Hà Thanh Hải Yến

[8/16]: Chương 8

20


Lời nói của cha tôi đã gây tổn thương rất lớn cho dì Chu.


Sau khi tỉnh lại, mỗi ngày dì đều ngồi nhìn cây quế trước sân đến ngẩn người, thời gian ngày càng dài hơn. Tôi biết rằng dì không thể chịu đựng thêm những cú sốc nào nữa.


Anh trai phải gánh thêm tôi, gánh nặng rất lớn. Tiệm xăm của anh là nguồn thu nhập chính nuôi sống cả nhà, công việc của anh không thể bị phá hoại mãi được.


Nhưng cha tôi cứ đến nhà họ Chu ăn vạ mãi.


Dù có đưa tiền cho ông ta hay không, vấn đề cũng không thể giải quyết tận gốc. Chỉ có thể kéo dài mãi thế này.


Tôi đang tận hưởng hạnh phúc mà họ mang lại, nhưng lại khiến họ phải gánh chịu rắc rối mà tôi đem đến. Trên đời làm gì có lý nào như vậy chứ?


Câu chuyện “Người nông dân và con rắn” có thể xảy ra với bất cứ ai, nhưng tuyệt đối không thể là tôi.


[Hiện tại, ở nước ta chưa có một đạo luật chuyên biệt nào về bạo lực gia đình. Vấn đề bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực đối với trẻ vị thành niên, vẫn chưa được luật pháp chú ý đúng mức. Tuy nhiên, theo Điều 234 Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nếu bạo lực gia đình gây thương tích cho người khác, hành vi này sẽ bị coi là tội cố ý gây thương tích, có thể bị phạt tù đến ba năm.]


Đây là thông tin tôi tra được ở phòng máy tính của trường.


Hiện tại, dường như chỉ còn một con đường trước mắt tôi.


Tôi không định giấu họ, chỉ là tôi cố chấp cho rằng đây là phong trào bất bạo động của chính Đường Hà Thanh 14 tuổi, để dùng cách phản kháng bất bạo động, thách thức và thoát khỏi ách thống trị gia trưởng kéo dài 14 năm.


Vì thế tôi cố tình chọc giận Đường Thế Quốc, tự đưa mình đến trước mặt ông ta.


Khi Chu Hải Yến và cảnh sát Tiểu Phó tới nơi, tôi đã nằm trên mặt đất, cả người bê bết m//áu, ý thức mơ hồ, gần như ngất lịm.


Lần nữa tỉnh lại là ở bệnh viện.


Cả người đau đến mức không nói nên lời.


Nhìn băng quấn đầy người và cánh tay bó bột ở cổ tay.


Tôi nghĩ rằng mình đã thành công.


Tuy nhiên, cuộc sống hiếm khi như ý muốn, trái lại thường xuyên không như mong đợi mới là trạng thái bình thường của nó.


Báo cáo giám định thương tích cho thấy: [Bệnh nhân bị nhiều vết bầm tím phần mềm trên cơ thể, gãy xương cổ tay phải, nhiều vết trầy xước trên da đầu, trán bị chai rượu đập phải, phải khâu năm mũi.]


Đây chỉ là vết thương nhỏ, không phải thương tích cấp nhẹ loại hai.


Trong thực tế, tiêu chuẩn giám định thương tích cấp nhẹ loại hai rất khắt khe, như tôi còn lâu mới đạt đến mức đó.


Cảnh sát Tiểu Phó nói, cha tôi đã bị bắt, nhưng vì chỉ vết thương nhẹ, ông ta chỉ bị xử lý hành chính, không phải chịu trách nhiệm hình sự. Nói cách khác, ông ta chỉ bị tạm giam 10 ngày, nộp phạt 500 tệ, hứa sau này không tái phạm, thêm vào đó là chi trả một chút chi phí y tế cho tôi, thế là xong.


Tất cả là do tôi đã tưởng tượng mọi chuyện quá tốt đẹp.


Cũng vì sự ngây thơ và ngu ngốc của mình, Chu Hải Yến lần đầu tiên nổi giận với tôi.


Trong phòng bệnh.


Từ lúc anh bước vào, đến lúc đứng nhìn tôi từ trên cao, đã trôi qua nửa tiếng.


Nửa tiếng ấy, anh không nói một lời nào.


Tôi biết mình có lỗi, cúi đầu không dám ngẩng lên.


Bất chợt, anh lên tiếng hỏi:


“Từ hôm qua đến giờ, em thấy mình có sai không?”


