Cửa hàng giấy Âm phủ Âm Cửu Môn

[2/7]: Chương 2

6


“Số tiền sính lễ đó là của hồi môn của ta, các người phải trả lại cho ta.”


Thấy ta chìa tay ra, Liễu thị lập tức nổi cơn tam bành:


“Trên đời này làm gì có đạo lý đó!”


“Sính lễ đã được trao, nếu Thẩm gia các người dám từ hôn, ta sẽ treo cổ ch/ết ngay trước cửa nhà các người!”


Thẩm Ngọc Hành kéo lấy cổ tay ta, khiến ta lảo đảo:


“Tống Nguyệt Nương, nàng đừng có mà làm loạn.”


Mẹ chồng ta mặt mày u ám, giơ tay định đẩy Trương đại nương ra:


“Cái bà già họ Trương kia, Thẩm gia chúng ta đưa sính lễ thì liên quan gì đến bà?”


“Tống Nguyệt Nương về nhà chúng ta ba năm nay, đến một quả trứng cũng không đẻ được, chẳng lẽ muốn cho Thẩm gia tuyệt hậu sao?”


“Bà nhìn cái bộ dạng ốm yếu như sắp ch/ết của nó đi, không xuống giường nổi, thì làm sao mà sinh con?”


“Nếu đã không thể sinh con, thì đừng cản trở việc Thẩm gia cưới thiếp!”


Trương đại nương không chịu thua, xắn tay áo lên đôi co lại:


“Ta nhổ vào!”


“Các người còn mặt mũi mà nói bệnh của Nguyệt Nương, ăn của con bé, ở nhà của con bé, đến lúc con bé bệnh rồi lại không chịu gọi thầy thuốc!”


“Ta sống đến ngần này tuổi rồi mà chưa từng nghe chuyện nào như chuyện trộm của hồi môn của thê để cưới thiếp, thật là một lũ khốn nạn!”


Mẹ chồng ta chống hông cười lạnh:


“Bà nói bạc là của nó, trên đó có khắc tên nó chắc?”


“Số bạc đó rõ ràng là do con trai ta khổ cực chép sách kiếm được!”


Hai người họ không ngừng tranh cãi qua lại.


Những người trong sân thi thoảng nhìn họ, thi thoảng lại nhìn ta và Thẩm Ngọc Hành, bận rộn đến mức như thể mọc thêm ba mắt sáu tai.


Ta không để ý đến sự ồn ào trong sân, chỉ nhìn chằm chằm vào Thẩm Ngọc Hành.


Mặc một bộ trường bào màu xanh, hắn trông càng tôn lên vẻ tuấn tú, dáng người thẳng tắp như cây tre.


Lần đầu gặp hắn, ta cũng từng động lòng.


Thẩm Ngọc Hành nói chuyện lúc nào cũng nhẹ nhàng.


Khi cha mẹ hắn đưa ra một loạt yêu cầu vô lý, hắn còn đặc biệt tặng ta một chiếc trâm bạc để thay cha mẹ xin lỗi.


Hắn nói rằng mình thật lòng ngưỡng mộ ta, chỉ tiếc cha mẹ nghèo khó nên lúc nào cũng nghĩ đến chuyện tiền bạc.


Hắn nói nếu thành thân, nhất định sẽ đối xử tốt với ta.


Lúc đó ta còn trẻ.


Nào có biết, lời nói của nam nhân, không nên dễ dàng tin.


7


“Ba thỏi bạc đó là bảo vật gia truyền của Tống gia, chàng không thể động vào được.”


Sự cứng rắn của ta đã làm Thẩm Ngọc Hành tức giận.


Hắn cau mày, hạ giọng nói:


“Nguyệt Nương, ta luôn nghĩ nàng là một nữ nhân hiền thục.”


“Bây giờ nàng bệnh tật nằm liệt giường, không thể làm gì, trong nhà vẫn phải có người chăm sóc cha mẹ ta chứ?”


“Nàng cũng quen biết Kiều Nương rồi đấy, nàng ấy xưa nay giỏi giang, sau khi vào nhà không chỉ có thể chăm sóc cha mẹ mà còn chăm lo cho nàng nữa.”


“Ta lấy thiếp, đều là vì muốn tốt cho nàng thôi!”


Ta lắc đầu, giơ tay kéo lấy ống tay áo hắn:


“Chàng có thể cưới thiếp, nhưng không được động vào số bạc của ta.”


Sự kiên nhẫn của Thẩm Ngọc Hành cuối cùng cũng cạn kiệt.


Hắn hất mạnh tay áo, trong ánh mắt đầy vẻ tức giận:


“Ngươi đừng có mà rượu mời không uống lại muốn uống rượu phạt!”


