Chạy trốn

[1/4]: Chương 1

1


Trời vừa tờ mờ sáng, tôi vừa nhắm mắt vừa mặc quần áo. Bà nội nằm bên cạnh đột nhiên trở mình, lẩm bẩm:


“A Anh, con nói với cha con sáng nay ta không ăn cháo gạo.”


“Vậy ăn cháo ngô nhé?”


“Không ăn, ta muốn ăn bánh quẩy chiên giòn, thêm một cái bánh bao nhân thịt lớn, uống cùng sữa đậu nành nóng.”


Nói xong, bà còn nuốt nước bọt.


Tôi bật cười: “Bà nội, bà đang ăn trong mơ đấy à! Răng bà đã rụng bao nhiêu năm rồi, còn cắn nổi bánh quẩy chiên giòn sao?”


Bà nội năm nay đã bảy mươi chín tuổi, là người trường thọ có tiếng trong vùng.


Triều đại này dùng hiếu đạo trị thiên hạ, nhờ bà nội sống lâu, cha tôi còn được cử làm Hiếu Liêm, giữ chức huyện thừa ở huyện Bình Dương.


Nhà tôi vốn nghèo, nhưng từ khi cha làm huyện thừa, cuộc sống cũng khá hơn nhiều. Vì vậy, cha càng quan tâm đến sức khỏe của bà nội, bảo tôi chuyển đến ở cùng để chăm sóc bà ba bữa một ngày.


Tôi dịu dàng dỗ dành: “Bà nội muốn ăn món mặn, vậy để con bảo nhà bếp nấu cháo rau nhé? Rồi băm nhuyễn thịt trộn vào.”


Người ta thường nói, ‘già hóa trẻ’ ý chỉ người già giống như trẻ con, bướng bỉnh, và không nói lý lẽ mà chỉ có thể dỗ dành. Lúc bà nội giận dỗi, còn ngang bướng hơn cả một bé gái chín tuổi như tôi.


Tôi mặc xong quần áo, kéo rèm giường. Đột nhiên, bà nội ngồi bật dậy, nói: “Ta cắn được mà, A Anh, ta mọc răng lại rồi.”


Bà há miệng ra trước mặt tôi.


Trong ánh sáng lờ mờ, tôi liếc nhìn qua và kinh hoàng.


Chỉ thấy trên lợi vốn trơn nhẵn của bà, mọc lên một hàng răng nhọn đều tăm tắp. Không chỉ vậy, mái tóc trắng như tuyết của bà cũng đã đen hơn phân nửa.


“Cha ơi— Mẹ ơi—!”


Tôi hoảng sợ, lăn xuống giường, chân không kịp xỏ giày, lao thẳng đi tìm cha mẹ.


Cha tôi mỗi ngày đều đến nha môn vào giờ Mão, lúc này cũng đã mặc xong quan phục, chuẩn bị ra cửa. Thấy tôi hoảng hốt, tưởng bà nội có chuyện, sắc mặt liền tái nhợt, vội vàng chạy vào phòng bà.


“Mẫu thân, tóc người sao lại đen thế này?”


“Cơ thể người có chỗ nào không khỏe không?”


Bà lắc đầu.


“Không có gì khó chịu, ta cảm thấy tinh thần rất tốt, chỉ là đói, muốn ăn thịt.”


Nói rồi, bà há miệng cười với cha tôi, để lộ một hàm răng trắng sắc nhọn.


2


Cha tôi vô cùng kinh ngạc, xin nghỉ một ngày, không đến nha môn trình diện. Ngày hôm sau, tin tức bà nội mọc lại răng lan truyền khắp cả huyện, như thể mọc cánh mà bay đi.


Tôi ra ngoài mua điểm tâm, trong quán trà, ai ai cũng đang bàn tán về bà nội.


Người kể chuyện trong quán trà, tay trái cầm ấm trà lớn, bắt chéo chân, đảo mắt nhìn quanh một lượt, rồi bất ngờ vỗ đùi đánh bốp:


“Chậc, nhà họ Lý có phúc lớn quá! Cụ bà Lý, đây đúng là người thọ hiếm có!”


“Cụ Chu ơi, người thọ hiếm có là gì vậy?”


“Hừm— chuyện này mà cũng không biết sao?”


Cụ Chu cố tình làm bộ bí hiểm, thấy mọi người đều dỏng tai lắng nghe, mắt không rời khỏi ông, lúc này mới đắc ý đặt ấm trà xuống bàn.


“Người ta nói, ba mươi lập thân, bốn mươi không hoang mang, năm mươi biết mệnh trời, sáu mươi là hoa giáp, bảy mươi thì xưa nay hiếm.”


“Cụ bà Lý sống đến bảy mươi chín, vốn dĩ đã không dễ dàng.”