Giọng nói trầm thấp, không nghe ra cảm xúc chất chứa bên trong.


Tôi muốn gật đầu, nhưng đầu băng bó rất đau.


Đành khe khẽ trả lời: “Sai rồi.”


Anh hỏi: “Sai ở đâu?”


Tôi không nói gì.


Anh nâng giọng: “Nhìn anh, sai ở đâu?”


Đôi mắt anh đầy tơ máu sau một đêm không ngủ, dưới cằm cũng đã lún phún râu xanh.


Sự chua xót và áy náy trong lòng như muốn nhấn chìm tôi.


“Em xin lỗi, em sai ở chỗ đã bốc đồng gây rắc rối cho mọi người, làm mọi người lo lắng, còn tốn bao nhiêu tiền thuốc men vô ích.”


Anh cười lạnh một tiếng, ánh mắt sắc lạnh như dao cắt từng nhát.


“Đường Hà Thanh, em còn chẳng biết mình sai ở đâu!”


“Nếu anh đến muộn một chút, em nghĩ em còn có thể nằm đây sao? Em tưởng mình giỏi lắm à, có thể kiểm soát chính xác bản tính con người sao? Cha em điên lên còn có giới hạn không, em không biết sao?”


“Trước khi làm điều này, em có hỏi qua anh chưa? Có nghĩ đến hậu quả chưa?”


Đôi mắt anh đỏ hoe, giọng chất vấn pha chút run rẩy.


Một thứ cảm xúc khó tả trào lên từ sâu thẳm lòng tôi, dâng đến cổ họng, nghẹn lại không nói nên lời.


Anh ngừng một chút, giọng nói bình thản nhưng đầy sự tự giễu:


“Hay là, em vốn dĩ không xem anh là anh trai, cũng không coi nơi này là nhà.”


Ngay khoảnh khắc ấy.


Tim tôi như bị ai xé rách một mảnh, cảm giác hoang mang, lo sợ như một lưỡi dao sắc lẹm, cắt tôi thành từng mảnh vụn.


Nước mắt trào ra không kiểm soát, tôi lắc đầu giải thích một cách lộn xộn.


“Không phải vậy, không phải vậy.”


Tôi thật sự xem họ như gia đình mình.


Chỉ là họ đối xử với tôi quá tốt, tôi không muốn làm gánh nặng cho họ, tôi cũng muốn làm gì đó để giúp họ.


Anh nhìn thẳng vào mắt tôi, ngón tay đặt bên người khẽ động đậy, rồi lại buông xuống.


Hồi lâu.


Anh nhẹ giọng nói: “Lần sau đừng như vậy nữa.”


Sau đó quay người, rời khỏi phòng bệnh.


Nhìn bóng anh dần biến mất nơi góc hành lang, cuối cùng tôi không nhịn được mà bật khóc nức nở.


Các loại cảm xúc phức tạp đan xen, uất ức, buồn bã, bất lực, như từng cơn sóng tràn đến, trói chặt tôi, bóp nghẹt đến mức tôi đau đớn toàn thân.


Cuộc sống vốn không có tường, nhưng tôi lại bị nhốt trong một bức tường vô hình.


Người đối tốt với tôi quá ít, tôi lớn lên trong một môi trường thiếu hơi ấm, thiếu thiện ý.


Thế nên, một ngày nào đó, khi sự thiện chí vô điều kiện xuất hiện, tôi vừa khao khát, vừa sợ hãi, tôi không biết phải đền đáp thế nào, tôi vốn không có khả năng đón nhận một cách tự nhiên. Trong lòng tôi luôn ẩn chứa hạt giống của tự ti và nhút nhát.


Ngày nhận ra mình là một kẻ bi quan chính hiệu, tôi cũng nhận ra mình đã tự tay phá hỏng mọi thứ.


Mối quan hệ giữa con người với nhau giống như một mê cung, khi tôi ngày càng lạc sâu vào trong, mới nhận ra mỗi người trong gia đình này đều mang trong mình những nỗi đau khó nói, ai cũng là những cá thể đầy mâu thuẫn.


Có rất nhiều chuyện họ không muốn nói ra, nên dù tôi có đoán được, tôi cũng giả vờ như không biết.


Họ nói dì Chu là người điên, nhưng dì là người hiền lành và dịu dàng nhất mà tôi từng gặp. Chỉ là dì mắc kẹt trong nỗi buồn về sự ra đi của người mình yêu, chưa thể thoát ra được.


