Hà Thanh Hải Yến

[6/16]: Chương 6

14


Những ngày tháng đau khổ thường kéo dài và khó khăn, trong khi hạnh phúc lại trôi qua trong nháy mắt.


Càng gần đến ngày khai giảng, tôi càng cảm thấy lo lắng và bất an. 


Sống ở đây rất hạnh phúc, nhưng niềm hạnh phúc này như một điều tôi lén trộm được, cơ thể giờ đây khỏe mạnh hơn bao giờ hết. 


Tựu trường giống như một tín hiệu kết thúc, sắp phá vỡ vòng an toàn tạm bợ mà tôi đã thiết lập được trong những ngày qua.


Tôi muốn tìm một điều gì đó để gắn kết mình chặt chẽ hơn với ngôi nhà này.


Suy nghĩ mãi, tôi quyết định dậy từ năm giờ sáng, lén lút làm hết việc nhà.


Khi Chu Hải Yến xuống cầu thang, tôi vừa kịp bày bữa sáng lên bàn.


Anh nhìn quanh nhà, rồi nhìn tôi:


"Em làm hết việc của anh rồi, anh còn làm gì nữa?"


Tôi chỉ vào đĩa cơm chiên trứng trước mặt, cười toe toét:


"Anh ăn sáng đi."


Anh tặc lưỡi, kéo ghế ngồi xuống.


Ăn được hai muỗng, tốc độ nhai của anh chậm lại. 


Anh ngẩng lên, dò hỏi: "Em thấy ngon thật không?"


Tôi cúi đầu nhìn đĩa cơm chiên trứng đã ăn hơn phân nửa, không hiểu ý.


"Ngon mà."


Tôi không kén ăn, với tôi chỉ cần là cơm chín thì làm kiểu gì cũng ngon.


Tay cầm đũa của anh khẽ run lên, hỏi lại:


"Em nói thật đấy à?"


"Thật sự ngon mà. Ở nhà em nấu ăn ngon nhất đấy."


Mẹ tôi nấu ăn chỉ biết nấu chung một nồi lộn xộn, còn cha thì không biết nấu. Có thể nói, tôi là người giỏi nấu ăn nhất trong nhà.


Thậm chí, khi cha tôi say xỉn và chửi tôi, dù có chửi đủ thứ, nhưng chưa bao giờ chửi tôi nấu ăn dở.


Anh thở dài: "Vị giác của nhà em chắc đã bỏ nhà đi từ lâu rồi.”


"Nói là ngon thì thấy áy náy với bản thân, nhưng nói không ngon thì lại sợ tổn thương lòng tự tin của em. Nói chung là, kỹ năng nấu ăn của em rất hợp cho thời kỳ đói kém."


"Hả?"


Anh nhìn xa xăm: "Giúp giảm thèm ăn."


"..."


Nếu lời của Chu Hải Yến còn khá nhẹ nhàng, thì dì Chu lại thẳng thắn hơn.


Dì thử một miếng, nhíu mày:


"Con trai, cơm chiên này không ổn, lần sau đừng làm nữa."


Chu Hải Yến im lặng.


Tôi lúng túng chen vào: "Thật ra cũng không tệ lắm, con thấy ngon mà."


Bà bảo: "Thanh Thanh, con không cần bào chữa cho nó đâu, món này thiếu cả sắc, hương lẫn vị, đến lợn ăn xong cũng phải chạy mất mười dặm."


"......"


Tôi gãi mũi. 


Cha tôi trước giờ rất thích ăn cơm chiên tôi làm, ăn xong không chạy, hóa ra ngay cả lợn cũng không bằng.


Đây là lần đầu tiên tôi nhận ra tài nấu ăn của mình thực sự không ổn.


Tôi đành bỏ ý định theo con đường nấu nướng.


Chiều hôm đó, tôi cùng dì xem đi xem lại bộ phim gián điệp mà dì rất thích. 


Đến đoạn nhân vật chính gặp nguy hiểm, tôi dựa vào trí nhớ từ những lần trước dì kể để an ủi: "Không sao đâu, lát nữa có người cứu mà."


Lúc dì căm hận nhân vật phản diện đạt được mục đích, tôi vỗ vai dì nói thêm: "Không sao đâu dì, tập sau hắn chết rồi."


Dì: "......"


Thấy dì sắp khóc đến nơi, tôi nhanh chóng đổi chủ đề.


