Đương nhiên là họ chẳng có chứng cứ gì cả, chỉ có thể tức giận gào thét.
Họ lại yêu cầu cảnh sát kiểm tra camera của tòa nhà.
Camera ghi lại được một người từ tầng này kéo hai bao tải phân bón xuống, rồi quăng vào đống rác sửa nhà.
Nhưng người đó che kín mít từ đầu đến chân, không thể nhận diện được. Hơn nữa, sau khi đi ra thì người đó không hề quay lại.
Mà tối qua vào khoảng giờ đó, tôi đang ở nhà bà Từ. Bà ấy có thể làm chứng. Vậy nên, tôi hoàn toàn không nằm trong diện tình nghi.
Còn vì sao camera không quay được cảnh tôi quay lại nhà?
Vì tôi trèo qua cửa sổ nhà 101 để đi vào, chẳng hề đi qua cửa ra vào chung.
Lúc này, đống rác sửa nhà đã được dọn sạch, không còn gì để kiểm chứng xem trong đó có phải giày dép của họ hay không.
Trước đây, rác sửa nhà không bao giờ bị dọn nhanh như vậy. Chẳng phải do chính nhà 501 ép họ dọn sớm, còn gọi cả ban quản lý đến giám sát sao?
Chủ nhà đang sửa bên tòa kia cũng thấy oan uổng: “Chính mấy người giục nhà tôi dọn rác cho nhanh còn gì, giờ dọn xong lại quay sang trách tôi? Rác thì phải đưa đến bãi rác chứ còn đi đâu nữa? Tầm này chắc bị nghiền nát thành bụi rồi.”
Lý Huệ điên tiết: “Kệ giày, giày dép nhà tôi cũng ở trong đó. Mấy người phải bồi thường cho tôi!”
Chủ nhà sửa nhà cũng bùng nổ: “Mấy người bị dở hơi à? Đồ nhà mình để lung tung xong đổ lên đầu tôi? Lại còn nói trong đống rác có giày dép nhà mấy người? Ai mà chứng minh được? Tôi khuyên mấy người nên giữ kỹ số giày còn lại đi, đừng có quăng trước cửa nhà người khác nữa, kẻo lại ‘bốc hơi’ đấy!”
“Tôi thấy cũng đúng.” Người nói câu đó là tôi.
Tôi vừa cắn một miếng dưa hấu vừa đứng hóng, bà Từ đã cắt sẵn mang lên cho tôi.
Bà còn chia cho cả cảnh sát và nhân viên quản lý.
Cảnh sát chỉ lịch sự từ chối, còn tiểu Cầm thì ăn ngon lành.
Trong khi đó, nhà 501 chỉ biết trợn mắt nhìn nhau.
Cảnh sát nghiêm mặt giáo huấn:
“Mọi người cần nâng cao ý thức văn minh, đừng tùy tiện đặt đồ đạc trước cửa nhà người khác. Vì họ không có trách nhiệm để ý đồ cho mọi người đâu.”
“Lùi một vạn bước mà nói, nếu hàng xóm thực sự vứt đồ của hai người thì cũng là vứt đồ đặt trước cửa nhà họ. Nếu có thêm manh mối gì mới, cứ liên hệ với chúng tôi.”
Đợi cảnh sát đi rồi, Lý Huệ lại quay sang mắng tôi cả một tràng.
Chị ta gào lên: “Chính mày, chắc chắn là mày lấy. Con khốn trộm cắp mất dạy!”
Tôi vừa ăn dưa hấu vừa cười cười, nhàn nhã đáp: “Có bằng chứng không, chị gái? Vu khống thế này, tôi báo cảnh sát đấy nhé.”
Cả nhà họ tức đến phát điên.
Đứa nhỏ là con trai của chị ta cưỡi xe đồ chơi, lao thẳng về phía tôi định đâm.
Nó chưa kịp tông vào, tôi đã túm cổ áo nó nhấc bổng lên: “Nhóc con, nếu cố tình đâm vào cô. Thì cô cũng có thể đưa cháu lên đồn cảnh sát đấy.”
“Hu hu hu…” Thằng bé khóc thét.
Bà mẹ chồng Lý Huệ hoảng hốt vội giật cháu lại, cảnh giác trừng mắt nhìn tôi.
Tôi nhếch mép cười.
Từ đó, nhà 501 yên ắng hẳn. Không ép tôi tháo điều hòa, cũng không bày giày dép trước cửa nhà tôi nữa.
Nhưng chỉ được vài ngày.
Trước cửa nhà tôi bắt đầu xuất hiện… phân và nước tiểu.
Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Một hôm, tôi về nhà và thấy thằng nhóc nhà 501 đang ngồi chồm hỗm, đi vệ sinh ngay trước cửa nhà tôi.
