Hà Thanh Hải Yến

[5/16]: Chương 5

12


Buổi tối, tôi nằm trên giường mà không sao ngủ được. Nhưng lần này là vì tôi đang rất vui.


Hôm nay, dì Chu rủ tôi đi dạo phố cùng dì, Chu Hải Yến đòi đi theo nhưng dì bảo anh tìm chỗ nào mát mẻ ngồi đợi đi. 


Sau đó, dì dẫn tôi đến một cửa hàng đồ lót nữ mà tôi chưa từng bước vào trước đây.


Lần đầu tiên tôi biết rằng, hóa ra đồ lót của con gái có nhiều loại và màu sắc đến thế, hóa ra trong mỗi giai đoạn của tuổi dậy thì cần phải mặc loại khác nhau, hóa ra việc không mặc áo ngực là điều bất thường.


Dì Chu không ngại tốn công, kiên nhẫn giúp tôi thử từng cái một, cho đến khi chọn được cái phù hợp nhất. 


Dì cầm tay chỉ tôi cách mặc đúng từng loại áo lót và cách cài quai vai từ phía sau.


Dì nói rằng việc phát triển ngực là hiện tượng sinh lý bình thường, cho thấy Thanh Thanh đang dần trưởng thành, cần ngẩng cao đầu, không nên xấu hổ. 


Dì còn bảo, nếu chọn đồ lót không đúng cách, sẽ dễ dẫn đến vấn đề ở ngực, nhất là vùng mỡ thừa.


Vậy là, hôm ấy tôi đã có hai chiếc áo lót đầu tiên thật sự ý nghĩa trong đời, là do dì tặng cho tôi. 


Có lẽ vì sự tận tâm, chăm sóc chu đáo của dì Chu, mà nhân viên trong tiệm cũng không kìm được mà thốt lên rằng ì thật để tâm đến con gái. 


Dì Chu cũng không phủ nhận, chỉ ôm tôi vào lòng. Cười nói: "Con gái ngoan thế này, sao mà không thương được chứ?"


Dì Chu còn giống mẹ hơn cả mẹ tôi.


Tôi vùi mặt vào chiếc chăn mềm mại, cảm giác hạnh phúc đến nỗi hoa mắt. 


Từ giờ, tôi cũng là đứa trẻ có những chiếc áo lót đẹp và thoải mái rồi!


Áo lót!


A!


Chợt nhận ra điều gì đó, tôi bật dậy khỏi giường. 


Hai chiếc áo mới vẫn còn để trên ghế sofa dưới nhà! 


Dì Chu bảo phải giặt tay trước khi mặc.


Tôi xỏ dép, bước xuống cầu thang thật nhẹ nhàng, định bụng sẽ giặt ngay trong đêm.


Phòng khách chỉ sáng bởi một chiếc đèn nhỏ mờ mờ, bóng dáng người đàn ông trên ghế sofa nửa thân giấu mình trong bóng tối, khói thuốc từ ngón tay gầy guộc chầm chậm lan ra, nhưng anh lại chẳng hề động đậy, như thể linh hồn đã rời đi, chỉ còn lại một thân xác để mặc cho nỗi trống rỗng nuốt chửng.


Tôi dừng chân.


Anh như nhận ra điều gì, dập điếu thuốc.


"Đói à?"


Tôi lắc đầu, nhận ra anh không nhìn thấy, liền lên tiếng:


"Không, em đến lấy cái túi nhỏ, quên giặt đồ rồi."


"Em nói hai cái áo ba lỗ đó à? Anh giặt xong phơi rồi."


Hả?


Tôi giật mình.


Ánh mắt lướt qua phía ban công, thấy hai cái áo được phơi ngay ngắn trên mắc, còn ẩm và nhăn nhúm, nhìn là biết được giặt tay.


Trong lòng dâng lên một cảm giác kỳ lạ khó tả.


Anh chăm chỉ quá, khiến tôi thấy mình như một đứa lười nhác.


Anh vỗ nhẹ vào chỗ bên cạnh, ra hiệu tôi ngồi xuống.


Giọng điệu đầy thắc mắc: "Không giặt tay được à?"


