4
Bạo lực học đường không phân biệt nam hay nữ.
Trong lớp, cạnh thùng rác có một nam sinh thiểu năng trí tuệ.
Gia cảnh khó khăn, cũng là học sinh ngoại trú giống tôi, nhưng cậu ấy có một người bà rất yêu thương mình.
Hàng ngày, cậu ấy luôn mặc quần áo sạch sẽ, dù vá chằng vá đụp nhưng vẫn thơm tho.
Bà cậu mỗi ngày đều chuẩn bị trứng và cơm nắm trong cặp sách cho cậu.
Nếu những người đó còn dè chừng khi đối xử với tôi, thì với cậu ấy, đó là những cơn mưa xối xả đầy ác ý và bạo lực.
Lợi dụng sự ngây thơ của cậu, họ lừa cậu vào nhà vệ sinh, ép cậu uống nước bẩn và nước tiểu; vừa chửi rủa cậu là "đồ ngốc", vừa cướp đi số tiền lẻ ít ỏi cậu có.
Họ giao hết các công việc trực nhật cho cậu, dọa rằng chỉ khi làm xong mới được về nhà.
Họ bảo rằng đó là trò đùa giữa bạn bè.
Cậu tin họ.
Không ai quan tâm cậu tên thật là gì, mọi người đều gọi cậu là "đồ ngốc".
Mỗi ngày, việc đầu tiên khi đến trường của cậu là giao nộp tiền vặt để làm hài lòng mấy vị “ông lớn” này.
Cậu không dám bỏ phí thức ăn, dù trứng và cơm nắm bị giẫm nát, cậu vẫn ăn hết sạch rồi mang thân hình đầy dấu chân về nhà.
Bà cậu đã có tuổi, chỉ có thể nhặt thêm ve chai bán bán lấy tiền cho cháu tiêu vặt, mong cháu có cuộc sống tốt hơn.
Sở dĩ tôi biết vậy, vì tôi từng gặp bà cậu đang nhặt rác.
Một người bà hiền từ, ánh mắt đầy âu yếm, giống hệt cậu bạn đó.
Nhưng người tốt thì hay bị bắt nạt.
Tôi đến thân mình còn chưa lo nổi, khi thấy cậu bị lôi vào nhà vệ sinh cũng chỉ có thể hét lên một câu "Hiệu trưởng đến rồi".
Không phải "thầy cô đến rồi", vì thầy cô chẳng bao giờ quan tâm.
Khi cậu bị dẫm lên người, tôi chỉ có thể phủi bụi trên áo cậu để dấu vết đỡ lộ khi về nhà.
Đến mùa đông tôi giúp cậu ấy dọn lớp sau giờ học, để cậu được về nhà sớm hơn vì trời tối nhanh, bà cậu sẽ lo lắng.
Cậu khác tôi, tôi không có ai chờ, nhưng ở nhà có người thắp một ngọn đèn vì cậu.
Đứa trẻ không có nơi trú ẩn sẽ chẳng mong được về nhà.
Dần dà, tôi nhận ra cậu không ngốc như mọi người nghĩ.
Cậu ấy tên An Tề, một cái tên rất đẹp.
Cậu phân biệt được ai tốt với mình, ai không tốt với mình.
Mỗi lần tôi giúp cậu, cậu đều nói "cảm ơn", rồi hôm sau lại mang theo bữa sáng cho tôi.
Mỗi ngày cậu đều có một cây xúc xích làm đồ ăn vặt, trước đây chưa đến trường cậu lén ăn hết, nhưng sau này, cậu bí mật mang theo chia sẻ với tôi.
Cậu một nửa, tôi một nửa.
Vì họ chê cậu bẩn, nên khi đưa đồ ăn cho tôi, ánh mắt cậu đầy dè dặt.
Cậu nói: "Tớ không bẩn đâu, cái này sạch mà, cậu đừng chê tớ nhé."
Cậu bảo tôi là bạn tốt nhất của cậu, là người bạn duy nhất trong lớp. Cậu nói nếu không nghe lời, họ sẽ chuyển sang bắt nạt bà cậu.
Vì tôi thân với cậu, tôi trở thành "đồ ngốc" thứ hai trong lớp.