“Một khi đã vào làm dâu Thẩm gia, thì mọi thứ của ngươi đều là của Thẩm gia rồi!”


Ta chống đỡ hồi lâu, gần như đã cạn kiệt sức lực, cơ thể vốn đã như cánh cung kéo căng hết cỡ.


Bị Thẩm Ngọc Hành mạnh tay hất ra, hai chân ta mềm nhũn, ngã ngửa ra sau, đầu đập vào cây cột.


Trong tiếng hô hoán của đám đông, ta nhắm mắt lại, chìm vào màn đêm đen kịt.


Ta không biết mình đã hôn mê trên giường bao lâu.


Ta tỉnh dậy vì cơn đói, dạ dày co thắt từng đợt, miệng lưỡi chua chát.


“Ui chao, ngươi tỉnh rồi à?”


Một đôi tay mảnh khảnh vươn ra, thô lỗ kéo ta dậy từ trên giường:


“Tỉnh rồi thì đừng nằm nữa, còn một đống việc đang chờ ngươi làm kìa!”


Nữ nhân này có đôi lông mày thanh tú, làn da trắng mịn.


Chỉ có đôi gò má hơi cao, trông có vẻ rất khó chịu.


Liễu Kiều Nương, sao lại ở nhà ta?


8


Thì ra sau cú ngã đó, ta đã hôn mê trên giường suốt ba ngày.


Sợ đêm dài lắm mộng, Thẩm Ngọc Hành đã vội vàng làm đám cưới, trực tiếp đưa người vào nhà. Bây giờ, Liễu Kiều Nương đã đường hoàng ở trong nhà chính.


Ta nắm chặt cổ tay ả, đôi mắt dán chặt vào gương mặt nàng ta:

"Số bạc... bạc đó, chưa tiêu hết chứ?"


Liễu Kiều Nương hất tay ta ra, giả vờ vô tình vuốt ve cây trâm bạc hình bướm đậu hoa trên đầu, khuôn mặt đầy vẻ đắc ý:


"Ngươi thật là kỳ lạ, bạc nhà ta thì liên quan gì đến ngươi chứ?”


"Mà ta cũng không sợ nói với ngươi đâu, sính lễ đó, mẹ ta để lại hai thỏi cho đệ đệ cưới vợ.”


"Còn lại một thỏi... bây giờ là của hồi môn của ta rồi!"


Ta lao vào nàng ta, nắm chặt lấy ống tay áo:


"Mau đưa bạc cho ta! Mau lên!"


"Ngươi điên rồi à!" Liễu Kiều Nương đẩy ta ra, uốn éo đi về phía cửa.


"Tống Nguyệt Nương, ngươi tưởng ai cũng vô dụng như mình sao?”


"Đến cả của hồi môn cũng không giữ nổi, ta khinh, thật vô dụng!"


Khi cánh cửa gỗ mở ra, ta thấy những đám sương đen cuộn trào lăn vào nhà. 


Ta lùi lại hai bước rồi ngồi phịch xuống ghế, trong đầu chỉ còn một suy nghĩ:

"Bọn chúng... đến rồi!"


Liễu Kiều Nương bước qua ngưỡng cửa, không lâu sau đó trong sân vang lên tiếng cười đùa của nàng ta và Thẩm Ngọc Hành.


Ta ngồi ch//ết lặng trên ghế, trong lòng vừa kinh hãi vừa sợ hãi, đến mức không buồn uống chén thuốc đã nguội lạnh từ lâu.


Kể từ khi ta mắc căn bệnh lạ này, Thẩm Ngọc Hành không còn vào phòng ta nữa. Nhưng mỗi ngày thức dậy, trên đầu giường vẫn luôn có một chén thuốc ấm.


Hắn không phải là hoàn toàn không có tình cảm với ta.


Vì bát thuốc này, ta không thể để mặc cho Thẩm gia ch//ết hết được.


9


Nghĩ đến đây, sức lực trong ta bỗng trỗi dậy. 


Ta thay quần áo, bước đi vội vã trong ánh chiều tà, hướng về tiệm làm đồ giấy.


Tiệm nằm ở phố Tây Lục, phía tây thành. 


Cuối phố, chính là chợ rau – nơi chuyên dùng để ch/ém đầu tử tù. 


Ai cũng sợ nơi âm u này, cả con phố chỉ lác đác vài cửa tiệm, trông vô cùng hiu quạnh.


Con phố này, chủ yếu là nơi ở của người thuộc "Âm Cửu Môn".