Tôi chống cằm, gật đầu rồi lại lắc đầu, "Không phải vậy, em sợ anh mạnh tay, lỡ làm hỏng đồ của em."


Anh: "......"


"Vậy lần sau anh cẩn thận hơn."


Lúc đó, trong mắt anh tôi chỉ là một đứa trẻ chưa trưởng thành, mà tôi cũng chưa có kinh nghiệm tiếp xúc với nam giới nhiều. Anh xem tôi là em gái, tôi nhìn anh là anh trai, cả hai chúng tôi đều không nhận ra điều gì không ổn ở đây.


Đã gần mười hai giờ, anh giục tôi về phòng ngủ.


Tôi không chịu.


Vì từ nhỏ do hoàn cảnh gia đình, để tránh bị đánh, tôi đã quen nhìn sắc mặt cha mình để hành động. Lâu dần, tôi nhạy bén với cảm xúc của người khác.


Tâm trạng Chu Hải Yến bây giờ đang rất tệ.


Anh gần như là một tù nhân tuyệt vọng, chờ đợi và mong mỏi điều gì đó.


Khiến tôi cảm thấy rằng, ngay lúc này, tôi nên ở bên cạnh anh.


Sau này, khi nhớ lại đêm đó vô số lần, tôi luôn biết ơn vì trực giác của mình là đúng.


Kim đồng hồ điểm đúng mười hai giờ.


Trên lầu bất ngờ vang lên tiếng cửa mở, dì xuống nhà.


Nhưng dì như không nhận thấy chúng tôi, bước qua phòng khách, đi thẳng ra sân và dừng lại dưới gốc cây hoa quế.


Tôi tưởng dì Chu mộng du, không dám lên tiếng, sợ làm dì giật mình.


Đêm tối nặng nề, gió thổi qua lá cây làm rung động chuông gió, tiếng va đập trong trẻo vang lên trong sự im lặng khuếch đại vô hạn.


Dáng hình mảnh khảnh ấy xoay người, bước chân cất lên, hòa theo tiếng chuông mà múa. Mỗi động tác đều dùng hết sức lực.


Như thể mọi sự sống và hy vọng đang bừng cháy, còn dì tự nguyện làm con thiêu thân, dùng một tư thái bi thương đến cùng cực để chôn vùi mình vào ngọn lửa này.


Gió lạnh thổi qua, không gian im lặng đến rợn người, tôi và Chu Hải Yến ngồi bên cửa, lặng lẽ làm khán giả cho vũ điệu sinh mệnh ấy.


Khi điệu múa kết thúc, cơ thể dì ngả ra sau, như muốn giao phó cho ai đó.


Nhưng rồi, sự kỳ vọng quá mức chỉ mang đến nỗi thất vọng và tuyệt vọng cùng cực.


Phía sau chẳng có ai cả, dì ngã sóng soài xuống đất, đôi tay điên cuồng đấm xuống sàn, nước mắt rơi như mưa.


"Tại sao, anh không bao giờ trở về thăm em dù chỉ một lần. Em sợ ma, nhưng em không sợ anh đâu.”


"Anh không có ở đây, ai cũng bắt nạt em."


Tôi định bước tới ngăn lại, nhưng một bàn tay lớn bên cạnh đã kéo tôi lại.


Giọng nói khàn đặc và mệt mỏi: "Em mà đi, bà ấy sẽ không tỉnh lại đâu."


Nỗi đau đi qua mọi người theo cách giống nhau, nhưng mỗi người lại vượt qua dòng sông đau thương theo cách riêng, có người chìm sâu vào đó mà không tỉnh, có người mang hành lý và tiếp tục bước đi đơn độc.


Buông bỏ là con đường mà mỗi người phải trải qua trong đời.


Đêm đó, đến khi dì khóc đến kiệt sức, Chu Hải Yến mới bước tới cõng dì về phòng.


Tôi lấy khăn ấm lau mặt, tay dì, lau đi dấu vết nước mắt và bụi bẩn, nhưng tôi biết những vết thương trong lòng dì thì tôi không thể xóa mờ được.