Từ đó, tôi không còn là Đường Hà Thanh nữa, mà là "Đường ngốc" mà họ thường nhắc đến.
Họ nói Đường ngốc và đồ ngốc thật là hợp.
Họ nói hai đứa ngốc đang yêu nhau.
Họ viết "vợ của đồ ngốc" sau tập vở của tôi, hỏi khi nào tôi cưới cậu ấy.
Họ cười ha hả, như những con quỷ từ địa ngục trồi lên.
Thiện ác của tuổi trẻ luôn rõ ràng như vậy.
Nửa cuối năm lớp 8, lớp tôi đổi giáo viên chủ nhiệm, một cô giáo trẻ họ Lý.
Ở cô, tôi thấy hình ảnh "người thầy mẫu mực" như trong sách.
Cô nghiêm khắc nhưng rất công bằng.
Cô quan tâm đến hết thảy.
Hàng tuần, cô đều tổ chức buổi họp lớp, nhấn mạnh nghiêm cấm mọi hình thức bạo lực học đường.
Tố cáo với cô có tác dụng.
Nhờ vậy, tôi không còn bị đem ra làm trò cười thô tục, An Tề cũng không còn mang thương tích về nhà.
Cậu ấy rất vui, nói để cảm ơn tôi đã báo cáo với cô, hôm sau sẽ mang cho tôi nguyên cây xúc xích.
Tôi nói được, vậy tôi cũng sẽ mang tặng cậu một món quà nhỏ.
Chúng tôi đều vui mừng vì công lý muộn màng ấy.
An Tề thích những chiếc bóng bay bán ở cổng Nam của trường, đặc biệt là hình Cừu Lười Biếng.
Nhưng tiền tiêu vặt bị cướp hết, cậu chỉ có thể nhìn mà không thể mua.
Vậy nên hôm sau, tôi đến trường từ sớm.
Tôi dùng số tiền dành dụm của mình để mua cho cậu hai chiếc bóng bay, giá năm tệ.
Tôi chờ rất lâu. Chỗ ngồi của cậu vẫn trống.
Đến khi cô giáo chủ nhiệm giọng nghẹn ngào thông báo trong lớp: "Các em phải cẩn thận khi qua đường, sáng nay bạn An Tề không may bị xe tải vượt đèn đỏ tông phải. Tài xế đã bỏ trốn, bạn ấy đã mất ngay tại chỗ."
Trong khoảnh khắc, mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía tôi.
Tôi ngồi thẫn thờ, đầu óc trống rỗng không thể suy nghĩ.
Khi tỉnh lại, nước mắt đã ướt đẫm mặt.
Rõ ràng, rõ ràng hôm qua vẫn còn ổn mà.
Chúng tôi chưa kịp ăn mừng.
Chúng tôi chưa có được vài ngày tốt đẹp.
Tôi vẫn chưa kịp tặng cậu bóng bay mà cậu thích.
Tôi cũng chưa kịp nói với cậu rằng cậu cũng là người bạn duy nhất của tôi.
Sao mọi thứ lại đến quá muộn?
Bà cậu đến trường thu dọn di vật của cháu, đôi mắt đỏ hoe, đôi tay run rẩy.
Tôi giúp bà chất đồ lên xe ba gác.
Bà khóc không thành tiếng, tay run run lấy ra hai cây xúc xích ấm từ túi, đặt vào tay tôi.
"Tiểu Tề nói, nói là hôm nay nó sẽ tặng bạn tốt nhất của nó hai cây xúc xích. Từ tối qua nó đã nhắc nhở, bảo bà sáng dậy nhớ nhắc nó."
"Cháu là một đứa trẻ ngoan, cảm ơn cháu đã chăm sóc Tiểu Tề lâu nay.”
“Thằng bé đời này coi như không có phúc, đi trước cả bà già này."
Tôi đứng ở bên này đường, nhìn bóng dáng khập khiễng của bà đang cố đẩy chiếc xe ba gác cũ kỹ, bộ quần áo rộng thùng thình phất phơ trong gió như con thuyền mong manh sắp lật.
