Vũ Ân cúi chào ba tôi rồi bỏ đi lên căn gác mà tôi luôn khao khát được ở một lần.
“Con không có chuyện gì để nói với ba hết.”
Tôi vừa dợm chân thì giọng nói của ba khiến tôi dừng hẳn.
“Đứng lại.” Ba bước lại gần tôi, lần này giọng ông nhỏ nhẹ hơn. “Thiên Lam, con không thể sống hòa thuận với họ được sao? Cứ phải nhứ thế này con chịu được à?”
“Ba muốn con sống hòa thuận, tử tế với những kẻ không phải ruột thịt của mình? Con xin lỗi, con không làm được.”
“Rồi dần dần con sẽ quen thôi. Ba làm tất cả cũng chỉ vì con.”
“Ba lúc nào cũng nói như thế, nhưng ba biết con cần gì không? Sau khi mẹ qua đời, ba bỏ mặc con, đi làm từ sáng sớm đến tận tối mịt.” Giọng tôi bắt đầu nghẹn lại. Nước mắt ứa ra. “Con có ra sao, ba cũng mặc kệ. Đó mà là vì con sao? Mẹ mất chưa được bao lâu, ba lại dắt người phụ nữ khác về nhà. Ba có nghĩ đến cảm giác của con không? Đang yên đang lành, tự dưng ba bắt con gọi bà ta là mẹ. Ba à, hai chúng ta không thể sống với nhau được sao, nhất định phải có người khác xen vào hả ba?”
Tôi òa lên khóc và nhận được cái xoa đầu âu yếm từ ba. Ông ôm tôi vào lòng. “Ba xin lỗi con gái. Ba vô tâm quá, chỉ tại lúc đó ba quá đau lòng cho cái chết bất ngờ của mẹ con.”
Tôi ngước nhìn ông bằng đôi mắt đỏ hoe. “Ba còn thương mẹ đúng không ba? Con biết mà. Vậy ba đuổi hai người kia đi đi.”
Tôi nói đến đây, ba thay đổi nét mặt. “Ba nói nãy giờ con vẫn không hiểu sao? Con còn nhỏ, cần phải có người chăm sóc mà ba thì không thể...”
Tôi cắt ngang, xô ba ra. “Con không cần. Con không cần ai hết, con có thể tự chăm sóc bản thân.”
Nói đi nói lại, ba vẫn cố thuyết phục tôi gọi bà Mỹ Huệ là mẹ, chấp nhận bà là người mẹ thứ hai của tôi. Nhưng phải làm sao đây, tình thương của tôi chỉ dành cho người mẹ quá cố của tôi mà thôi.
***
Tôi ngồi dưới góc cây rẻ quạt, ngắm hoàng hôn buông ở đằng xa. Một lát sau, Thanh Hoài đến, ngồi cạnh tôi.
“Sao tự dưng lại hẹn anh ra đây?” Thanh Hoài hỏi, tay nghịch mấy chiếc lá khô héo.
“Không có có gì, chỉ muốn nói chuyện với anh thôi.” Tôi đáp hờ hững.
“Nhà ở sát bên, sao không qua nói chuyện mà phải hẹn ra tận đây?”
“Em không thích khi có mấy người đó trong nhà.”
“Ai? Mẹ kế và anh trai em?”
Tôi lập tức quay qua, phản ứng mạnh. “Không phải. Em sẽ không bao giờ chấp nhận họ là thành viên trong gia đình mình.”
“Tại sao? Dì Mỹ Huệ đối xử rất tệ với em sao?” Thanh Hoài nhìn tôi lom lom.
Tôi tránh cái nhìn của anh. Mặc dù người mẹ mới thực sự tốt bụng và quan tâm đến tôi nhưng tôi vẫn cảm thấy khó để thừa nhận bà và con trai bà ấy là một phần của gia đình mình.
“Chỉ là em không muốn, em không muốn ai thay thế mẹ em. Nếu là anh, anh sẽ làm sao?” Giọng tôi gần như thì thầm.
“Có thể bây giờ em thấy thật khó để chấp nhận nhưng lâu dần rồi em sẽ quen thôi. Nếu là anh, anh sẽ cho bà ấy một cơ hội để làm mẹ mình, anh sẽ cho bản thân một cơ hội để được gọi tiếng mẹ thêm lần nữa.”
Tôi thừ người khi nghe mấy lời đó.
Thanh Hoài tiếp tục. “Thiên Lam, dì Mỹ Huệ thật sự rất tốt đấy. Dì ấy nấu ăn rất ngon. Hôm qua dì có nấu chè đậu đỏ đem sang nhà anh. Anh ăn thử và thấy ngon thật.”
Bà Mỹ Huệ dĩ nhiên cũng có để cho tôi một phần nhưng tôi không ăn. Qua ngày hôm sau, nó bị thiu và tôi đem đi đổ.
“Bây giờ anh đứng về phe bà ta, bỏ rơi em?” Tôi cáu gắt.