Sau khi dì ngủ, Chu Hải Yến lại ngồi trở lại ghế sofa, tôi yên lặng ngồi bên cạnh anh.


Dưới ánh đèn, người đàn ông ngẩng đầu nhìn trần nhà, mắt đỏ hoe.


Một lúc lâu sau, anh hỏi:


"Sợ không?"


Tôi nói: "Không sợ."


Người ta nói rằng, treo chuông gió trên cây, khi gió thổi chuông vang, người đã mất sẽ lần theo tiếng chuông mà trở về nhà.


Lúc mẹ tôi vừa mất, mỗi tối tôi đều treo một chiếc chuông gió trước cửa.


Nhưng suốt hai năm trời, tôi chưa từng mơ thấy mẹ một lần nào.


Ngược lại, cha tôi đập nát chuông gió, cảnh cáo tôi không được làm mấy thứ nhảm nhí đó, khiến ông bứt rứt không yên, mỗi đêm đều gặp ác mộng.


Vậy thì sợ gì chứ?


Điều mà bạn sợ, lại là thứ mà người khác đêm ngày mong mỏi mãi không thấy.


Tôi không sợ, nhưng tôi buồn.


Tôi buồn vì họ rõ ràng không đủ sức lo cho mình, nhưng vẫn cố gắng mang lại hơi ấm cho tôi.


Tôi buồn vì thế gian này luôn đầy rẫy vết thương, nhưng vẫn có những người kiên trì vá chúng lành lại.


Tôi buồn vì chúng tôi như bị kẹp chặt giữa những nỗi đau khác nhau, cùng chung một kiếp nhân sinh, va vấp chật vật.


Chu Hải Yến trong lòng quá đắng cay, đến nỗi tôi chỉ cần ngồi bên cạnh, đã cảm nhận được nỗi đau khổ và cô độc khó tả của anh, như đứng giữa ranh giới sinh tử, nhưng lại bị cả hai bỏ rơi.


Mà tôi, lại không thể làm gì cả.


13


Ngày hôm sau, dì Chu tỉnh lại, nhớ rõ những chuyện xảy ra tối hôm trước.


Với vẻ mặt áy náy, dì bảo tôi đừng sợ và bảo rằng dì sẽ không làm hại tôi.


Khi nói những lời này, dáng vẻ của dì rất giống dáng vẻ cẩn thận dè dặt của An Tề ngày xưa.


Mũi tôi cay cay, nhưng trong lòng tôi, An Tề không phải kẻ ngốc, và dì Chu cũng không phải bà điên. Họ chỉ đang trải qua những nỗi đau mà người khác không thể hiểu được.


Tôi nói: "Dì, dì nhảy đẹp lắm, dì dạy con được không?"


Trong giây lát, mắt dì đỏ hoe, rồi dì lau khóe mắt, gật đầu nói được.


Kể từ đó, dưới gốc cây quế ấy, luôn có hai bóng hình, một lớn một nhỏ, không còn cô đơn nữa.


Chỉ là Thượng Đế không mở ra cánh cửa tài năng hội họa cho tôi, cũng không mở cánh cửa tài năng vũ đạo.


Tôi học mãi mà không biết, nhưng dì vẫn kiên nhẫn cầm tay dạy tôi hết lần này đến lần khác, cho đến khi tôi nhảy được tạm ổn.


Dì kể, năm xưa dì và cha của Chu Hải Yến gặp nhau cũng nhờ điệu nhảy này, ông ấy thích nhất là xem dì nhảy.


Bởi vì dì thích hoa quế, nên lúc còn sống ông ấy cũng thích cây quế nhất.


Giờ ch//ết rồi, lại bảo không thích nữa.


Giọng điệu bình thản.


Mang trong mình sự lạc quan cân xứng với sự bi quan, một thứ được phóng thích vào ban ngày, còn một thứ bị khóa lại trong đêm tối.


......


Chuyện gì xảy ra ở thị trấn nhỏ này, hầu như không thể giấu nổi.


Lời đồn đại, miệng lưỡi con người thật đáng sợ.


