1.
"Trần Miêu, lần sau có thể rũ sạch nước trong đầu rồi hãy lên lớp không?"
"Heo ăn xong còn biết kêu hai tiếng, mày ăn xong có thể kiếm nổi cái A+ không?"
"Với cái bộ dạng này, sau này mày có thể làm được gì? Đến vặn ốc vít còn vặn trượt nữa là!"
"..."
Khi tôi bưng món cuối cùng từ bếp ra, con trai đã khóc nức nở vì bị bố mắng.
Thằng bé với vóc dáng nhỏ xíu cúi đầu sụt sịt, còn anh ta thì vẫn không buông tha mà dùng đũa chọc vào trán con: "Mày đi hỏi thử xem, có nhà nào như nhà này không? Bố thì ngày nào cũng tận tâm dạy dỗ mà mày lại không biết quý trọng, nín khóc ngay cho tao!"
Con trai ôm bụng, nước mắt lưng tròng nói với giọng lí nhí: "Bố ơi, con đau bụng."
Nhưng Trần Dạng chẳng buồn đoái hoài, anh ta vung đũa đánh thẳng vào cánh tay con: "Bớt giả vờ đi, hôm nay ăn phải gì mà bụng toàn ý xấu xa vậy hả?!"
Tôi giận sôi máu mà ném phăng đĩa thức ăn xuống bàn, sau đó kéo con trai ra sau lưng rồi chỉ tay vào anh ta mà quát lớn: "Trần Dạng! Tôi đã nói bao nhiêu lần rồi, đừng mắng con trong bữa ăn. Anh có biết nó bị anh mắng đến mức viêm dạ dày rồi không?!"
Không ngờ câu nói này như chọc trúng điểm tự ái của chồng tôi. Anh ta ném mạnh đôi đũa xuống bàn rồi nói với giọng hằn học:
"Tôi cứ thắc mắc mãi, sao con lại ngu ngốc như thế! Hóa ra là di truyền từ mẹ nó, đúng là y hệt cô!”
"Nói cho cô biết nó càng sợ chứng tỏ nó càng chột dạ, tôi lại càng phải mắng cho ra nhẽ!"
Thấy tôi lôi tờ kết quả chẩn đoán từ bệnh viện ra, anh ta chỉ hừ lạnh một tiếng:
"Đừng lấy mấy cái thứ đó ra dọa tôi, bây giờ chỉ cần bước vào bệnh viện là kiểu gì cũng được chuẩn đoán ra bệnh!”
"Nó là con ruột của tôi, tôi nhìn một cái là biết nó có giả vờ hay không!"
Nhìn sự ngang ngược của anh ta, tôi tạm dằn cơn giận mà đưa con về phòng dỗ dành.
Trước khi lên sáu, Miêu Miêu là một đứa trẻ hồn nhiên và vui vẻ vì Trần Dạng thường xuyên phải công tác xa. Nhưng từ khi anh ta được điều về gần nhà, bữa cơm nào cũng biến thành buổi "dạy dỗ" trên bàn ăn.
Ban đầu, tôi nghĩ anh ta chỉ là quá quan tâm con nên không can thiệp nhiều. Nhưng càng ngày anh ta càng quá đáng, không còn chút giới hạn nào. Lời lẽ đầy sự chèn ép và sỉ nhục ngày càng cay nghiệt, thậm chí bây giờ còn động tay động chân.
Khi nhận ra Miêu Miêu bắt đầu trở nên nhạy cảm và tự ti, tôi đã nói chuyện với anh ta không biết bao nhiêu lần. Anh ta lần nào cũng hứa hẹn, nhưng sau lưng lại càng tệ hơn.
Cuối cùng tôi phát hiện ra một điều: Cứ mỗi lần tôi bênh vực con, thì lời lẽ của anh ta lại càng tàn nhẫn hơn.
Mỗi lần cơm vừa dọn lên bàn, anh ta lại bắt đầu càm ràm không ngớt. Con trai ăn xong cũng không được phép rời đi mà phải đợi đến khi anh ta cằn nhằn chán chê, ăn no rồi phất tay cho phép mới được đứng dậy.
Dần dần đứa nhỏ bắt đầu sợ hãi trước mỗi bữa ăn, thậm chí vừa đến giờ cơm là bụng quặn đau.
Thế nhưng anh ta lại thản nhiên nói: "Nó là con ruột của tôi, tôi chỉ cần nhìn là biết nó giả vờ hay không. Cô đừng có làm mẹ kiểu bao bọc quá đà mà hại con!"
Sau bao lần tranh cãi, anh ta chẳng những không thay đổi mà còn càng lúc càng quá đáng hơn!
Chỉ cần con khóc, anh ta liền đập bàn quát: "Đừng có diễn trò trước mặt tao. Mau khai ra đây, hôm nay mày lại làm chuyện gì khuất tất mà chột dạ đúng không?!"