Cửu môn âm là gì? Là nghề của những người như đao phủ, pháp y, thợ khâu xác, thợ đóng quan tài, thợ làm đồ giấy, người khóc tang, người đón hồn, kẻ đào mộ và thợ khắc bia. 


Vì những người làm nghề này thường xuyên tiếp xúc với người ch/ết, họ thường gặp phải những chuyện ma quái. 


Dân gian gọi chung chúng ta là "Âm Cửu Môn".


Dù thuộc dòng dõi thấp hèn, nhưng không phải ai cũng có thể làm những nghề này. 


Ít nhất phải trải qua bốn đời kế thừa, mới có thể xưng mình là người trong “Âm Cửu Môn".


Lúc này trời đã nhá nhem, trên đường vắng tanh không một bóng người. 


Cửa tiệm làm đồ giấy khép hờ, bên trong rất yên tĩnh, chỉ nghe tiếng chẻ tre khe khẽ.


Ta đẩy cửa bước vào, thấy Tống Dần ngẩng đầu lên, lộ ra gương mặt còn non nớt. 


Đệ ấy nhìn thấy ta thì vô cùng vui mừng:


"Tỷ tỷ khỏi bệnh rồi sao?”


"Ta đến Thẩm gia rất nhiều lần mà họ không cho gặp, nói rằng tỷ bệnh rất nặng."


Tống Dần là đứa trẻ lưu lạc đầu đường xó chợ, cha mẹ đệ ấy ch/ết đói trên đường chạy nạn. 


Năm năm tuổi, đệ ấy đến thành của chúng ta và trở thành một cậu nhóc ăn mày. 


Thấy đệ ấy đáng thương, cha ta đã nhận đệ ấy làm đệ tử trong tiệm làm đồ giấy.


Tính tình điềm tĩnh, làm việc lại cẩn thận. 


Dù mới học nghề bảy năm, nhưng đệ ấy đã dần vượt qua cả thầy mình.


Nghe ta nói muốn lấy bút điểm nhãn, Tống Dần lập tức hoảng hốt:


"Tỷ tỷ! Đã xảy ra chuyện gì rồi sao?"


Nghề làm đồ giấy thuộc về âm môn, quy tắc phức tạp vô cùng, chỉ cần sơ suất một chút là tai họa sẽ ập xuống đầu.


Trong đó, quan trọng nhất là không được điểm nhãn cho người giấy.


10


Người giấy vốn là vật ch/ết, một khi điểm nhãn, nó sẽ trở thành vật âm, có hồn. 


Một khi bất cẩn, sẽ bị phản phệ mà bị thương.


Để điểm nhãn cho người giấy, không thể dùng bút lông thường, phải dùng loại bút chuyên dụng – "bút điểm nhãn".


Thân bút làm từ gỗ hoè, lông bút làm từ lông mèo đen, đầy âm khí, mới có thể điểm nhãn.


Càng điểm nhiều, bút càng có linh tính.


Cây bút điểm nhãn trong nhà ta đã truyền qua nhiều thế hệ, từ hàng trăm năm nay.


Tính cách Tống Dần cứng đầu, thấy ta không nói gì thì cản ta lại, không cho ta lấy bút:


"Tỷ tỷ, có phải tỷ gặp chuyện khó rồi không?"


Trong nhà chỉ còn lại ta và Tống Dần. 


Bao nhiêu năm qua, chúng ta đã thân thiết như tỷ đệ ruột. 


Tống Dần lo lắng cho ta, nhưng ta cũng không thể để đệ ấy lún sâu vào nguy hiểm này cùng ta. 


Đệ ấy mới mười hai tuổi, không thể dính dáng vào chuyện rắc rối này được.


Ta viện cớ nói dối, rồi ôm cây bút cùng một đống tre và giấy rơm vội vã rời đi.


Mấy ngày trước, ta không thể cầm nổi đống đồ này đi xa như vậy. 


Nhưng giờ đây, ta càng đi lại càng thấy khoẻ, đầu không còn váng vất, toàn thân tràn đầy sức lực. 


Có lẽ cha đang âm thầm che chở cho ta. 


Về đến nhà, thấy mấy người Thẩm gia đang ăn cơm, chẳng ai hỏi ta đã đi đâu, Thẩm Ngọc Hành liếc ta một cái, rồi quay mặt đi tiếp tục nói chuyện với Liễu Kiều Nương.


Bấy giờ ta mới nhận ra dạ dày mình đang cồn cào vì đói, trong miệng cũng thấy chua chát. 


Đặt đồ vào trong nhà xong, ta vội vàng bước ta nhà chính để ăn, nhưng thấy người Thẩm gia đã đi hết.

Bình luận (0)
Đăng ký tài khoản (5s xong)

Hãy là người bình luận đầu tiên