Họ nói Chu Hải Yến là một kẻ lưu manh, nhưng anh chưa bao giờ vô duyên vô cớ đánh ai, anh xăm cho người khác nhưng bản thân không bao giờ xăm, anh rất yêu sạch sẽ, mắc chứng ám ảnh cưỡng chế, học rất giỏi, rất thông minh.


Cảnh sát Tiểu Phó gọi anh là lớp trưởng, họ thường nhớ lại thời đại học cùng nhau.


Tôi bất giác nhớ lại nhiều mẩu ký ức.


Khi ở đồn cảnh sát, tôi từng nghe họ nói rằng cảnh sát Tiểu Phó là sinh viên xuất sắc của trường Công an.


Vậy nên câu trả lời quá rõ ràng, Chu Hải Yến cũng là sinh viên của trường Công an, nếu không xảy ra chuyện gì giữa chừng, thì giờ đây anh cũng sẽ giống như anh Tiểu Phó, là một cảnh sát.


Dù tôi không biết chuyện gì đã xảy ra.


Nhưng tôi biết rằng, dì Chu mong anh có thể sống một cuộc đời bình yên, còn anh chỉ hy vọng dì có thể thoát ra khỏi nỗi đau.


Mà sự tồn tại của cha tôi chính là sự tổn thương đối với cả hai người họ.


Vậy nên tôi hối hận, nhưng tôi hối hận vì đã không suy nghĩ thấu đáo, không thể thành công đưa cha tôi vào tù.


Tôi chính là một kẻ tự cao, phiền phức, Chu Hải Yến giận tôi cũng là điều dễ hiểu.


Tôi lặng lẽ hít mũi, tự an ủi bản thân.


Không sao, cùng lắm là trở về trạng thái ban đầu mà thôi.


Thời gian vừa qua tôi đã rất hạnh phúc rồi, con người phải biết đủ.


Vì ban đầu vốn dĩ tôi chẳng có gì cả.


21


Tôi tưởng rằng Chu Hải Yến sẽ không quay lại nữa.


Vì vậy, khi thấy anh xuất hiện trước cửa, tay xách theo một chiếc bình giữ nhiệt, tôi mở to mắt, sợ rằng đây chỉ là ảo giác.


Anh bước tới, đặt bình giữ nhiệt lên tủ đầu giường.


Giọng điệu có chút không vui:


“Con nít không nghe lời, dạy thì dạy, chứ làm sao mà bỏ được?”


Tôi nhìn anh không chớp mắt, nước mắt không tự chủ được lại trào ra.


Anh quay đầu đối diện với ánh mắt tôi, môi anh mấp máy, rất lâu sau mới nói:

“Khóc, khóc, khóc, khóc bay hết cả may mắn rồi.”


Giọng nói khó chịu bao nhiêu, thì động tác lau nước mắt cho tôi lại dịu dàng bấy nhiêu.


Tôi nghẹn ngào: “Em xin lỗi, anh trai. Sau này em sẽ không như vậy nữa, anh đừng giận em được không?”


Khoảnh khắc anh xuất hiện, tôi buộc phải thừa nhận rằng tất cả những lời tự an ủi bản thân trước đó đều là dối trá, là tôi tự lừa mình dối người.


Tôi không thể rời xa anh, không thể rời xa dì Chu, cũng không thể rời xa ngôi nhà đó.


Anh không nói gì, mở bình giữ nhiệt, đổ canh bồ câu ra bát.


Anh thổi nguội rồi bưng lên, từng thìa từng thìa đút cho tôi ăn.


Không biết thái độ anh ra sao, tôi vừa ăn vừa khóc.


Khi bát canh cạn, anh mới mở lời:


“Giận gì mà giận, người lớn không chấp trẻ con.”


Trái tim đang treo lơ lửng cuối cùng cũng buông xuống, tôi không kìm được mà nở nụ cười.


Đó là niềm vui sướng khi được mất rồi lại có.


Bỗng nhiên tôi nhớ ra điều gì đó:


“Anh ơi, dì biết chưa? Anh đừng nói với dì được không, cứ bảo là em đi học rồi.”


Anh nhướng mày, giọng điệu hờ hững: “Bây giờ mới biết sợ à? Muộn rồi.”


“Em đoán xem canh này ai nấu?”


“...”


Có đôi khi, sự im lặng còn đáng sợ hơn cả cơn giận dữ.


