Lấy độc trị độc

[1/4]: Chương 1

1.


Tôi vì đi công tác làm dự án mà ba tháng rồi chưa về nhà.


Vừa mở cửa, hàng xóm đối diện lập tức lao ra. Đó là một người phụ nữ mập, tay còn cầm nguyên cái xẻng nấu ăn trông như thể sợ tôi chạy mất.


“Ê! Cô là người thuê nhà 502 đúng không? Có số liên lạc của chủ nhà không?” Chị ta hất mặt tỏ vẻ kênh kiệu nói chuyện với tôi.


Căn 501 đối diện tôi nhớ năm ngoái còn đang sửa chữa. Khi đó, chị ta cũng từng vu cho tôi trộm thùng giấy nhà mình, sau này mới phát hiện ra là mẹ chồng chị ta lén lấy đi bán ve chai.


Nhưng chị ta lại chẳng thèm xin lỗi, còn nói đầy khiêu khích: “Bây giờ thùng giấy đáng giá lắm! Ai mà biết được sau này cô có nhắm vào thùng giấy nhà tôi không, tôi nhắc trước để cô khỏi phạm sai lầm!”


Tôi còn chưa kịp đáp lại, chị ta đã đóng sập cửa lại trốn mất.


Từ đó, tôi chưa từng gặp lại vị hàng xóm này nữa. Mãi đến khi thấy trong nhóm cư dân chung cư, nhà họ đã dọn vào từ ba tháng trước và thậm chí còn gửi lì xì trong nhóm.


Nhưng giữa một nhóm hơn 300 người, chị ta chỉ gửi đúng 10 tệ để mọi người tranh nhau giành lấy.


Tôi liếc nhìn rồi hỏi: “Chị cần số điện thoại chủ nhà của tôi làm gì?”


Chị ta trừng mắt: “Cô chỉ là người thuê nhà mà cũng đòi hỏi biết chuyện của chủ nhà sao? Nhà chúng tôi là mua đứt bằng tiền mặt và tôi là chủ sở hữu, tôi không có nghĩa vụ trả lời một người đi thuê như cô!”


Tôi cười nhạt, vụ thùng giấy lần trước đủ để tôi biết hàng xóm mới này không phải người dễ chơi. Nhưng vì tôi thường xuyên đi công tác hiếm khi ở nhà, cũng chẳng muốn bận tâm làm gì.


Căn hộ này tôi mua từ năm năm trước, vốn để cho ba tôi dưỡng già.


Dù là chung cư cũ, nhưng vị trí đắc địa ngay cửa ga tàu điện ngầm và sát chân núi, bên cạnh là trung tâm thương mại, chưa kể đó còn cách bệnh viện chỉ năm trăm mét.


150 vạn tệ cho một căn hộ nhỏ cũ ở Hàng Châu đã là quá rẻ, chị  ta cũng chẳng có gì để mà vênh váo. Huống hồ bây giờ giá nhà còn giảm, thời điểm chị ta mua vào chắc chắn rẻ hơn tôi.


Tôi lười đôi co, liền đóng sầm cửa lại.


501 ngớ người, rồi tức tối gõ cửa: “Cô gái kia, sao bất lịch sự thế! Tôi đang nói chuyện với cô đấy,mau đưa số chủ nhà của cô cho tôi. Tôi có việc tìm người ta!”


Đúng lúc này, nhân viên quản lý tòa nhà đến thu phí dịch vụ.


Tôi mở cửa để đưa tiền phí.


Tiểu Cầm là cô gái bên ban quản lý, cười tươi nói: “Chị Tiết lâu lắm không về nhà rồi! Bảo vệ báo tin chị về, em liền chạy qua thu phí luôn mong chị thông cảm, bên trên cứ giục em mãi.”


Tôi cười nhẹ nhàng đáp: “Là tôi làm phiền cô rồi. Bận quá không kịp về đóng tiền, bắt cô phải chạy một chuyến.”


“Ai da, chị khách sáo quá. Thật sự quá khách sáo rồi!” Tiểu Cầm liên tục xua tay ngại ngùng nói.


501 bỗng xen vào: “Cô gái này là chủ nhà sao?”


Tiểu Cầm gật đầu: “Đúng vậy, chị Tiết là chủ căn 502.”


