13.
“Tiểu Ngọc Nhi, cẩn thận!”
Âm thanh này lại vang vọng bên tai tôi.
Mẹ bảo tôi cẩn thận.
Nhưng phải cẩn thận về điều gì?
Tôi nên cẩn thận với ai?
Dù đã nhiều năm trôi qua, ký ức tuổi thơ đã có phần mờ nhạt dần nhưng câu nói này và khuôn mặt của mẹ lúc đó vẫn luôn khắc sâu trong trái tim tôi.
Một khuôn mặt méo mó vì sợ hãi.
Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một khuôn mặt như vậy.
Ngay cả khi sắp ch,ết, người ta cũng sẽ không sợ hãi đến thế.
Mẹ sợ điều gì?
Khi mẹ nhìn về phía tôi, mẹ thấy gì?
14.
Chi tiết nhỏ nhưng quan trọng này đã khiến cho câu chuyện mà tôi tưởng tượng ra bị lung lay.
Nếu mẹ thực sự nhận lỗi để bảo vệ tôi thì khi nhìn thấy tôi qua song sắt, mẹ đã cố gắng giữ bình tĩnh để cảnh sát không nghi ngờ việc mẹ tự thú.
Hoặc mẹ sẽ nhìn tôi bằng ánh mắt yêu thương.
Hoặc mẹ sẽ giả vờ nói “xin lỗi” với cả nhà.
Hoặc mẹ sẽ cố tình nhìn bác tôi một cách khiêu khích.
Có rất nhiều khả năng.
Nhưng không thể nào là vẻ mặt hoảng sợ như vậy được.
Cũng tuyệt đối không phải là hét lên với tôi câu “Cẩn thận!”
Tại sao?
Chắc chắn phải có sai sót ở đâu đó.
Tôi đã bỏ qua điều gì đó rất quan trọng.
15.
Vì vậy, tôi bắt đầu sắp xếp câu chuyện này lại từ đầu.
Vào mùa thu năm 18 tuổi, tôi ngồi bên cửa sổ thư viện trường đại học, suy đi nghĩ lại những gì đã xảy ra vào buổi chiều ngày đó, và dùng bút viết ra tất cả các tình tiết.
Từ lúc tôi đặt em gái vào nồi tắm, đến lúc tôi đi vệ sinh, rồi đến khi mẹ tự thú…
Tôi không bỏ sót bất kỳ chi tiết nào.
Tôi đang tìm lỗi.
Tôi muốn tìm ra điểm mâu thuẫn trong câu chuyện này.
Chỉ cần tìm được những điểm mâu thuẫn, thì có thể tìm ra sự thật.
16.
Mâu thuẫn đầu tiên xuất hiện.
Tại sao tôi phải tắm cho em gái?
Làm thế nào mà tôi, một đứa 5 tuổi, lại tìm ra cách tắm cho em gái 2 tuổi?
Em gái có bố mẹ của em ấy, nếu em muốn tắm, chắc chắn sẽ không đến lượt tôi.
Tôi cố nhớ lại trạng thái tinh thần của mình lúc đó.
Tôi muốn tắm cho em gái, tết tóc em ấy thành hai bím rồi buộc bằng nơ đỏ.
Bác thím đi làm ngoài đồng về thấy con mình được tắm sạch sẽ như vậy thì sẽ hỏi: “Này, ai tắm cho em bé nhỏ nhắn của chúng ta thế?”
Tôi sẽ chạy tới và giơ tay nói: “Cháu, cháu, cháu.”
Vì vậy, tôi làm điều đó là để giải trí, để chăm sóc cho em gái và cũng để thể hiện khả năng của mình với người lớn.
Nó có ý nghĩa.
Bây giờ hãy đặt mâu thuẫn này sang một bên.
Mâu thuẫn thứ hai.
Mặc dù em gái chưa biết nói nhưng em có thể khóc, la hét. Nếu thấy nóng, em ấy sẽ hét lên, tôi sẽ ngay lập tức chạy vào xem em ấy bị gì thay vì cứ ngồi mải mê thêm củi vào lò.
Tại sao tôi không nghe thấy tiếng hét của em gái?
Phòng tắm và khu vực ngồi để thêm củi vào lò chỉ cách nhau một bức tường, thậm chí không có cửa đóng kín, chỉ cần đi vòng qua bức tường để vào phòng tắm, nên nếu nói không nghe thấy là vô lý.
Tôi chắc chắn rằng lúc đó thính giác của tôi không có vấn đề gì.
Bởi vì khi mẹ tôi mở cổng phát ra tiếng “cạch, cạch”, tôi đã lập tức quay lại nhìn.
Vậy thì chỉ còn lại một khả năng.
Em gái không hề hét lên.
