CUỘC SỐNG MỚI CỦA MẸ

[2/5]: Chương 2

Trong một buổi tiệc gia đình, cô ta cố ý làm rơi vỡ một cái bình cổ rồi vu oan cho Hứa Chi Trần.

Cô ta nghĩ rằng làm như vậy có thể khiến địa vị của Hứa Chi Trần bị lung lay.

Nhưng kết quả, thứ cô ta nhận được lại là một đoạn video của camera giám sát trong góc khuất.

Địa vị của Hứa Chi Trần không hề bị ảnh hưởng.

Ngược lại, Trần Tư Lý bị ông nội dùng gia pháp nghiêm trị.

Ông nội chỉ trích cô ta: “Tâm cơ ác độc, vì lợi ích mà không từ thủ đoạn, giống y hệt mẹ mày.”

Ông nội còn yêu cầu bố tôi không được phép đưa cô ta về nhà thêm lần nào nữa.

Từ đó về sau, Trần Tư Lý hoàn toàn ghi hận ông nội.

Vào ngày mừng thọ của ông nội, cô ta thậm chí còn đăng một bức tranh lên mạng xã hội.

Bức tranh đó là một lời nguyền độc ác, vẽ thần chết dùng các loại phương thức để lấy mạng một ông già.

Ông nội đương nhiên nhìn thấy nhưng cũng không thèm để ý tới cô ta.

Về sau, bố tôi phá sản, điều kiện sống của Trần Tư Lý tụt dốc không phanh.

Lúc này, cuối cùng cô ta mới nhớ đến ông nội, quỳ gối trước cổng nhà cầu xin ông nội tha thứ cho mình, giữ cô ta ở lại.

Nhưng ông nội thậm chí còn không thèm gặp mặt, ra lệnh cho bảo vệ kéo cô ta đi.

Lần này, thời gian quay ngược trở lại.

Trần Tư Lý đang chạy đến với cuộc sống mới mà cô ta tha thiết mơ ước.

Còn người đứng trước căn biệt thự bên hồ, chuẩn bị gặp ông nội lại là tôi.

Tôi hít thở sâu vài lần, rồi nhấn chuông cửa biệt thự.

5.

Mặc dù bố đã gọi điện thoại thông báo trước với ông nội rằng tôi muốn đến thăm ông, nhưng khi gặp mặt trong phòng đọc sách, ánh mắt ông nội nhìn tôi vẫn vô cùng lạnh lùng.

Sau khi tôi lễ phép chào hỏi, ông nội cũng không có ý định đáp lại.

Tôi không lấy làm phiền lòng, tìm một góc khuất ngồi xuống.

Những năm tháng sống cùng mẹ, tôi đã chịu đựng nỗi nhục nhã còn nặng nề gấp trăm ngàn lần so với điều này.

Chuyện này chẳng đáng gì cả.

Trong phòng đọc sách, ông nội đang kiểm tra bài vở của Hứa Chi Trần.

Hứa Chi Trần năm nay mười bảy tuổi, học hành xuất sắc, được coi là một thiếu niên thiên tài, rất có tiềm năng với tài chính và kinh tế.

Ông nội là người gây dựng cơ đồ từ hai bàn tay trắng, nhưng tiếc rằng mấy người con của ông đều là hạng người tầm thường.

Vì vậy, ông rất quý trọng đứa cháu ngoại vừa chăm chỉ vừa có chí hướng này, thường xuyên gọi Hứa Chi Trần đến để giảng giải những thương vụ kinh doanh nổi tiếng trong và ngoài nước.

Những câu hỏi ông nội đặt ra đều rất khó.

Mấy câu hỏi đầu, Hứa Chi Trần có thể trả lời được.

Nhưng đến câu hỏi hiện tại, Hứa Chi Trần bắt đầu lúng túng suy nghĩ rất lâu.

Ông nội cũng không sốt ruột, kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời của anh ấy.

Tôi rụt rè giơ tay lên: “Ông ơi, cháu có thể nói thử ý kiến của mình không ạ?”

Ông nội liếc nhìn tôi một cái, ánh mắt đầy nghi ngờ:

“Cháu sao? Đến cấp hai còn chưa học xong, cháu biết gì mà nói?”

“Nếu không ngồi yên được thì ra ngoài, đừng có giở mấy trò khôn vặt ở đây.”

Tôi vẫn không tức giận, mỉm cười nói: “Nếu câu trả lời của cháu không thể khiến ông hài lòng, cháu sẽ ra ngoài phạt đứng, có được không ạ?”

Ông nội hừ một tiếng.

Hứa Chi Trần lại nói: “Ông ngoại, hay là cứ để em gái trả lời thử đi ạ.”

Ông nội không nói gì, coi như là ngầm đồng ý.