Chị ta lập tức đổi giọng, sắc mặt không che giấu được sự kinh ngạc: “Trẻ vậy mà đã mua được nhà rồi? Tiền đâu ra thế? Căn này cũng cả trăm vạn đấy. Cũng tốt cô về đúng lúc lắm, Có bên quản lý ở đây cũng vừa hay. Cái cục nóng điều hòa nhà 502 ấy, mấy người xem đi! Có phải rất mất thẩm mỹ không? Nó lắp ngay trên cửa ra vào của tầng chung cư, chúng tôi ra vào rất nguy hiểm. Lập tức tháo ngay đi, không thì tôi sẽ khiếu nại!”


Nói xong, chị ta còn kéo Tiểu Cầm qua xem xét.


Tiểu Cầm nhìn tôi đầy khó hiểu.


Tôi bình thản nói: “Cục nóng này đã lắp hơn mười năm rồi, trước khi chị chuyển đến nó đã ở đấy. Chị bảo tôi dỡ bỏ, vậy tôi phải lắp lại ở đâu?”


“Tôi mặc kệ, dù sao cũng không được lắp trên cửa ra vào của tầng chung cư. Chúng tôi ra vào nhiều lỡ mà rơi xuống thì sao, tôi là chủ sở hữu căn nhà đối diện này, tôi không hài lòng thì cô phải tháo.”


Tôi nhướng mày, đi đến cửa sổ ngoài hành lang và chỉ vào cục nóng điều hòa ngay dưới cửa sổ nhà chị ta: “Nhà chị lắp ở đây, đúng không? Dù nó không nằm trên cửa ra vào, nhưng tôi cứ thích đứng ở chỗ này mỗi lần về nhà. Tôi cũng sợ nó rơi xuống, hay chị tháo trước đi?”


Chị ta lập tức nổi đóa: “Cô gái này sao mà vô lý thế, cô không có việc thì đứng đấy làm gì chứ? Nhưng cửa ra vào thì khác, nhà chúng tôi ngày nào cũng phải ra vào. Nguy hiểm hơn nhiều!”


“Chị ăn cơm cũng nguy hiểm đấy, lỡ bị nghẹn thì sao? Uống nước cũng nguy hiểm, chẳng may bị sặc thì làm thế nào?” Tôi chậm rãi nói.


Tôi vừa nói xong, nhà 501 lập tức cứng họng.


Chị ta liếc mắt sang thì thấy Tiểu Cầm đang nhịn cười đến đỏ cả mặt.


Tưởng chuyện thế là xong. Ai ngờ ba ngày sau, 501 cứ liên tục chạy lên ban quản lý tòa nhà khiếu nại. Bên quản lý chịu hết nổi, cuối cùng cấp trên phải phái Tiểu Cầm đến tìm tôi.


Vì trước giờ tôi toàn làm việc với Tiểu Cầm, mà cấp trên của cô ấy lại là kẻ ba phải nên không dám đắc tội cả hai bên.


Thế là, lần này Tiểu Cầm vẫn phải rưng rưng nước mắt đến cầu cứu tôi. Chẳng mấy chốc, cả tòa chung cư đều biết rằng chúng tôi vừa có thêm một chủ nhà khó nhằn.


Tiểu Cầm vừa đến cửa 501, chị ta lập tức vênh mặt chống nạnh quát lớn: “Nếu bên quản lý không giải quyết chuyện này, tôi sẽ không đóng phí dịch vụ nữa. Tùy mấy người lo liệu đấy… Hừ!”


Tiểu Cầm tủi thân đến phát khóc.


Tôi hỏi: “501 muốn gì?”


“Chị Tiết, nhà 501 nhất quyết bắt chị tháo cục nóng. Chị ta nói cả chung cư chỉ có chị lắp cục nóng ở đấy là không được, bất kể lắp đâu cũng được miễn là không được phía trên của cửa ra vào. Chị ta bảo nó vừa xấu, vừa nguy hiểm!”


“Được thôi. Cô sang bảo nhà 501, tôi sẽ di dời cục nóng trong vòng một tuần. Nhưng nếu chị ta còn tiếp tục khiếu nại nữa thì tôi sẽ mặc kệ.”


“Chị Tiết! Cảm ơn chị nhiều lắm!” Tiểu Cầm cảm động đến rơi nước mắt.


Tôi vỗ vai cô ấy: “Nói với chị ta, có chuyện gì thì trực tiếp tìm tôi.”


Đôi mắt Tiểu Cầm lập tức sáng lên.


Hôm sau, ngay trước cửa nhà tôi bỗng nhiên xuất hiện một chiếc kệ giày.


2.