Thế là khi dì đi chợ mua đồ, tôi nhất quyết đòi đi cùng.


Thị trấn có hai khu chợ, nhà tôi ở đầu Tây của thị trấn, nên thường đi chợ Tây, còn nhà dì Chu ở đầu Đông, nên đi chợ Đông.


Thị trấn không lớn cũng không nhỏ, nhưng tôi hầu như chưa đến chợ Đông bao giờ.


Chợ Đông lớn hơn chợ Tây, cũng ồn ào hơn.


Ngay lối vào là một người đàn ông trung niên, trước mặt có một chiếc xe đạp đơn giản, hai bên xe treo hai túi vải lớn, đầu xe buộc chiếc loa bị tróc sơn:


“Thu mua tóc, thu mua tóc dài, cắt bím tóc dài, thu mua giá cao, tóc có thể bán được.”


Khi thấy tôi, mắt ông ta sáng lên, liền túm lấy tay tôi hỏi:


“Con gái, bán tóc không?”


Mẹ tôi từng nói tóc dài sẽ hút hết chất dinh dưỡng, nên từ nhỏ tôi đã luôn phải để kiểu tóc ngắn nham nhở như bị chó gặm, trông như con trai.


Nhưng thật ra tôi thích tóc dài, vì thế sau khi mẹ mất, tôi không cắt nữa.


Bốn năm trôi qua, tôi không cao thêm bao nhiêu, nhưng tóc đã dài đến thắt lưng.


Ông ta bất ngờ kéo tay tôi, khiến tôi giật mình.


Dì Chu theo phản xạ đứng chắn trước mặt tôi.


Xua tay bảo: “Tóc con gái tôi không bán.”


Rồi dì kéo tôi định rời đi.


Người đàn ông trung niên vội cản lại: “Này, mua giá cao lắm đấy! Hai trăm có được không?


“Ba trăm! Ba trăm chắc được rồi chứ?”


Dì không nghĩ ngợi gì, nhíu mày nói: “Bao nhiêu cũng không bán, đừng có động đến con bé.”


“Giá đã cao lắm rồi! Ở chỗ khác không có giá này đâu!”


Không biết từ khi nào, xung quanh đã tụ tập một đám người, đều đang xem náo nhiệt.


“Ồ, chẳng phải mụ quả phụ điên trong ngõ đấy sao? Từ bao giờ lại có thêm con gái thế?”


“Chồng bà ta mất sớm, chắc không chịu nổi cô đơn nữa ha ha ha.”


“Nghe nói chồng bà ta đã không cần bà ta từ lâu, không chừng bên ngoài có bà ba bà tư cũng nên.”


“Con bé bên cạnh trông quen quen, phải chăng là con gái lão lưu manh họ Đường kia, mẹ nó t//ự t//ử vì nghĩ quẩn kia mà?”


“Đúng rồi đấy, nhìn giống thật.”


“Hai người đáng thương nhất ở hai đầu thị trấn giờ tụ lại một chỗ rồi.”


“Ba trăm mà còn chê ít, được thì lấy, tham lam quá không tốt đâu!”


“Tối hôm trước, tôi lại nghe thấy mụ điên này phát điên đấy, mọi người có ai nghe thấy không?”


“Suỵt, đừng nói nữa, coi chừng thằng côn đồ kia đấy.”


Lúc đầu là một con chó sủa, sau đó là hai con, rồi đến cả bầy sủa, nhưng chúng chẳng biết tại sao mình sủa.


Một đám người tò mò đứng chen chúc thành bức tường kín mít không lọt gió nổi, họ giơ nanh múa vuốt, buông lời bẩn thỉu, ác ý dù không hề quen biết, dăm ba câu nhẹ nhàng định nghĩa một con người.


Dì Chu mím chặt môi, nắm tay tôi run rẩy.


Trong giây lát, tim tôi như bị siết lại, cơn giận từ lồng ngực bùng lên đến cổ họng.


Nói tôi thì thôi, sao lại kéo theo cả dì ấy.


Dì đã đau khổ lắm rồi, tại sao lại phải chịu những lời ác ý không lý do này nữa.