“Ôi, mà từ bảy mươi trở lên, tám mươi gọi là trượng triều (được triều đình ban gậy trượng), chín mươi là mão điệt, sống đến trăm tuổi thì gọi là kỳ di—cũng chính là người thọ hiếm có!”


Đám đông xung quanh ồ lên kinh ngạc.


“Cụ Chu hiểu biết thật đấy!”


“Nhưng phải trăm tuổi mới gọi là người thọ hiếm có, cụ bà Lý chưa đến trăm mà?”


“Chúng bay thì biết cái gì!”


Cụ Chu vuốt râu, trừng mắt.


“Trên đời này có ai dễ dàng sống đến trăm tuổi chứ? Hoa đến kỳ thì phải tàn, cây đến mùa đông thì phải khô héo! Chỉ có người như cụ bà Lý, tóc bạc hóa đen, mọc lại răng mới có thể trẻ lại, sống thêm ba mươi năm, mà đến trăm tuổi đấy!”


Ông ta nói rồi lại lắc đầu, vênh váo khoe chữ nghĩa.


“Hải nội lạc nghiệp, triều đình thục thanh. Thiên phù ký chương, nhân thọ hựu minh.”


(Ý nói: Trong thiên hạ thái bình, triều đình trong sạch, trời ban điềm lành, người trường thọ lại hiển lộ.)


“Ở huyện Bình Dương chúng ta có một người thọ hiếm có, chứng tỏ điều gì? Chứng tỏ huyện thừa họ Lý là một vị quan tốt, và hoàng thượng hiện nay là một minh quân! Ta thấy, huyện thừa Lý sắp được thăng quan rồi, thăng chức lớn đấy!”


Cụ Chu mặt mày rạng rỡ, như thể người sắp được thăng quan chính là ông ta.


Đám đông cũng vui lây, ai nấy đều ưỡn ngực tự hào. 


Vừa thấy tôi bước vào, họ liền xúm lại hỏi bà nội tôi mọc được bao nhiêu cái răng, tóc đen lên bao nhiêu phần. Ngay cả chưởng quầy cũng không nhận tiền của tôi.


Tôi vất vả lắm mới ôm được điểm tâm chen ra khỏi đám đông, vội vã chạy về nhà. Nhưng khi vừa đến trước cửa, tôi đã bị bà Vương nhà bên chặn lại:


“Anh Tử, lại đây.”


3


Bà Vương là một bà thầy cúng có tiếng trong vùng. Khi trẻ con bị sốt, bà chỉ cần chuẩn bị một bát nước, dựng đứng đôi đũa trong đó, liền có thể giúp hạ sốt.


Cha tôi thường nói “Tử bất ngữ quái lực loạn thần” (người quân tử không bàn chuyện ma quái, mê tín), nhưng khi tôi còn nhỏ, từng bị sốt cao không dứt, mời bao nhiêu đại phu cũng không chữa khỏi. Chính bà Vương đã cứu tôi.


Mẹ tôi thường nhắc lại chuyện này bên tai tôi, vì thế tôi luôn kính trọng bà. Nghe bà gọi, tôi lập tức dừng bước, ngoan ngoãn đi về phía bà.


Sắc mặt bà Vương vô cùng nghiêm trọng, nếp nhăn giữa hai hàng lông mày nhíu chặt thành một khối lớn.


“Anh Tử, ta hỏi con, răng của bà nội con có phải rất nhọn không?”


Tôi kinh ngạc nhìn bà: “Đúng vậy, bà đã gặp bà nội con rồi sao?”


“Hỏng rồi!” Mặt bà Vương tái mét. “Bà nội con không phải người thọ hiếm có, bà ấy là bà hổ! Một con hổ tinh hóa thành, phải ăn thịt mười đứa trẻ mới có thể hóa hình thành công! Con mau chạy đi!”


Tôi cạn lời: “Bà Vương ơi, bà lừa trẻ con đấy à? Con bao nhiêu tuổi rồi, đâu có tin mấy chuyện này.”


“Bà muốn cứu mạng con đấy! Nếu con không chịu chạy, thì hãy tìm cơ hội bỏ tro bùa này vào nước, cho bà nội con uống!”


Bà Vương nhét một gói tro nhỏ vào lòng tôi.


Tôi lập tức hất tay ném đi: “Không thèm! Bà nói bậy!”


Bà Vương quýnh lên: “Bà hổ mỗi ngày phải ăn thịt sống! Đêm nay, vào giờ Tý, con cứ chờ mà xem!”


Tôi không để ý đến bà nữa, quay đầu chạy đi. Nhưng suốt cả ngày hôm đó, tâm trí tôi không lúc nào yên. Trong đầu chỉ toàn là hình ảnh hàm răng sắc nhọn của bà nội.


