Sự thật cuối cùng

[1/4]: Chương 1

1.

Hồi tôi còn nhỏ, ở quê chưa có bình nóng lạnh và vòi hoa sen nên nhà nào cũng dùng nồi tắm để tắm.

Nồi tắm được gắn vào bệ gạch, giống như một cái nồi nấu ăn lớn vậy, đủ rộng cho một người lớn ngồi vào.


Một người tắm trong nồi, thì người còn lại sẽ ngồi ngoài phòng tắm giúp thêm củi vào lò qua vách tường.


Sau khi người này tắm xong, sẽ đến lượt người khác, cả nhà thay phiên nhau tắm.


Một trong những kỷ niệm tuổi thơ khó quên nhất của tôi là được ngâm mình trong nồi nước ấm, mẹ lấy khăn lau người cho tôi, bà nội ngồi ngoài tường thêm củi.


Khi tôi thấy lạnh, mẹ sẽ nói to: “Mẹ ơi! Thêm củi vào đi.”


Sau đó, nước ấm lên một cách kỳ diệu.


Lúc tắm, tôi sẽ nghĩ đến món súp cá diếc trắng như sữa trong nồi. Một con cá diếc bơi lội thoải mái giữa đậu hũ và hành lá. Chắc hẳn, nó là con cá diếc hạnh phúc nhất trên đời.


Vì những con cá diếc khác đang phải lang thang ở dưới dòng sông lạnh lẽo, chỉ có một mình nó là được hưởng thụ nước ấm.


2.


Vào một ngày xuân nắng ấm, tôi đột nhiên nổi hứng muốn tắm cho em gái.


Chim hót líu lo giữa cành hoa, thi nhau nhảy múa dưới bậu cửa sổ.


Đứa em gái hai tuổi đang nằm trên giường gặm tay, ngốc nghếch liếm đất bẩn ở trong các móng tay.


Tôi nghĩ em ấy cần đi tắm rồi.


Em gái là con của bác thím. Em ấy chưa có tên. Cả nhà gọi em là “em bé”, còn tôi gọi em là “em gái”

Em gái đã hai tuổi nhưng em chỉ có thể gọi “mẹ”, chưa nói được một từ nào khác.


Điều này khiến cả nhà rất lo lắng, sợ em gái sinh ra đã bị ngốc.


Chỉ có tôi mới biết em gái không phải đứa ngốc.


Mỗi khi tôi phạm lỗi, bị mẹ đánh vào lòng bàn tay rồi khóc lóc, em gái luôn đứng bên cạnh, bàn tay nhỏ bé năm lấy góc áo tôi, ngước nhìn tôi bằng đôi mắt to ngấn nước.


Em gái tôi có một đôi mắt biết nói.


Dù em ấy không nói được nhưng tôi biết em ấy đang nói với tôi: “Chị ơi, đừng buồn, em sẽ luôn ở bên cạnh chị.”


3.


Tôi bắt chước người lớn, loạng choạng xách xô, đổ đầy nước vào nồi tắm, rồi lấy đống củi đã chặt vào để nhóm lửa, xoa tay hồi hộp chờ nước ấm lên.


Đợi nước trong nồi bắt đầu bốc hơi, tôi cởi quần áo của em gái, cẩn thận bế em ấy rồi thả vào nồi nước.


Tôi còn chu đáo đặt một tấm gỗ nhỏ dưới mông em gái để em không bị bỏng.


Tiếp theo, tôi ngồi xuống chiếc ghế nhỏ bên ngoài tường, xắn tay áo, hắng giọng phấn khích nói: “Em gái, chị bắt đầu đây!”


Củi đốt cháy rực, phát ra tiếng tanh tách, từ trong lò có những tia lửa bay ra cùng làn khói đen khiến tôi ho sặc sụa.


Tôi ngồi tưởng tượng khuôn mặt mịn màng, đôi bàn tay nhỏ nhắn thơm tho của em gái sau khi được tắm rửa sạch sẽ. Trông đáng yêu biết bao! Tôi sẽ đeo khuyên tai rồi buộc tóc cho em ấy bằng hai chiếc nơ đỏ mà tôi yêu thích.