Tôi siết chặt tay, nhìn từng khuôn mặt xấu xa của họ, buông tay dì ra rồi lao lên, dùng hết sức đẩy họ ra.


“Cút đi! Cút! Cút hết đi! Lũ khốn! Súc sinh! Đồ đểu!”


“Các người ngứa mồm ngứa miệng! Các người mới là đồ điên! Một lũ điên còn chẳng bằng cả chó!”


Tôi chưa từng chửi người, không biết chửi thế nào, những từ ngữ lùng bùng trong đầu đều là lời cha tôi chửi tôi ngày xưa.


Nhưng họ còn chửi thô tục hơn tôi.


Nghĩ đến việc dì Chu từng phải một mình đơn độc đối mặt với họ, cơn giận trong lòng tôi càng sôi sục hơn.


Con người là vậy, kẻ yếu sợ kẻ mạnh, kẻ mạnh sợ kẻ liều, mà kẻ liều lại sợ kẻ không màng sống chết.


Tôi lao tới, cấu xé, chạm được ai thì kéo người đó, vừa hét vừa chửi, họ chửi tôi thế nào, tôi không ngại đáp trả từng từ.


Trong lúc hỗn loạn, tóc tôi bị giật đứt một mảng, mặt bị cào rát.


Dì Chu vì bảo vệ tôi mà áo khoác bị xé rách, cánh tay cũng bị cấu đến bầm tím.


Họ chửi tôi là con nhỏ điên.


Tôi sẽ điên cho họ thấy.


Gặp ai tôi phun nước bọt vào người đó, nước bọt bay tứ tung, một lúc sau, đám đông mắng mỏ nhưng không dám lại gần.


Trong đầu tôi hiện lên cảnh Chu Hải Yến đánh cha tôi đêm hôm đó.


Hành động còn nhanh hơn cả suy nghĩ.


Nhanh đến mức chính tôi cũng không phản ứng kịp, tôi đang bắt chước.


Tôi nhổ một bãi nước bọt về phía họ, mặt đầy hung dữ: “Nếu dám nói bậy về mẹ tao nữa, đừng hòng giữ cái lưỡi, tao cắn đứt từng cái của chúng mày!”


Con người luôn ngưỡng mộ kẻ mạnh, bước đầu tiên của sự ngưỡng mộ chính là bắt chước.


Tôi xông tới với khí thế hừng hực.


Đến đầu ngõ, hai chân mới mềm nhũn.


Đây là lần đầu tiên tôi đánh nhau với người khác, cũng là lần đầu tiên tôi dám làm điều gì táo bạo như thế.


Dì Chu nhanh tay đỡ lấy tôi.


Môi dì tái nhợt, như lá liễu khẽ run rẩy hỏi:


“Đau không, Thanh Thanh? Là dì vô dụng.”


“Vết thương nhỏ này không sao đâu, con da dày chịu đòn giỏi mà.” Tôi đứng vững, vỗ ngực nói: “Dì, sau này con bảo vệ dì!”


Dì ôm tôi, vừa cười vừa khóc.


Hôm đó khi về nhà, Chu Hải Yến thấy hai chúng tôi lấm lem, sắc mặt tối sầm lại.


Hỏi dì, dì cũng không chịu nói.


Tôi không chịu nổi, bèn kể hết mọi chuyện họ bắt nạt dì ra sao.


Nghe xong, không nói lời nào, anh cầm gậy gỗ định đi ra ngoài.


“Chu Hải Yến, quay lại! Không được động thủ!” Dì Chu nói lớn.


Gân xanh trên trán anh nổi lên, quay đầu tức giận nói:


“Lần nào cũng thế này!”


“Chẳng lẽ con cứ đứng nhìn mẹ bị bắt nạt sao?”


Dì từ từ nhắm mắt, nước mắt rơi lã chã.


“Coi như mẹ xin con được không? Cứ sống yên ổn đi.”


Trong sự đối đầu im lặng, cuối cùng người thanh niên đành chịu thua.


Hầu như không có đứa trẻ nào từ chối được lời cầu xin của mẹ khi bà khóc.