Vào phòng làm việc, tôi đưa bút cho Chu Hải Yến khi anh vẽ, rót nước khi anh khát, mát-xa khi anh mỏi.


Đến lần thứ mười khi tôi thêm nước vào cốc anh, anh giữ tay tôi lại.


"Uống không nổi nữa rồi."


Tôi đặt bình nước xuống, quay đầu cầm khăn lau bàn.


"Mặt bàn sắp tróc sơn luôn rồi."


Anh kéo tôi ngồi lên tấm thảm, đắp chăn lên người tôi.


Vỗ nhẹ vào đầu tôi:


"Ngoan, ngủ đi."


......


Buổi tối ăn cơm, dì Chu hỏi tôi có phải ngày mai đi học không.


Tôi ủ rũ gật đầu.


Chu Hải Yến hỏi: "Có cần anh đưa em đi không?"


Tôi cố gắng kìm nén cảm giác cay nơi sống mũi, chậm rãi đáp: "Không... không cần, trường gần mà."


Đến lúc chia tay, tôi mới nhận ra mình không nỡ đến thế nào.


Nhưng tôi nghĩ mãi vẫn không tìm ra lý do để mình ở lại một cách đàng hoàng.


Một lúc sau, dì nhẹ nhàng hỏi: "Trưa mai Thanh Thanh muốn ăn gì nào?"


Tôi sụt sịt mũi, cúi đầu xúc cơm.


Mẹ con họ không hẹn mà cùng nhìn nhau.


Chu Hải Yến lẩm bẩm: "Trẻ con đi học chẳng lẽ rồi không về nhà nữa sao?"


Dì thở dài:


"Ôi, thế là không còn ai đi chợ rồi làm bạn nhảy với bà già này rồi, đau lòng quá đi mất."


"Đúng rồi, đến cả chỗ này cũng chẳng biết tìm ai vừa ngoan vừa thông minh, luôn sắp xếp gọn gàng các dụng cụ giúp anh, đau lòng quá."


Nghe đến đây, tôi nhanh chóng giơ tay trái lên cao, nuốt vội miếng cơm:


"Con, con tình nguyện!”


Con sẵn sàng làm!


Có lẽ vì xúc động, một cái bong bóng nước mũi từ đâu phồng ra, tôi hít một hơi, bong bóng càng to hơn.


Chu Hải Yến vừa cố nhịn cười vừa lấy giấy lau cho tôi.


"Em chỉ được cái ăn ít mà hay nghĩ nhiều, không cần phải lo vấn đề ở lại hay không, cứ yên tâm ở đây. Nhà họ Chu nuôi thêm một đứa trẻ không thành vấn đề."


Dì Chu nói từ ngày tôi vào ở, dì đã không nghĩ đến việc để tôi rời đi nữa.


Tôi ngơ ngác lắng nghe từng lời từng chữ bên tai.


Ngày hôm đó, tôi bị sự ấm áp chưa từng có nhấn chìm, khiến cả cơ thể trở nên mềm nhũn.


15


Có người nói, chân lý của cuộc sống chính là: tặng cho một cái tát rồi lại tặng một quả táo ngọt. 


Còn đối với tôi, có lẽ là tặng quả táo ngọt trước rồi mới đến cái tát.


Buổi tối trước khi đi ngủ, tôi vẫn đang nghĩ đến việc gặp cô Lý thì phải xin lỗi cô thế nào, khi đối mặt với bạo lực học đường thì nên giữ thái độ gì để bảo vệ bản thân.


Sáng hôm sau đến trường, tôi nghe tin cô Lý đã từ chức. Nghe nói cô đã mang thai hơn hai tháng, nhưng thai nhi yếu, nên chồng cô đã ép cô về nhà để dưỡng thai.


Giáo viên chủ nhiệm mới đến là một giáo viên nữ trung niên, hiền lành nhưng không có uy quyền.


Vì thế, sau giờ tan học, tôi bị chặn lại trong lớp. 


Họ hung hăng ném cây chổi về phía tôi. 


Đầu bẩn của chổi sượt qua chân tôi, đôi giày trắng lập tức bị nhuộm đen một mảng.


“Quét không xong thì đừng về, tiện thể theo bọn này vào nhà vệ sinh chơi.”


Nắm tay bên người siết chặt rồi lại thả lỏng.


Nhóm người này đang trong giai đoạn lưng chừng giữa sự trưởng thành và trẻ con, thích tìm kiếm cảm giác hiện diện và thành tựu từ những hành động nổi loạn, đồng thời cũng bắt nạt kẻ yếu sợ kẻ mạnh.


