Hà Thanh Hải Yến

[9/16]: Chương 9

22


Nghỉ phép ở nhà tự học hơn một tháng rưỡi.


Những vết thương lớn nhỏ trên người cuối cùng cũng đã lành, lớp vảy cũng rụng, bó bột ở cổ tay cũng tháo, chỉ còn một vết sẹo nhạt màu hồng nhạt trên trán, nếu không nhìn kỹ thì khó mà phát hiện.


Dì Chu lo tôi để lại sẹo, nên suốt thời gian qua nấu ăn toàn món nhạt nhẽo.


Nhạt đến mức tôi suýt mất luôn cảm giác về vị giác.


Cho đến chiều nay, cuối cùng tôi cũng được tuyên bố hết thời gian kiêng khem!


Nhìn chậu tôm hùm đất cay thơm phức trước mặt, chỉ ngửi mùi thôi tôi đã nuốt nước miếng không ngừng.


Dì Chu bị dị ứng hải sản không ăn được, anh trai chê xấu xí cũng không thích ăn.


Vậy nên hôm nay món này là làm riêng cho tôi.


“Thanh Thanh, con ăn tôm trước đi, lót bụng một chút. Anh trai con còn chưa dậy, mấy món trong nồi dì còn chưa làm xong đâu.”


Tối qua Chu Hải Yến nhận được một đơn hàng lớn, hiếm hoi lắm đến tận 10 giờ sáng mới ngủ, nên bây giờ đã xế chiều mà vẫn chưa dậy.


Tôi vui vẻ gật đầu.


Tôi vốn là người rất kiên nhẫn, thích để món ngon nhất lại cuối cùng.


Cầm một cái bát rỗng, tôi múc nửa bát nước sốt từ tôm hùm đất, bóc từng cái đuôi tôm thả vào, để chúng ngấm đều gia vị. Sau đó trộn với cơm trắng nóng hổi, từng muỗng thịt xen lẫn cơm, ngon không tả nổi.


Tôi bóc được nửa bát, định thử một chút, liền tháo găng tay dùng một lần ra.


Đúng lúc này, Chu Hải Yến với mái tóc lộn xộn xuất hiện, chậm rãi kéo ghế đối diện tôi rồi ngồi xuống.


Anh chống cằm, đôi mắt đen láy nhìn xuống, ánh mắt thấp thoáng rơi vào bát tôm hùm đất của tôi.


Anh không nói gì, trông có vẻ chưa tỉnh ngủ, nên tôi cũng nuốt lời chào xuống.


Không biết có phải tôi tưởng tượng không, mà tôi cảm thấy ánh mắt anh cứ như vô tình mà hữu ý dán vào bát thịt tôm tôi vừa bóc.


Chắc chắn là tôi nghĩ nhiều.


Dì Chu nói anh không thích ăn mà.


Tôi cúi đầu trộn đều nước sốt, chuẩn bị múc một muỗng ăn thử.


Đột nhiên, anh giơ tay chỉ:


“Em gái, em đang ăn gì thế?”


Tôi dừng lại, hơi ngạc nhiên, nhưng nghĩ chắc anh không thích ăn nên không biết.


“Tôm hùm đất, tôm đã bóc vỏ ấy.” Tôi giải thích thêm.


“Ồ, em trộn thế này ăn có ngon không?” Anh tò mò.


Tôi tràn đầy tự tin đáp:


“Tất nhiên rồi, ngon cực luôn ấy!”


Thấy ánh mắt anh sáng rực lên, tôi thử đưa bát qua: “Hay là anh thử một miếng không?”


“Em biết là anh không có ý đó mà, anh xưa nay không thích món này.” Anh miễn cưỡng cầm lấy bát, “Thôi được, anh thử một miếng vậy.”


Sau đó, tôi trơ mắt nhìn anh múc một muỗng to tướng, hết một phần tư bát.


Anh nuốt trọn, nhăn mày:


“Chậc, chưa cảm nhận được vị gì cả.”


Rồi lại nhìn tôi.


Tôi khó khăn nói: “Hay là anh thử thêm một miếng nữa?”