Bác thím đi đồng về thấy con mình sạch sẽ như thế, chắc chắn sẽ hỏi: “Này, ai tắm cho em bé nhỏ nhắn của chúng ta thế?”


Tôi sẽ chạy tới và giơ tay cao lên nói: “Cháu, cháu, cháu!”


Nghĩ tới đây, tôi cười khoái chí.


4.


Bỗng nhiên, bụng tôi đau quặn thắt từng đợt.


Tôi muốn đi vệ sinh nhưng lại sợ lửa tắt, em gái sẽ bị cảm.


Đúng lúc này, cánh cổng ngoài sân phát ra một tiếng “cạch”.


Mẹ tôi đi cấy lúa ngoài đồng về rồi.


Mẹ đội một chiếc mũ rơm to, ống quần xắn lên đến đầu gối. Ánh nắng chiếu vào khuôn mặt đỏ bừng của mẹ.


“Tiểu Ngọc Nhi, con đang chơi trò gì đó?” Mẹ mỉm cười hỏi tôi, rồi dùng khăn trên vai lau mồ hôi nhễ nhại trên mặt.


“Con đang tắm cho em gái!” Tôi nói với giọng điệu tự hào, sau đó chỉ vào đống củi trong lò.


“Mẹ ơi, mẹ ngồi canh đừng để lửa tắt nha, con sắp ị mất rồi.” Nói xong, tôi ôm bụng chạy đến túp lều ở phía sau nhà.


Ngồi xổm ở đây thật khó chịu.


Tôi ngồi xổm một lúc lâu, trong bụng dường như không còn chút gì nữa.


Xong xuôi, tôi thoải mái đi ra trước sân.


Trong sân không có ai.


Củi trong lò đã tắt, đống củi ướt nhẹp giống như bị ai đó hất nước vào vậy.


“Em gái, em có lạnh không?” Tôi hét lên.


Em gái không phát ra bất kỳ âm thanh nào.


Tôi vội đi vòng qua bức tường và chạy vào phòng tắm nhìn.


Nhưng thứ xuất hiện trước mặt tôi là một cái nồi rỗng.


Em gái không ở trong nồi nữa.


“Em gái, em đâu rồi?” Tôi nhìn xung quanh, nhưng em gái cứ như đã bị bốc hơi, biến mất không có một chút dấu vết.


Lúc này, tôi hoảng sợ lao ra ngoài.


“Em gái, em trốn ở đâu? Mau ra đây đi!”


Nhưng đáp lại tôi chỉ có ánh nắng nắng chói chang ngoài sân.


Tôi không thể tìm thấy em gái.


Sự xuất hiện của em gái trong ký ức tôi sẽ mãi đọng lại vào buổi chiều xuân xa xôi ấy.


Suốt phần đời còn lại, trong mỗi cơn ác mộng hàng đêm, em gái tôi vẫn ngồi trên giường, cười ngốc nghếch, liếm đất bẩn giữa móng tay.


5.


Ngày em gái tôi biến mất, mẹ tôi cũng mất tích.


Đêm đó, bác thím lo lắng đứng ngồi không yên, bố tôi thì ngồi trên chiếc ghế tre thở dài.


“Con gái tôi đang ở đâu?” Bác túm lấy cổ áo bố hỏi một cách giận dữ.


“Em thực sự không biết…” Bố trả lời với vẻ mặt nhăn nhó.


“Vợ cậu đâu?”


“Em cũng không biết…”


Bác thả bố ra, chạy ra ngoài sân, hét lên muốn báo cảnh sát.


Bố lao tới ôm bác cầu xin: “Anh bình tĩnh lại đi! Tuyết Mai không phải là người như vậy, Tuyết Mai không thể nào lại bắt em bé đi được.”


Lúc đó, tôi sợ hãi co ro trên chiếc giường ở trong phong, dựa vào cánh tay của bà.


Bà ôm tôi vào lòng, vẫn kể chuyện cho tôi nghe như mọi ngày nhưng tôi không có tâm trí để lắng nghe.


Trong lòng tôi cứ thắc mắc, không biết mẹ và em gái đã đi đâu.


6.


Bác tôi vẫn đi báo cảnh sát.


