25
Buổi tối, khi cảnh sát Tiểu Phó đến, tay anh ấy đầy ắp quà.
Mẹ Chu nói: “Tiểu Phó à, lần sau đến đừng mang theo gì nữa nhé.”
Sắc mặt cảnh sát Tiểu Phó thay đổi, chỉ thiếu nước viết rõ sự hoảng hốt lên mặt.
Mẹ Chu vội giải thích: “Ý dì là, đã là người trong một nhà rồi, không cần khách sáo thế.”
Lúc này anh ấy mới thở phào, tỏ vẻ tủi thân: “Dì nói kiểu thở dài thế, suýt chút nữa con tưởng tối nay ăn cơm đoàn viên xong là bữa cuối đời luôn ấy chứ.”
Lời nói khiến mẹ Chu bật cười thành tiếng.
Sau bữa tối, mọi người cùng ngồi xem chương trình gala Xuân.
Mẹ Chu lấy ra ba phong bao lì xì, mỗi người chúng tôi đều nhận được một chiếc.
Mẹ cười nói: “Năm này qua năm khác, bình an hạnh phúc.”
“Cảm ơn mẹ, chúc mẹ năm mới vui vẻ.” Chu Hải Yến nhận lấy một cách quen thuộc.
“Cảm ơn mẹ, chúc mẹ năm mới vui vẻ!” Tôi lần đầu được nhận lì xì, không kìm được sự phấn khích.
“Cảm ơn dì, chúc dì năm mới vui vẻ ạ!” Cảnh sát Tiểu Phó không ngờ mình cũng có phần, kích động đến mức suýt nhảy lên.
Bầu không khí ấm áp vui vẻ, tôi quay về phòng lấy món quà đã chuẩn bị sẵn từ trước ra.
Mẹ Chu nhận được một chiếc khăn quàng cổ và đôi găng tay, vì bà thường ngồi trước cửa mơ màng, giờ trời lạnh, những thứ này sẽ giữ ấm cho bà.
Cảnh sát Tiểu Phó nhận được một chiếc mũ len dày dặn, vì mùa đông ở thị trấn gió rất to, anh ấy hay phải đi tuần nên cần bảo vệ đầu.
Mẹ Chu sờ đi sờ lại món quà, không nỡ buông, không ngừng khen tôi khéo tay.
Còn cảnh sát Tiểu Phó thì nước mắt rưng rưng, nói không ngờ lì xì đã có phần, quà còn được nghĩ đến.
Người duy nhất giữ im lặng là Chu Hải Yến.
Anh nhìn chằm chằm vào tay tôi đang trống trơn, rõ ràng không có món quà nào dành cho mình.
Anh khẽ ho một tiếng.
Tôi giả vờ không nghe thấy, quay đầu xem TV.
Tiếng ho dần to hơn.
Rồi phần ghế sofa bên cạnh tôi bỗng lõm xuống.
Tiếng thở ấm áp vang lên bên tai: “Ai cũng có phần hết, còn của anh đâu?”
Tôi quay lại, mắt mở to đầy vô tội: “Anh à, không phải anh nói không thích mấy thứ này sao?”
Trước đó tôi đã thăm dò anh, anh bảo mình không bao giờ dùng khăn quàng cổ hay gì cả, còn nói đàn ông thì nên rèn luyện nhiều hơn là quấn mấy thứ này.
Tôi nghĩ cũng đúng, anh dường như không sợ lạnh, thậm chí mùa đông còn không mặc quần giữ nhiệt!
“...”
Anh sững người, biểu cảm cũng trở nên không tự nhiên.
“Ai nói thế? Dù sao thì cũng không phải anh nói nhé.”
Sau đó, anh giả vờ không quan tâm, quay sang xem TV, “Được rồi, quên thì quên, anh không phải là người hay so đo.”
Nhưng ánh mắt anh lại không hề như thế.
Mẹ Chu và cảnh sát Tiểu Phó vừa xem TV vừa không ngừng liếc về phía này.
Tôi đứng dậy, lấy từ sau ghế sofa ra một bông hướng dương khổng lồ bằng len, cao gần bằng nửa người tôi. Đây là món quà tôi đã đan suốt nửa tháng trời.