Hai bên tay lái buộc những quả bóng hình Cừu Lười Biếng, đong đưa trong gió như thể An Tề đang vẫy tay chào tạm biệt tôi.
Cho đến khi bóng dáng ấy khuất hẳn nơi khúc ngoặt của con đường nhỏ.
Tôi chớp đôi mắt khô khốc.
Buổi chiều mùa đông, ánh nắng chiếu vào mắt, chói đến nhói lòng.
5
Cái bàn thừa bên cạnh thùng rác đã được dọn đi.
Phòng học trông chật ních, thậm chí không thể nhìn ra có thiếu một học sinh.
Người mất rồi, giống như giọt nước hoà vào trong biển cả.
Mọi thứ dần dần trở lại yên bình.
An Tề từ việc tồn tại trong lời kể của họ, giờ chỉ còn sống trong ký ức của tôi.
Những ngày tháng tốt đẹp của cậu ấy không kéo dài bao lâu.
Ngày tháng tốt đẹp của tôi cũng không kéo dài.
Lên lớp 9, học hành căng thẳng, giáo viên chủ nhiệm xin cho tôi một suất ở nội trú miễn phí.
Tối thứ hai sau khi tôi vừa vào ở.
Đang trong lớp học buổi tự học tối, cô Lý đứng trên bục giảng phân tích đề thi toán.
Cha tôi xông vào lớp, người đầy mùi rượu.
“Đường Hà Thanh, cái con khốn đó đâu rồi?”
Có vẻ ông lại thua tiền, tâm trạng bực bội, muốn đá//nh tôi để xả giận.
Tay tôi siết chặt cây bút.
Cô Lý đặt tờ đề thi xuống, sau sự ngỡ ngàng là giọng nói bình tĩnh:
“Thưa phụ huynh, xin mời ông ra ngoài, bây giờ đang trong giờ học.”
Giọng điệu nghiêm túc không biết lại chạm đúng chỗ đau nào của ông ta.
Ông ta vung cánh tay mạnh mẽ, hất tung mọi thứ trên bục giảng xuống đất.
Ngón tay gần như chỉ vào trán của cô giáo.
“Dám bảo tao ra ngoài? Mày là cái thá gì?”
“Còn dám tự coi mình là người nữa chắc.”
Ông ta làm động tác giơ tay lên.
Cô Lý dù nghiêm nghị thế nào đi nữa thì cũng chỉ mới hơn hai mươi tuổi.
Gặp phải kẻ vô lại thế này, làm sao cô ấy không sợ được chứ.
Cả lồng ngực cô ấy run rẩy kịch liệt, ngón tay bấu chặt cạnh bàn, vì dùng sức quá mạnh mà đầu ngón tay trắng bệch.
Đây là cô giáo Lý mà tôi yêu quý và kính trọng nhất.
Cô sẽ lấy danh nghĩa khích lệ, lén lút tặng tôi đồ dùng học tập.
Cô sẽ tranh luận đến cùng với chủ nhiệm khối, chỉ để xin một suất trợ cấp học bổng học sinh nghèo cho tôi.
Cô thấy tôi chỉ ăn mỗi cải trắng vào buổi trưa, sẽ im lặng gắp cái đùi gà trong bát của mình cho tôi.
Cô luôn quan tâm đến tình cảnh của tôi trong lớp, sợ tôi bị đối xử bất công.
Nhưng giờ đây, vì tôi mà cô phải chịu ấm ức.
Trong khoảnh khắc ấy, không biết từ đâu có được can đảm, tôi lao lên như điên.
Một tay kéo cô giáo ra, đứng chắn trước mặt cô.
Gào lên bắt cha tôi cút đi, tôi mắng ông ta là đồ cầm thú.
Cái tát giáng xuống mặt tôi.
Lực mạnh đến nỗi nửa khuôn mặt tôi gần như tê dại, khóe miệng rỉ m//áu.
Tai tôi ù đi từng đợt.
Ý nghĩ đầu tiên trong đầu tôi:
May quá, may mà chặn được.
Chỉ có điều bông hoa tôi gấp để tặng cô giáo trong ngăn bàn sẽ không thể tặng được nữa rồi.
Hôm nay là ngày Nhà giáo.
