17
Có những người không thể tự thoát khỏi xiềng xích của mình, nhưng lại có thể trở thành người giải phóng cho người khác.
Dì Chu là như thế, Chu Hải Yến cũng vậy.
Họ nói với tôi rằng, ở tuổi mười bốn, tôi vẫn còn là một đứa trẻ, điều cần nhất không phải là sự mạnh mẽ mà là sự an toàn và bảo vệ.
Vì thế, tôi không còn phải dậy từ sáng sớm, vác bao tải len lỏi khắp nơi để nhặt rác. Tôi có thể như bao người khác, ngủ đến sáu rưỡi sáng, ăn một bữa sáng no nê, không còn lo lắng bữa sau phải làm sao để có cái ăn.
Vì thế, tôi không còn phải chịu đựng những trận đòn bất ngờ giữa đêm. Tôi có thể như bao người khác, nghe lời chúc ngủ ngon và yên giấc, không còn phải lo lắng đến mức lấy bàn đè cửa phòng chứa đồ chật hẹp để tự vệ.
Vì thế, tôi không còn phải dùng tóc che mặt, e dè đến trường. Tôi có thể như bao người khác, buộc tóc đuôi ngựa cao, vừa đi vừa hát và nhảy chân sáo, không còn sợ hãi rằng bất cứ lúc nào cũng có thể bị kéo vào nhà vệ sinh.
Vì thế, tôi không còn mong mỏi tiết học cuối cùng dài như cả thế kỷ. Tôi có thể như bao người khác, thu dọn cặp sách từ sớm, chỉ chờ thầy cô hô một tiếng để lao ra khỏi lớp như chú chim non chờ về tổ. Bởi vì lần này, cuối cùng đã có một ngọn đèn vì tôi mà thắp sáng.
Tôi chưa bao giờ hy vọng mình vượt trội hơn ai, chỉ mong mình là một người bình thường như bao người khác.
Nhưng họ nói với tôi rằng, tôi có thể trở thành một người xuất sắc, tôi có thể cố gắng, có thể nỗ lực giành lấy.
Họ nói: “Đường Hà Thanh, con đừng sợ, chỉ cần con quay đầu lại, phía sau là nhà.”
Những gì tôi thiếu thốn, họ sẽ từng bước bù đắp cho tôi.
Tôi chưa từng tổ chức sinh nhật, cũng chưa từng nghe ai chúc mừng sinh nhật, thậm chí không biết rõ ngày sinh nhật thật sự của mình. Ngày tháng trên chứng minh nhân dân chỉ là ngày báo bừa. Mẹ tôi cũng không nói cho tôi ngày chính xác, bà bảo bà không nhớ rõ nữa. Tôi chỉ biết mình sinh năm 1999.
Ngày hôm đó, dì Chu gói cho tôi mười bốn bao lì xì, Chu Hải Yến đưa tôi đi chơi ở mười bốn công viên giải trí, họ tự tay làm một chiếc bánh kem thật lớn cắm mười bốn ngọn nến trên đó.
Chu Hải Yến quẹt miếng kem đầu tiên lên trán tôi, nói rằng anh muốn tặng hết may mắn của năm sau cho tôi.
Khi nhắm mắt cầu nguyện, tôi nghe thấy câu chúc mừng sinh nhật lần thứ mười bốn vang lên bên tai.
Họ nói, mười bốn năm trước đã khép lại, từ năm thứ mười lăm trở đi là một khởi đầu mới. Chỉ cần tôi muốn, bất kỳ ngày nào sau này cũng có thể là ngày sinh nhật của tôi.
“Hà Thanh Hải Yến.”
Người lớn bảo, hai người có duyên thì tên sẽ có thể kết nối lại với nhau.
Cô bé Đường Hà Thanh năm mười bốn tuổi sợ rằng duyên phận không đủ sâu, nên đã chọn ngày sinh nhật trùng với Chu Hải Yến:
— Ngày 26 tháng 6.