Chu Hải Yến rất thích hoa hướng dương, thích đến mức nếu khách nào đến tiệm muốn xăm hình hoa hướng dương, anh sẵn sàng giảm giá 40%.
Tôi cười nói: “Ôi chu cha, chắc là cái này anh trai cũng không thích đâu nhỉ?”
Anh quay đầu lại, đồng tử khẽ rung động.
Trong ánh mắt sững sờ là niềm vui không thể che giấu.
Nhận ra điều gì đó, anh bỗng bật cười: “Được lắm, lá gan lớn nhỉ, cố tình trêu anh chứ gì?”
Tôi nhạy bén nhận thấy nguy hiểm đang đến gần, lặng lẽ lùi lại hai bước.
Anh đứng lên, tay chống vào lưng ghế sofa, một cú nhảy đã chắn trước mặt tôi.
Tôi quay người định chạy.
Anh nhanh tay nắm lấy búi tóc nhỏ của tôi, như bóp chặt đường lui, đưa tay cù vào người tôi.
Tôi vừa né vừa cầu cứu.
“Mẹ ơi, mẹ cứu con!”
“Anh Tiểu Phó, cứu em với!”
Bọn họ cười ngả nghiêng trên ghế sofa, chẳng ai giúp được chút nào.
Trong tiếng cười rộn rã, xen lẫn âm thanh của tiểu phẩm trên chương trình mừng Xuân:
“Tôi tự kiểm điểm, tôi ham chơi quá, đánh bóng bàn gây hại cho người khác, tôi từ chối...”
...
Tối hôm đó, trước khi đi ngủ, tôi cứ thấy gối nằm không phẳng.
Nhấc lên xem, thì ra là một bao lì xì và một chiếc khóa trường thọ.
Bên cạnh là một tờ giấy viết tay:
“Đời vui vẻ, mãi bình an, vô lo vô nghĩ.”
Nét bút sắc sảo, nhẹ nhàng như khói, nét chữ tựa người.
...
Sau này, khi nhớ lại vô số khoảnh khắc hạnh phúc trong cuộc đời mình, từng khung hình đều có bóng dáng của họ.
26
Qua Tết, mọi thứ như được nhấn nút tăng tốc.
Để chuẩn bị cho kỳ thi giữa cấp, trường học tăng cường khối lượng bài vở cho học sinh lớp 9, mỗi ngày cứ hết học lại thi.
Thời gian kín mít, tôi phải dậy sớm, không về nhà buổi trưa, tối sau giờ tự học thì cũng đã 10 giờ mới về. Cả tuần chỉ có chiều Chủ nhật là có thể ngồi ăn một bữa cơm tử tế, trò chuyện cùng mọi người.
Nghe nói học sinh nằm trong top 50 toàn huyện sẽ được miễn học phí, tôi càng quyết tâm học hành.
Thành tích của tôi nằm trong top đầu ở thị trấn, nhưng so với toàn huyện thì người giỏi rất nhiều, tôi không dám lơ là.
Vì tan học muộn, Chu Hải Yến thường đứng trước cổng trường đón tôi.
Về đến nhà, ăn xong bữa khuya mẹ Chu chuẩn bị, anh làm việc khuya, còn tôi ngồi bên cạnh học bài.
Có khi đang học, tôi mệt quá ngủ gục ngay trên bàn, anh sẽ im lặng bế tôi vào giường, thu dọn đồ dùng học tập, để sáng hôm sau tôi chỉ việc xách cặp lên đường.
Từ mùa đông rét buốt đến mùa hè oi ả, tôi ôn bài đi ôn bài lại, làm hết cuốn bài tập này đến cuốn bài tập khác.
Cuối cùng, tôi đã đạt hạng 10 toàn huyện, đỗ vào trường cấp ba tốt nhất, được miễn học phí ba năm và hứa hẹn học bổng nếu đạt kết quả tốt trong kỳ thi đại học.
Mẹ Chu biết chuyện, ôm tôi khen ngợi, bảo tôi đúng là người nhà họ Chu, giỏi giang như Chu Hải Yến ngày xưa.
Nhưng niềm vui chưa lâu, tôi nhận ra, nửa năm qua mình đã đi quá nhanh, đến nỗi nhiều thứ thay đổi mà tôi không nhận ra ngay.