Lại một muỗng to, thêm một phần tư bát biến mất.


Trong lòng tôi bỗng thắt lại.


“Cảm ơn em gái, món này ngon thật đấy.” Anh cảm thán, cười rạng rỡ để lộ hàm răng trắng đều tăm tắp.


Hiếm khi thấy anh cười tươi như vậy, tôi bỗng ngẩn người.


Như bị ma xui quỷ khiến, tôi nói: “Hay là anh ăn thêm một miếng nữa không?”


Đến khi, bát thịt tôm trống trơn.


“...”


“Nói chứ, cơm lừa được mới thấy ngon thật.” Anh chậm rãi đặt bát xuống, kéo dài giọng, vẻ ngây thơ khách sáo ban nãy đã biến mất không dấu vết.


“???”


“!!!”


Tôi nhìn bát sạch quẹt trước mặt, lại nhìn anh.


Mím môi, quay sang bếp gọi lớn: “Mẹ ơi!”


“Gì thế?”


Chu Hải Yến mặt mày hoảng hốt, vội vàng đưa tay bịt miệng tôi:


“Anh đền em, anh đền gấp đôi cho.”


Giây tiếp theo, dì tay cầm xẻng từ bếp chạy ra.


“Sao thế Thanh Thanh? Cơm sắp xong rồi.”


Chu Hải Yến nháy mắt điên cuồng.


Tôi đổi giọng: “Anh trai bảo anh ấy đói.”


Dì chỉ xẻng về phía anh, bực bội nói:


“Giục, giục, giục, đói chết con luôn!”


Rồi xoay người về bếp tiếp tục nấu ăn.


Anh: “...”


Tôi: “...”


Chợt nhận ra, hình như ban nãy tôi thuận miệng gọi nhầm?


Nhưng phản ứng của mọi người lại quá tự nhiên.


Đến mức tôi tự nghi ngờ có phải trí nhớ của mình đang lẫn lộn không.


23


Nửa đêm tỉnh giấc, bụng dưới đau quặn, mồ hôi lạnh chảy ròng ròng.


Nửa thân dưới có cảm giác lạ lạ. Bật đèn lên nhìn, trên ga giường là một vết máu đỏ tươi.


Tôi nhanh chóng nhận ra, đây là lần đầu tiên có kinh nguyệt.


Dì Chu là người rất chu đáo. Từ lần trước khi dì mua áo lót cho tôi, dì biết rõ tôi vì mất mẹ từ sớm, thiếu kiến thức về tuổi dậy thì so với bạn bè đồng trang lứa, nên dì luôn tìm cách vừa ý tứ vừa cẩn thận dạy tôi.


Sợ có ngày tôi bất ngờ có kinh nguyệt mà không biết làm sao, dì đã dạy tôi cách dùng băng vệ sinh từ sớm, còn luôn để sẵn trong nhà và cả trong cặp sách của tôi.


Nhưng dì không nói rằng kinh nguyệt lại đau đến mức này.


Còn đau hơn cả lần trán phải khâu chỉ. Đau quặn từng cơn, như thể trong bụng có một cái máy xay thịt đang quay.


Giờ này dì đã ngủ, chỉ còn Chu Hải Yến vẫn đang làm việc.


Tôi thay ga giường, cho vào giỏ đồ bẩn, định lát nữa đỡ hơn sẽ giặt.


Thay bộ quần áo khác, tay ôm bụng, tôi chầm chậm vịn tường xuống lầu.


Vừa nhìn thấy tôi, Chu Hải Yến lập tức hoảng hốt nói mặt tôi trắng bệch trông như ma.


Tưởng tôi bị viêm ruột thừa cấp tính, anh bế thốc lên định đưa đi bệnh viện.


Tôi kéo anh lại, khó khăn lắm mới thốt ra:


“Đau... đau bụng kinh.”


Anh khựng lại.


Đau bụng kinh, cũng giống như đau răng, đúng là một trong những điều vừa phiền phức vừa bất lực nhất thế giới.


Thế là, hai kẻ không có kinh nghiệm, một người lăn lộn trên giường, một người luống cuống tìm kiếm trên mạng.