Khi dì Chu gặp tôi, không trách móc một lời, chỉ vừa khóc vừa đau lòng, tự trách mình không chăm sóc tốt cho tôi.


Dì nói nếu hôm đó tôi có chuyện gì không hay, cả đời này dì sẽ sống trong tội lỗi.


Dì hỏi tôi rằng liệu dì đã làm chưa đủ tốt, chưa cho tôi đủ cảm giác an toàn, nên tôi mới không cảm thấy yên tâm.


Tôi áy náy đến mức không biết nói gì hơn.


Lúc ngã xuống đất toàn thân bê bết máu, tôi không hối hận. Hiểu lầm rằng Chu Hải Yến bỏ rơi tôi, tôi cũng không hối hận. Nhưng khi nhìn dì khóc, tôi hối hận rồi.


Bởi vì tôi đã thực sự thấy trên người dì sự tự trách và lo lắng của một người mẹ, một loại cảm xúc mà tôi chưa từng thấy ở mẹ ruột của mình.


Tôi nằm viện suốt một tuần. Sau khi xuất viện, để tiện chăm sóc, dì ngủ chung giường với tôi suốt một tháng.


Dì giúp tôi tắm, chải tóc, thoa thuốc, không bỏ sót một việc nhỏ nào.


Sự dịu dàng của dì giống như con dao nhọn, đâm thẳng vào lòng tôi.


Tôi thề đi thề lại rằng sẽ không làm những chuyện tương tự nữa, dì mới thôi lo lắng.


...


Cuộc sống đôi khi giống như một khúc quanh, nơi cuối con đường là ánh sáng mới.


Ngay lúc tôi nghĩ rằng không còn cách nào để xử lý cha mình nữa, cơ hội bỗng xuất hiện.


Một buổi tối, cảnh sát Tiểu Phó đang trò chuyện với anh trai tôi, nhắc đến việc gần đây một kiểu gian lận mới trong sòng bạc xuất hiện, khiến nhiều gia đình tan cửa nát nhà.


Trong đầu tôi bỗng lóe lên hình ảnh chiều hôm đó, khi về nhà lấy ống heo, tôi nhìn thấy trên bàn có một bộ bài cùng một chiếc kính giống như kính mắt, dù cha tôi không bị cận.


Tôi hỏi cảnh sát Tiểu Phó rằng kỹ thuật gian lận đó cụ thể như thế nào.


Anh ấy giải thích, những kẻ gian lận thường mang theo một bộ bài đặc biệt, bên ngoài trông giống bài bình thường, nhưng khi đeo kính áp tròng đặc chế, họ có thể nhìn thấy các con số và ký hiệu phát sáng ở mặt sau của lá bài.


Mọi thứ trùng khớp với những gì tôi đã thấy.


Lúc đó, cha tôi đột nhiên gặp may, thắng được một số tiền lớn.


Tôi kể phát hiện này với cảnh sát Tiểu Phó và Chu Hải Yến.


Không đầy một tuần sau, cha tôi bị bắt quả tang gian lận tại một sòng bạc thuộc quyền của người ngoài tỉnh. Công cụ hỗ trợ ông sử dụng là từ một ông trùm sòng bạc, kẻ gián tiếp khiến mẹ tôi tự sát.


Hai sòng bạc xung đột gay gắt, nhiều người bị hại đã báo cảnh sát. Sòng bạc của ông trùm kia bị phát hiện lợi dụng gian lận để trục lợi.


Để thoát thân, ông ta cần một người chịu tội thay. Ông trùm kia liền đẩy cha tôi ra làm con tốt thí, không biết hứa hẹn gì để ông ta chấp nhận ngồi tù thay.


Ngày 1 tháng 1 năm 2014, tôi nhận được tin tốt nhất đời mình.


Đường Thế Quốc vì phạm tội đánh bạc, lừa đảo, tình tiết nghiêm trọng, số tiền liên quan lớn, bị tuyên án 4 năm 9 tháng tù.


Nghe tin ông ta vào tù, tôi nhẹ nhõm hẳn.


Cuối cùng không còn là niềm vui hão huyền.


Đến lúc này, mọi lo âu ngăn cản tôi hòa nhập vào nhà họ Chu đã tan biến hoàn toàn.


Linh hồn tôi quay về bên họ, như dòng nước trở về đại dương bao la, lần đầu tiên cảm nhận được mình đang thật sự sống.

Bình luận (2)
Đăng ký tài khoản (5s xong)

Hãy là người bình luận đầu tiên