Ngày hôm sau, cảnh sát ở thị trấn đến làng chúng tôi, mặc đồng phục, đem theo những chú chó to lớn, tìm kiếm xung quanh làng.


Họ cũng không tìm thấy em gái tôi.


Thậm chí một sợi tóc cũng không thấy.


Nhưng họ đã tìm thấy mẹ tôi.


Nói chính xác hơn, là mẹ tôi tự chủ động đến đồn cảnh sát ở thị trấn để tự thú.


Cả nhà chúng tôi vội chạy đến sau khi biết tin.


Qua song sắt, tôi nhìn thấy mẹ.


Mẹ cúi đầu thật sâu, mái tóc rối bù che kín khuôn mặt, vừa khóc vừa nói gì đó với cảnh sát.


Tay mẹ đã bị còng lại, cả người cuộn tròn trên ghế, trông bơ vơ như một đứa trẻ mắc lỗi.


“Mẹ!” Tôi gọi lớn.


Mẹ ngẩng đầu lên và nhìn về phía chúng tôi.


Bỗng nhiên, khi mẹ nhìn về phía tôi, mẹ chợt hét lên, nét mặt hoảng sợ.


Mẹ há to miệng, hét lên bằng tất cả sức lực của mình:


“Tiểu Ngọc Nhi, cẩn thận!”


Giây tiếp theo, cửa bị đóng lại.


Tôi không nhìn thấy mẹ được nữa.


Cứ như vậy, người mẹ dịu dàng cùng với cô em gái mãi mãi in dấu trong ký ức tuổi thơ của tôi.


Phải nhiều năm sau, tôi mới hiểu được lời dặn hãy “cẩn thận” của mẹ.


7.


Vài giờ sau khi mẹ tôi bị giam, cảnh sát đã đến ngọn núi hoang sơ ở cạnh làng chúng tôi, dựng hàng rào xung quanh và không cho người dân xúm lại gần.


Bên kia hàng rào, tôi nhìn thấy họ đang cầm xẻng đào, hình như họ đang tìm kiếm cái gì đó.


Bác thím tôi vừa từ đồn cảnh sát trở về, mới đó mà như già đi cả chục tuổi.


Họ tóm lấy cảnh sát và lo lắng hỏi tung tích của em gái, nhưng cảnh sát chỉ an ủi và khuyên bác thím nên quay về trước, đừng nhìn em gái vào lúc này.


Bố kéo tôi về nhà.


Tôi chưa kịp nhìn thấy cảnh sát đã đào được gì.


Sau đó, tôi tình cờ nghe được dân làng nói chuyện với nhau, họ nói rằng thứ được cảnh sát đào lên chính là xác của em gái tôi.


8.


Mọi người đều nói mẹ là kẻ sát nhân, chính mẹ đã gi,ết em gái.


“Cảnh sát không cho chúng ta xem, nhưng Cẩu Thăng núp sau gốc cây nhìn lén đã thấy họ đào lên một xác người, nghe nói thịt đã thối rữa, xương lộ ra ngoài luôn rồi!”


“Thật đáng thương, đứa bé còn nhỏ như vậy…”


“Sao lại có loại người ác độc như vậy chứ? Ngay cả cháu gái mình cũng không tha!”


“Tôi thực sự không ngờ rằng một người ngày thường hay cười và ăn nói nhỏ nhẹ như Tuyết Mai lại làm ra chuyện tày trời như vậy.”


“Sợ ch,ết đi được. May mà tôi chưa đưa con mình đến nhà cô ta chơi bao giờ…”


“Mấy người biết không, chiều hôm đó tôi gặp Tuyết Mai, cô ta xách một cái bao tải lén lút dựa vào tường, tôi hỏi cô ta đi đâu thì cô ta nói đi bán khoai tây, lúc đó tôi đã thấy rất kỳ lạ rồi. Đúng rồi, khoai tây nhà họ vẫn chưa thu hoạch! Bây giờ tôi mới nhận ra, chắc chắn là cô ta bỏ xác đứa bé vào trong bao tải rồi mang ra sau núi để chôn…”


Cảnh sát lại đến nhà tôi, lần này họ lục soát khắp nhà, đặc biệt quan tâm đến phòng tắm. Họ ngồi xuống cạnh nồi tắm, cầm nhíp nhặt chỗ này chỗ kia, như thể đang thu thập thứ gì đó.