Anh: “Trên đây nói, tới kỳ kinh không được ăn tôm hùm đất.”


Tôi: “...”


Lúc sáng, anh đã bóc sạch phần tôm hùm còn lại, khiến tôi ăn liền hai bát đầy tôm.


Bảo sao đau như vậy!


Theo bài chia sẻ kinh nghiệm trên mạng, tôi đã uống nước ấm, uống nước gừng đường đỏ, dán miếng dán giữ nhiệt, thử hết mọi cách.


Nhưng vẫn không khá hơn.


Cuối cùng, thấy có một bình luận nói có thể dùng tay đàn ông chà nóng rồi đặt lên bụng để giảm đau.


Đường cùng, tôi ngước đôi mắt đáng thương nhìn anh:


“Anh trai.”


Anh bất lực thở dài, xoa xoa tay cho nóng.


Sau đó, anh vén chăn, nằm xuống bên cạnh tôi, một tay chống đầu giường, một tay đặt lên bụng tôi qua lớp áo.


Nhiệt độ cơ thể anh vốn cao, hơi nóng qua lòng bàn tay lan tỏa, khiến cơn đau dần giảm bớt.


Một lát sau, tôi khe khẽ rên rỉ:


“Anh trai, em đau lưng.”


Anh đổi vị trí tay, nhẹ nhàng xoa lưng cho tôi.


Lại thêm một lúc nữa.


“Anh à, chân em bị chuột rút.” Tôi mếu máo.


“...”


Anh như cam chịu số phận, đổi tay khác xoa bóp chân cho tôi.


Thân thể đỡ khó chịu hơn, cơn buồn ngủ bắt đầu kéo tới. Mơ màng nửa tỉnh nửa mê, đột nhiên nhớ ra điều gì đó.


Tôi dùng đầu húc nhẹ vào anh:


“Anh trai.”


“Lại khó chịu ở đâu nữa?”


“Không phải, mai bảy giờ anh nhớ gọi em dậy, trường em có bài kiểm tra một tiết môn Ngữ văn lúc bảy rưỡi.”


Ở nhà lâu quá, tôi suýt quên mai phải đi học lại.


Không gian yên lặng.


Lát sau, trên đầu vọng xuống một giọng nói đầy bất lực:


“Bây giờ đã ba giờ sáng rồi. Sao em không đợi thi xong rồi hẵng nhớ ra nói?”


Biết mình sai rành rành, tôi rụt vào ngực anh, đổi tư thế thoải mái, giả vờ như không nghe thấy.


Sau đó, không biết từ lúc nào tôi đã ngủ mất.


......


Lo lắng phải gọi tôi dậy đi học, Chu Hải Yến mới hơn sáu giờ đã tỉnh.


Anh sang phòng đối diện, lấy ga giường và quần áo trong giỏ đồ bẩn, đem vào phòng giặt, ngâm trong nước lạnh rồi vò sạch.


Sợ sáng dậy người khác thấy sẽ ngại, anh giặt xong thì để trong chậu, không phơi ra.


Đợi dọn dẹp nhà cửa, nấu bữa sáng xong xuôi, anh mới đi gọi người dậy.


“Bảy giờ rồi, dậy đi.”


“Bảy giờ năm phút rồi, dậy mau.”


“Bảy giờ mười phút rồi, Đường Hà Thanh!”


“Em không dậy nữa là tiêu đời đấy!”


Gọi cũng không dậy, lay cũng không tỉnh.


Chu Hải Yến hít sâu một hơi, cúi xuống, vòng tay qua chân tôi, bế bổng dậy.


Sau đó, nhanh như chớp, anh nhét đôi dép vào chân tôi, nửa dìu nửa đẩy vào nhà tắm.


Lòng tự an ủi:


Cũng may, không đến nỗi ngủ như ch//ết.


Ít nhất đưa kem đánh răng tới tay, dù nhắm mắt vẫn có thể theo bản năng cầm lấy.


Ít nhất dùng khăn nóng lau mặt, dù chưa tỉnh ngủ vẫn có thể kêu nóng.