Họ thường bàn tán về việc nhận ai đó làm đại ca, không lâu trước còn nói về tên du côn trong hẻm là khó đối phó nhất và giỏi nhất, ngay cả việc đến cửa hàng nhờ anh xăm hình cũng không thành.


Tôi lấy giấy chậm rãi lau sạch vết bẩn trên mũi giày. Đây là đôi giày mới mà dì Chu mua cho tôi.


“Này! Mày có nghe thấy không đấy?” Cô gái cao đầu đàn tỏ ra khó chịu.


Tôi ngẩng lên, giọng bình tĩnh:


“Nghe rồi, nhưng tôi không quét.”


Cô ta giơ tay định tát tôi.


Tôi không né tránh.


“Tát đi, tát mạnh vào.”


“Chu Hải Yến là anh trai tôi, hôm nay các người chỉ cần không đánh ch//ết tôi, thì ngày mai hãy chờ bị anh ấy đánh ch//ết đi.”


Nghe đến đây, hành động của cô ta khựng lại, theo phản xạ nhìn về phía mấy đứa xung quanh, có vẻ chần chừ.


Tình huống này, tôi đã diễn tập nhiều lần trong đầu.


“Sao? Không tin à?”


“Nếu không tin, thì đi theo tôi về nhà xem, hoặc đợi đến buổi họp phụ huynh ngày mai.”


“Tốt nhất là theo tôi về, lúc đó cửa đóng lại, các người sẽ gọi trời không thấu gọi đất không hay.”


Tôi diễn trọn vẹn vai “chó cậy oai chủ”, khiến chúng nhất thời không dám không tin.


Tôi ung dung bước ra khỏi lớp, đến lúc ra khỏi trường mà không có ai đuổi theo.


Tôi thở phào nhẹ nhõm.


Nhưng lời nói không bằng việc đích thân xuất hiện.


Về nhà, tôi bắt đầu nghĩ cách làm sao để khiến Chu Hải Yến đóng giả anh trai đi họp phụ huynh giúp tôi ngày mai.


Buổi tối, khi dì Chu đã đi nghỉ, Chu Hải Yến đang bận rộn làm việc.


Tôi ngồi cạnh anh, nhiệt tình làm đủ mọi việc, dù anh đuổi thế nào cũng không đi.


Nóng thì quạt, lạnh thì đắp chăn, khát thì rót nước, mỏi thì bóp vai, mệt thì đấm lưng.


Anh cần dụng cụ gì, ngay lập tức tôi sẽ khử trùng rồi đưa tận tay.


Thỉnh thoảng còn khen một câu: “Thẩm mỹ thật tốt, kỹ thuật thật giỏi.”


Khách đến xăm trêu Chu Hải Yến rằng ở đâu tìm được một trợ lý chu đáo thế này.


Anh cúi đầu, động tác đều tay, đáp một cách nghiêm túc: “Từ trên trời rơi xuống.”


Khách cười phá lên, ngay cả cảm giác đau cũng bớt đi phần nào.


Việc xăm cần thời gian dài, trong tiếng máy kêu nhỏ nhẹ, tôi không biết từ lúc nào đã gục lên bàn ngủ thiếp đi.


Lúc tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trên chiếu, còn công việc của Chu Hải Yến đã gần hoàn thành.


Khách vừa đi, anh tháo găng tay, đi thẳng vào chủ đề:


“Có chuyện gì thì nói đi.”


“Hả? Rõ thế sao?” Tôi xoa mặt.


Anh không nói, nhưng ánh mắt lại rõ ràng viết: “Em không giấu được chuyện gì đâu.”


Tôi ấp úng:


“Chuyện là, ngày mai có buổi họp phụ huynh, anh có thể đi được không, anh trai?”


Sợ anh không đồng ý, tôi còn thêm một tiếng “anh trai” ở cuối.


Anh lập tức hứng thú, ngạc nhiên:


“Được lắm, có chuyện thì mới gọi anh trai, không có lại gọi thẳng Chu Hải Yến nhỉ.”


Tôi ngượng ngùng gãi mũi.


Gọi dì Chu thì rất tự nhiên, nhưng gọi anh trai không hiểu sao lại thấy kỳ kỳ, nhất là giọng tôi có khẩu âm, nghe như tiếng gà kêu cục cục khi đẻ trứng vậy.


