Cái giá của một triệu tệ

[1/4]: Chương 1

1.


Vừa tan ca làm thêm thì điện thoại đã đổ chuông, hóa ra là bạn trai của tôi— Lưu Kỳ gọi tới: “Bảo bối ơi, mai là sinh nhật anh đấy! Trương Cường bảo muốn rủ mọi người đi ăn lẩu.”


Trương Cường là bạn thân cùng ký túc xá với anh ta, hai người suốt ngày chơi game chung với nhau.


Bây giờ toàn thân của tôi mệt mỏi rã rời đến cả tay cũng không buồn nhấc lên, chỉ ậm ừ nói cho qua chuyện: “Ăn thì ăn, lẩu ngoài kia đầy rẫy đấy thôi!”


Lưu Kỳ ngập ngừng hỏi nhỏ: 


“À… bảo bối này, người ta nói bạn gái đều sẽ chuẩn bị quà…”


“Còn em, có quà gì cho anh không?”


Nghe đến chuyện tiền nong, tôi bỗng thấy phiền lòng trào lên tận óc.


Mấy hôm trước mẹ tôi gọi điện khóc lóc, bảo em trai tôi ở trường gây chuyện. Giờ phải bồi thường cho người ta 20.000 tệ.


Bà ta nức nở nói không ra hơi: “Đại Nha, con mau gửi tiền về đi! Đó là em ruột của con mà.”


Tôi tức đến mức suýt ném luôn điện thoại, mà gào lên: 


“Sao mẹ cứ bắt con gánh hết toàn bộ hậu quả của nó nữa vậy? Đó là con của mẹ, không phải của con!”


“Con là sinh viên, mẹ bảo con đi đâu kiếm ra tiền đây?”


Mẹ bị tôi quát thì sững lại một lúc, rồi lập tức xé toạc cái vỏ bọc dịu dàng. Bà trở giọng đe dọa tôi:


“Mày mà không chịu đưa tiền, thì tao sẽ đến tận trường tìm mày.”


“Tao mặc kệ mày kiếm bằng cách nào... Vay, bán, trộm, cướp đều tùy mày, tao chỉ cần tiền mà thôi.”


Chuyện này mà kể ra, chắc chẳng ai tin nổi một người mẹ lại có thể nói thế với con gái mình.


Tôi tắt máy rồi nằm lặng cả đêm, nước mắt âm thầm chảy mãi không ngừng. Tôi hiểu quá rõ rằng mẹ sẽ làm thật, bà ta độc ác tới mức không gì là không dám.


Lần trước tôi không chịu gửi tiền, hôm sau bà ta mò đến tận văn phòng hiệu trưởng. Trước mặt toàn bộ ban lãnh đạo, bà ta quỳ gối dập đầu và mắng nhà trường toàn dạy dỗ ra kẻ vô ơn, sinh viên ai nấy đều là những đứa con không biết hiếu thuận.


Các giáo viên vội vã chạy ra can ngăn, thì bà ta liền đứng dậy đ.â.m đầu thẳng vào tường. Hiệu trưởng và trưởng khoa sợ đến tái mặt, cuống cuồng gọi tôi đến xử lý.


Từ đó trở đi, tôi liền nổi tiếng khắp toàn trường. Chỉ cần ai nhắc đến tên tôi, thì đều đồng loạt gật gù:


“À, thì ra kia là cô con gái ‘hiếu thảo’ đó à.”


“chính mình thì ăn ngon mặc đẹp ở trường, còn mẹ với em ở nhà đói rã ruột cũng mặc kệ.”


“Đọc bao nhiêu sách cũng uổng phí vứt cho chó rồi, làm mất hết thể diện của trường.”


Tôi phải liều mạng đi làm thêm, từng đồng đều phải cân đo tính toán từng chút một. Khó khăn lắm mới tiết kiệm được một ít tiền sinh hoạt, vậy mà giờ lại bị nhắm đến.


Đầu dây bên kia, Lưu Kỳ thấy tôi im lặng mãi thì tiếp tục nhỏ giọng hỏi: “Bảo bối, em gặp khó khăn gì à, anh có thể…”


Tôi bỗng hoàn hồn. Chẳng còn sức đâu mà chọn quà cáp gì nữa, bèn chuyển cho anh ta phong bao 200 tệ rồi nói:


“Xin lỗi nhé, mai em bận đi làm thêm mất rồi. Chắc không tham gia tiệc sinh nhật của anh được.”


“Coi như đây là chút tấm lòng, anh cầm lấy mua ly trà sữa uống cho vui.”


2.


Về tới ký túc xá, tôi bắt đầu kiểm lại toàn bộ số tiền mình đang có. Tất cả học bổng cùng trợ cấp và tiền làm thêm cộng lại, vừa khéo được 20.000 tệ.


Số tiền này là chi phí sinh hoạt cả năm học tới. Ngoài khoản sinh hoạt tháng này, tôi còn phải đóng thêm một khoản chi phí tài liệu khá lớn. Dù có nhịn ăn nhịn uống, nhiều nhất tôi cũng chỉ có thể trích ra được 15.000 tệ.