......


Ngủ quá say, đến khi đầu óc hoàn toàn tỉnh táo, tôi mới phát hiện tay mình đang cầm ly sữa, miệng đang cắn bánh mì.


Tôi ngẩn người.


Chu Hải Yến không biểu cảm, chỉ tay lên đồng hồ treo tường:


“Bảy giờ mười lăm rồi. Em còn năm phút để thay đồ, chuẩn bị.”


Bảy giờ rưỡi thi, mà đi bộ tới trường mất mười phút.


Tôi giật mình thon thót, vội nhét hết phần bánh mì còn lại vào miệng.


Rồi chạy thẳng về phòng thay đồ.


Hôm qua dì Chu bảo hôm nay sẽ lạnh đột ngột, trong nhà có sưởi ấm nên không cảm nhận được. Nhưng tôi sợ ra đường sẽ ch//ết cóng, thế là lôi tất cả nào áo len, nào áo giữ nhiệt mặc lên người.


Xuống tới nhà, đúng bảy giờ hai mươi.


Tôi xách ba lô, định lao ra ngoài.


“Tạm biệt anh trai! Em đi đây!”


Vừa nói dứt lời, đã bị người khác nắm gáy giữ lại.


Nhìn thấy Chu Hải Yến đã thay đồ chỉnh tề, giọng trầm thấp:


“Còn chạy được? Không đau bụng nữa à?”


Thực ra, vẫn còn hơi đau.


Như thể đọc được suy nghĩ của tôi, anh xoay người, quay lưng lại, ngồi xổm xuống trước mặt tôi.


“Lên đi, anh cõng em tới đó.”


Giữa tự đi và có người cõng, tôi không chần chừ lấy nửa giây mà chọn ngay phương án hai.


Ra tới ngoài mới phát hiện tuyết đã rơi.


Bầu trời xám xịt, gió lạnh lùa từng cơn, kèm theo những bông tuyết mềm mại, bay lả tả.


Chu Hải Yến cõng tôi, bước chân vừa nhanh vừa vững.


Tôi cầm ô, lặng lẽ tựa vào lưng anh. Nhìn vào cổ áo rộng trước mắt, tôi đưa tay, lấy khăn len lông cừu trên cổ mình quàng thêm một vòng cho anh.


Cánh tay vòng qua chân tôi siết nhẹ, đẩy tôi lên cao hơn.


“Anh trai, anh có mệt không?”


“Mệt cái đầu em. Em có bao nhiêu cân đâu. Chỉ là em quấn như một cái bánh chưng, cứ trượt xuống, làm anh khó giữ lực.”


“...”


24


Cơn đau bụng kinh đến nhanh mà đi cũng nhanh.


Ngày thứ hai thì không đau nữa, chỉ là bụng dưới hơi căng.


Dì Chu lại dạy cho tôi những điều cần chú ý trong kỳ kinh nguyệt, chẳng hạn như phải giữ ấm, kiêng ăn uống một số thứ, không được chạm nước lạnh, không nên vận động quá sức, v.v.


Có lẽ do tối hôm ấy tôi làm khó Chu Hải Yến quá, nên sau đó mỗi lần tôi đến kỳ kinh nguyệt, anh còn căng thẳng hơn tôi, cái này không cho ăn, cái kia không cho đụng.


Năm lớp 9, vì phải chuẩn bị cho kì thi cấp 3, nên trong khi người khác được nghỉ Tết, tôi vẫn phải đến trường học, mãi đến hai ngày trước Tết mới được giải phóng.


Đây là cái Tết đầu tiên tôi đón ở nhà họ Chu, cũng là cái Tết đầu tiên họ đón ở hẻm Bình An.


Sau này, chúng tôi còn rất nhiều cái Tết nữa.


...


Sáng ba mươi Tết.


Tôi ngồi trước bàn trang điểm.


Dì Chu đứng sau lưng tôi, buộc tóc cho tôi.


Cho đến khi bím tóc cuối cùng được thắt xong.


