Tất cả những điều đó mẹ tôi đều biết rõ… Bà ấy rõ ràng là đã biết hết tất cả.
Chỉ là… tôi ít khi kể với bố mẹ những nhọc nhằn mà mình phải chịu. Một phần vì không muốn họ lo lắng và một phần vì tôi là đứa con luôn giỏi giang từ bé nên không muốn để họ thấy mình chật vật cùng yếu đuối.
Nhưng sau này, khi mọi thứ dần tốt hơn thì tôi đã từng đôi lần chia sẻ.
Thế mà trong lòng mẹ, tôi là người như vậy? Cô con gái luôn cố gắng hết mình xông pha ở ngoài xã hội, cuối cùng chỉ là một người ‘lấy chồng giàu rồi được nuôi cả đời’?
Tất cả cố gắng của tôi, mẹ chưa từng nhìn thấy. Còn thành quả của tôi, mẹ lại quy hết về phía chồng tôi. Đến mức sau lưng tôi, mẹ có thể thản nhiên nói với cháu gái mình mấy lời như thế.
Tôi không nói nên lời. Gương mặt tái nhợt của tôi khiến chồng không đành lòng, nhưng anh vẫn tiếp tục nói với giọng trầm thấp: "Em còn nhớ mỗi lần mẹ em mời vợ chồng mình về quê ăn Tết không? Mỗi lần như vậy trước khi về bố mẹ em lại gọi điện vài ngày trước, nói mấy chuyện linh tinh. Nào là con gái nhà ai đi làm ăn Tết đưa về cho bố mẹ mười tới hai mươi nghìn tệ, nào là con nhà khác tặng mẹ cái vòng vàng to đùng, rồi thì bố em khen cái đồng hồ đồng nghiệp đeo đẹp thế nào, rồi nhóc con nhà chú kia đòi đồ chơi đắt tiền cùng điện thoại gập màn hình…"
Anh nhăn mày, giọng có phần giễu cợt: "Anh không hiểu nổi, một đứa học sinh tiểu học thì cần cái điện thoại gập để làm gì?"
Rồi anh khẽ cười khô khốc: "Nhưng đó vẫn chưa phải chuyện tệ nhất, mà em còn chưa biết đâu nhỉ?"
Anh ngước lên nhìn tôi, ánh mắt chậm rãi đến chua xót:
"Mỗi lần về quê ăn Tết, em và em dâu vào bếp nấu nướng. Anh định vào phụ một tay thì bố mẹ em lại ngăn lại."
“Tưởng đâu chỉ là tư tưởng cũ kỹ của người già không muốn đàn ông vào bếp, ai ngờ lại là chuyện khác.”
Chồng tôi nói đến đây thì bật cười khẩy, giọng lạnh băng.
“Anh vừa ngồi xuống là bố mẹ em đã chạy lại bắt chuyện. Hôm nay thì kể em trai em công việc không ổn định cùng lương thấp nên nuôi gia đình vất vả. Ngày mai lại than bị sếp chèn ép nên không được thăng chức, rồi hỏi anh có thể giúp chuyển chỗ làm tốt hơn không.”
“Lúc thì nói em dâu vừa đi làm vừa chăm con khổ sở, họ xót xa vì nó vất vả quá. Lúc thì lại nhắc đến chuyện cháu trai lớn rồi, hỏi anh có quen ai lo được nhà trong khu học tốt không.”
Chồng tôi cười nhạt, ánh mắt đầy chua chát: “Còn em trai em thì sao? Lúc ấy ngồi ngay bên cạnh lại giả vờ như chẳng nghe thấy gì, nó dán mắt vào điện thoại và ra vẻ như chẳng liên quan đến mình. Mọi chuyện đều để hai ông bà già đứng ra đòi hỏi thay.”
Giọng anh mỗi lúc một gay gắt, nhưng vẫn cố kiềm chế:
“Còn em thì sao? Mỗi lần về nhà là tay xách nách mang, chẳng bao giờ về tay không. Em mua quà cho bố mẹ, mua đồ cho cả nhà em trai lại thêm đồ đạc trong nhà, rồi còn chạy vạy cho cháu vào học ở trường điểm trong quận. Bao nhiêu đó vẫn chưa đủ, giờ còn phải lo cả công việc cùng sinh hoạt của vợ chồng nhà nó nữa à?”
“Lý do luôn là: ‘Con gái đã ổn định rồi, giúp đỡ em trai còn khó khăn một chút’. Nhưng anh hỏi thật nó khó khăn cái gì, con thì mới có một đứa. Nhà và xe đều do bố mẹ cho, con cái thì ông bà trông giúp. Hai vợ chồng đều có việc làm, tuy lương không cao thật nhưng cũng đâu đến mức không đủ sống?”