Nhưng tôi biết rõ con mình không hề giả vờ.
Tôi cũng hiểu, nếu cứ tiếp tục như thế này thì sớm muộn gì con cũng sẽ gặp vấn đề thật sự về mặt tâm lý!
Hồi nhỏ, tôi cũng từng trải qua những bữa ăn đầy áp lực như thế. Mỗi khi tôi vừa cầm đũa lên là bố tôi lại bắt đầu chì chiết, so sánh tôi với con nhà người ta.
Khi tôi học giỏi hơn bạn bè, ông bảo tôi vô dụng vì chẳng làm được việc nhà. Khi tôi làm việc nhanh hơn người khác, ông lại nói tôi chẳng học hành ra hồn.
Vừa nói, ông vừa bất ngờ dùng đũa gõ lên đầu tôi. Đợi đến lúc tôi còn đang bần thần, ông liền hất mạnh bát về phía tôi mà ra lệnh đi xới cơm cho ông.
Chỉ cần tôi chậm một chút, ông sẽ tiếp tục một tràng sỉ vả mới.
Cứ như vậy, tôi sống trong căng thẳng suốt thời thơ ấu. Mỗi bữa ăn đều là một nỗi ám ảnh và chỉ cần đến giờ cơm là tôi lại lo sợ… Thậm chí căng thẳng tới mức đau bụng.
Cả tuổi thơ của tôi chưa từng được ăn một bữa cơm ngon lành.
Ám ảnh đó kéo dài đến tận bây giờ. Chỉ cần ngồi vào chiếc bàn ăn cũ ở quê là tôi lại thấy tim đập nhanh, tay chân trở lên bủn rủn.
Nó khiến tôi trở thành một người tự ti và nhạy cảm, luôn thiếu đi sự tự tin. Nhưng tôi không muốn con trai mình cũng như vậy.
Tôi không cần con phải giỏi giang xuất sắc, tôi chỉ mong con có thể ăn mỗi bữa cơm một cách thoải mái vui vẻ và khỏe mạnh.
Thế nhưng tối nay, khi Trần Dạng dùng đũa gõ vào đầu con. Tôi bỗng thấy hình bóng của bố mình trong đó, nếu cứ tiếp diễn thế này con nhất định sẽ có vấn đề.
Nghĩ đến đây, tôi chợt nhớ ra bố tôi thương cháu ngoại còn hơn cả bản thân mình.
Đang rối trí vì chưa biết làm thế nào, trong đầu tôi bỗng lóe lên một ý tưởng. Nếu Trần Dạng cứ khăng khăng không chịu nghe, vậy thì cứ để anh ta nếm thử cảm giác đó một lần xem sao.
Dù sao thì so với những gì tôi từng chịu đựng, những gì anh ta làm với con cũng chỉ là trò trẻ con mà thôi!
2.
Hôm sau tôi viện cớ mở tiệc đón bố, nhờ Trần Dạng gọi mấy người anh em thân thiết của anh ta đến góp vui.
Vừa ngồi xuống, mấy người đàn ông lập tức bàn chuyện con cái:
"Con tôi cũng bình thường thôi, nó mới đạt cấp 8 piano và thành tích học cũng tạm được."
"Nhóc nhà tôi cũng chẳng ra sao, lúc thì đứng nhất khi thì đứng nhì… Nó làm tôi lo chec đi được!"
"Haiz, con tôi cũng thế! Thằng bé học lệch khủng khiếp, mấy môn khác toàn điểm tuyệt đối mà tiếng Anh chỉ được có 89… Đúng là đau đầu quá!"
Mọi người có vẻ như đang than vãn, nhưng thực chất lại đang khoe con của mình.
Chỉ riêng Trần Dạng là khác, vừa nghe mấy lời khoe khoang kia anh ta vừa chọc ngón tay vào đầu con trai mà mắng:
"Nói đến lo thì tôi mới thực sự lo đây này! Thằng ngốc nhà tôi dốt đến phát chán, nếu không có tôi ngày nào cũng cằn nhằn thì chắc nó đã đần độn đến không cứu nổi!"
"Đi học thì mắt trước mắt sau, làm bài thì nguệch ngoạc như rồng bay phượng múa. Đầu óc thì lơ ngơ như bột mì gặp nước, càng quấy càng nhão!"
"Trên lớp nó là con gà lười, mà ra chơi là con gà điên. Mỗi lần hỏi bài là như gà mắc tóc!"
"Nó ấy à? Cả đời này chỉ có hai thứ không biết… Cái này cũng không biết, cái kia cũng không biết!"
Miêu Miêu tuy không phải đứa trẻ xuất sắc, nhưng cũng chẳng hề kém cỏi như lời Trần Dạng nói.