Một cảnh sát còn nằm xuống mép cỏ trước sân, hít hít ngửi một lúc rồi xúc một nắm đất bỏ vào chiếc túi nhỏ.


“Đổ nước sôi vào đây.” Cảnh sát vừa lấy đất thì thầm với một cảnh sát khác.


Động tác của cảnh sát dứt khoát và mạnh mẽ, nhưng trên khuôn mặt hiện lên một tia bối rối.


“Sao thế…”


“Đừng hoảng, kiểm tra xong sẽ biết…”


Các cảnh sát tập trung xung quanh, nói chuyện rất nhỏ, sắc mặt của họ trông tái nhợt.


Tôi ngồi xổm ngoài cổng, nhặt cỏ đuôi chó, ngơ ngác nhìn họ.


Bầu không khí huyền bí này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi.


9.


Đêm đó, trong phòng khách, bố và bác tôi đã cãi nhau rất to, thậm chí còn đánh nhau.


“Tại sao cô ta lại gi,ết con gái tôi?”


“Tại sao lại làm vậy?”


Bác gầm lên giận dữ, đập mạnh vào bàn rồi ném luôn bát đĩa xuống đất.


Bố khóa cửa nhốt tôi trong phòng, không cho tôi ra ngoài.


Tôi đập cửa và khóc: “Đừng đánh bố! Đừng đánh bố cháu!”


Cánh cửa được khóa bằng một sợi xích mỏng, lộ ra khe hở, tôi nhòm ra bên ngoài, thấy bố tôi đang quỳ lạy bác, trán chảy máu.


Bác đấm vào mặt bố tôi hết lần này đến lần khác, nhưng bố nhất quyết không đánh trả.


“Tại sao cô ta lại gi,ết con gái tôi? Cô ta là con ch,ó cái sẽ gi,ết cả nhà!”


Giọng bác đầy oán giận và gay gắt:


“Chỉ vì ông đây ngủ với cô ta một lần thôi mà cô ta dám gi,ết con gái tôi!”


Bố tôi nghe xong liền ngẩng đầu lên, mở to mắt, giữ lấy nắm đấm của bác, đó lần đầu bố có ý định chống trả.


Thím đang ngồi khóc trong góc, ngước mắt lên nhìn bác tôi với vẻ khó tin: “Anh nói cái gì thế?”


Những chi tiết này đều được ghép lại với nhau khi tôi lớn lên và nhớ về chuyện năm ấy.


Khi đó, tôi chỉ biết khóc và đập cửa.


Khóc đến kiệt sức, tôi sụt sịt, buồn bã hỏi bà nội đang ngồi trên giường: “Bà ơi, em gái đi đâu rồi?”


“Em gái ch,ết rồi.” bà nội nói.


“Chết là gì ạ?”


“Chết là không còn trên đời này nữa.”


“Mẹ cháu đã gi,ết em gái ạ?”


Bà nội chỉ im lặng nhìn tôi mà không nói gì.


“Chiều hôm đó con chơi gì thế? Bà nội đột nhiên hỏi.


“Cháu đang tắm cho em gái thì mẹ về, rồi cháu chạy đi ị, sau đó thì mẹ và em gái đã biến mất.”


Tôi lại không nhịn được mà khóc: “Mẹ thật sự đã gi,ết em gái ạ?”


Bà nội quay người đi, nhìn cành cây ngoài cửa sổ, bình tĩnh nói: “Bà ngủ quên, bà không biết.”


Sáng sớm hôm sau, trước khi bình minh lên, bố thu dọn hành lý, lay tôi dậy, mặc quần áo cho tôi rồi nắm tay tôi đi ra ngoài.


Hai bố con chúng tôi lên một chiếc xe buýt nhỏ đi vào thị trấn, rồi di chuyển từ thị trấn lên thành phố.

Từ đó, khi mới 5 tuổi, tôi đã rời quê nhà và trở thành người thành phố.


10.


Sau này, bất cứ khi nào nhớ về chuyện đó, tôi đều cảm thấy kinh hoàng.