Tại sao em gái lại không hết lên?
Ngay cả khi bạn ngủ quên, bạn cũng sẽ thức dậy ngay nếu bị bỏng.
Chẳng lẽ lúc đó…em gái không có ý thức sao?
17.
Tôi đặt một dấu chấm hỏi lớn bên cạnh mâu thuẫn thứ hai.
Mâu thuẫn thứ ba, và cũng là mâu thuẫn quan trọng nhất, câu “cẩn thận” mà mẹ hét lên với tôi.
Điểm này đã được thảo luận trước đó nên tôi sẽ không lặp lại nữa.
Tôi mơ hồ có cảm giác rằng, đằng sau những mâu thuẫn này có một điều gì đó rất khủng khiếp và đen tối.
Nhưng dù có thế nào đi nữa thì tôi cũng không bắt được nó.
Những điểm mâu thuẫn này ám ảnh tôi ngày đêm, ban ngày tôi không thể tập trung nghe giảng, còn ban đêm khi đi ngủ thì luôn gặp ác mộng.
Có một khoảng thời gian tôi cảm thấy rất mệt mỏi và muốn quên hết đi những điều này.
Rốt cuộc là đã quá lâu rồi, mẹ cũng đã hoàn toàn biến mất khỏi cuộc sống của tôi.
Dù sự thật có được tìm ra hay không thì nó cũng không ảnh hưởng tới tôi.
Bố thường nói với tôi: “Đừng mãi kẹt lại trong quá khứ, hãy nhìn về tương lai.”
Thế nhưng, tôi vẫn cảm thấy quá khứ rất quan trọng.
Tôi là một người thích hoài niệm về quá khứ.
Cho nên, tôi quyết định tiếp tục theo đuổi nó để tìm ra sự thật.
18.
Khoảnh khắc nút thắt bắt đầu được mở ra bất ngờ ập đến.
Mùa đông năm nhất đại học, trường thống nhất chuyển hộ khẩu tập thể cho sinh viên.
Đến lượt mình, tôi đưa sổ hộ khẩu cho thầy giáo, thầy lật qua lật lại, có vẻ ngạc nhiên hỏi tôi: “Chỉ có một mình em thôi à?”
Tôi gật đầu.
Thầy giáo giữ lại sổ hộ khẩu của tôi, chưa cho tôi làm thủ tục, nói rằng cần phải kiểm tra trong hệ thống trước.
Đến lúc đó tôi mới biết, các bạn học khác đều cùng gia đình chung một sổ hộ khẩu.
Còn sổ hộ khẩu của tôi, chỉ có mình tôi, tôi là chủ hộ.
Trong ký ức của tôi, từ nhỏ tôi đã có hộ khẩu riêng.
Có vấn đề gì sao?
Tôi lên mạng tìm hiểu mới biết, người chưa thành niên không được lập hộ khẩu riêng, phải theo hộ khẩu của cha mẹ, nếu không rất có thể là hộ khẩu giả vi phạm quy định.
Thật ngạc nhiên!
Tôi không hề biết điều này.
Đầu ngón tay lướt nhanh trên màn hình, cho đến khi hai chữ thu hút sự chú ý của tôi:
"Siêu sinh"*
(* Do chính sách kế hoạch hoá dân số, mỗi gia đình chỉ được phép sinh tối đa hai con. Việc vi phạm chính sách này được gọi là "siêu sinh".)
Nhìn kỹ lại, tôi thấy:
[Trước đây, một số gia đình, để trốn tránh phạt vi phạm kế hoạch hóa gia đình, đã cho con gái đầu lập hộ khẩu riêng. Khi đăng ký hộ khẩu, họ khai gian rằng con gái được nhận nuôi từ người thân hoặc không phải con ruột. Bằng cách này, sau này sinh con trai sẽ dễ dàng đăng ký hộ khẩu hơn.]
[Sau khi sinh con trai, con trai sẽ được xếp sau cha mẹ trong sổ hộ khẩu và có được vị trí 'con trai cả’…]
Đọc đến đây, trong đầu tôi có thứ gì đó như bùng nổ.
19.
Tôi luôn nghĩ rằng mình lớn lên trong tình yêu thương của gia đình.
Khi tôi còn nhỏ, bà nội thường ôm tôi vào lòng và kể chuyện cho tôi nghe mỗi tối.
Bố mẹ cũng rất yêu tôi.
Sau đó, dì sinh cho bố một người con trai, bố vui mừng khôn xiết, tôi cũng không thấy có vấn đề gì.
Bố quan tâm đến em trai nhiều hơn, quan tâm đến tôi ít hơn. Tôi chỉ nghĩ rằng vì em trai còn nhỏ nên được cưng chiều hơn.
