Ba năm trước, mẹ của Lý Nhị Ngưu ngã gãy chân vì trượt lúc trời mưa. Lần đó là mẹ ông ấy, lỡ lần sau là ai trong chúng tôi thì sao?
Chúng tôi ngồi lại bàn bạc, quyết định góp tiền làm đường bê tông cho dễ đi lại. Thực ra làm đường ở quê không quá phức tạp, chỉ cần đầm đất thật chắc rồi rải sỏi than xỉ sau đó đổ thêm lớp xi măng là ổn.
Tính từ đầu dãy đến điểm nối với đường làng, đoạn đường dài khoảng trăm mét và rộng ba mét. Chỉ cần mua vật liệu còn nhân công thì tự làm.
Chia đều ra mỗi nhà cũng chỉ khoảng năm nghìn tệ, hoàn toàn có thể lo được.
Mọi người bàn bạc xong xuôi, quyết định bắt tay vào làm đường thì Ngô Lai Tài lại quay ngoắt mà không chịu góp tiền nữa. Lý do đưa ra là nhà hắn gần đường làng nhất, có làm hay không thì cũng chẳng ảnh hưởng gì.
Trời mưa thì đặt tạm mấy viên gạch là đi được, cần gì phải làm to chuyện.
Tóm lại là bỏ tiền ra sửa đường, hắn không đồng ý. Chuyện rõ ràng đã thống nhất từ trước, vậy mà hắn trở mặt một cái khiến chúng tôi vừa giận vừa bất lực.
Nhưng biết làm sao, chẳng lẽ trói hắn lại bắt góp tiền?
Chúng tôi lại họp bàn, cuối cùng quyết định: đường thì vẫn phải làm, nhưng khỏi cần nối qua cửa nhà hắn vì đâu có đóng góp đồng nào.
Đường rất nhanh được hoàn thành, mặt bê tông rộng ba mét và phẳng lì đẹp đẽ. Chúng tôi chưa kịp mừng được mấy hôm thì chuyện lại xảy ra, bờ đường sát tường rào nhà tôi ngay khúc gần nhà Ngô Lai Tài bị vỡ vụn một đoạn.
Ban đầu tưởng do xe cán lên làm hỏng, nhưng mấy hôm liền đều xảy ra tình trạng tương tự: chỗ này bể một chút, chỗ kia mẻ một miếng.
Chúng tôi bắt đầu sinh nghi bèn thay nhau theo dõi, cuối cùng phát hiện ra chính Ngô Lai Tài đêm đêm vác búa ra phá đường.
Thử hỏi có tức không chứ?
Chúng tôi kéo sang chất vấn thì hắn lại làm bộ tội nghiệp, nói đường bê tông cao hơn đường đất cũ khiến hắn bị trẹo chân.
Nói thế thôi chứ ai mà không biết là hắn có đi lối đó đâu. Rõ ràng là thấy bức bối vì nhà mình không được làm đường, nên quay ra phá hoại cho bõ tức.
Cả xóm không nhịn nổi nữa, lao vào cãi vã một trận ùm trời. Suýt chút nữa là động tay động chân, còn làm náo tới mức phải gọi công an tới dẹp.
Cuối cùng, chính trưởng thôn phải ra mặt bắt Ngô Lai Tài cam kết không được phá hoại nữa. Nếu tái phạm sẽ cắt toàn bộ trợ cấp của gia đình hắn.
Nhắc đến tiền là đụng ngay chỗ đau, Ngô Lai Tài nghe vậy đành câm nín mà gật đầu đồng ý. Nhưng không đập phá thì cũng không có nghĩa là hắn sẽ chịu để yên.
Rác, nước rửa nồi, phân, nước tiểu, củi mục gạch vụn… Cái gì dơ bẩn hôi hám là nhà hắn đều quẳng thẳng ra đường.
Đoạn đường mới làm sạch đẹp chưa được bao lâu đã biến thành bãi rác, ruồi nhặng bay vo ve cùng mùi xú uế xộc thẳng lên mũi. Mỗi lần đi ngang qua đều phải căng hết thần kinh mà bước, không khéo là giẫm trúng “mìn” lúc nào không hay.
4.
Ngô Lai Tài làm vậy là cố ý, nhưng khổ nỗi chúng tôi lại chẳng làm gì được hắn. Chẳng ai rảnh đến mức bỏ cả ngày 24 tiếng chỉ để canh chừng một thằng hàng xóm.
Không có bằng chứng, nói hắn cũng chối bay chối biến.
Người ta nói: kẻ lì sợ kẻ liều, kẻ liều lại sợ kẻ không cần sống.
Còn kẻ không cần sống thì sợ gì?
Sợ kẻ mặt dày không biết xấu hổ.
