Sự nghiệp là quan trọng nhất, việc làm không thể gián đoạn được. Một bên vừa đi làm rồi một bên còn phải chăm mẹ, tội nghiệp quá! Con mấy việc đó… dời lại chút được không?"


Tôi khẽ bật cười, nụ cười không còn mặn mà gì nữa: "Mẹ, con không hiểu nổi mẹ đang nói gì đấy. Trần Hiểu phải lo cho gia đình, vậy con thì không à? Lương con làm gấp mấy lần của nó đấy, mẹ bảo con hoãn công việc để chăm mẹ, sao chính mẹ không bảo nó hoãn lại?"


Tôi ngẩng đầu nhìn mẹ, giọng trở nên lạnh hơn: "Nó chăm mẹ thì là cực khổ, con chăm mẹ thì không khổ là sao?"


Mặt mẹ sầm lại, giọng cao hẳn lên: "Trần Hiên, con nói gì vậy! Con và em con giống nhau sao? Con có chồng rồi, còn nó thì có ai? Cả nhà này còn đang trông vào nó, sao con không biết thương em con chút nào hả?"


Tôi cười nhạt, quay đầu bước ra khỏi phòng: "Nếu mẹ thương nó đến thế, sao mẹ không đi kiếm cho nó một ông chồng mới luôn?"


Phía sau là tiếng mẹ gọi với theo, cùng với tiếng điện thoại reo lên liên tục. Bố mẹ hết gọi năn nỉ lại đến trách móc, hết khuyên bảo lại chuyển sang chỉ trích… Nhưng tôi không đổi ý.


Trước khi mẹ lên bàn mổ, người chăm là em trai. Sau khi mổ xong, tôi mới thay phiên vào chăm sóc.


Một tuần sau thì mẹ xuất viện.


8.


Sau khi mẹ xuất viện, bà giận dữ gọi điện cho tôi nói với giọng gay gắt. Bảo tôi cuối tuần phải đến nhà một chuyến, chắc là muốn gặp mặt để mắng tôi một trận cho đã.


Nhưng từ sau chuyến du lịch trở về, tôi rất ít khi nghe điện thoại của bố mẹ. Thi thoảng họ hỏi han thì tôi chỉ qua loa cho rằng mình bận công việc, bận nhà cửa nên không có thời gian.


Tôi cũng ít khi mua đồ gửi về bên ngoại. Với những lời bóng gió của bố mẹ kiểu như ‘nghe nói nhà người ta được con gái mua cho cái này cái kia’, hay ‘con gái nhà ai đó mua được tivi, vòng vàng cho bố mẹ’… Tôi cũng không còn đáp lại ngay bằng hành động như trước nữa. Còn chuyện về nhà, tôi tiếp tục giả điếc.


Lý do chỉ có một chữ thôi: bận.


Cứ thế trôi qua hai tháng, bố mẹ cuối cùng cũng không ngồi yên được nữa. Trong giờ làm việc họ gọi cho tôi gần chục cuộc điện thoại, khăng khăng bảo tôi cuối tuần nhất định phải về.


Tôi nghĩ rồi, tình trạng này kéo dài cũng không ổn. Vậy là đồng ý.


Lần này trở về, bố mẹ đặc biệt hồ hởi và nhiệt tình. Có lẽ cái gì tự đến thì không đáng quý, còn cái gì khó có được thì mới biết trân trọng.


Tôi không đưa chồng và tiểu Thanh Sơn về, chỉ về có một mình.


Vừa thấy tôi, bố đã hỏi qua loa: "Chồng con với tiểu Thanh Sơn đâu?"


Tôi bịa đại một lý do: "Anh ấy đưa con bé đi xem đàn piano rồi. Cái cũ dùng nhiều năm, đang tính nhân dịp dọn sang nhà mới thì đổi cái to hơn."


Mẹ tôi nghe vậy thì mắt sáng rỡ, rồi cười cười nói: "Ôi dào, tiểu Thanh Sơn lại mua đàn nữa à? Đúng là nhà giàu có khác, nghe bảo loại tốt thì mấy chục nghìn tệ một cây lận phải không? Nhà mình chắc chỉ có nó mua đến cây thứ hai rồi đấy nhỉ?"


Bà dừng một chút, giọng bỗng chậm rãi mang đầy hàm ý: "Nhưng mà mẹ vẫn phải nói một câu… Tiểu Thanh Sơn giờ cũng học cấp hai rồi. Con gái mà, vẫn nên tập trung học là chính chứ mấy cái nhạc nhẽo vừa tốn tiền lại vừa tốn sức. Con gái thường học hành không được bền, con xem Tử Hạc nhà mình thật ra cũng thích học trống jazz lắm. Nhưng vì nghĩ đến gia đình và việc học nên đành thôi…"


Tôi bật cười, giọng mềm nhưng sắc như d.a.o: "Mẹ lại bắt đầu rồi. Vẫn cái kiểu nói vòng vo nhắc khéo con gái chi tiền nuôi cháu trai đấy à!"


Không khí trong phòng lập tức đông cứng. Mặt bố mẹ tôi biến sắc không tin nổi mà nhìn chằm chằm vào tôi, em dâu cũng mặt mày tái nhợt không dám nói gì. Trần Hiểu vội vàng chen vào cố gắng gỡ tình hình: "Chị à, chị nói gì thế. Mẹ khi nào ám chỉ chị đâu… Mẹ cũng nói ít thôi, dính dáng gì đến Tử Hạc đâu chứ?"


Bình luận (0)
Đăng ký tài khoản (5s xong)

Hãy là người bình luận đầu tiên