Lý Huệ mở cửa, thấy tôi về thì cười đắc ý: “Trẻ con còn nhỏ nên không nhịn được, tôi cũng bó tay. Nếu cô chịu dời cục nóng điều hòa đi, bồi thường gấp đôi số giày dép hôm trước, tôi sẽ nói chuyện với con tôi thử xem.”
Nói xong, thằng bé còn le lưỡi làm mặt xấu với tôi.
Bà mẹ chồng xoa xoa má nó, cười tít mắt: “Cháu ngoan lắm!”
Thấy tôi bịt mũi tỏ vẻ ghê tởm, ông chồng lại vênh váo: “Trẻ con thì muốn đi đâu thì đi, chúng tôi không quản được. Cô là đàn bà không con không cái, tất nhiên không hiểu. Nếu cô làm theo yêu cầu của vợ tôi, có khi con tôi sẽ không tè bậy nữa.”
Bà mẹ chồng tiếp lời: “Mà cô cũng phải để chúng tôi đặt đồ trước cửa nhà. Nếu có đồ chắn lại, cháu tôi sẽ không đi vệ sinh ở đó nữa. Chúng tôi cũng chỉ muốn tốt cho cô thôi!”
Nhà này rõ ràng xem tôi là một đứa con gái độc thân dễ bắt nạt.
Xem ra vẫn chưa biết sợ.
Tôi chỉ lạnh lùng cười nhạt: “Miễn là nhà các người chịu được mùi, còn chuyện gió nóng từ điều hòa thổi thẳng vào… ai bị hôi thối hơn, cũng chưa biết được đâu.”
Lý Huệ vặn vẹo eo, mặt đầy vẻ tự hào: “Tôi là mẹ nó, sao tôi lại thấy hôi được chứ? Cô không có con nên không hiểu, phân của con tôi thơm lắm. Nếu chịu không nổi thì cô bán nhà dọn đi đi!”
“Ha ha ha ha!” Cả nhà họ cười hả hê.
Tôi nhìn chằm chằm bọn họ, khẽ nhếch môi: “Cứ chờ đi, đừng có hối hận.”
Lý Huệ vô thức rùng mình, nhưng rồi nhanh chóng tự nhủ. Chỉ là một đứa con gái độc thân, sao có thể làm gì được nhà chị ta?
Chị ta lập tức đứng thẳng lưng, vênh váo như cũ.
Tôi quay về, trước tiên gửi video cho ban quản lý.
Họ lập tức đề nghị cử người đến dọn dẹp. Nhưng tôi đã ngăn họ lại và bảo: “Đừng.”
Cũng không cần báo cảnh sát làm gì. Tôi biết họ cũng chẳng làm được gì nhà 501. Vì về lý đây không phải hành vi phạm pháp, cùng lắm là vô đạo đức.
Tôi bật điều hòa và đóng kín cửa, để chế độ tích kiệm điện sau đó bật suốt 24/24.
Mỗi lần 501 mở cửa, gió nóng tạt thẳng vào nhà cuốn theo mùi hương “đặc biệt” từ chính con của họ.
Cả căn nhà 501, tràn ngập một bầu không khí… tinh khiết.
Nhưng thế vẫn chưa đủ.
Muốn nói chuyện bằng "phân" à?
Không bị táo bón là ai mà chẳng làm được chuyện đó chứ?
6.
Tôi đăng một bài trên Tiểu Hồng Thư:
[Tuyển một người "dạ dày khỏe, tinh thần ổn định", chuyên gia "xả stress". Mỗi lần 5.000 tệ. Yêu cầu: lượng lớn, có thể hành sự mọi lúc mọi nơi. Chỉ cần bạn dám, tôi sẽ trả tiền.]
Trong bài, tôi miêu tả chi tiết những hành vi “độc lạ” của hàng xóm.
Có tiền là có quyền sai khiến quỷ thần. Có tiền, đúng là có thể khiến người ta… đi vệ sinh lung tung.
Ban đầu tôi chỉ định thuê một người trong vòng một tuần. Không ngờ bài đăng lại thu hút quá nhiều sự quan tâm, hơn một nghìn tin nhắn trong hộp thư.
Có người còn tình nguyện làm miễn phí, chỉ để giải tỏa áp lực và cam kết gọi lúc nào là "hành sự" lúc đó.
Bài viết này khiến tôi nhận ra… thế giới của những "cao nhân" thật sự không phải thứ mà một người phàm tục như tôi có thể hiểu hết được.
Tôi vẫn còn quá non và xanh.
Sau đó, tôi tạm thời không về nhà mà qua ở nhờ nhà bạn thân.
Mỗi ngày, chỉ cần mở camera giám sát là lại thấy có người chạy đến cửa nhà 501… đi nặng.
Không phải kiểu đi xong từ nhà rồi mang tới để lại. Mà là cởi quần, ngồi xuống xử lý ngay tại chỗ.