Hai tháng hè, sức khỏe của mẹ Chu xấu đi rõ rệt.
Trước kia, bà chỉ treo chuông gió dưới gốc cây vào ngày mùng 5 hàng tháng. Bây giờ, bất cứ ngày nào có số 5, bà cũng treo.
Bà dần nhảy múa nhiều hơn, thói quen ngồi trước cửa với Chu Hải Yến ngày càng thường xuyên hơn.
Nhưng bà khóc rất nhiều khi đọc sách, phụ thuộc vào thuốc ngủ hơn, ăn uống ít hơn, thậm chí chẳng còn hứng thú đi chợ như trước.
Mọi người nhận ra có gì đó không ổn, muốn đưa bà đi khám, nhưng bà không chịu.
Chu Hải Yến, cảnh sát Tiểu Phó và tôi thay phiên thuyết phục, cuối cùng bà cũng đồng ý.
Bác sĩ do cảnh sát Tiểu Phó mời đến chẩn đoán mẹ Chu bị trầm cảm mức độ trung bình.
Tôi lờ mờ đoán được, có lẽ là vì cái ch//ết của chú Chu, cũng là cha của Chu Hải Yến.
Dù trong nhà hiếm ai nhắc đến ông, nhưng dấu vết của ông vẫn hiện diện khắp nơi.
Tuyết rơi trên đời ai đó, chúng ta không thể thấy hết được. Ai cũng đang cô độc vượt qua mùa đông của riêng mình.
Tôi không thể làm gì nhiều, thậm chí đến đồng cảm cơ bản cũng không thể.
May mắn thay, mẹ Chu tích cực phối hợp điều trị, mọi thứ dần có chuyển biến tốt lên.
Cứ thế, tôi vào cấp ba.
Nhất Trung bắt học sinh phải học nội trú, hai tuần mới được về nhà một lần.
Trường cách nhà 20km, không có xe đi thẳng, phải chuyển hai lần xe buýt.
Để tiện cho việc đưa tôi đến trường và chở mẹ Chu đi tái khám, mới khai giảng không lâu, Chu Hải Yến mua một chiếc mô tô.
Đen tuyền, trông ngầu cực.
Rất hợp với anh.
Lần đầu thấy anh ngồi trên xe, chân dài, dáng ngồi tùy ý, anh toát lên một vẻ giữa lưng chừng trưởng thành và nét thanh xuân.
Thấy tôi nhìn chằm chằm, anh nhướn mày:
“Sao? Có phải đẹp trai lắm không?”
Tôi vội phủ nhận: “Chẳng ra làm sao. Chỉ thiếu mỗi mái tóc vàng nữa là thành thanh niên nông nổi.”
Anh liếc mắt: “Anh nói xe kìa.”
“...”
Tôi siết chặt quai cặp, cố gắng xua đi sự ngượng ngùng.
Lên xe, anh giúp tôi đội mũ bảo hiểm.
Chân chống được gạt lên, xe dựng thẳng, có chút chao đảo.
Anh nói: "Ôm chặt vào."
Tôi làm theo.
Xe khởi động, lực đẩy trong tích tắc khiến tôi siết chặt cánh tay hơn.
Dưới lớp da là những cơ bắp săn chắc, nóng bỏng.
Trong đầu lóe lên một suy nghĩ: Eo thon thật.
Tôi chưa từng đi mô tô, ngoài lúc đầu hơi căng thẳng, dần dần cũng thả lỏng, làn gió lướt qua bên tai thật tự do.
Lấy hết can đảm, tôi buông tay, dang rộng hai cánh tay mô phỏng tư thế trong phim.
Còn chưa kịp tận hưởng cảm giác phóng khoáng, một đứa trẻ bất ngờ lao ra trước xe.
Chiếc xe giảm tốc đột ngột, cơ thể tôi mất thăng bằng lao về phía trước.
Ngực tôi đập mạnh vào tấm lưng cứng rắn của anh ấy, đau đến mức tôi kêu lên thành tiếng, nước mắt lập tức trào ra.