Tôi không thể, Chu Hải Yến cũng không thể.


Sau khi dì vào phòng, anh ngồi trước cửa, nhìn đăm đăm cây quế, mặt không biểu lộ cảm xúc.


Tôi ngồi sát bên anh.


Nói nhỏ vào tai anh:


“Chu Hải Yến, quân tử trả thù mười năm chưa muộn. Những kẻ bắt nạt dì, em đều nhớ mặt hết rồi!”


Sợ anh không tin, tôi đếm từng người trên đầu ngón tay: “Có một phụ nữ khoảng bốn mươi, tóc ngắn, răng vẩu, trông như củ tỏi, bà ta chửi trước tiên. Còn có người mặc áo hồng, tóc dài, mắt một mí, tay dắt cậu bé không cao hơn củ hành, bà ta nhân cơ hội cấu dì rất nhiều! Còn có một bà khoảng năm mươi, trán hói, giọng to như pháo nổ, bà ta chửi tục nhất!”


“Còn có...”


“Còn nữa...”


“Cuối cùng, còn có người tóc dài, mũi tẹt, mặt trét phấn như diễn tuồng, bà ta đã túm tóc em, giật cả mảng tóc em!”


Không rõ làm sao, anh đột nhiên bật cười, anh nghiêng đầu cười thầm.


“Không nhìn ra, em cũng thù dai phết.”


Anh đưa tay khẽ chạm trán tôi, nơi còn hằn rõ ba vết cào.


“Đau không?”


Tôi định nói không đau, nhưng cuối cùng lại nói thật: “Đau, đau ch//ết đi được. Còn tóc em nữa, xém chút bị giật sắp hói luôn rồi!”


Chu Hải Yến đưa tay ôm tôi ngồi lên đùi, rồi đặt tay tôi lên đầu anh: “Thế cho em túm tóc anh lại này.”


Tôi vuốt tóc anh, cảm giác mềm mại, rồi lắc đầu:


“Oan có đầu, nợ có chủ, em muốn túm tóc mụ kia cơ.”


Anh nói: “Được.”


......


Không biết Chu Hải Yến đã làm gì sau lưng, nhưng từ lần sau khi tôi và dì đi chợ mua đồ, những người gặp đều niềm nở, không ai dám nói lời ác ý nữa, còn sau lưng có hay không thì không rõ.


Hỏi ra mới biết, anh đã đi một vòng quanh thị trấn, nhà ai có chuyện lục đục là anh phanh phui ra hết.


Kẻ chửi người khác không đứng đắn, chính bản thân lại ngoại tình, bị chồng bắt quả tang. Kẻ chửi người khác không ai thèm, chồng mình thì cả ngày không về nhà, bên ngoài nuôi đến người thứ năm thứ sáu. Kẻ chửi người khác chồng ngoại tình, lại có chồng ra ngoài tìm gái mà bản thân lại dính HIV.


Anh cầm chiếc loa đã ghi âm, đi khắp mọi ngóc ngách, phát lại liên tục.


Anh nói, nếu thị trấn này còn một người không biết những chuyện đó, thì đó là do anh không làm tròn bổn phận.


Nói chung, nhân quả tuần hoàn, giờ mấy bà thím đó ai cũng bận lo thân mình.


Nếu phải so sánh, tôi luôn cảm thấy dì giống như một cái cây không cao cũng không to, đã chứng kiến dấu vết của thời gian, trải qua bao thăng trầm, mang theo sự điềm tĩnh bao dung, trông có vẻ yếu ớt nhưng thật ra rễ cây cắm sâu, đan xen chằng chịt, không gì lay chuyển nổi.


Còn Chu Hải Yến giống như một con sói hoang bị dây leo chắc chắn trói chặt, tạm thời thu lại móng vuốt và nanh vuốt, máu nóng trên cơ thể dần bị tính cách dịu dàng của thân cây bao phủ, nhưng cũng chỉ là bao phủ, sức mạnh tiềm ẩn bên trong vẫn còn thấy rõ.

Bình luận (2)
Đăng ký tài khoản (5s xong)

Hãy là người bình luận đầu tiên