Dì nâng mặt tôi lên, nhìn trái nhìn phải, trong mắt tràn đầy nụ cười.


“Ôi trời, Thanh Thanh nhà mình sao mà dễ thương thế này!”


Tôi ngẩng đầu, trong gương là một cô gái trẻ với hai búi tóc tròn xinh xắn, khoác áo choàng lông đỏ viền trắng, làn da trắng như tuyết, đôi mắt đen láy trong veo, cười lên như vầng trăng non cong cong xinh đẹp.


Không còn dáng vẻ tự ti rụt rè ngày trước.


Hóa ra tôi đã thay đổi đến mức này rồi.


Bảo sao ở trường mọi người đều nói tôi như biến thành người khác.


Tôi xoay người, bất ngờ nhào vào lòng dì, đầu áp chặt vào lồng ngực mềm mại của bà.


Giống như những lần hiếm hoi hồi bé tôi được ôm mẹ vậy.


Tôi khẽ cọ cọ, nhỏ giọng nói: “Cảm ơn dì.”


Cảm ơn hai người đã nhặt con về, rồi từng chút từng chút ghép lại thành hình.


Bàn tay ấm áp vỗ về xoa đầu tôi, dì trêu: “Cảm ơn ai nào?”


Giọng điệu dường như mang chút mong đợi.


Tôi sững người, chớp mắt vài cái: “Mẹ ạ.”


“Cảm ơn mẹ.”


“Ơi!” Giọng nói không giấu nổi sự vui sướng, đôi môi mềm khẽ đặt lên trán tôi, 


“Thanh Thanh ngoan của mẹ!”


Niềm vui nhỏ len lỏi trong tim, ngọt ngào lạ thường.


Thấy tai tôi đỏ cả lên, dì không trêu nữa, bảo tôi đi gọi Chu Hải Yến dậy dán câu đối.


Dạo này do bận chuẩn bị Tết, khách đặt lịch rất đông, đối với Chu Hải Yến thì thức đêm đến hai, ba giờ sáng là chuyện thường, nên giờ giấc của anh cũng thay đổi.


Tôi gõ cửa, không có phản hồi.


Tôi đẩy cửa bước vào.


Trong phòng yên tĩnh, ánh sáng mặt trời xuyên qua tấm rèm xám hắt vào người trên giường nhắm mắt ngủ say, chỉ nghe được tiếng thở khẽ khàng.


Tôi giơ tay chọc vào má anh.


“Anh trai, mẹ bảo em gọi anh dậy dán câu đối.”


Không phản ứng.


Tôi ghé sát, nói nhỏ bên tai anh: “Anh ơi, dậy dán câu đối thôi.”


Vẫn không có phản ứng.


Người trên giường yên lặng nhắm mắt, lông mi dày như chiếc quạt nhỏ.


Một ý nghĩ lóe lên trong đầu, tôi lặng lẽ đưa tay ác quỷ ra, kéo thử, còn khá chắc.


Đang do dự có nên dùng thêm chút lực không.


Bỗng nhiên, người trước mặt mở choàng mắt, trong mắt đầy vẻ bất lực, sửng sốt.

Anh vừa buồn cười vừa tức: “Đồ không có lương tâm, anh định xem em gọi anh thế nào, ai ngờ em lại nhổ lông mi của anh hả?”


Tôi: “...”


Sơ suất rồi.


Tôi nở nụ cười ngoan ngoãn.


“Trông em như mấy em bé trong tranh Tết ấy.”


Anh không nhịn được véo một cái lên búi tóc nhỏ trên đầu tôi.


...


Dì Chu ở trong bếp nấu chè trôi nước, Chu Hải Yến và tôi chia nhau nhiệm vụ dán câu đối.


Mấy chỗ khác trong nhà đều đã dán xong.


Anh chỉ vào cặp câu đối cuối cùng trên tay, một bên là hình Cừu lười biến, bên kia là hình Cừu Vui Vẻ, hai chú cừu cầm những câu chúc mừng, trông ngộ nghĩnh đáng yêu.


Anh nhăn nhó nói: “Cái này trẻ con quá, hay là khỏi dán đi?”