Sau này, năm nào chúng tôi cũng cùng nhau tổ chức sinh nhật.
Dì Chu cười tươi không khép được miệng, nói không ngờ đến tuổi trung niên vẫn có đủ cả con trai lẫn con gái.
18
Ông trời thường để con người rơi vào tình cảnh trắng tay, khi đang chìm trong tuyệt vọng lại cho một chút ngọt ngào, rồi để khi họ say mê trong đó thì lại lấy đi hết thảy.
Khi tôi nghĩ rằng mọi thứ đang dần tốt lên, cha tôi quay về, vác trên mình núi nợ khổng lồ.
Hai tháng qua, ông cầm số tiền thắng bạc ra ngoài tiêu xài, nếm trải được sự xa hoa thì càng không cam lòng với thực tại, quên mất bài học từ lần thua bạc đến mức trong nhà không còn gì để ăn, chỉ nhớ tới cảm giác ngọt ngào duy nhất khi thắng tiền, nghĩ rằng mình là rồng mắc cạn, không muốn làm ăn chân chính mà mơ mộng đến việc phát tài chỉ sau một đêm nhờ cờ bạc.
Tuy nhiên, ông không biết rằng, khi nhìn sâu vào vực thẳm, vực thẳm cũng sẽ nhìn lại.
Không ai có thể phất lên nhờ cờ bạc, ít nhất là cha tôi không thể.
Khi đã hoàn toàn trắng tay, ông lại thua đến mức bán luôn căn nhà cũ duy nhất, nhưng vẫn không thể lấp được cái hố nợ kia.
Mượn hết, bán hết, không còn gì để bán, đường cùng không lối thoát, ông nhớ ra rằng mình vẫn còn một đứa con gái.
Biết tôi đang sống ở nhà họ Chu, ông không dám đến thẳng nhà, mà chờ chực tôi trên đường đi học về.
Câu đầu tiên ông nói khi gặp tôi là:
"Giờ mày giỏi lắm rồi, biết dựa vào người khác. Nếu mẹ mày cũng khôn như mày thì giờ này sống sung sướng biết mấy."
Ánh mắt ông dò xét từ trên xuống dưới như muốn toan tính gì đó: "Nghe nói thằng nhóc nhà họ Chu và mụ điên đó thương mày, mày xin hộ tao hai mươi vạn đi, coi như bù cho lần trước tao bị đánh."
Ông vừa đến gần là cả người tôi đã run lên.
Tôi bấm chặt tay vào lòng bàn tay, giả vờ bình tĩnh: "Hai mươi vạn, ông nghĩ mình xứng đáng sao? Tôi chẳng có khả năng đó đâu."
Ông nổi giận, giáng ngay một cái tát vào mặt tôi. Dù tôi đã chuẩn bị trước, nhưng vẫn không kịp tránh.
Tai phải lại vang lên âm thanh ù ù quen thuộc.
Ông ta dữ tợn ra lệnh tôi phải kiếm tiền về cho ông ta vào ngày mai, nếu không ông ta sẽ gi//ết tôi.
Nhìn ông ta với bộ dạng đường cùng bế tắc, không biết vì sao tôi lại bật cười.
Cảm xúc sợ hãi lên đến đỉnh điểm rồi bật ngược trở lại, sợ đến mức độ nào đó thì không còn sợ nữa.
Một khi kẻ yếu thoát ra khỏi nhà tù sợ hãi, từ góc nhìn của nạn nhân chuyển sang người quan sát, sẽ phát hiện ra kẻ bạo hành cũng chỉ đến thế, bản chất của cả hai vốn giống nhau, chỉ là kẻ sau biết dùng vũ lực để che giấu sự bất tài và hèn nhát của mình.
Kết cục tồi tệ nhất cũng chỉ là bị đánh ch//ết, nhưng ông ta không dám, ông ta chỉ mượn nỗi sợ ch//ết của người khác để làm phô trương thanh thế cho mình.