“Không có. Anh không có chia bè chia phái gì cả. Anh chỉ nói những gì anh cho là đúng. Cho dù em có buồn bã, nhớ nhung mãi thì mẹ em cũng không thể nào sống lại. Điều quan trọng là em phải tìm cách vượt qua để bước về phía trước chứ không phải ngoái đầu nhìn mãi về quá khứ.”
Mặc dù anh nói có lý nhưng tôi vẫn cố chấp. Tôi đánh trống lảng. “Em hẹn anh ra đây không phải để nói mấy chuyện này đâu.”
“Thế em muốn nói gì?”
Gần đây, vì chuyện gia đình rồi bị ba mắng nên tôi cảm thấy bực bội, tủi thân. Tôi chỉ muốn ở bên Thanh Hoài. Ở bên cạnh anh, lòng tôi luôn bình yên.
Nhưng tôi không nói ra điều thầm kín đó. Tôi tìm một cái cớ để trả lời cho câu hỏi của anh. Nhìn thấy bên kia đường có xe bán kẹo bông gòn, tôi lay tay anh. “Em muốn ăn kẹo.”
“Được thôi.” Thanh Hoài đứng lên, chạy sang bên kia đường. Tôi chạy theo.
Anh mua hai cây, tôi một cây, anh một cây. Đây là món ăn khoái khẩu nhất của tôi. Còn nhớ hồi nhỏ vì chạy theo xe bán kẹo bông gòn mà tôi đã vấp té, trầy xước hết cả đầu gối. Lúc đó Thanh Hoài vẫn chưa chuyển đến khu phố tôi sống nhưng những chuyện thời thơ ấu, tôi luôn kể cho anh nghe. Anh bảo tôi là đứa trẻ nghịch ngợm.
Chúng tôi vừa ăn kẹo vừa đi, trò chuyện râm ran. Quầy bán sữa đậu nành nhỏ ven đường toả ra hơi nóng hổi.
Đột nhiên Thanh Hoài dừng lại bên ngoài cửa hàng băng đĩa cổ điển, quay sang hỏi tôi. “Em đã nghe nhạc bằng đĩa than bao giờ chưa?”
Tôi lắc đầu.
“Mặc dù thời đại bây giờ công nghệ lên ngôi, người ta chỉ toàn nghe nhạc điện tử thôi, ít ai còn có sở thích hoài cổ này nhưng mà phải thừa nhận một điều nghe nhạc bằng đĩa than rất cuốn hút và thú vị. Vào đi.”
Chúng tôi bước vào bên trong. Chủ cửa hàng là một người đàn ông tuổi trung niên có gương mặt phúc hậu, đón khách lúc nào cũng niềm nở. Đằng sau các kệ đựng băng đĩa là một chiếc bàn và bốn chiếc ghế mây. Trên bàn có đặt một chiếc đĩa than. Đây là khu vực dành cho những ai thích nghe nhạc bằng đĩa than. Thanh Hoài xin phép chủ cửa hàng cho mình nghe một chút. Chúng tôi ngồi bên nhau lắng nghe những nốt nhạc phát ra từ chiếc đĩa than cũ xưa. Mặc dù tôi chẳng hiểu lời bài hát nói gì vì đều là nhạc ngoại nhưng tôi vẫn cảm thấy nghe nhạc bằng đĩa than có gì đó hay hay, nhất là khi được nghe cùng với người mà minh cảm mến.
Thanh Hoài nhắm mắt, chìm vào trong thế giới của những bản nhạc xa xưa. Tôi chống cằm trộm nhìn anh. Chiếc đồng hồ treo trên tường gõ từng tiếng tích tắc. Khi ngẩng đầu, tôi mới hay đèn đường đã bật lên từ lúc nào. Chúng tôi ra về.
Không cần biết ngày mai ra sao, không sợ phiền não, ngày hôm nay đã thật vui và chính tôi cũng không biết rằng những ngày vui ấy lại ít ỏi đến thế.
***
Ba tôi nộp hồ sơ của Vũ Ân vào trường mà Thanh Hoài đang theo học. Tình cờ học chung lớp với Thanh Hoài và trở thành bạn cùng bàn với Thanh Hoài. Mặc dù đó là người tôi không ưa nổi nhưng tôi phải thừa nhận Vũ Ân học giỏi đều các môn, dù là các môn tự nhiên hay các môn xã hội. Hiệu trưởng lần đầu nhìn vào học bạ cấp hai và đạo đức tốt của anh liền đồng ý ngay tắp lự.
Thanh Hoài và Vũ Ân, hai chàng trai giỏi giang đã “khuấy động” cả trường, kẻ nhất người nhì trong Top, là hoàng tử trong mộng của nhiều cô gái. Đối với tôi, Thanh Hoài mới là nổi bật nhất còn ai kia chỉ là kẻ quê mùa. Ừ thì khuôn mặt cũng tàm tạm, có điểm nào gọi là “lung linh lấp lánh” đâu chứ vậy mà mỗi lần tôi sang trường đều thấy đám nữ sinh vậy quanh Vũ Ân còn tặng sô cô la với cả hoa hồng. Tôi không quan tâm. Trong lòng tôi, Thanh Hoài luôn đứng ở vị trí số một, là “mỹ cảnh” nhân gian tôi ngắm mãi không chán.