Nhưng dường như tôi không xứng làm học sinh của cô.
Gã đàn ông cầm thú bị bảo vệ đến muộn kéo đi.
Tôi chầm chậm ngẩng đầu, những ánh mắt xung quanh, không rõ là ý gì.
Rõ ràng họ chẳng làm gì cả, nhưng tôi lại cảm thấy mình đã bị lột trần.
Cái tát này đã đập tan sự uy nghiêm của cô giáo, cũng đập tan lòng tự trọng của tôi, cùng với đó là chiếc ô bảo vệ cuối cùng của tôi bị giật xuống.
Hiệu trưởng tìm đến cô giáo, nói rằng việc tôi ở nội trú sẽ ảnh hưởng đến an toàn của các bạn khác, đề nghị tôi nên tiếp tục đi học ngoại trú.
Cô giáo vẫn muốn lên tiếng bênh vực tôi, nhưng tôi không còn mặt mũi để chịu thêm sự giúp đỡ của cô nữa.
Tôi đồng ý dọn đi trong đêm đó.
Lúc đó tôi mới thấy may vì đồ của mình ít đến đáng thương, không cần cô giáo giúp, một mình tôi cũng có thể mang đi hết.
Nhìn ra ngoài đêm đen mịt mù.
Tôi biết rằng, từ ngày mai trở đi.
Ngày tháng tốt đẹp của tôi đã kết thúc.
Kẻ bạo hành sẽ chẳng ngại ngần gì, từ nay sẽ càng thêm vô pháp vô thiên.
Sau khi về nhà, tôi sẽ phải đón nhận quả đắng đầu tiên của lần phản kháng này.
Tôi mang hành lý đứng ở đầu đường, tưởng tượng quá khứ rồi mơ về tương lai, quá khứ và tương lai đan xen nhau trong đêm nay, tất cả đều mang theo cơn gió lạnh đầu thu.
Trong cơn mơ hồ, tôi rơi vào ảo ảnh.
Cả đời này của tôi sẽ là một con đường lầy lội khó đi.
Thế nhưng cuộc sống hiện tại vẫn tiếp diễn.
Thế là, trên dòng sông khổ đau này, tôi cầm mái chèo gãy tiếp tục lên đường.
6
Cách đối phó trực tiếp nhất với bạo lực, chính là dùng bạo lực để trừng trị lại bạo lực.
Dùng chính cách của kẻ đó để đối xử với kẻ đó.
Tôi cuộn trong chiếc chăn mỏng, ngồi ở đầu cầu hứng gió cả đêm.
Khi trời bắt đầu sáng, trong đầu tôi chợt lóe lên một đôi mắt.
Đen như mực, lạnh lẽo và sắc bén.
Nửa năm trước, có một gia đình từ nơi khác chuyển đến thị trấn này.
Họ mở một tiệm xăm hình ở nơi sâu nhất của hẻm Bình An.
Nghe nói, hai mẹ con, một là tên côn đồ không sợ ch//ết, một là bà góa điên rồ không nói lý lẽ.
Cha tôi luôn chỉ biết bắt nạt kẻ yếu.
Có lần ông uống say bên ngoài rồi phát điên, nói rằng bà góa điên trong hẻm là con đàn bà lẳng lơ, ai ai cũng có thể qua cửa nhà bà được.
Lời này truyền đến tai tên côn đồ.
Tối hôm đó, cha tôi, người to lớn như vậy, bị kéo lê như một con heo ch//ết, lê từ ngoài về nhà.
Cả người bầm dập, trong miệng đầy m//áu, lẫn lộn với hai chiếc răng cửa bị gãy.
Người đàn ông cao lớn, đứng ngược sáng nên không nhìn rõ mặt.
Tùy tiện ném ông ta vào sân.
Bước tới dùng gót chân dẫm mạnh lên ngón tay ông, giọng nói hung bạo:
“Lão cầm thú, lần sau còn để tao nghe thấy cái mồm này bậy bạ về mẹ tao, thì ông cũng không cần cái lưỡi này nữa đâu.”
Cha tôi gật đầu liên tục, không dám hó hé tiếng nào.