Tôi bình thản nói: "Tiền thì không có, mạng thì còn, ông có thể chọn gi//ết tôi ngay bây giờ, không cần đợi đến mai. Tất nhiên, sau khi gi//ết tôi, ông chờ mà sống cả đời trong tù đi."
Cha tôi nhận ra cách dùng bạo lực quen thuộc của mình đã bị tôi nhìn thấu, không còn tác dụng như trước, nên ông ta bắt đầu giở bài tình cảm.
Người đàn ông to lớn với đôi mắt đầy nước mắt giả vờ đáng thương, suýt nữa quỳ xuống trước tôi.
"Thanh Thanh, vừa rồi cha không cố ý đâu, chỉ là tức quá mà thôi. Con giúp cha đi, được không? Thế gian này chỉ còn lại hai cha con ta nương tựa vào nhau, chẳng lẽ con đành lòng nhìn cha bị dồn vào đường cùng sao? Mẹ con trên trời linh thiêng cũng không nỡ đâu."
Ích kỷ, tham sống sợ ch//ết, nói dối trơ trẽn, vong ân bội nghĩa, tâm cơ mưu mô... Tất cả những từ ngữ miêu tả kẻ tiểu nhân đều có thể dùng để lột tả ông ta.
Trong lòng tôi chẳng chút động lòng: "Vậy thì ông đi theo mẹ tôi đi, bà ấy ở dưới đó một mình cũng cô đơn lắm."
Kẻ nghiện cờ bạc không có giới hạn.
Thấy tôi cứng rắn không chịu thỏa hiệp, ông ta bắt đầu chơi trò đê hèn.
Ông ta nhiều lần tìm đến trường tôi, khiến tôi không thể học hành bình yên.
Ông ta đến trước cổng chợ tìm dì Chu, vu khống rằng tôi bị ngược đãi ở nhà họ Chu.
Ông ta thậm chí còn đến đầu hẻm bôi nhọ, tung tin đồn thất thiệt để phá hoại việc làm ăn của Chu Hải Yến.
Nhưng thực tế là, bất kể ông ta có làm gì, cũng không ai đưa hai mươi vạn cho ông ta.
Bởi ai cũng biết rằng, lòng tham của con bạc không bao giờ được lấp đầy. Một khi để họ nếm trải sự ngọt ngào, họ sẽ trở thành con ma cà rồng nghiện máu, cuốn vào vòng xoáy không có điểm dừng.
Cho đến khi cha tôi lại say rượu lên cơn điên, miệng nói những lời bậy bạ.
Ông ta nói tôi ở nhà họ Chu bị lây xui rủi từ mụ quả phụ điên, muốn hai mươi vạn để sau này coi như không có đứa con gái này nữa.
Ông ta mắng cả nhà họ Chu là đồ ch//ết yểu, dì, Chu Hải Yến, và cả tôi.
Ông ta nói những kẻ ch//ết yểu kiếm được tiền cũng chẳng hưởng được, tốt hơn hết nên đưa tiền cho ông ta.
Ông ta nói chú Chu mất sớm phần lớn là do tự chuốc lấy, không chừng ch//ết rồi còn chịu cực hình nơi địa ngục.
Từng lời từng chữ như lưỡi dao tẩm muối, không ngừng xé toang vết thương chưa khép miệng.
Dì Chu tức đến mức ngất đi.
Chu Hải Yến nổi gân xanh trên trán, lao tới túm chặt ông ta đánh cho một trận nhừ tử.
19
Vì thế, khi cảnh sát Tiểu Phó đến nhà, tôi liền nghĩ ngay là họ đến bắt người.
Mười một giờ tối, dì đã nghỉ ngơi, Chu Hải Yến còn đang trong phòng làm việc thiết kế bản vẽ.