Khi chúng ta lớn lên, nỗi sợ hãi bên trong sẽ càng trở nên mãnh liệt hơn.


Một ngày nọ, khi tôi còn học tiểu học, tôi nhìn bố nấu bánh bao. Lửa cháy dưới đáy nồi, nước sôi sùng sục.


Tôi thử chạm vào nồi bằng đầu ngón tay.


“Rít!’ Cảm giác đau đớn ở đầu ngón tay truyền tới.


Tôi thổi ngón tay và cố chạm vào nước nóng trong nồi.


Bố hất tay tôi ra.


“Không được chạm vào nước sôi!” Bố nghiêm khắc nói.


“Tại sao ạ?” Tôi hỏi.


“Con muốn bị bỏng ch,ết không?”


“Nhưng hồi nhỏ con tắm ở trong nồi nước nóng sao không bị gì hết?”


Bố mỉm cười, như thể thấy tôi thật dễ thương và ngốc nghếch.


Bố kiên nhẫn giải thích: “Nước trong nồi tắm được giữ ở nhiệt độ vừa phải và dễ chịu vì người thêm củi ở bên ngoài đã kiểm soát nó rồi. Nước lạnh thì cho thêm củi vào. Nước nóng quá thì tắt lửa, thêm nước lạnh vào nồi. Nếu nước nóng rồi mà cứ tiếp tục đốt củi, nước trong nồi tắm sẽ sôi. Mà nước sôi thì người ở trong chẳng phải sẽ bị nấu chín luôn sao?”


Bố xoa đầu tôi và bảo tôi rửa tay để chuẩn bị ăn cơm.


Tôi cứng đờ ngay tại chỗ.


Lời nói của bố như một tia sét, xé tung bộ não hỗn loạn bao năm qua của tôi.


Một nỗi sợ hãi lan khắp cơ thể, bóp chặt lấy nội tạng của tôi như xúc tu, khiến tôi chảy mồ hôi đầm đìa.


Mặt kính trên cửa bếp phản chiếu khuôn mặt nhợt nhạt của tôi.


Vào lúc đó, tôi cảm thấy ánh sáng trong thế giới nội tâm của tôi đã hoàn toàn biến mất.


Và tôi dường như trở thành một người xa lạ mà tôi không hề quen biết.


11.


Sau khi rời quê, tôi chưa từng nghe ai nhắc đến mẹ.

Mẹ đã bị cảnh sát giam giữ, không có một chút tin tức nào.


Bố tránh mọi chủ đề về mẹ, giống như tránh một vết nhơ.


Bố tìm được việc làm ở thành phố, mua một ngôi nhà mới và cưới một người vợ khác. Người đó đã trở thành mẹ tôi.


Mẹ ruột của tôi đã bị chôn vùi mãi mãi trong ký ức, không bao giờ gặp lại nữa.


Tôi luôn nghĩ về từng khoảnh khắc, từng giây phút của buổi chiều xuân đầy nắng năm ấy, cho đến khi nó ăn sâu vào trong trí nhớ.


Vì vậy, qua màn sương mù dày đặc của năm tháng, tôi đã nhìn thấy một phiên bản chân thực và rùng rợn của câu chuyện.


12.


Tôi vui vẻ đốt củi, sợ em gái bị cảm lạnh.


Bên kia bức tường, em gái tôi rên rỉ đau đớn.


Lửa trong lò ngày càng lớn, không bao lâu nữa nước sẽ sôi.


Em gái tôi kêu la và gọi “mẹ, mẹ”


Tôi có nghe thấy tiếng hét của em ấy không?


Tôi vắt óc cố nhớ lại, nhưng dù thế nào đi chăng nữa, tôi cũng không thể tìm thấy tiếng hét của em gái từ những khoảng trống trong ký ức.


Tôi không nhớ.


Tôi thực sự không nhớ.


Mẹ mở cổng bước vào, dùng khăn lau mồ hôi lấm tấm trên mặt. Mẹ gọi tên tôi một cách trìu mến và hỏi tôi đang chơi gì.


Tôi nói: “Con đang tắm cho em gái.”