Mà nhà Ngô Lai Tài chính là kiểu mặt dày trơ trẽn điển hình. Hắn chuyên dùng mấy cái trò hèn hạ ấy, cuối cùng cũng ép được chúng tôi phải nhượng bộ. Lấy cớ ‘sửa chữa mặt đường’, chúng tôi đành chấp nhận lát luôn đoạn trước cổng nhà hắn.
Tất nhiên, hắn chẳng bỏ ra một xu. Năm nhà còn lại mỗi nhà góp thêm một nghìn, chia nhau gánh phần hắn đáng lẽ phải trả.
Lát đường xong khiến nhà Ngô Lai Tài hài lòng, đống rác rưởi kia cũng biến mất. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ bỗng dưng thành người tử tế, gia đình đó… Trên con đường "gây chuyện" chưa từng dừng lại.
Con cái của năm nhà chúng tôi đều đang làm ăn ở thành phố, cuộc sống cũng tạm ổn. Đứa nào cũng mua được xe con nên cuối tuần thường về quê thăm bố mẹ.
Đường bê tông rộng ba mét khiến xe cộ ra vào thoải mái, nhưng Ngô Lai Tài lại cố tình dựng lên một cái… dốc tuyệt hậu ngay trước cổng nhà mình.
Bình thường ai cũng muốn ra vào thuận tiện, nên trước cửa thường xây vài bậc thang hay làm một cái dốc nhỏ cho dễ đi.
Nhưng làm gì cũng phải có chừng mực. Bậc thì không quá ba bậc, dốc thì không cao quá 50 phân vì để tiện cho mình mà không ảnh hưởng người khác.
Thế mà nhà Ngô Lai Tài làm gì?
Cửa nhà hắn cách mặt đường chưa tới 20 phân, mà hắn đắp hẳn lên một bậc thang dài hai mét, cao tới nửa mét. Muốn bước vào sân thì phải leo lên rồi lại tụt xuống, đúng kiểu làm khổ chính mình.
Hắn rảnh quá nên bày trò à? Không phải.
Là do hắn ganh tị.
Ba đứa con nhà Ngô Lai Tài chẳng đứa nào ra hồn, đừng nói là ô tô… đến cái xe máy điện còn chẳng mua nổi. Cả ngày thấy con cái nhà người ta lái xe về ra vào nhộn nhịp, nên trong lòng hắn ghen tức lắm.
Vậy là hắn nghĩ ra chiêu làm cái bậc thang cao chót vót chắn ngang lối, khiến xe ô tô không vào được mà chỉ còn cách đậu ngoài đầu đường làng.
Chúng tôi cũng từng sang nói chuyện phải trái với hắn, nhưng hắn lại lôi luật ra nói: "Trước cửa nhà tôi, tôi muốn làm gì thì làm. Đừng nói là làm bậc thang, tôi có muốn đào cái ao nuôi cá ở đấy cũng chẳng ai được quyền ngăn."
Gặp phải cái loại vô lại như thế, còn biết tìm công lý ở đâu nữa?
Thời buổi này, lưu manh đầu gấu thì cũng chẳng đáng sợ, gọi cảnh sát là xong, một cú điện thoại là có người đến “giáo dục” ngay.
Đáng sợ nhất là kiểu vô lại như Ngô Lai Tài.
Nói hắn bắt nạt người ta thì cũng không hẳn vì hắn đâu có đánh ai, cùng lắm chỉ sỉ vả vài câu. Mà bảo hắn không bắt nạt thì cũng không đúng, vì hễ có cơ hội gây phiền phức cho người khác là hắn không bao giờ bỏ qua.
Chuyện gì mà có thể khiến hàng xóm bực mình, hắn đều sẵn sàng làm tới cùng.
Đáng ghét hơn cả là loại người như hắn lại chẳng thể lấy pháp luật ra mà trị.
Gọi công an à? Công an đến cũng chỉ nhắc nhở đôi câu rồi đi. Hắn thì cứ chờ họ đi rồi thì lại đâu vào đấy, làm loạn như chưa từng có gì xảy ra.
Nói đạo lý với hắn? Vô ích. Hắn chẳng buồn nghe.
Mồm miệng thì cứ xỏ xiên khiêu khích, mà đụng nhẹ một cái là hắn lăn đùng ra đất ăn vạ. Bất kể có bị thương hay không, hắn cũng phải lôi nhau đến viện khám cho đủ từ chân tóc tới gót chân.
Ngoài cái việc chuyên đi gây chuyện, hai vợ chồng Ngô Lai Tài cùng Uông Hỷ Mai còn là cao thủ "hút m.á.u" hàng xóm.
Trong sân nhà ai mà để hở cái gì là y như rằng… mất!