Tôi cảm kích mỉm cười với Hứa Chi Trần, sau đó bắt đầu trả lời:

“Nhóm doanh nhân này có nguồn vốn khởi nghiệp ban đầu không hợp pháp. Những năm đầu, bọn họ thông qua hình thức giống như trung gian môi giới, giúp đỡ các doanh nghiệp nước ngoài mở rộng thị trường nội địa, dựa vào chênh lệch thông tin để thu được một khoản lợi nhuận kếch xù.”

Ông nội kinh ngạc liếc nhìn tôi một cái, tiếp tục đặt câu hỏi: “Vậy cháu nói thử, lợi thế tự nhiên của bọn họ là gì? Và vấn đề của bọn họ ở đâu?”

Tôi suy nghĩ một lát, trả lời: “Lợi thế của bọn họ là xây dựng được mối quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp nước ngoài từ rất sớm, đồng thời thích nghi với thị trường tương đối nhanh chóng. Nhưng thành tại Tiêu Hà, bại cũng tại Tiêu Hà(*), vấn đề của bọn họ là quá phụ thuộc vào lợi thế tiên phong của các công ty nước ngoài, không hình thành được năng lực cạnh tranh của riêng mình. Do đó, khi thị trường dần tiến tới sự chuẩn hóa(**), lợi thế cạnh tranh của họ cũng biến mất.”

(*) Tạm hiểu là vừa có lợi vừa có hại.

(**) Chính thức hóa và tài liệu hóa tất cả các quy trình kinh doanh, thống nhất và nhất quán trong một tổ chức hoặc doanh nghiệp.

Ông nội yên lặng nhìn tôi chằm chằm một lúc lâu, biểu cảm có chút phức tạp.

Nghi ngờ có, dò xét có.

Duy chỉ không còn vẻ khinh thường.

Một lúc lâu sau, ông hỏi: “Cháu chỉ mới mười bốn tuổi, mấy thứ này là nghe từ đâu ra?”

Tôi đáp: “Thư viện thành phố có rất nhiều sách, cháu rất thích đọc sách ạ.”

Thực ra không phải vậy.

Trong số khách hàng mà mẹ tiếp đãi có một bộ phận lớn chính là những người hưởng lợi từ vai trò môi giới của các công ty nước ngoài.

Bọn họ lợi dụng kẽ hở, dùng mối quan hệ thân thiết và chênh lệch thông tin để làm giàu nhưng lại tự nhận tất cả thành công là từ bản lĩnh và năng lực của mình.

Rồi vào một buổi chiều say xỉn, ôm chặt cô gái trẻ trong lòng, bọn họ không kìm được mà khoe khoang về những thành công trong quá khứ của mình.

Nghĩ đến những chuyện này, tôi nhắm chặt mắt lại.

Khi mở mắt ra lần nữa, trước mặt tôi vẫn là phòng đọc sách cổ kính, trang nghiêm của ông nội chứ không phải là căn phòng ngủ tối tăm, mờ ám với ánh đèn hồng.

Bốp bốp bốp.

Là tiếng Hứa Chi Trần nhẹ nhàng vỗ tay.

Anh ấy nói: “Tư Dung chỉ mới mười bốn tuổi nhưng khả năng đọc hiểu và tư duy rất tốt, đáng được công nhận.”

Anh ấy nhìn tôi, ánh mắt chân thành và ấm áp: “Anh tự thấy bản thân không bằng.”

Tôi vội vàng lắc đầu: “Chỉ là may mắn thôi ạ. Những khái niệm tài chính và kinh tế mà anh vừa nói em đều không biết, em vẫn còn rất nhiều điều cần phải học hỏi.”

Sau một khoảng lặng ngắn ngủi, Hứa Chi Trần hỏi tôi: “Tư Dung, em có muốn học cùng anh không?”

6.

Dưới lời đề nghị của Hứa Chi Trần, ông nội cho phép tôi được nghe giảng cùng.

Tuy nhiên, ông vẫn luôn nghi ngờ tôi.

Ông nội nghi ngờ đây là một cách thức đi đường vòng nào đó, mục đích vẫn là muốn lừa tiền từ trong tay ông.

Vì vậy, ông nội yêu cầu Hứa Chi Trần định kỳ báo cáo tình hình của tôi.

Thật ra, không cần Hứa Chi Trần giám sát, cũng không cần ai phải ép buộc.

Mỗi ngày, tôi đều theo đúng lịch trình lên lớp, tan học. Đến cuối tuần, tôi hoặc là tập đàn, hoặc là vùi đầu trong thư viện.

Đây chính là cuộc sống mà trước đây tôi khao khát nhưng không thể có được.

Làm sao tôi có thể không trân trọng được chứ?

Mấy tháng trôi qua.

Trong phòng đọc sách của ông nội, tôi không còn là người chỉ luôn luôn ngồi không lắng nghe.

Thường thì trước một câu hỏi nào đó mà ông nội đưa ra, tôi và Hứa Chi Trần sẽ tranh luận đến đỏ mặt tía tai.