Tính xong xuôi, tôi lập tức mở mấy nhóm tìm việc làm thêm. Lần lượt nhắn riêng cho từng quản lý nhóm, để xem có thể nhận thêm việc gì không.


Mẹ tôi thì không cho tôi lấy nổi một hơi thở. Vừa mới chốt được lịch làm thêm với các quản lý nhóm, thì bà đã gửi ngay một tấm ảnh một vali đã đóng gói sẵn. Kèm theo đó là lịch đặt vé xe đi thẳng tới thành phố nơi tôi đang học:


“Đại Nha, mai mẹ đến tìm con.”


“Trường của con mẹ biết rồi, mẹ tự bắt xe tới được.”


Để ngăn bà nổi điên, tôi buộc phải chuyển trước cho bà một 10.000 tệ. Còn lại 10.000 tệ nữa, tôi hứa sẽ cố gắng xoay xở trong vòng một tháng.


Mẹ nhận được tiền, thì chỉ lạnh nhạt đáp một câu: “Nhanh lên đấy, thằng em con giờ không dám về nhà nữa rồi.”


Cuối cùng, bà lại như vô tình mà hỏi tới:


“Bạn trai con vẫn còn đang quen đấy chứ? Khi nào thì mời cha mẹ hai bên gặp mặt một lần đi?”


“Chốt sớm ngày nào, người lớn chúng ta cũng yên tâm sớm ngày đó.”


Tôi tức tới bật cười, ‘yên tâm’ của bà ta là gì hả? 


Bà ta đang toan tính điều gì, tôi còn không rõ sao? 


Nói cho cùng, chẳng phải là đang nhắm vào tiền sính lễ của tôi à?


Tôi cố kiềm chế không bấm nút chặn số, trong lòng chỉ lặp đi lặp lại một câu: ‘Cố thêm một năm nữa thôi rồi mọi chuyện sẽ qua. Chờ tốt nghiệp rồi, mình sẽ đến một nơi chẳng ai tìm thấy… vĩnh viễn không quay lại nữa.’


3.


Chiều hôm sau, bạn cùng phòng của Lưu Kỳ gọi điện cho tôi:


“Chị dâu ơi, mau tới quán lẩu ‘Phi Má’ đi, anh Kỳ uống say quá rồi.”


“Bọn em về trước nhé, anh Kỳ đang nằm trong phòng riêng chờ chị đấy. Chị tới nhanh lên.”


Cúp máy xong, tôi lập tức quét một chiếc xe đạp công cộng rồi đạp thẳng tới nơi. Vừa tới, nhân viên liền dẫn tôi vào một phòng riêng và đưa ra một tờ hóa đơn: “Chị ơi, tổng chi phí bàn của mình là một nghìn tệ, chị muốn thanh toán bằng cách nào ạ?”


Tôi nhìn chằm chằm vào hóa đơn mà hơi ngớ ra, vô thức quay sang hỏi: “Thanh toán gì cơ?”


Nhân viên vẫn giữ nụ cười lịch sự: “Bên em có hỗ trợ WeChat, Alipay, tiền mặt…”


Tôi giơ tay cắt lời nhân viên rồi nói: “Khoan đã, sao lại bắt tôi trả tiền? Tôi có ăn bữa này đâu.”


Lúc này, sắc mặt nhân viên khẽ thay đổi. Cô ta chỉ vào Lưu Kỳ đang say mềm trên ghế sofa: “Là bạn của vị này nói, bạn gái anh ấy sẽ đến thanh toán.”


Trong nồi lẩu vẫn còn đang sôi ùng ục, mùi bay lên vừa tanh vừa hăng… Khó chịu vô cùng.


Trong nồi vẫn còn cả đống thịt bò, thịt cừu chưa đụng đũa. Trên bàn bày la liệt đĩa trái cây và đồ ăn vặt gần như còn nguyên, dưới chân bàn thì chai bia vứt lăn lóc đầy đất.


Lưu Kỳ nằm thẳng cẳng trên ghế, trước ngực áo loang lổ vết nước lẩu và nước uống trông đến là thảm hại. Điện thoại rơi dưới đất, màn hình dừng lại ở một trang mạng xã hội nổi tiếng.


Tôi nhìn cái bữa tiệc sinh nhật xa xỉ này mà trong lòng dần dần bốc hỏa.


Từ lúc yêu nhau tới giờ, tôi với Lưu Kỳ luôn chia đôi mọi thứ. Anh ta mua quà cho tôi thì tôi cũng phải mua lại món khác tương đương, anh ta mời tôi ăn lẩu thì lần sau nhất định tôi phải mời lại.


Tôi đã nói rõ với anh ta là mình đang chật vật về tài chính, còn phải trả nợ vay học phí.

Yêu đương kiểu sòng phẳng đến từng xu này khiến tôi nghẹt thở.


Không biết bao nhiêu lần tôi đã đề nghị chia tay, thậm chí còn từ chối nhận quà từ anh. Nhưng anh ta chưa bao giờ chịu buông tay.