Dì cười với em trai nhiều hơn cười với tôi. Như vậy càng hợp lý hơn.
"Tư tưởng trọng nam khinh nữ" loại trừu tượng xa lạ này, sao lại có thể xảy ra với tôi?
Tôi lập tức gọi điện cho bố, hỏi về vấn đề hộ khẩu của tôi:
"Tại sao con lại có một sổ hộ khẩu riêng? Thầy giáo bảo là không hợp lệ!"
"Sao lại không hợp lệ được?"
Bố nói: "Hồi đó bố nhờ người quen cho con làm hộ khẩu riêng, không có vấn đề gì cả."
"Cái gì?"
Tôi nắm bắt được trọng tâm trong lời nói của bố: "Tại sao lại phải nhờ người quen cho con làm hộ khẩu riêng?"
“Vì…”
Bố do dự một chút, lúng túng nói nhỏ: "Là bà nội bảo bố làm vậy! Bố vốn không có ý định này. Bà nội muốn có cháu trai... ôi thôi, nói những chuyện này làm gì chứ! Con cứ bảo với thầy giáo là hộ khẩu của con không có vấn đề gì..."
Tôi đã phát hiện ra lỗ hổng trong câu chuyện.
Giống như một mảnh ghép được đặt vào bức tranh, mạch truyện vốn bị đứt đoạn, đột nhiên có thể nối lại.
Khi nhìn lại câu chuyện năm 5 tuổi của mình, tôi đã bỏ qua vai trò của bà nội tôi.
Vào buổi chiều hôm ấy, khi nước trong nồi tắm sôi ùng ục...
Ngoài tôi, em gái và mẹ tôi xuất hiện sau đó, còn có một người nữa - đó là bà nội tôi.
Sau khi sự việc xảy ra, tôi từng hỏi bà nội: "Em gái đi đâu rồi? Có phải mẹ đã gi,ết em gái không?"
Bà nội lắc đầu nói không biết, vì bà ngủ quên.
Liệu có đúng như vậy không?
21.
Từ khi chuyển đến thành phố, tôi ít gặp bà nội.
Đến mức mà nhiều ký ức về bà nội đã phai mờ theo năm tháng.
Trong kỳ nghỉ đông, tôi một mình bắt xe về quê, lấy cớ về thư giãn và cùng ôn lại kỷ niệm với bà.
Khi tôi gặp bà nội, bà vẫn ngồi trên chiếc giường ở căn phòng trong cùng, giống như hơn mười năm về trước. Bà đã nhiều nếp nhăn hơn, tóc bà đã bạc hơn, và lưng bà đã cong hơn, nhưng khuôn mặt bà vẫn là khuôn mặt quen thuộc mà tôi biết.
Ánh nắng rọi lên mái tóc bạc trắng của bà, bà mỉm cười nhìn tôi.
Bỗng nhiên, một chi tiết ký ức ch,ết chóc ập đến với tôi.
Chiếc giường này rất lớn.
Mỗi buổi chiều khi tôi còn nhỏ, bà, tôi và em gái tôi, cả ba người đều ngồi trên chiếc giường này.
Bố, mẹ, bác, thím đều phải đi làm ruộng.
Ban ngày chỉ có ba chúng tôi ở nhà.
Chúng tôi đã giành vô số buổi chiều trên cùng một chiếc giường.
Khi còn nhỏ, tôi rất hiếu động và hiếm khi ngủ trưa.
Bà ôm tôi kể chuyện suốt buổi chiều.
Em gái tôi thường ngồi đó ngơ ngác đút tay vào miệng, dần dần nhắm mắt lại theo sự thôi miên của câu chuyện rồi chìm vào giấc ngủ như một chú heo con.
Cảnh tượng này là ký ức chồng lên nhau của vô số buổi chiều.
Bà không bao giờ ngủ vào ban ngày và thường phàn nàn về việc không ngủ được vào ban đêm.
Bà có một viên thuốc nhỏ thần kỳ, uống một viên trước khi ngủ là có thể chìm vào giấc ngủ ngon.
Bà đã cho tôi xem viên thuốc đó , để ngay cạnh giường trong ngăn kéo.
Có lần vì tò mò tôi đã lấy trộm một viên, nhưng vì quá đắng nên tôi đã vội vàng nhổ ra.
Vậy có nghĩa là, vào buổi chiều hôm đó, rất có thể tôi đã bế em gái đi khỏi tầm mắt của bà nội.
Bà nội đã nhìn thấy tận mắt cảnh tôi bế em gái đi.
22.
Ở trong ngôi nhà tuổi thơ, những kỷ niệm trôi vào tâm trí tôi một cách êm đềm.
Bà nội thích kể chuyện cho tôi nghe.
Câu chuyện yêu thích của bà là về việc đi tắm.