Một đêm nọ, Lý Huệ vừa mở cửa thì đụng ngay một người đàn ông đang “hành sự” trước cửa nhà chị ta.
Chị ta sợ hãi tới chec sững.
Trước tiếng hét chói tai của chị ta, vị "cao nhân" kia chỉ bình tĩnh lau mông rồi thả giấy vệ sinh ngay trước cửa nhà 501, nhàn nhã nói: “Xin lỗi nhé, tự nhiên buồn quá tôi nhịn không nổi.”
Lý Huệ gào rú như phát điên, lập tức báo cảnh sát.
Đối mặt với cảnh sát, vị "cao nhân" vô cùng điềm tĩnh đáp lại một câu đầy triết lý: “Đi nặng phạm pháp à? Cửa nhà 502 cũng có phân đấy, sao họ đi được mà tôi lại không?”
Tôi ngồi xem camera, cười suýt sặc.
Cao nhân như thế này, tôi nhất định phải tăng lương cho anh ta.
Cảnh sát cuối cùng cũng nhận ra, đây là cuộc chiến giữa hai nhà là 501 và 502.
Ban quản lý tòa nhà có thể làm chứng: Chính 501 là người bắt đầu trò này trước.
Họ còn cảm thán: “Chủ nhà 502 bị ép đến mức phải bỏ nhà đi cũng thảm quá rồi.”
Cảnh sát quở trách nhà 501 một trận ra trò, rồi nhắc nhở vị "cao nhân" vài câu cho có lệ sau đó rời đi.
Lý Huệ không chiếm được lợi, ấm ức đến phát điên. Nhưng ngày hôm sau, vị "cao nhân" kia lại tiếp tục ghé thăm.
Lý Huệ tiếp tục báo cảnh sát. Lần này, cảnh sát đến chỉ để ký giấy cho có lệ rồi đi luôn.
Mùi thối nồng nặc đến mức cảnh sát cũng không muốn vào, cộng thêm luồng khí nóng từ cục nóng điều hòa phả thẳng vào.
Đúng nghĩa của câu địa ngục trần gian.
Thậm chí, mấy cô lao công trong tòa nhà cũng thà bị trừ lương chứ không ai chịu lên dọn dẹp.
Vậy nên, chỉ còn cách… Lý Huệ và mẹ chồng bịt mũi tự mình dọn.
Từ camera, tôi thấy mỗi lần dọn dẹp mẹ chồng chị ta đều mắng té tát:
“Mày nói xem, mày có bị rảnh quá không? Vừa dọn vào đã muốn ra oai ép người ta tháo điều hòa. Giờ thì hay rồi nhé, cục nóng phả thẳng vào cửa nhà mình! Tao bị cái luồng gió này thổi đến suýt nhồi máu cơ tim rồi đấy!”
“Nói cái gì mà bảo thằng nhỏ đi bậy trước cửa nhà nó thì con bé sẽ phải tháo điều hòa, còn bồi thường cả đống giày dép đã mất! Kết quả thì sao? Nó kéo cả một đám người đến đi ngoài trước cửa nhà mình, bây giờ ngày nào tao cũng phải dọn phân đến thời gian đi nhặt giấy vụn cũng không có nữa!”
Ngay cả chồng của Lý Huệ cũng bực bội:
“Ra oai thì chẳng ra được, mà lại chuốc lấy cả đống bực tức! Khó khăn lắm mới mua được căn nhà trong thành phố, thế mà cô lại gây ra cái đống lộn xộn này cho tôi! Đồ xui xẻo!”
Lý Huệ ấm ức muốn khóc, rõ ràng ban đầu cả nhà đều đồng ý lập uy bằng cách xử lý con nhỏ độc thân đối diện… Bây giờ mọi lỗi lầm lại đổ lên đầu chị ta.
Cả tòa nhà đã biết hết những trò bẩn thỉu nhà họ làm với tôi. Vì thế, mỗi lần nhìn thấy họ ai cũng chỉ trỏ bàn tán đầy vẻ hả hê.
Chưa đầy nửa tháng, Lý Huệ không chịu nổi nữa mà gọi điện cho tôi. Nói với giọng yếu ớt cầu hòa: “Tiểu Tiết à, trước đây con tôi không hiểu chuyện. Mong cô rộng lượng đừng chấp nhặt với trẻ con. Sau này tôi cam đoan sẽ không để Tiểu Bảo đi bậy trước cửa nhà cô nữa, cô cũng đừng cho người đến nhà tôi làm chuyện đó nữa được không?”
Hãy là người bình luận đầu tiên
Nguyệt Truyện hoan nghênh các tác giả, dịch giả, nhóm dịch và các fanpage đăng truyện lên website của chúng tôi. Mọi chi tiết về nhuận bút, kiếm tiền và các thỏa thuận khác vui lòng nhắn tin trực tiếp đếnfanpage Facebook Nguyệt Truyệnhoặc email nguyettruyennet@gmail.com