Tôi trốn sau cánh cửa, nhìn qua khe hở.
Đột nhiên chạm phải ánh mắt lạnh lùng sâu thẳm đó, người đàn ông khẽ cười một tiếng từ trong cổ họng.
Khi hoàn hồn lại, đối phương đã rời đi, lưng tôi đã ướt đẫm mồ hôi lạnh.
Họa không nên liên lụy đến người nhà, côn đồ nhưng vẫn có nguyên tắc.
Đêm đó, tôi giả vờ ngủ, nghe cha tôi rên rỉ và chửi bới cả đêm trong phòng bên cạnh, trong lòng lại có một niềm vui bí mật.
Tên côn đồ ra tay ác thật.
Cha tôi nằm liệt giường ba ngày, ngay cả đ//ánh tôi cũng không còn sức.
Sau đó, vì sợ gặp phiền phức, mỗi lần tôi đều cố tình tránh đi qua con hẻm đó.
Chưa từng có tiếp xúc với người đó.
Ngoài anh ta ra, tôi không nghĩ ra ai có thể trị nổi cha tôi.
Vậy nên, sáng sớm hôm sau, trời vừa hửng sáng, tôi lần đầu tiên bước vào con hẻm nhỏ này.
Lối đi lát đá phủ đầy rêu xanh mềm mại ở mép.
Cuối con hẻm là một tòa nhà hai tầng, bức tường cũ kỹ loang lổ đã được sửa lại, sơn màu trắng sạch sẽ.
Trước nhà có một cây quế nhỏ đang nhú búp, trong không khí thoang thoảng hương thơm nhẹ.
Tôi hít một hơi sâu, đẩy cửa bước vào.
Đập vào mắt là phòng khách, trên tường treo đủ loại tranh vẽ tay.
Người đàn ông quay lưng lại với cửa, mặc áo ba lỗ màu trắng, cơ bắp trên cánh tay rắn rỏi.
Một tay kẹp điếu thuốc, tay kia sắp xếp dụng cụ trên bàn.
Nghe thấy tiếng động, anh ta gạt tàn thuốc, tiếp tục công việc dưới tay.
Giọng nhàn nhạt:
“Chưa đến giờ, không mở cửa.”
Tôi biết, trên bảng hiệu trước cửa có viết 15:00-24:00.
Nhưng tôi muốn nói, tôi không đến để xăm hình.
Nhưng phát hiện ra rằng đến cả việc mở miệng ra cũng khó khăn, vết thương tối qua quên xử lý, khóe miệng dính chặt lại.
“Buổi chiều quay lại…”
Người đó quay đầu lại.
Điếu thuốc trong tay cũng run lên.
Đôi mắt đen nhìn chằm chằm tôi, một lúc lâu, khẽ chửi thề: “Ch//ết tiệt.”
Tôi còn chưa kịp nghĩ vì sao.
“Con trai, cơm chiên trứng ăn không… Trời đất thánh thần ơi, tôi đã bảo mà, hôm nay dậy sớm sẽ gặp ma, gặp ma rồi!”
Người phụ nữ vừa ló đầu ra, liền cầm cái thìa quay vào bếp, nhanh đến nỗi chỉ nhìn thấy vạt áo phất qua.
“….”
Vừa nhận ra điều gì đó, một cái gương nhỏ được đưa đến trước mặt tôi.
Người đàn ông chạm nhẹ vào má, dập điếu thuốc, không muốn nói nhiều.
Tôi cầm lấy.
Trong gương, một cô gái sắc mặt tái nhợt, tóc tai bù xù.
Quầng mắt thâm đen, nhưng mắt lại to, nửa khuôn mặt sưng vù, khóe miệng còn vương máu khô.
Trên người là bộ đồng phục học sinh đỏ trắng xen lẫn.
Lại xuất hiện vào sáng sớm.
Nhìn thế nào cũng thấy kinh dị.
Vừa rồi không bị đánh, tính ra là anh ta tính tình tốt, cũng coi như tôi may mắn.
Tôi ngượng ngùng chùi khóe miệng.
Anh ta nhặt chiếc áo khoác da trên ghế sô pha, nhanh chóng khoác vào.