Tôi nhân cơ hội sáng hôm sau là thứ Bảy nên không chịu đi ngủ, nhất quyết đòi ở lại với anh.
Nghĩ tới việc tối anh không ăn mấy, tôi định trổ chút tài nấu nướng đã tập luyện lâu nay, làm cho anh bữa ăn khuya.
Lúc này, có một người đàn ông trẻ bước vào tiệm xăm, gương mặt búp bê trông quen quen.
Đó là cảnh sát mới đến thị trấn, Phó Viễn.
Mấy lần tôi gọi cảnh sát, chính anh ấy đã xử lý.
Anh ấy hỏi tôi: "Chu Hải Yến có ở nhà không?"
Tim tôi chùng xuống, rất căng thẳng, nghĩ rằng họ đến bắt anh vì anh đã đánh cha tôi.
Vậy nên tôi lắc đầu: "Anh ấy ra ngoài chưa về."
Kết quả vừa dứt lời, Chu Hải Yến từ phía sau bước ra.
Chạm mặt nhau ngay tại chỗ.
Hai người im lặng nhìn nhau, bầu không khí trở nên kỳ lạ.
Một lúc lâu trôi qua, khi tôi nghĩ rằng họ sắp đánh nhau đến nơi thì cảnh sát Tiểu Phó mắt bỗng đỏ hoe.
Anh tức giận gằn giọng:
"Chu Hải Yến, con mẹ anh làm tôi tìm mãi!"
Người đàn ông hơi ngẩn ra, giọng điệu thân thiện nhưng xa cách, như thể chỉ là bạn cũ gặp lại.
"Phó Viễn, đã lâu không gặp."
Người đối diện cười lạnh, giây tiếp theo như pháo nổ, bắt đầu chửi rủa:
"Đã lâu không gặp cái quái gì! Anh bày ra cái bộ dạng này cho ai xem hả? Bây giờ làm ông chủ rồi, không nhận người quen nữa à?"
"Tôi nói cho anh biết, anh định bỏ rơi tôi lần nữa thì trừ phi tôi ch//ết!" Nói xong, nước mắt anh ấy rơi như nước lũ.
"......"
Chu Hải Yến xoa thái dương.
Bất lực và khó chịu đẩy anh ấy ngồi xuống ghế sofa, ném cho một hộp khăn giấy.
"Tự lau đi."
Cảnh sát Tiểu Phó phẩy tay, lập tức ném lại hộp khăn về phía anh.
Nói ngắt quãng nhưng lại đầy trào phúng: "Ra ngoài không mang tiền, tôi con mẹ nó không dám dùng, dù sao chúng ta không thân thiết."
Chu Hải Yến nhíu mày, nghiêm giọng: "Phó Viễn!"
"Có mặt! Lớp trưởng."
"Nói chuyện tử tế."
"Được, được."
Dần dần, cảm giác xa cách do thời gian mang lại bị xóa nhòa, thay vào đó là sự ăn ý thân thuộc giữa họ.
Biết rằng cảnh sát Tiểu Phó không phải đến để bắt anh, tôi thở phào nhẹ nhõm, nhường phòng khách cho họ và định vào bếp nấu ăn.
"Anh ơi, thịt bò hầm cà chua được không? Em vừa học từ dì."
Chưa kịp trả lời, cảnh sát Tiểu Phó lau mặt vội vàng: "Được, được, em gái, làm nhiều lên nhé, anh cũng thích ăn."
Ngay sau đó, ăn ngay một cú huých cùi chỏ.
Chu Hải Yến liếc sang: "Em gái ai mà cậu gọi thế hả?"
Phó Viễn đáp lại một cách chính đáng: "Em gái anh thì cũng là em gái tôi, hai ta cần gì phân biệt."
Khi tôi vào bếp, vẫn nghe tiếng anh ấy gọi vọng lại.
"Em gái! Nhớ cho thêm nhiều ớt nhé!"