Tôi đành cố lấy can đảm gọi thêm mấy tiếng anh trai nữa.


Khóe môi anh dần cong lên có thể nhìn thấy bằng mắt thường, đôi mắt đẹp như chứa nụ cười.


“Được rồi, anh đi.”


Tôi thở phào nhẹ nhõm, vội nói thêm:


“Anh trai, mai anh nhớ mặc đồ hở chút, để lộ cánh tay xăm hình nhé.”


Đến lúc đó cộng thêm gương mặt hung dữ của anh, sẽ càng khiến bọn chúng sợ hơn.


Anh ngừng một chút, nhìn tôi chăm chú:


“Có phải em bị bắt nạt ở trường không? Nói thật đi.”


Trái tim tôi khẽ run, sau vài giây do dự, tôi quyết định thừa nhận và kể lại chuyện mượn danh anh dọa chúng hôm nay.


“Nhìn thì ngốc, nhưng lúc cần lại khá thông minh đấy.”


Anh gật đầu: “Được, chuyện này anh biết rồi, em cứ yên tâm đi học.”


Thấy anh không giận, tôi bạo dạn hơn:


“Anh trai, mai nhất định anh phải để lộ cánh tay xăm hình dọa họ sợ chết khiếp.”


Anh ngớ người:


“Anh làm gì có cánh tay xăm hình?”


Nói cũng lạ, dù Chu Hải Yến là thợ xăm, nhưng trên người anh lại không có hình xăm nào.


Nhưng không sao, tôi đã chuẩn bị sẵn rồi.


Đôi mắt tôi sáng lên, ngay sau đó móc từ túi ra một chồng hình xăm dán giá năm hào trải lên bàn.


“Anh trai, anh thích Thanh Long hay Bạch Hổ?”


“...”


16


Ngày hôm sau, các bậc phụ huynh đã đến đông đủ, vẫn không thấy bóng dáng Chu Hải Yến. 


Tôi không kìm được suy nghĩ liệu phút chót anh đổi ý hay chăng.


Đến lần thứ ba mươi tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, cuối cùng cũng thấy bóng dáng quen thuộc. 


Người đàn ông mặc áo khoác da đen, đeo kính râm, mang đôi bốt Martin, sải những bước dài mạnh mẽ. 


Cả người toát lên vẻ gọn gàng phóng khoáng, giống như một ông trùm xã hội đen trong phim Hồng Kông. 


Anh ngồi xuống bên cạnh tôi, lớp học vốn ồn ào lập tức yên tĩnh hơn hẳn. 


Tôi vỗ ngực thì thầm: “Cứ tưởng anh không đến.” 


Mặt anh không cảm xúc: “Suýt nữa đấy, bảo vệ ngoài cổng giữ lại mãi mới cho vào.” 


Rồi anh cởi áo khoác, bên trong là chiếc áo thun đen đơn giản, để lộ hai cánh tay xăm hình. 


Tay trái là Thanh Long, tay phải là Bạch Hổ.


Nhóm nữ sinh đứng đầu do cô gái cao cầm đầu không ngừng nhìn trộm, đồng loạt hít một hơi lạnh. 


Hiệu quả rõ rệt, tôi lén giơ ngón tay cái ra hiệu cho Chu Hải Yến.


Trong giờ nghỉ, các nam sinh trong lớp nhìn chằm chằm cánh tay xăm của anh thì thầm bàn tán. 


“Sao tôi thấy hình xăm của anh ấy cứ phản quang nhỉ?” 


“Có khi nào là hình dán không?” 


Nghe vậy, người tôi cứng đờ.


Người bên cạnh tựa lưng vào ghế, kéo kính râm xuống, ánh mắt khinh miệt.


“Mấy đứa hiểu cái gì chứ, một lũ quê mùa, đây là kỹ thuật xăm mới nhất hiện nay.”


“...”


“...”


Tôi ngồi thẳng lưng, phụ họa theo: “Đúng đấy! Mấy người thì biết gì! Một lũ quê mùa!”


Đám nam sinh phía sau đỏ mặt tía tai, quay sang trách nhau.


“Tao đã bảo không phải hình dán, mày cứ khăng khăng là thế.” 


“Nói vớ vẩn, tao nhìn phát biết ngay không phải, là mày không tin.”


Phía trước, các phụ huynh vừa bị giáo viên gọi ra để trao đổi về điểm kiểm tra tháng. 