“Con chó không thích tắm nên rất hôi hám. Con chó chạy đến chơi với con ếch, con ếch kêu lên: “Mày bẩn quá, tao không chơi với mày đâu”, con mèo bịt mũi lại và nói: "Mày bẩn quá, hôi quá, tránh xa tao ra..."
Tôi cười khúc khích trước một câu chuyện nhỏ đơn giản như vậy.
Lúc này, bà sẽ chỉ vào em gái tôi đang liếm chân và nói với tôi: "Nhìn xem, em gái của cháu có bẩn không?"
"Bẩn quá!" Tôi gật đầu với một nụ cười.
Cô em gái hai tuổi ngốc nghếch vui vẻ liếm bùn giữa kẽ chân, rồi lộ ra vẻ mặt thích thú.
"Em gái, em bẩn quá!"
Bà nội chỉ vào em gái một cách khoa trương và nói với giọng đầy kịch tính: "Con bẩn quá, chó, mèo và ếch sẽ không chơi với con!"
Bất cứ khi nào bà nói như vậy, tôi đều cảm thấy thích thú và đồng thời cảm thấy có chút tội nghiệp em ấy.
Em gái tôi bẩn đến mức ngay cả những con vật nhỏ cũng không muốn chơi với em ấy.
Tại sao em gái lại để lại cho tôi ấn tượng “mất vệ sinh”?
Đó là do câu chuyện của bà nội tác động đến suy nghĩ của tôi.
23.
Những ký ức khác bắt đầu ùa về trong đầu tôi.
Tôi từng kể rằng một trong những kỷ niệm hạnh phúc nhất tuổi thơ của tôi là được ngâm mình trong nước nóng ấm, mẹ lấy khăn lau người cho tôi, còn bà nội ngồi ngoài tường thêm củi.
Khi tôi cảm thấy lạnh, mẹ sẽ hét ra bên ngoài: “Mẹ ơi, đốt thêm củi vào!”
Sau đó, nước ấm lên một cách kỳ diệu.
Có lần trong lúc kể chuyện, bà nội kể cho tôi nghe bí quyết làm nước nóng lên một cách thần kỳ:
"Bí quyết chính là đốt củi. Củi cháy càng mạnh, nước càng ấm. Nước càng ấm, tắm càng thoải mái."
"Đốt củi là việc vất vả, mệt nhọc, phải đốt không ngừng nghỉ, không để lửa tắt. Lửa tắt người tắm sẽ bị lạnh. Nếu bị lạnh, họ sẽ bị cảm lạnh, rồi bị sốt.”
"Lúc con tắm, bà nội ngồi đốt củi cho con ở ngoài. Ôi, đốt củi mệt lắm, sợ cháu gái bảo bối của bà sẽ bị cảm lạnh..."
Tôi cười nói: “Nhưng bà vẫn lười biếng đó nha, mẹ còn phải nhắc bà cho thêm củi.”
“Đừng học theo bà”
Bà nội nhéo mũi tôi, nhìn tôi trìu mến: “Sau này đốt củi tắm cho em gái thì không được lười biếng! Nếu không em gái sẽ bị cảm !"
Tôi nói với bà một cách nghiêm túc: "Tất nhiên rồi! Cháu yêu em gái nhất!"
24.
"Hãy nhìn em gái của con xem kìa!”
Một buổi chiều, bà nội nép mình vào bóng tối ở góc giường buồn bã nói: “Em gái con đã hơn hai tuổi, chưa biết nói. Nó là một đứa ngốc. Nhà chúng ta có một đứa ngốc.”
“Em gái không có ngốc!” Tôi lập tức phản bác.
“Em gái con không những ngốc mà còn bẩn nữa chứ, bác và thím của con đều không yêu em gái con.”
Em gái tôi đang ngồi trước cửa sổ đầy nắng, chăm chú ngắm nhìn đàn bướm bay lượn trên không.
Nhìn phía sau cái đầu bé nhỏ của em, tôi thấy xót xa.
"Ai nói thế? Con yêu em gái con!" Tôi lớn tiếng nói với bà.
"Con yêu em gái ? Con yêu em gái như thế nào?"
Bà nội như nghe được một câu chuyện cười, lắc đầu:
“Con không tắm cho em gái mà dám nói là yêu em gái à?”
Hãy là người bình luận đầu tiên
Nguyệt Truyện hoan nghênh các tác giả, dịch giả, nhóm dịch và các fanpage đăng truyện lên website của chúng tôi. Mọi chi tiết về nhuận bút, kiếm tiền và các thỏa thuận khác vui lòng nhắn tin trực tiếp đếnfanpage Facebook Nguyệt Truyệnhoặc email nguyettruyennet@gmail.com