Cho tới khi ông phải lên tiếng ngăn lại.

Không biết từ khi nào, ánh mắt đầy cảnh giác khi ông nội nhìn tôi đã biến mất.

Hứa Chi Trần cũng thôi không còn báo cáo tình hình của tôi cho ông nữa.

Bởi vì anh ấy phàn nàn rằng việc tập trung quá nhiều vào tôi khiến anh ấy lãng phí rất nhiều thời gian, khiến trong một bài kiểm tra nhỏ, anh ấy đã thua tôi.

Trước lời phàn nàn đó, ông nội chỉ cười lớn.

Tôi giả vờ không hay biết gì, chỉ lặng lẽ tiếp tục làm bài tập của mình.

Ở trường học, sự chăm chỉ học hành của tôi cũng mang lại thành quả xứng đáng.

Trong một cuộc thi toán học, tôi giành được giải nhất.

Cô giáo nói sẽ nêu tên khen thưởng tôi trong buổi họp phụ huynh.

Chỉ là, bố tôi vẫn không đáng tin cậy giống hệt trước đây.

Ông ấy hứa sẽ đến tham gia họp phụ huynh, nhưng khi còn cách nửa tiếng nữa là bắt đầu, ông ấy lại nói với tôi không thể đến được.

Nguyên văn là: “Tư Dung, bố có một cuộc họp rất quan trọng, để bảo mẫu đi họp cho con thay bố nhé, ngoan nào.”

Nhưng từ đầu dây bên kia, tôi rõ ràng nghe thấy tiếng cười đùa của một nhóm phụ nữ.

Tôi không vạch trần ông ấy, chỉ bình tĩnh cúp điện thoại.

Sau đó, tôi chụp danh sách khen thưởng cuộc thi toán học được dán trên bảng đen trong lớp, gửi cho ông nội.

Trong danh sách đó, tên tôi và Hứa Chi Trần lần lượt đứng đầu khối cấp hai và cấp ba. Hai chữ “Trần” sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời.

Tôi còn kèm theo một lời nhắn:

[Ông nội ơi, bố của cháu có việc đột xuất, không thể dự họp phụ huynh của cháu. Nhưng cô giáo rất muốn nói chuyện với phụ huynh về định hướng tương lai của cháu. Ông có thể đến không ạ?]

Ông nội đích thân đến trường học.

Đây là đãi ngộ mà ngay cả Hứa Chi Trần cũng chưa từng có.

Cô chủ nhiệm lo lắng, hiệu trưởng cũng vội vàng chạy đến đón tiếp ông.

Ông nội bình thản ung dung ngồi vào ghế chủ tọa trong phòng làm việc của hiệu trưởng, hỏi: “Cháu gái tôi học hành thế nào? Có gì cần cải thiện không?”

Ông đã biết rõ còn cố tình hỏi.

Cô giáo chủ nhiệm vội vàng khen ngợi không ngớt lời, nói rằng tôi là học sinh xuất sắc toàn diện, không chê vào đâu được.

Lúc này ông mới hài lòng gật đầu.

Sau khi buổi họp phụ huynh kết thúc, ông nội chần chứ một lát, rồi bất ngờ bảo tài xế lái xe đến trung tâm thương mại.

Ông nội nói: “Ông thấy mấy cô bé trong lớp của cháu đứa nào cũng ăn mặc trang điểm lộng lẫy, sao cháu lại giản dị quá vậy? Có phải bố cháu đối xử tệ bạc với cháu không?”

Cuối cùng, ông mua cho tôi sáu, bảy bộ đồ may sẵn.

Còn tặng kèm thêm mấy cái túi xách.

Nhìn con số trên hóa đơn, tôi không khỏi lo lắng, bối rối hỏi:

“Ông ơi, bây giờ ông không còn lo lắng cháu lừa tiền của ông nữa sao?”

Ông nội cất tiếng cười lớn: “Lừa đi! Ông còn sợ cháu không lừa ấy chứ!”

Tôi sững người một lúc, rồi cũng bật cười theo.

Trần Tư Lý từng nghĩ rằng để lấy lòng ông nội, cô ta nhất định phải dựa vào vẻ đáng yêu, dựa vào việc tạo giá trị cảm xúc, dựa vào việc giả vờ ngoan ngoãn nịnh nọt.

Nhưng cô ta không hiểu rằng, ông nội là người khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, từng gặp vô số viên đạn bọc đường, lòng người đen tối.

Ông không cần, cũng chẳng coi trọng những lời khen ngợi hay nịnh nọt vô dụng.

Ông nội là một người đi trước quyền lực, điều ông hy vọng nhất là nhìn thấy sức sống mãnh liệt của thế hệ sau.


Bình luận (0)
Đăng ký tài khoản (5s xong)

Hãy là người bình luận đầu tiên