Ngay sau đó, chỗ tôi ngồi đã chật kín người, cả những đứa bình thường không quen thân cũng kéo đến, như thể quên đi chuyện trước đây đã bắt nạt tôi. 


Chúng xôn xao bàn tán.


“Anh cậu đẹp trai quá!”


Tôi đáp: “Anh ấy rất hung dữ.”


“Anh cậu cao thế!”


Tôi đáp: “Anh ấy đánh nhau rất giỏi.”


“Sao trước giờ không biết cậu có anh trai nhỉ?”


Tôi đáp: “Anh ấy là dân xã hội đen, ngày nào cũng lăn lộn dưới làn đạn, dạo trước vừa tiêu diệt một băng Hắc Hổ xong, nay mới rảnh rỗi.”


“...”


Tôi nói thêm: “Anh ấy tính khí thất thường, ghét nhất mấy trò bè phái, tụ tập bắt nạt người khác. Đụng là trụng ngay.”


“...”


Học sinh cấp hai ở tuổi dậy thì rất dễ tin lời đồn, lại thêm vẻ ngoài của Chu Hải Yến đủ đáng sợ và lai lịch không rõ ràng, tôi nói gì chúng tin nấy. 


Bị tôi dọa cho ngây người, ánh mắt chúng thoáng dao động. 


Khi tôi đang phấn khích bịa chuyện, Chu Hải Yến trở lại. 


Anh đút một tay vào túi quần, đứng sau lưng tôi.


Tôi liếc mắt, lập tức giữ lấy tay anh, la toáng lên: “Anh ơi, đừng kích động, đừng kích động, có chuyện gì từ từ nói, đừng rút súng.”


Một đám đông trước mặt lập tức tản ra sạch sẽ. 


Anh: “...”


Danh tiếng của anh nhanh chóng lan xa, không biết anh đã nói gì với phụ huynh của họ, nhưng từ đó đám con gái đó thấy tôi đều phải đi đường vòng.


Tôi vui đến mức ăn thêm được một bát cơm.


Nhưng niềm vui không kéo dài.


Buổi tối, Chu Hải Yến chỉ vào bài thi toán 17 điểm của tôi, giọng nói thoáng chút u ám:


“Không nhìn ra đấy, còn là một cô bé thích gây chú ý.”


Mặt tôi đỏ bừng ngay lập tức.


Tháng trước trong giờ kiểm tra toán, mấy đứa kia cứ đạp vào ghế tôi, bắt tôi đưa đáp án. Tức giận, tôi chỉ viết bài trong năm phút, thời gian còn lại toàn ngồi ngẩn ra.


Cây cao đón gió lớn.


Thành tích tốt, trầm lặng ít nói, không ai nương tựa, chỉ khiến tình cảnh của tôi thêm khó khăn, nên tôi luôn cố gắng giữ mình bình thường, giảm cảm giác hiện diện.


Chu Hải Yến cũng không vẽ phác thảo nữa, cầm ghế con ngồi cạnh tôi, cầm bài thi lên chuẩn bị dạy tôi học toán.


Lúc đâu tôi còn tưởng anh đùa, nhưng nghe càng lâu càng ngạc nhiên. Anh giải thích những bài toán phức tạp một cách dễ hiểu, giải thích đơn giản hóa, sáng tạo.


Tôi sửng sốt, không lẽ bây giờ làm dân xã hội đen cũng cần phải có trình độ cao thế sao?


Có lẽ ánh mắt tôi quá rõ ràng, anh vỗ đầu tôi một cái.


“Nhìn cái gì? Với trình độ của anh, dạy em thừa sức.”


Tôi mơ màng: “Nhưng anh trông không giống người biết dạy học.”


Anh đáp đầy ẩn ý: “Còn anh thấy em trông rất giống người biết cách học đấy.”


Tôi: “...”


Từ đó, mỗi tối anh đều dành thời gian kèm tôi học toán. 


Tôi học không tệ, nhưng môn này lại yếu nhất trong các môn, nên tôi không từ chối.


Kỳ thi tháng lần thứ hai, tôi từ hạng năm trăm toàn khối vọt lên hạng ba.


Anh nhìn bảng điểm, cười mắng: “Hóa ra em học giỏi thật, trêu anh phải không?”


Tôi chớp mắt, chắp tay: “Không không, đều nhờ anh trai dạy giỏi thôi!”

Bình luận (2)
Đăng ký tài khoản (5s xong)

Hãy là người bình luận đầu tiên