Bếp nằm sát phòng khách, ban đêm yên tĩnh, giọng to của cảnh sát Phó khiến tôi - một người mất một phần tư thính giác - cũng nghe rõ mồn một.
"Không phải, mới bao lâu không gặp, anh kiếm đâu ra em gái thế?"
"Con bé tên Đường Hà Thanh, đừng cứ 'em gái' mà gọi hoài."
"Gì cơ? Con gái của lão súc sinh Đường Thế Quốc? Thay đổi nhiều đến mức không nhận ra. Vài tháng trước nhìn con bé gầy nhom, gặp ai cũng cúi gằm mặt, chả buồn nói chuyện."
...
"Tôi biết thằng cha ấy cặn bã, không ngờ đến mức này. Chẳng lẽ ông ta thấy con mình sống tốt lại chịu không nổi sao? Hai mươi vạn cũng dám mở miệng. Đối phó loại con bạc không biết điểm dừng này, chỉ có thể đánh ch//ết hoặc nhốt vào tù, nếu không thì con bé sẽ còn chịu khổ đến khi đủ tuổi trưởng thành."
"Đánh ch//ết là điều không thể, nhốt vào tù còn khó hơn. Đặc biệt là vấn đề bạo lực gia đình liên quan đến trẻ vị thành niên như bé Đường, pháp luật chưa hoàn thiện lắm. Chỉ đến khi bị thương tích cấp hai mới có thể xử tù, nếu không thì chỉ bị xử nhẹ. Đến khi thực sự đến mức đó thì bệnh viện đã phải tranh giành với Diêm Vương luôn rồi, muộn lắm."
Người kia im lặng, chỉ nghe tiếng bật lửa châm thuốc.
...
Thương tích cấp hai.
Hóa ra bạo lực gia đình có thể bị xử tù, chứ không chỉ là tạm giữ.
Trước đây, không ai nói với tôi điều đó, ai cũng bảo tôi nhẫn nhịn là xong.
Thậm chí về sau, báo cảnh sát cũng chỉ là hình thức, không giam giữ, chỉ là giáo dục bằng lời.
Chỉ có cảnh sát Tiểu Phó mới kiên nhẫn lặp đi lặp lại, không biết mệt mỏi.
...
Tôi nhìn chằm chằm vào đáy nồi đang sủi bọt, bàn tay cầm gia vị từ từ siết chặt.
Khi tỉnh táo lại, nửa gói ớt khô đã đổ vào nồi.
Dầu nóng dần, mùi cay của ớt bốc lên nồng nàn, xộc thẳng vào mắt khiến mọi người không thể mở mắt ra.
Họ vội vã chạy vào, tưởng rằng bếp cháy.
Kết quả, cả ba người trong bếp suýt ngạt thở vì cay.
Cảnh sát Phó kêu lên: "Trời ơi, em gái hiền thật đấy, cay đến mức tôi tưởng mắt mình sắp bị móc ra rồi."
Hải Yến vừa đắp khăn ướt lên mắt tôi vừa đá anh ấy.
"Mở cửa sổ ra, mẹ nó tất cả tại cậu đòi ăn cay."
"…"
Từ hôm đó, tối nào cảnh sát Tiểu Phó thường đến nhà để hàn huyên với Hải Yến.
Mặc dù phần lớn thời gian anh ấy nói, còn Chu Hải Yến chỉ ngồi nghe.
Nhưng tình bạn của họ rõ ràng rất tốt.
Hãy là người bình luận đầu tiên
Nguyệt Truyện hoan nghênh các tác giả, dịch giả, nhóm dịch và các fanpage đăng truyện lên website của chúng tôi. Mọi chi tiết về nhuận bút, kiếm tiền và các thỏa thuận khác vui lòng nhắn tin trực tiếp đếnfanpage Facebook Nguyệt Truyệnhoặc email nguyettruyennet@gmail.com