Chồng quay sang nhìn tôi, giọng dằn xuống từng chữ: “Bố mẹ em còn có em mỗi tháng gửi tiền sinh hoạt, chưa tính đến họ lại còn có lương hưu. Mấy năm nay, nhà có gì lớn là đều do em đứng ra mua sắm. Vậy thì rốt cuộc, ai mới là người cần được giúp đỡ?”
Anh nhíu mày, giọng nghẹn lại: “Cả hai vợ chồng đi làm tổng thu nhập một tháng cũng chỉ 5 tới 6 nghìn tệ, thế mà muốn con trai phải học trường điểm từ tiểu học đến cấp ba. Tiểu học đã đòi điện thoại gập gần chục nghìn tệ rồi đồ chơi mô hình, quần áo toàn hàng hiệu. Còn chị gái với anh rể thì mỗi dịp lễ Tết lại chở cả xe quà về, mà họ thì nhận lấy không chút ngại ngần.”
Anh nói một mạch, càng nói càng buồn và cuối cùng chỉ biết lắc đầu thở dài: “Sao mà không mệt cho được…”
Từng lời chồng nói như dội vào lòng tôi từng đợt sóng lạnh. Rất nhiều chuyện, tôi đã không để tâm.
Và còn nhiều chuyện hơn nữa, tôi thậm chí chưa từng biết đến.
Đêm hôm đó tôi không ngủ được. Sáng sớm hôm sau, tôi vội vàng đến nhà bố mẹ.
5.
Vừa bước chân vào khu chung cư, tôi tình cờ thấy mẹ đang xách túi đồ ăn từ chợ về. Tôi định cất tiếng gọi thì chợt nghe bà đang nói chuyện điện thoại.
Giọng mẹ ríu rít vang lên, phấn khởi như vừa nhặt được món hời: "Anh yên tâm em coi kỹ rồi, căn đầu tiên dãy trước là dãy thấp nhất của cả khu, chỉ có sáu tầng thôi. Nghe bảo gọi là gì đấy... à đúng rồi là nhà kiểu tây! Ừ, nghe tên thôi đã thấy sang!"
Bà cười ha hả, giọng đầy tự hào: "Nhà này vừa sáng sủa lại thoáng mát! Một trăm năm mươi lăm mét vuông đấy, tuy không rộng bằng nhà con gái em, nhưng thế là tốt rồi. Dù sao cũng là nhà trong khu có trường học."
Tôi đứng cách đó không xa, nghe rõ từng chữ một. Mẹ không quen dùng tai nghe, nên giọng người bên kia vọng ra rất lớn.
‘Tại sao lại là nhà gần trường? Nhà đó là mua cho ai?’
Trong lòng tôi dâng lên một nỗi nghi ngờ mơ hồ, rồi nghe thấy mẹ trả lời: "Tiền à… ba triệu tệ… còn phải sửa sang lại..."
"Tiền không thành vấn đề." Mẹ tôi bật cười sảng khoái: "Mấy năm nay con gái em gửi sinh hoạt phí đều đều, hai ông bà già tụi em có tiêu gì đâu. Lương hưu cũng để dành được một khoản kha khá. Chẳng phải là để dùng lúc này sao?"
"Không đủ thì đã sao? Còn có con gái em kia mà. Đến lúc đó để con bé bỏ ra hai triệu tệ, giúp em nó mua căn nhà rộng rãi. Còn nội thất nữa, nhất định phải làm cho đàng hoàng. Nhà đã ba triệu tệ mà bỏ vài chục nghìn để sửa sang thì phí lắm, ít nhất cũng phải một trăm nghìn tệ mới xứng."
"Yên tâm đi, con gái em có tiền!"
Bà càng nói càng hứng khởi, rồi bỗng nhiên thở dài:
"Ôi anh Lưu à, anh không biết đâu! Con gái em số nó sướng nên lấy được chồng giàu, chả phải làm gì chỉ ở nhà trông con thôi mà nhà cửa xe cộ cái gì cũng có. Ngày ngày ăn sung mặc sướng vàng bạc đầy người, còn sắm cả gì ấy nhỉ… À, là ngọc trai nữa cơ mà… Tiền xài chẳng hết đâu."
Người bên kia ngập ngừng hỏi: "Ủa, không phải con gái em có đi làm à?"
"Ôi giời ơi, phụ nữ thì làm ăn gì cho cam. Làm sao mà kiếm được như đàn ông chứ? Em còn lạ gì con gái mình, nó đều dựa vào thằng rể cả."