Dạo gần đây, tôi đang tuổi dậy thì, rõ ràng cảm nhận được cơ thể phát triển rất nhanh, đặc biệt là ngực, chỉ cần chạm nhẹ đã thấy đau.
Huống chi lần này lại va mạnh như vậy.
"Có phải bị đập trúng không?"
Tôi đau đến không thốt nên lời.
Chẳng bao lâu sau, xe dừng lại bên đường.
Chu Hải Yến tháo mũ bảo hiểm, thấy tôi rơi nước mắt thì càng luống cuống: "Vừa nãy đập trúng chỗ nào?"
Môi mấp máy, nhưng tôi chẳng thể nói ra. Cảm giác như có ai đó vô tình lột đi lớp da mặt mỏng manh của tôi, nỗi xấu hổ và nhạy cảm bất ngờ ập tới.
Giọng anh càng sốt ruột hơn: "Nói gì đi chứ."
Ánh mắt nóng rực như đang thiêu đốt tôi trên ngọn lửa.
Mặt tôi đỏ bừng lên, nhắm mắt lại, tự buông xuôi: "Ngực! Đập vào ngực đấy, được chưa?"
"......"
"......"
Anh ngẩn người, dường như nhận ra điều gì đó, liền im lặng quay đầu đi, đội lại mũ bảo hiểm.
Giọng khô khốc: "Cái đó... anh không cố ý."
"......"
Quãng đường sau đó, tôi đã rút kinh nghiệm, ôm chặt eo anh. Nhưng có lẽ do trời quá nóng, cả cánh tay tôi như sắp bị nướng chín.
27
Nhất Trung là ngôi trường danh tiếng lâu đời, quy tụ những học sinh xuất sắc từ khắp nơi.
Ở đây, ai cũng quan tâm đến việc học và thành tích, không ai có thời gian hay hứng thú với việc bắt nạt hay cô lập người khác.
Không ai ở trường bắt nạt tôi, cũng không cô lập tôi. Tôi chỉ là một học sinh bình thường, có hai, ba người bạn đồng hành và hòa hợp tốt với bạn cùng phòng.
Thỉnh thoảng, chúng tôi tán gẫu, trong đó chuyện yêu sớm luôn là đề tài nóng.
So với cấp hai, áp lực ở cấp ba rõ ràng lớn hơn, nhịp độ cũng nhanh hơn, nhưng mỗi ngày tôi đều cảm thấy hài lòng với cuộc sống bận rộn này.
Đầu năm lớp 11, tôi chọn ban khoa học tự nhiên mà mình yêu thích.
Mẹ Chu có Chu Hải Yến và cảnh sát Tiểu Phó chăm sóc. Họ nói rằng tình trạng của bà ngày càng ổn định, bà hợp tác điều trị rất tốt, hiệu quả rõ rệt, mọi thứ dần đi vào quỹ đạo tích cực.
Để bà bớt buồn chán, mỗi lần về nhà, tôi đều kể những chuyện thú vị ở trường, thêm mắm dặm muối chọc cho bà vui, buổi tối còn làm nũng đòi ôm bà ngủ.
Nhìn bà ngày càng ít u sầu hơn, tôi cũng dần buông bỏ nỗi lo trong lòng.
Không khí trong nhà dần trở nên sôi động hơn.
Ban đầu, tôi không nhận ra mình có gì thay đổi.
Cho đến khi dây thần kinh căng thẳng được thả lỏng, cho đến khi tâm sinh lý ngày một trưởng thành, cho đến khi tôi không còn dám đối diện trực tiếp với ánh mắt của Chu Hải Yến nữa.
Những thay đổi nhỏ về lượng ngày qua ngày cuối cùng cũng tích tụ, bùng nổ, sau cùng dẫn đến sự thay đổi về chất mà tôi không thể ngăn cản.
Đó là lúc tôi ngồi đối diện anh trong bữa ăn, tốc độ ăn chậm dần, không biết nên cầm đũa thế nào cho đúng, khi ánh mắt chúng tôi chạm nhau, tôi lại vội vàng rời đi trong vẻ ngoài cố tỏ ra bình thản.
Là lúc ngồi cạnh anh học bài, không thể tập trung, trí tưởng tượng bay bổng không kiểm soát, sau khi liếc trộm tay anh, tôi ghi nhớ từng đường nét xương bàn tay rõ ràng như khắc vào tâm trí.