Mỗi lần tặng quà cho tôi bị từ chối, anh ta lại chụp ảnh đăng lên vòng bạn bè. Kèm theo dòng trạng thái: “Bạn gái giận rồi, nên tặng gì để dỗ đây?”


Đám bạn nhậu vô công rồi nghề của anh ta liền lao vào bình luận, góp ý vô cùng nhiệt tình. Họ bảo tôi mắt cao hơn đầu nên chê quà rẻ tiền, phải tặng hàng đắt tiền mới xứng.


Thế là dần dà, quà cáp anh ta mua ngày càng đắt đỏ. Thậm chí bắt đầu chuyển sang hàng hiệu… Nhưng tôi vẫn không nhận. 


Anh ta mua rồi để đâu, vứt đi hay bán lại thì tôi cũng mặc kệ. Nhưng hình như trong đầu anh ta, những món đó nghiễm nhiên được tính là đã tặng thành công.


Trong vòng bạn bè của anh ta, hình tượng của tôi như thể một cô bạn gái dịu dàng đáng yêu. Mỗi ngày đều được anh ta tặng trà sữa, hoa tươi và quà vặt mỗi ngày. Đến sinh nhật hay lễ tình nhân, còn được nhận cả hàng hiệu nữa kìa.


Thực tế là… Tôi chưa từng nhận lấy bất cứ thứ gì từ anh ta cả.


Bạn cùng phòng của anh ta vẫn luôn tưởng tôi là kiểu con gái mê tiền, chuyên đào mỏ anh ta đến tơi tả. Thành ra lần này đến sinh nhật Lưu Kỳ, bọn họ mới xúi anh ta đến tìm tôi đòi mời tiệc.


Tôi rút điện thoại ra, gọi thẳng cho cái đứa bạn nhảy nhót tích cực nhất trong nhóm.


Điện thoại vừa nối máy, đầu bên kia vang lên giọng lười nhác: “Ơ, chị dâu đấy à? Đón được anh Kỳ chưa?”


Tôi cố nuốt xuống cơn giận, lạnh giọng nói:


“Các cậu tự tổ chức tiệc, tại sao lại bắt tôi trả tiền?”


“Lưu Kỳ là người mời các cậu, vậy thì làm ơn quay lại mà giải quyết cho gọn.”


Đầu dây bên kia rõ ràng không ngờ tôi dám nói thẳng như thế. Hắn ta khựng lại vài giây, rồi bắt đầu giễu cợt:


“Ồ, bộ mặt thật của kẻ đào mỏ cuối cùng cũng lộ rồi à? Cô không thèm diễn nữa sao?”


“Anh Kỳ đã đổ cả đống tiền vào cô, vậy mà một bữa lẩu cô cũng tiếc là sao?”


“Loại con gái như cô, bị nói là đồ ‘đào mỏ’ cũng đáng đời thôi!”


Vứt lại câu đó, hắn ta ngay lập tức dập máy trước. Tôi nghe mà sững người, càng nghe càng thấy tức.


Nói tôi là đào mỏ? Vậy tôi đã đào được cái quái gì chứ?


Tôi tốn nguyên nửa tháng tiền sinh hoạt để lôi Lưu Kỳ ra khỏi quán lẩu. Đưa anh ta về tới ký túc xá, tôi liền soạn ngay một tin nhắn chia tay.


Tin nhắn gửi thành công, tôi lập tức xóa đoạn chat và chặn luôn số điện thoại.


Liên tiếp hai tuần sau, Lưu Kỳ không liên lạc lại nên tôi chắc mẩm anh ta cũng tự biết mình sai.


Tôi xoay xở đủ số tiền còn lại là 10.000 tệ, rồi chuyển khoản cho mẹ của mình. Kèm theo đó là một lời cảnh cáo rõ ràng: “Đây là lần cuối cùng con dọn đống hậu quả mà em trai gây ra. Còn có lần sau, mẹ con mình cắt đứt quan hệ luôn đi.”


Mẹ tôi nhận được tiền, chỉ lạnh nhạt nhắn lại:


“Được rồi được rồi, mẹ sẽ trông chừng nó cẩn thận.”


“Còn chuyện của mày thì lo nhanh lên, đừng để người ta lợi dụng không công đấy.”


Tôi lướt lại cuộc trò chuyện với mẹ từ trước tới giờ. Cứ ba câu thì nhắc tới ơn sinh thành, năm câu lại nhắc chuyện chuyển tiền.


Tình cảm giữa tôi với mẹ, đã sớm bị những lần chuyển khoản kia mà bào mòn tới cạn kiệt.


Chỉ cần đứa em trai của tôi còn sống, thì nó sẽ còn gây chuyện. 


Và tôi… Cái ngân hàng di động bất đắc dĩ này, sẽ còn phải tiếp máu cho nó mãi không thôi. Tôi ngồi lì trong phòng, đau đầu nghĩ cách để mẹ không còn cơ hội nào uy hiếp mình nữa.


Đúng lúc ấy, bạn cùng phòng của tôi là Tiểu Điềm vừa mới về đến.


Bình luận (0)
Đăng ký tài khoản (5s xong)

Hãy là người bình luận đầu tiên