Tôi vội vàng lắc đầu.


“Không mà, đâu có trẻ con, chỗ nào trẻ con chứ.”


Anh nói: “Anh hơi mệt, không muốn dán.”


Không được, không được, đây là câu đối tôi đặc biệt cùng mẹ Chu đi chợ chọn.


Tôi nắm lấy cánh tay anh, lắc lắc: “Anh ơi anh à, anh là anh trai tốt nhất thế giới. Dán đi, dán đi, dán trong phòng em ấy.”


Trong mắt anh thoáng hiện một nụ cười khó đoán.


“Được rồi, dán, dán, thế được chưa?”


Hai bên cửa sổ, mỗi bên dán một chú cừu.


Cừu vui vẻ là tôi, cừu lười biếng là An Tề.


Chúng tôi là bạn thân nhất của nhau.


Vậy thì chúc bạn thân nhất của tôi, An Tề, năm mới vui vẻ.


...


Buổi chiều, mọi người ngồi quây quần bên bàn gói sủi cảo.


Chu Hải Yến chê bánh tôi gói xấu, bứt một cục bột đưa tôi, bảo tôi tự chơi.


Mẹ Chu một tay giữ cây cán, tay kia không ngừng xoay miếng bột, cán ra từng miếng vỏ bánh mỏng tang, tròn trịa.


Bà nhìn Chu Hải Yến, giả vờ hỏi một cách tình cờ:


“Bạn học của con hôm nay sao không đến? Về nhà ăn Tết rồi à?”


Chu Hải Yến đang lấy nhân bánh cho vào giữa vỏ, đáp bâng quơ:


“Không về nhà, ở lại chỗ làm.”


“Không về nhà cha mẹ không lo à?”


“Cậu ấy lớn lên trong cô nhi viện, nhà không có ai.”


Mẹ Chu không nói gì thêm.


Bà cúi đầu, không biết đang nghĩ gì, tay cán bột ngày càng chậm lại.


Một lúc lâu sau, bà mới nói:


“Sủi cảo gói nhiều như thế, tối nay bảo cậu ấy qua ăn cơm tất niên đi.”


Chu Hải Yến ngơ ngác mấy giây mới phản ứng, ừ một tiếng.


Họ đang nói đến cảnh sát Tiểu Phó.


Anh ấy gần như tối nào cũng qua đây, có khi xách một túi rau tự trồng, có khi là trái cây tươi mua ở chợ, có khi lại mang đến những con thú nhồi bông anh ấy tự gắp được từ máy gắp thú.


Chu Hải Yến bảo anh ấy đến tay không, nhưng anh ấy không chịu, bảo mình tuy không có cha mẹ dạy, nhưng lễ nghĩa thì anh ấy vẫn biết.


Lạ là mẹ Chu vốn dịu dàng hiếu khách, vậy mà đối với cảnh sát Tiểu Phó lại có phần lạnh nhạt, gần như viết rõ trên mặt rằng không muốn tiếp xúc.


Nhưng rõ ràng lúc đầu khi gặp cảnh sát Tiểu Phó, bà còn khen anh ấy đẹp trai, dễ mến. Sau khi biết anh và Chu Hải Yến là bạn học, hiện làm cảnh sát, thái độ lại lạnh lùng hẳn.


Bản thân cảnh sát Tiểu Phó cũng nhận ra điều đó, nhưng anh ấy chẳng mảy may quan tâm, ngày nào cũng cứ tươi cười nhăn nhở, rảnh là lại thích chạy đến tiệm.


Anh ấy còn giúp mẹ Chu đi chợ mua rau tươi ngon nhất, giúp cắt tỉa cây quế trong sân, mỗi khi hàng xóm nói xấu mẹ Chu sau lưng, anh đều cố ý mặc đồng phục cảnh sát ra mặt cảnh cáo họ rằng nói xấu người khác là phạm pháp.


Tóm lại, anh ấy đối với mẹ Chu có một sự kính trọng đặc biệt.

Bình luận (2)
Đăng ký tài khoản (5s xong)

Hãy là người bình luận đầu tiên