Mẹ tôi cười khẩy, tiếp lời:
"Mà nói thật với anh, con bé có ngày hôm nay chẳng phải nhờ em nuôi dạy cực khổ sao? Anh không biết đâu, từ bé nó đã khôn lắm. Mới học cấp hai mà suốt ngày đòi mua quần áo mới, trong tủ đầy ắp quần áo mà vẫn muốn mua thêm. Tâm trí thì toàn nghĩ đến mấy thứ ăn diện."
"Học hành thì sao? Toàn ăn mặc lòe loẹt trong trường cốt để thu hút bọn con trai, em đoán chắc nó khôn lắm đấy. Mới bé tí mà lúc đó đã biết nhắm tới mấy thằng có tiền rồi."
"Thì đấy, yêu đương có hai năm mà nằng nặc đòi cưới rồi! Em nhìn là biết ngay, chắc chắn là vì thằng kia có tiền chứ không thì gấp gáp thế làm gì?"
"Con gái lấy được chồng tốt, làm cha mẹ như tụi em cũng mừng chứ. Nhưng mà nói thật, chồng nó đã có nhà rồi thì hai đứa còn đi mua thêm cái nhà to oành hai trăm mấy chục mét vuông làm gì? Trong khi chỉ có ba người ở thôi, làm thế để làm gì chứ?"
"Con trai em thì lại khác. Ngày nào nó cũng nai lưng ra làm mà kiếm chẳng được bao nhiêu, đến giờ còn phải chen chúc sống cùng hai ông bà già tụi em. Càng nghĩ em càng thấy đau lòng..."
Giọng bà nghẹn lại một chút, rồi cất cao đầy ai oán: "Còn con gái em thì sao? Nó làm như không thấy gì cả, không hề nhắc đến chuyện giúp em trai một câu dù chỉ là rước vợ chồng nó về ở chung cũng không."
Tôi đi phía sau, nghe từng lời từng chữ như rơi vào nước đá. Toàn thân lạnh buốt.
Nhưng mẹ vẫn chưa dừng lại:
"Anh biết không, cháu nội em năm ngoái đến nhà bác nó chơi. Nhìn thấy phòng của chị họ nhà bác nó mà sững người. Phòng của nó gấp đôi cháu nôi của em, lại còn có cả phòng đọc sách nhỏ."
"Giờ con bé lại mua nhà mới, còn tính làm riêng một phòng để đặt đàn piano cho con bé. Trời đất ơi, có tiền đến mức đó sao nó không nghĩ đến em trai mình một chút nào chứ? Đúng là ích kỷ hết chỗ nói!"
"Khổ thân con trai em, là Tử Hạc của em nó số khổ..."
6.
Sau đó, tôi không bước vào nhà bố mẹ nữa mà lặng lẽ quay người trở lại theo lối cũ. Về đến nhà, tôi vừa mở cửa thì hai chân đã mềm nhũn rồi toàn thân đổ sụp xuống sàn.
Chồng và con gái thấy vậy liền hoảng hốt chạy lại đỡ tôi dậy:
"Vợ ơi!"
"Mẹ ơi! Mẹ làm sao thế?!"
Họ vội vàng dìu tôi lên ghế sofa. Tôi lúc đó đầu óc vô cùng trống rỗng, môi mấp máy nhưng không thể thốt ra một lời. Không biết phải nói gì và tai tôi cứ ù đi, chẳng còn nghĩ được gì nữa.
Đến khi tỉnh táo hơn một chút, tôi mới nhận ra gương mặt mình đã ướt đẫm nước mắt từ lúc nào. Chồng tôi thấy vậy thì chẳng cần hỏi nhiều, cũng đã đoán ra phần nào. Anh thở dài rồi nhẹ nhàng kéo tôi vào lòng, ôm siết lấy tôi như thể muốn chắn cả thế giới ngoài kia cho tôi được nghỉ ngơi.
Con gái tôi là tiểu Thanh Sơn đang rưng rưng nước mắt, nép vào cánh tay tôi mãi không chịu buông. Tôi cúi đầu nhìn con bé, bàn tay run run đưa lên xoa đầu nó. Mái tóc mềm mại và hơi ấm từ lòng bàn tay truyền tới khiến tim tôi se lại.
Thật ra, tôi chưa từng không biết tình yêu của bố mẹ dành cho mình có bao nhiêu phần tạp chất. Nhưng làm con ai chẳng dễ dàng tha thứ cho bố mẹ mình, lại càng khao khát được yêu thương đến vô lý.
Hãy là người bình luận đầu tiên
Nguyệt Truyện hoan nghênh các tác giả, dịch giả, nhóm dịch và các fanpage đăng truyện lên website của chúng tôi. Mọi chi tiết về nhuận bút, kiếm tiền và các thỏa thuận khác vui lòng nhắn tin trực tiếp đếnfanpage Facebook Nguyệt Truyệnhoặc email nguyettruyennet@gmail.com