Sau đó liền ôm bụng chạy vào nhà vệ sinh.


Mẹ cau mày, thấy củi đang cháy nên lao vào phòng tắm.


Mẹ đã thấy gì?


Tôi không dám nghĩ về nó.


Có thể mẹ đã sốc đến nỗi không phát ra chút âm thanh nào, hoặc mẹ đã hét lên, tôi thực sự không biết.


Bác tôi là một người bạo lực, nhưng bác rất thương con gái.


Nếu bác nhìn thấy cảnh đó, chắc chắn tôi sẽ bị đánh ch,ết.


Hẳn là sau khi suy nghĩ kỹ, mẹ tôi đã run rẩy nhặt em gái từ trong nồi lên…


Nhét vào bao tải.


Dập lửa, đổ chỗ nước còn lại trong nồi tắm xuống bãi cỏ trước sân rồi xách bao tải ra ngoài.


Mẹ lén lút đi gần tường.


Có người đi về phía mẹ hỏi: “Tuyết Mai, cô đi đâu vậy?”


Mẹ nói: “Bán khoai tây.”


Mẹ chôn thứ trong bao tải trên ngọn núi hoang vắng bên ngoài làng.


Mẹ chắc hẳn rất sợ hãi.


Mẹ sợ bị cảnh sát phát hiện, nhưng càng sợ bác hơn, nên mẹ mới hoảng sợ trốn đi.


Tuy nhiên, mọi chuyện sớm muộn gì cũng sẽ lộ ra.


Nếu em gái mất tích, cả nhà nhất định sẽ báo cảnh sát.


Cảnh sát nhất định có thể tìm ra bất cứ điều gì.


Một khi sự thật bại lộ, cho dù tôi không bị cảnh sát kết tội vì còn nhỏ, thì tôi cũng sẽ bị bác lột da, tra tấn đến ch,ết rồi cho lợn ăn.


Bác tôi chắc chắn sẽ làm vậy.


Có lẽ vì lo lắng điều này, rạng ráng ngày hôm sau, mẹ tôi đã đến đồn cảnh sát ở thị trấn và nhận tội gi,ết người thay tôi.


Cảnh sát rất ngạc nhiên, yêu cầu mẹ tường thuật lại sự việc.


Mẹ đã biến việc tôi làm thành mẹ làm và kể lại với cảnh sát.


Cảnh sát phẫn nộ đập bàn và tức giận hỏi: “Tại sao cô lại làm như thế?”


“Để trả thù.”


Đôi mặt mẹ trống rỗng, giọng điệu chắc nịch: “Anh trai của chồng đã cưỡng hi,ếp tôi, vì vậy tôi đã gi,ết con gái anh ta.”


Lúc này, mẹ thậm chí còn cảm thấy biết ơn bác tôi vì đã cưỡng hi,ếp mẹ, để mẹ có một động cơ gây án hoàn hảo.


Tôi luôn ghi nhớ lời bác tôi trong lúc nóng giận đã hét lên: “Chì vì ông đây ngủ với cô ta một lần mà cô ta dám gi,ết con gái tôi!”.


Mãi đến khi tôi lớn lên, tôi mới hiểu được ý nghĩa ghê tởm đằng sau câu nói này.


Giờ đây, những hình ảnh trong đầu tôi vỡ tan thành từng mảnh, rơi xuống một cách thô bạo, đâm thẳng vào trái tim tôi.


Tôi mất kiểm soát hét lên.


Trong đôi mắt mơ hồ đẫm lệ, tôi nhớ lại cảnh ngày đó một cách khó nhọc.


Qua song sắt lạnh lẽo, tôi nhìn thấy mẹ.


Mẹ cúi đầu thật sâu, mái tóc rối bù che kín mặt, vừa khóc vừa nói gì đó với cảnh sát.


“Mẹ!” Tôi gọi lớn.


Mẹ ngẩng đầu lên và nhìn về phía chúng tôi, rồi hoảng sợ hét lớn:


“Tiểu Ngọc Nhi, cẩn thận!”


…….


Hừm?


Có điều gì đó không đúng lắm

Bình luận (0)
Đăng ký tài khoản (5s xong)

Hãy là người bình luận đầu tiên