501 luôn bắt cực chuẩn giờ tôi ra vào, để nhảy ra thông báo: “Cô gái này, cô sống một mình nên giày dép cũng chẳng nhiều. Nhà tôi đông người thì giày cũng nhiều, chỗ trước cửa chỉ có tí xíu cô cho chúng tôi để nhờ một chút. Giày nhà tôi toàn hàng hiệu, đắt tiền lắm đấy! Nếu không phải thấy cô thật thà, chúng tôi còn chẳng buồn để trước cửa nhà cô đâu!”


Tôi còn chưa kịp lên tiếng.


Từ nhà 501 bước ra một người đàn ông, rõ ràng là chồng chị ta. Thân hình chẳng khác vợ là bao, bụng phệ và đầu to tai lớn, hai cánh tay xăm đầy hoa văn sặc sỡ.


Một tay thì cầm côn nhị khúc, một tay vác tạ đơn vênh váo ra mặt: “Thế nào? Để cái kệ giày thôi mà có ý kiến à? Nhà tôi đông người nên chỗ không đủ. Hàng xóm với nhau, chuyện nhỏ nhặt thế này bỏ qua đi chứ?” Gã chồng xăm trổ của chị ta nói với giọng hống hách.


Đúng lúc này, bà Từ ở tầng dưới bước lên.


Tay bà xách hai quả dưa hấu to, tươi cười gọi tôi: “Tiểu Tiết, con về rồi mà chẳng báo bác một tiếng. Dưa hấu bác trồng ngon lắm, mang lên cho con nếm thử này!”


Vừa nói, bà vừa kín đáo liếc tôi một cái. Sau đó ra hiệu bảo tôi vào nhà trước.


Tôi vội mời bà vào, lời định nói nuốt trở lại. Không muốn để bà thấy cảnh này.


Tôi liếc qua hai vợ chồng đối diện… Trong nhà họ, một bà già đang rượt theo đứa cháu nhỏ vừa đuổi vừa ép nó ăn cơm.


Kéo bà Từ vào, tôi xoay người đóng sập cửa.


Sau đó, bên ngoài vang lên giọng đàn bà đắc ý: “Chồng à, anh thấy không? Có nhà rồi đúng là khác hẳn, không phải nhịn nhục như trước nữa. Đối diện là một đứa con gái độc thân, sống một mình trong căn hộ to thế có phải quá phí không? Mình cứ chiếm trước cái hành lang đi đã. Sau này họ hàng đến thì cho ở nhờ luôn nhà nó, đảm bảo nó chẳng dám hó hé!”


Người chồng cười hô hố: “Vẫn là vợ giỏi nhất, mới chuyển vào đã lập uy! Trước tiên xử lý con nhỏ này, sau đó đến bà già tầng dưới. Sau này nhà mình cứ thế mà ngang dọc khu này!”


Mắt mèo trên cửa có gắn camera, từng lời họ nói và biểu cảm trên mặt tôi thấy rõ từng chi tiết.


Bà Từ nghe xong, sắc mặt tối sầm vì bực bội nói: “Nhà này chẳng phải hạng tốt đẹp gì, cháu nhớ cẩn thận nhé. Mẹ chồng nhà này từng giành cả thùng giấy với bà đấy!”


Tôi cười cười, hỏi bà: “Họ thường vắng nhà vào khoảng thời gian nào vậy ạ?”


3.


Buổi tối, tôi đội mũ và đeo khẩu trang, mang thêm quả kính râm nhìn bao ngầu. Sau đó, gom hết kệ giày và đống giày trước cửa nhét vào một bao tải phân bón.


Tiếp đó, tôi lôi tất cả xuống bằng cầu thang đi bộ.


Ban đầu tôi tính quăng thẳng vào con mương hôi thối bên cạnh khu chung cư. Nhưng đúng lúc thấy tòa bên cạnh đang sửa nhà, vứt một đống rác xây dựng buộc trong bao tải phân bón.


Thế là tiện tay, tôi nhét luôn vào đó.


Tối hôm đó, nhà họ không có ai.


Họ về vào sáng hôm sau.


Lúc đi ngang qua tòa bên, thấy rác sửa nhà chất thành đống khiến xe họ không vào được.


Chị vợ lập tức chửi ầm lên, quát thợ sửa nhà dọn rác ngay lập tức: “Mấy người vứt rác kiểu này ảnh hưởng đến môi trường chung cư quá, tôi vừa hít thở là đầy bụi. Lỡ có bệnh gì, mấy người chịu trách nhiệm được không?”


Nhà bên là một cặp đôi trẻ, nghe vậy liền rối rít xin lỗi. Vội vàng gọi người đến dọn sạch rác.



Bình luận (0)
Đăng ký tài khoản (5s xong)

Hãy là người bình luận đầu tiên