Răng người… làm sao lại có thể nhọn đến thế?


4


Chớp mắt đã đến buổi tối, tôi càng nghĩ càng sợ, bèn rụt rè đề nghị rằng tối nay không muốn ngủ cùng bà nội.


Cha mẹ liền mắng tôi một trận:


“Đồ bất hiếu! Ngay cả bà nội mà con cũng không chịu chăm sóc, sau này chúng ta già rồi còn trông cậy vào ai?”


Tôi ưỡn cổ cãi lại:


“Anh cả chẳng phải đang ở huyện bên sao? Sau này con còn phải lấy chồng nữa, vốn dĩ cha mẹ cũng không thể trông cậy vào con mà!”


Sự thật luôn làm người ta đau lòng. Kết quả, tôi bị ăn đòn một trận, rồi bị cha mẹ đích thân áp giải về phòng bà nội.


Bà ngồi xếp bằng trên giường, đôi mắt sâu thẳm nhìn tôi chằm chằm:


“A Anh lớn rồi, bắt đầu ghét mùi người già trên người bà rồi sao?”


Bà nội tuổi đã cao, khuôn mặt đầy nếp nhăn, nhưng kết hợp với mái tóc đen bóng và hàm răng trắng nhọn hoắt, dưới ánh nến trông vô cùng quái dị.


Tôi gượng gạo cười:


“Không có đâu ạ, người bà thơm nhất.”


“Vậy còn không mau lên giường ngủ?”


Bà vén chăn, vỗ nhẹ xuống giường.


Tôi cắn răng bước tới, cởi giày định trèo lên giường.


Ngay lúc đó, đột nhiên có một đôi tay từ dưới gầm giường thò ra, bám chặt lấy mắt cá chân tôi.


Tôi sợ đến mức hét thất thanh, lập tức nhảy dựng lên.


Bà nội khó chịu đưa tay bịt tai: “Ôi chao, A Anh, con muốn làm bà điếc luôn hả?”


“Chỉ một sợi dây mà cũng làm con sợ đến mức này sao?”


Dây?


Tôi cúi đầu nhìn xuống, chỉ thấy trên mắt cá chân mình có một sợi dây gai đỏ quấn lấy.


Dưới gầm giường sao lại có dây gai?


Tôi tò mò ngồi xổm xuống, nghiêng đầu nhìn vào bên dưới. Trong đó có một cái chum sứ men xanh, miệng chum bịt chặt bằng nút gỗ, bên ngoài còn quấn mấy vòng dây đỏ.


Dây đỏ bị lỏng ra, rơi xuống, vô tình mắc vào chân tôi.


Tôi thở phào nhẹ nhõm.


Đây là hũ đựng đồ ăn vặt của bà nội. Bà cụ hảo ngọt, thích ăn kẹo mạch nha, nhưng lại sợ chuột bọ cắn phá, nên cất vào hũ này để bảo quản.


5


Tôi buộc lại sợi dây đỏ, leo lên giường định thổi tắt nến, thì bà nội đột nhiên lên tiếng:


“A Anh, tối nay con ngủ bên trong đi.”


Phía trong giường sát với tường, mà bà nội thường xuyên phải uống nước vào ban đêm. Để tiện chăm sóc bà, tôi luôn ngủ bên ngoài.


Tôi quay đầu nhìn bà nội, bà cũng nhìn tôi. Đôi mắt vốn đục ngầu giờ lại trở nên to tròn, sáng rực.


Tôi chột dạ, bản năng mách bảo phải từ chối:


“Bà ơi, đừng mà! Con ngủ ngoài để còn rót nước cho bà nữa chứ.” 


“Không cần đâu, giờ ta có thể tự dậy uống nước rồi.”


“Với lại ta còn hơi đói, lát nữa phải tìm gì đó ăn. A Anh ngoan, con ngủ bên trong đi, sẽ nghỉ ngơi tốt hơn.”


Bà nội không để tôi từ chối, một tay kéo tôi, nhấc bổng tôi đặt vào trong.


Sức bà bỗng trở nên mạnh lạ thường. Tôi chưa kịp phản ứng, đã ngoan ngoãn nằm trong góc giường.


Lòng tôi càng lúc càng hoảng sợ.


Bà nội đã lớn tuổi, bình thường bước xuống giường cũng cần có người đỡ, ngay cả tay cũng không giơ cao nổi, việc chải đầu đều do tôi làm giúp. Vậy mà giờ bà có thể dùng một tay nhấc bổng tôi lên? Nếu không phải hổ tinh, thì còn là gì nữa?


Càng sợ hãi, tôi càng không kiểm soát được, cả người run lẩy bẩy, răng va vào nhau lập cập.


Bình luận (0)
Đăng ký tài khoản (5s xong)

Hãy là người bình luận đầu tiên