Vì nhà tôi chỉ có một chiếc xe đạp nên ba giao nó cho Vũ Ân, bảo anh đèo tôi đến trường mỗi ngày. Bề ngoài, tôi miễn cưỡng đồng ý nhưng khi ra khỏi nhà, tôi nhảy phóc lên yên sau của xe Thanh Hoài. Suốt dọc đường, chúng tôi tíu tít chuyện trò, xem ai kia như không tồn tại vẫn đang đạp theo phía sau.
Nếu không vì ba, có lẽ tôi sẽ sống hòa bình với Vũ Ân, sẽ thôi “gây chiến” với hai mẹ con họ.
Trong bữa trưa, ba tôi chợt nói. “Thiên Lam, con nhìn thành tích của Vũ Ân xem, môn nào cũng đạt điểm mười kể cả môn Văn. Hãy noi gương anh mà học hỏi. Dạo này ba thấy con tụt hạng đấy.”
Tôi muốn ăn ngon miệng và trọn vẹn bữa cơm này nhưng khi nghe ba nói vậy, tôi không nhịn được. “Tại sao ba lại so sánh con với anh ta? Anh ta là gì của con chứ? Ba bảo con gọi người lạ là anh trai đã đành giờ ba lại muốn con noi gương anh ta? Con không thích.”
“Đáng lẽ ra khi nghe ba nói vậy, con phải nỗ lực hơn nữa để theo kịp anh đằng này con còn cãi lại.”
“Con sẽ nỗ lực nếu như ba không đem con ra so sánh với người khác. Ba biết con ghét điều đó mà.”
Tôi không muốn cãi nhau với ba nhưng có điều gì trong tôi buộc tôi phải làm như vậy.
“Ba cứ nghĩ thời gian qua con đã thay đổi nào ngờ con vẫn chưng nào tật nấy.”
“Ba thất vọng lắm sao?” Tôi chỉ vào Vũ Ân đang cúi mặt. “Phải rồi, tên này mới là con ruột của ba còn con chỉ là con ghẻ con nuôi thôi chứ gì. Ba hết thương con rồi, ba chỉ quan tâm đến người dưng thôi.”
Ba tôi đập mạnh tay xuống bàn. “Con dám nói với ba bằng giọng điệu đó sao?” Ông đứng lên, có lẽ định cho tôi một trận thì bà Mỹ Huệ và con trai bà đứng lên, mỗi người giữ lấy một cánh tay của ông, lần lượt nói.
“Ba, ba bình tĩnh đi.”
“Phải đó, con nó còn nhỏ không hiểu chuyện, ông đừng tức giận.”
Giả tạo. Tôi lầm bầm trong cổ họng. Nhìn cảnh tượng đó mà tôi tức điên lên. Lúc nào cũng làm ra vẻ tử tế, cao thượng để mình tôi chịu trận. Tôi dằn mạnh đôi đũa xuống bàn, bỏ về phòng, trút giận lên con cá heo bằng bông. Tôi nhớ mẹ. Đưa mắt nhìn bức ảnh để ở đầu bàn cạnh giường, tôi khóc thút thít. Nếu mẹ con sống, chắc chắn mẹ sẽ bênh tôi, sẽ không để ba mắng tôi, sẽ không để những người kia bắt nạt tôi.
Tôi ôm bức ảnh của mẹ, ngủ thiếp đi. Lúc tôi tỉnh dậy thì ánh nắng bên ngoài ô cửa đã nhạt dần. Hoàng hôn cháy đỏ nơi cuối trời xa. Từng mảng mây xám nặng trĩu như sà xuống sát mặt đất.
Tôi bước ra khỏi phòng. Nhà cửa vắng hoe. Tôi định vào bếp lấy nước uống nhưng khi đi ngang qua căn gác, tôi dừng lại, ngước cổ lên. Không thấy Vũ Ân ở trên đó. Nghĩ ngợi một hồi, tôi rón rén bước lên cầu thang bằng gỗ. Đây là nhà của tôi, sao tôi lại phải lén lút như tên trộm thế nhỉ?
Lên đến nơi, tôi nhìn xung quanh căn gác. Sạch sẽ, ngăn nắp chẳng bù cho căn phòng bừa bộn của tôi. Nhìn thấy bài kiểm tra điểm mười đỏ chót, đẹp đẽ nằm trên bàn, tôi bước lại. Cơn giận vẫn chưa nguôi, sẵn có cây bút bên cạnh, tôi cầm lấy vẽ bậy lên bài kiểm tra của Vũ Ân cho bỏ ghét. Vẽ xong, tôi cười hả hê.
Hãy là người bình luận đầu tiên
Nguyệt Truyện hoan nghênh các tác giả, dịch giả, nhóm dịch và các fanpage đăng truyện lên website của chúng tôi. Mọi chi tiết về nhuận bút, kiếm tiền và các thỏa thuận khác vui lòng nhắn tin trực tiếp đếnfanpage Facebook Nguyệt Truyệnhoặc email nguyettruyennet@gmail.com