“Chiều nhóc cũng không cần tới, anh không xăm cho người chưa đủ tuổi.”
“Đặc biệt là mấy đứa trẻ bỏ nhà đi bụi.”
Anh ta hiểu lầm rồi.
Tôi lắc đầu, móc từ túi ra tờ mười tệ nhàu nát.
Chậm rãi đặt lên bàn.
“Nghe nói anh thu phí bảo kê, vậy anh… có thể bảo vệ tôi không?”
Anh ta liếc nhìn tôi nửa vời.
“Nhóc thấy anh giống xã hội đen không?”
Tôi liều mạng nhìn kỹ anh ta.
Ngoài dự đoán là còn rất trẻ.
Lông mày sắc nét, hàng mi dài đậm như cánh quạ.
Rất đẹp, cũng rất dữ.
Nhất là khi không có biểu cảm.
Không chỉ giống xã hội đen, mà còn giống đại ca xã hội đen.
Nghĩ trong đầu thế nào, lại vô thức nói ra miệng.
“…”
“…”
Anh ta nghiêng cổ, bật cười.
“Gan cũng to đấy, nhóc con nhà ai?”
“Ờ, nhà cuối phía tây.”
Anh ta nghĩ một lúc.
“Cha nhóc là Đường Thế Quốc?”
“Cũng có thể không phải.”
“…”
Có vẻ không muốn cúi đầu nói chuyện, anh ta quay người ngồi xuống ghế sô pha.
“Đêm đó nhóc không thấy à?”
“Anh đã đ//ánh cha nhóc.” Anh ta nói rồi cầm cốc nước trên bàn.
“Vậy anh sẽ đ//ánh tôi à?” Tôi hỏi.
“Nhóc thiếu đòn à?” Anh ta hỏi lại.
Tôi lắc đầu quả quyết.
Cha tôi thiếu, tôi thì không.
Anh ta hơi nhướng mày.
“Thế thì được.”
Ý anh là sẽ không động vào tôi.
Không hiểu sao, tôi lại tin lời anh ta.
Thấy chủ đề đã lệch, tôi đẩy tờ mười tệ trên bàn về phía trước thêm chút nữa.
Có lẽ do tôi quá thản nhiên với chuyện cha mình bị đá//nh, hoặc cũng có thể là quá kiên quyết cầu cứu người đ//ánh cha mình.
Anh ta ngạc nhiên hỏi: “Không hận anh à?”
“Hận.”
“Hận anh sao không đánh ch//ết ông ta.” Tôi không nghĩ ngợi mà đáp.
Người đối diện bị sặc, ho một trận.
Anh ta siết chặt cái cốc.
“Nhóc muốn anh bảo vệ nhóc bằng cách nào?”
“Đánh ch//ết cha tôi.”
Nửa nói đùa, nửa thật lòng.
Anh ta không uống nước nữa, đặt cốc xuống bàn.
“Người thì nhỏ nhắn mà hành động cũng dữ nhỉ.”
Tôi không biết làm thế nào, đành lấy lùi làm tiến.
“Vậy đ//ánh ông ta tàn phế cũng được.”
Anh ta xoa trán, bực bội nói:
“Việc này anh không nhận.”
Ban đầu cũng không đặt nhiều hy vọng.
Nhưng khi nghe câu trả lời phủ định, lòng vẫn thấy thất vọng.
Tim chậm rãi chùng xuống, cảm giác khó thở, đầu cũng choáng váng.
Tầm nhìn dần trở nên mờ nhòe.
Giây tiếp theo, tôi ngã về phía trước.
Dường như rơi vào một vòng ôm vội vã.
Người đàn ông giận quá hóa cười.
“Mẹ nó thật, mới sáng ra đã gặp ăn vạ.”
Hãy là người bình luận đầu tiên
Nguyệt Truyện hoan nghênh các tác giả, dịch giả, nhóm dịch và các fanpage đăng truyện lên website của chúng tôi. Mọi chi tiết về nhuận bút, kiếm tiền và các thỏa thuận khác vui lòng nhắn tin trực tiếp đếnfanpage Facebook Nguyệt Truyệnhoặc email nguyettruyennet@gmail.com