Con tôi vốn thông minh lanh lợi và hiếu động. Vậy mà giờ đây lại bị anh ta mắng đến nỗi không dám cử động, hai mặt đỏ bừng đầu gần như rúc vào bát cơm.
Trần Dạng càng nói càng hăng, không hề nhận ra tay bố tôi đang gắp thức ăn cho Miêu Miêu bỗng khựng lại.
Những lời sỉ vả như súng liên thanh của anh ta khiến cả bàn ăn rơi vào im lặng. Mọi người đưa mắt nhìn nhau tỏ vẻ đầy kinh ngạc.
Thế nhưng vừa giành được sân khấu của mình, Trần Dạng lại càng đắc ý mà tiếp tục nói: "Nó chẳng được điểm nào giống tôi, đúng là y hệt mẹ nó!"
Lời vừa dứt, mặt bố tôi lập tức sa sầm!
Thế nhưng, khi nhìn Miêu Miêu sắp bật khóc thì ông vẫn cố nhịn mà không lật bàn ngay tại chỗ. Tôi hiểu vì sao ông lại nhẫn nhịn, bố tôi là người rất thương cháu nên ông sợ dọa đứa nhỏ mà.
Nhưng với tính cách của bố tôi, việc ông không lật bàn mới thực sự đáng sợ!
Ông nhẹ nhàng vỗ về Miêu Miêu, sau đó im lặng uống từng ly rượu. Trông có vẻ như ông đang uống giải sầu, nhưng tôi biết ông đang tìm cách để đối phó.
Lúc này, đến lượt mấy người anh em của Trần Dạng phát huy tác dụng.
Tôi gắp cho bố một miếng thịt, cố ý mở lời: "Bố à, bố uống với mấy anh em này vài ly đi. Họ toàn là người có máu mặt cả đấy!"
Lời này khiến mắt bố tôi sáng lên. Ông dốc cạn một chén rồi hỏi: "Mấy cậu mỗi tháng kiếm được bao nhiêu?"
Mấy người đàn ông đã ngà ngà say, họ hơi khựng lại một chút sau đó đặt đũa xuống mà lau miệng rồi bắt đầu nổ:
A: "Cháu ấy á? Bình thường thôi ạ, tầm sáu ngàn tệ."
B: "Cũng tạm, cháu không nhìn lương cứng mà chăm chỉ thì kiếm nhiều, lười thì cũng bẩy tới mười ngàn tệ."
C: "Cháu làm kinh doanh riêng, mỗi tháng còn dư hơn chục ngàn tệ."
Nếu chỉ nghe những lời nói này, thì ai có thể biết được thực ra mấy người trước mắt chỉ là công nhân lắp ốc, shipper, với bán hàng ngoài chợ đâu cơ chứ.
Nhưng tôi cũng thừa hiểu tính bố mình!
Gặp hạng người như Trần Dạng, ông thích nhất là lấy gậy ông đập lưng ông!
Vậy nên tôi mới cố tình bảo Trần Dạng, gọi mấy anh em chuyên ch.é.m gió thành thần này tới. Đúng như dự đoán, chờ mấy người kia khoác lác xong thì bố tôi liền cầm đũa gõ mạnh vào đầu Trần Dạng.
Vừa gõ, ông vừa nghiến răng nói:
"Còn cái thằng đần Trần Dạng nhà tôi thì không được như vậy!"
"Lương chỉ có hai tới ba ngàn tệ, sống như con rùa rụt cổ còn mỗi cái mồm là giỏi!"
"Về nhà thì gầm rú như hổ mà đi làm thì rụt cổ như rùa, cứ tới ngày lãnh lương là khóc lóc gọi bố!"
Câu nào câu nấy đều thấm thía!
Với trình châm biếm này, tôi chỉ muốn đứng dậy vỗ tay thật lớn cho bố mà thôi.
Ngay cả Miêu Miêu cũng không nhịn được mà bật cười, thằng bé hiếm hoi lắm mới lộ ra nụ cười.
Nhưng kẻ sĩ diện như Trần Dạng thì không giống vậy. Mặt anh ta đen lại, tay siết chặt đến mức chiếc ly trong tay vỡ tan. Mảnh thủy tinh cắm vào tay khiến m.á.u tươi túa ra, mãi đến khi cơn đau nhói lên thì mới giật mình hít vào một hơi lạnh.
Anh ta giơ bàn tay đầy m.á.u lên kêu rên: "Bố ơi, bố nói cái gì vậy! Bố đang đùa kiểu gì thế hả?!"
Hãy là người bình luận đầu tiên
Nguyệt Truyện hoan nghênh các tác giả, dịch giả, nhóm dịch và các fanpage đăng truyện lên website của chúng tôi. Mọi chi tiết về nhuận bút, kiếm tiền và các thỏa thuận khác vui lòng nhắn tin trực tiếp đếnfanpage Facebook Nguyệt Truyệnhoặc email nguyettruyennet@gmail.com