Thịt cũng mất, củ tỏi cũng không chừa. Thành ra chúng tôi chẳng ai dám lơi tay, cửa sân phải khóa kỹ… Ngay cả chuồng gà chuồng chó cũng phải gài ổ khóa.
Mượn dầu, mượn giấm, mượn mì, mượn gạo, mượn đến cả muối ăn, bột ngọt. Kiểu mượn gì cũng có.
Không cho thì đứng lì giữa sân rên rỉ, mà đã cho thì đừng mong lấy lại. Không chỉ thích chiếm tiện nghi, hai người này còn có vấn đề về thần kinh.
Cứ vài bữa lại thấy lén lút ngồi rình ở góc tường nhà người ta, tai vểnh lên nghe trộm xem có ai nói xấu mình không. Chỉ cần bị nhắc đến nửa câu là Ngô Lai Tài lập tức xắn tay trợn mắt, còn Uông Hỷ Mai thì lăn ra đất ăn vạ như đúng rồi.
Mấy năm nay, chuyện lớn chuyện nhỏ xảy ra không biết bao nhiêu lần, làm hàng xóm với nhà này đúng là vận đen đeo đẳng.
Giờ có chuyện giải tỏa thế này, dù chẳng tới lượt chúng tôi nhưng chúng tôi cũng chỉ mong hắn mau mau cuốn gói dọn đi cho xóm nhỏ này bớt đi một tai họa.
5.
Hôm ấy, tôi với Lý Nhị Ngưu và mấy người nữa đang ngồi tán gẫu bên vệ đường thì Ngô Lai Tài cũng mon men lại gần. Hắn định hóng xem có ai nói xấu mình không.
Chúng tôi cũng mặc kệ ai nói chuyện nấy, chẳng buồn để tâm đến hắn. Vậy mà hắn vẫn không thấy ngại, còn mặt dày ngồi xuống luôn như thể thân thiết lắm.
Đang trò chuyện thì ông Lưu dẫn theo trợ lý Tiểu Vương đến. Chúng tôi liếc nhìn nhau đoán chắc lại là chuyện giải tỏa, họ tới để nói chuyện với Ngô Lai Tài.
"Lại tới à? Lãnh đạo của mấy người suy nghĩ xong chưa?" Vừa thấy ông Lưu, Ngô Lai Tài lập tức vênh váo khiến cái cằm như muốn hất lên trời: "Tôi nói trước nhé, tôi không có kiên nhẫn chơi cái trò dây dưa này đâu. Nếu còn tiếp tục kéo dài, mấy người phải bồi thường tổn thất thời gian cho tôi đấy."
"Anh Ngô, tôi hỏi lần cuối là anh có chấp nhận phương án bồi thường không? Có đồng ý ký vào hợp đồng giải tỏa không?" Lần này ông Lưu không còn cười nói nhún nhường như trước nữa, giọng ông nghiêm túc và thái độ dứt khoát rõ ràng khác hẳn mọi khi.
Tôi nhìn ông ta mà đầy ngạc nhiên, khí thế này giống như đã thay đổi thành một người khác.
"Cái gì đây? Đổi cách nói chuyện rồi à? Giờ muốn chơi kiểu cứng rắn với tôi?"
"Tôi nói cho ông biết, vô ích thôi! Không chấp nhận điều kiện của tôi thì khỏi nói chuyện gì hết!"
"Phương án bồi thường tôi không đồng ý, ký thì càng không. Còn đường của mấy người thì cũng đừng mơ mà làm được!"
Ngô Lai Tài hơi khựng lại, có vẻ chưa quen với thái độ cứng rắn từ phía ông Lưu sau đó bắt đầu nổi cáu.
"Được rồi, thái độ của anh tôi đã rõ." Ông Lưu gật đầu, quay sang hỏi Tiểu Vương: "Vừa rồi những lời anh ta nói, có ghi âm lại hết chưa?"
"Rồi ạ, ghi đầy đủ hết rồi." Tiểu Vương đáp lại, trên tay vẫn đang cầm một chiếc máy quay nhỏ.
Lúc đó tôi mới để ý trong tay cậu ta có máy quay, nhưng còn chưa kịp suy nghĩ gì thêm thì lời tiếp theo của ông Lưu khiến tôi chec lặng.
Hãy là người bình luận đầu tiên
Nguyệt Truyện hoan nghênh các tác giả, dịch giả, nhóm dịch và các fanpage đăng truyện lên website của chúng tôi. Mọi chi tiết về nhuận bút, kiếm tiền và các thỏa thuận khác vui lòng nhắn tin trực tiếp đếnfanpage Facebook Nguyệt Truyệnhoặc email nguyettruyennet@gmail.com