Là khi trò chuyện trên sofa, cảm giác tim đập mạnh mỗi lần quan điểm trùng khớp, cố tình điều chỉnh nhịp tim để bắt chước anh, nhiệt độ cơ thể tăng dần khi nhận ra bản thân bị hơi thở của anh bao bọc.
Là khi ngồi sau xe mô tô, tay ôm eo nhưng cứ lưỡng lự buông ra hay không, khó khăn khi bị hỏi rằng "Có nhớ anh không", đến lúc xuống xe chào tạm biệt, lo sợ mình làm chuyện ngốc nghếch mà giọng nói run rẩy không kiểm soát.
Tôi thường xuyên ngẩn người không lý do, lén lút quan sát và bắt chước anh, bỗng dưng lắp bắp, hoặc cố gắng tỏ vẻ không có chuyện gì. Và cũng có cả những đêm ngày dài đằng đẵng nhớ nhung mãi không thôi.
Tôi cảm thấy mình như đang dần mất kiểm soát.
Vì vậy, tôi kết luận rằng mình đã mắc một căn bệnh rất kỳ lạ.
Kỳ lạ đến mức tôi không thể đối xử với Chu Hải Yến như trước kia.
Chính vì căn bệnh lạ này, tôi cũng bắt đầu trở nên kỳ quặc.
Tôi không còn để anh giặt quần áo của mình, từ chiếc áo nhỏ nhất đến áo khoác ngoài, thậm chí giặt xong cũng không treo ngoài mà mang vào ban công nhỏ trong phòng riêng để phơi.
Khi ngồi xe, tôi không ôm eo anh nữa mà nắm chặt hai bên ghế, cứng nhắc đeo cặp trước ngực như một lớp chắn giữa hai chúng tôi, sợ rằng nhịp tim đập của mình bị anh phát hiện.
Ngay cả lúc đau bụng kinh đến run rẩy, tôi cũng tự vào bếp nấu nước đường đỏ, không như trước đây nhõng nhẽo bắt anh sưởi ấm bụng bằng tay.
...
Hết lần này đến lần khác, tôi âm thầm tạo ra khoảng cách vô hình giữa chúng tôi.
Điều tôi không nhận ra là, sắc mặt của Chu Hải Yến ngày càng u ám.
Đến mức mẹ Chu còn tưởng chúng tôi đang cãi nhau.
Chiều thứ sáu, tôi về nhà.
Chu Hải Yến dừng xe với vẻ mặt lạnh lùng, tôi đeo cặp rồi bước xuống trước.
Mẹ Chu kéo tay tôi lại, khẽ hỏi:
"Thanh Thanh, có phải thằng nhóc đó làm gì khiến con giận không?"
Ngạc nhiên, tôi vội vàng phủ nhận:
"Không có, không có, con và anh vẫn ổn mà."
"Thật không?"
"Thật mà."
Đúng lúc Chu Hải Yến đi ngang qua tôi, tôi vô thức lùi lại hai bước. Anh khẽ cười lạnh, đầy ẩn ý.
"......"
Rõ ràng chẳng nói gì, nhưng lại giống như mọi chuyện đều đã nói ra.
Ánh mắt mẹ Chu nhìn qua lại giữa tôi và anh, rõ ràng không tin lời tôi.
Mặt tôi đỏ bừng, không biết giải thích thế nào rằng chúng tôi thực sự không cãi nhau, chỉ là vấn đề xuất phát từ phía tôi mà thôi.
Ai ngờ mẹ phẩy tay, thản nhiên nói:
"Được rồi, mẹ không hỏi nữa. Dù sao qua vài ngày hai đứa cũng lại bình thường thôi."
Hãy là người bình luận đầu tiên
Nguyệt Truyện hoan nghênh các tác giả, dịch giả, nhóm dịch và các fanpage đăng truyện lên website của chúng tôi. Mọi chi tiết về nhuận bút, kiếm tiền và các thỏa thuận khác vui lòng nhắn tin trực tiếp đếnfanpage Facebook Nguyệt Truyệnhoặc email nguyettruyennet@gmail.com