Nắm chặt tay em, theo đuổi mộng đẹp

[9/12]: Quyển 1: Yêu đi rồi ngày sau chia ly_Chương 9

Tôi mở cửa. Điều đầu tiên tôi nhìn thấy là chiếc giường trống trơn. Tôi đưa mắt nhìn chung quanh, Vũ Ân đang run rẩy trong góc phòng. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy anh yếu đuối như thế. Thời gian qua, anh luôn tỏ ra mình là đứa con hiếu thảo, một người anh có trách nhiệm. Dù tôi có làm gì sai hay tôi nổi quạu với anh, anh cũng không trách, không giận. Dường như anh chưa một lần nặng lời với tôi. Anh luôn bênh vực tôi mỗi khi tôi bị ba la mắng. Ban đầu tôi cứ nghĩ anh và mẹ mình sống nhờ vào gia đình tôi nên anh mới tỏ ra biết điều như thế nhưng sự thật không phải vậy. Đó là tính cách của anh, một người có trái tim ấm áp, đối xử chan hòa với những người khác.

"Anh à..." Do dự một chút, tôi bước lại gần Vũ Ân.

Khi nghe thấy giọng nói của tôi phá vỡ sự im lặng trong phòng, Vũ Ân nhìn lên.

Trái tim tôi dâng trào khi nhận ra đôi mắt anh từng luôn lấp lánh, giờ đã mất đi sự sống động của nó. Đôi mắt sâu thẳm trông đờ đẫn và chứa đầy nỗi đau đớn tuyệt vọng.

Tôi bước lại gần anh hơn. Tôi không biết phải nói gì, tôi vẫn còn đang vô cùng bàng hoàng về tất cả những gì vừa xảy ra trong nháy mắt. Thực tế mà tôi phải chấp nhận ngay lúc này thật khó nuốt trôi.

Tôi hiểu cảm giác mất đi người thân là như thế nào. Trước lúc mẹ tôi qua đời, bà luôn dặn tôi không được khóc.

Mẹ có thể rời khỏi thế giới này nhưng hãy nhớ rằng mẹ vẫn sẽ sống mãi trong trái tim con.

Những lời nói đó của mẹ khiến tôi cảm thấy không cần phải khóc quá nhiều vì mất mát, không giống như người sẽ quay trở lại ngay cả khi tôi khóc đến cạn nước mắt.

Khi tôi bước đến ngồi cạnh Vũ Ân thì anh đứng dậy, vụt chạy ra khỏi phòng. Tôi chạy theo. Đến phòng của bà Mỹ Huệ, tôi thấy anh đẩy cửa, chậm rãi bước vào. Vũ Ân giở mảnh vải trắng trên đầu mẹ mình ra, hai chân khuỵu xuống.

Tôi không nghe thấy tiếng anh khóc, chỉ thấy vai anh run lên bần bật, đầu cúi gằm, hai tay siết lại. Anh biết mình là đàn ông con trai nên không thể òa lên khóc, ngay khi mẹ mất đi cũng chỉ có thể giấu kín nỗi đau trong tim. Nhưng tôi hiểu anh đang cảm thấy gì vào lúc này vì trái tim tôi cũng đau đớn giống như anh và trĩu nặng nỗi sầu.

***

Thời gian trôi qua như nước chảy. Sau tang lễ của ba và mẹ kế, một vài người họ hàng của tôi đề nghị chúng tôi tới nhà cô Út sống - đó là cô ruột của tôi. Dù thì tôi và Vũ Ân vẫn là trẻ vị thành niên, vẫn cần bàn tay săn sóc của người lớn. Nhà cô Út tôi ở trong thị trấn, đi xe buýt chừng khoảng hai mươi phút là tới. Còn nhà ngoại thì ở khá xa, lúc mẹ tôi mất, họ chỉ có thể gọi điện hỏi thăm chứ không tới tận nơi để viếng.

Khi tôi đề nghị điều đó với Vũ Ân, anh lắc đầu, bảo. “Em đi đi. Anh sẽ ở đây, lo nhang khói cho ba mẹ. Anh sẽ dùng tiền tiết kiệm mà ba để lại và tiền bảo hiểm tử vong để trang trải học phí, nếu thiếu thì vừa học vừa làm, bất quá thì nghỉ học.” Anh nói với giọng điệu bất cần.

“Anh nói thế mà nghe được hả? Anh có biết trước lúc mẹ anh mất đã nói gì với em không? Nghỉ học rồi thì anh làm gì? Đây là cách anh trả hiếu cho mẹ anh sao?” Tôi bực bội khi nghe Vũ Ân có ý định nghỉ học.

Vũ Ân cúi mặt, lầm lì không nói.

Ba của Thanh Hoài chen ngang. “Chú nghĩ cháu nên đi cùng Thiên Lam đến nhà cô của con bé, sống ở đó một thời gian đợi đến khi tốt nghiệp rồi hẵng tính. Chứ cháu sống một mình khó lắm, ai lo cơm nước rồi còn những lúc ốm đau nữa. Chú biết cháu là người bản lĩnh, kiên cường nhưng có người lớn bên cạnh sẽ tốt hơn cháu à.”

Thanh Hoài vỗ vai Vũ Ân. “Ba tôi nói đúng đó. Gì thì gì, việc học nên ưu tiên hàng đầu. Việc này cậu hiểu rõ nhất mà. Là học sinh ưu tú mà lại có suy nghĩ nghỉ học, tôi xem thường cậu đấy.”

Sau khi được nhiều người thuyết phục, Vũ Ân cuối cùng cũng xiêu lòng, đồng ý đi cùng tôi đến nhà cô Út.

Buổi tối, tôi thu dọn đồ đạc xong bước ra ngoài hàng hiên, ngồi ở bậc thềm. Vẫn là Thanh Hoài ở cạnh tôi, như năm ấy tôi đau đớn vì mất mẹ. Thị trấn say giấc nồng. Ánh trăng soi sáng tỏ, in bóng xuống khoảnh sân trước hiên.

“Tại sao mọi người đều bỏ em mà đi? Em rất sợ khi phải chứng kiến thêm ai đó ra đi nữa.” Tôi không khóc nhưng nghẹn lời. Thà không gặp lại nhau mà biết rằng đối phương vẫn sống tốt ở đâu đó trên thế gian này còn hơn là phải âm dương cách biệt.

“Giờ đây, ba và hai mẹ của em đang ở trên trời cao, dõi theo từng bước chân em đi cho nên em đừng quá buồn bã. Tất cả những gì em làm là sống thật tốt để họ an nghỉ nơi chín suối.” Thanh Hoài siết nhẹ vai tôi.

Tôi mím môi. “Em đi rồi không biết sau này chúng ta có còn gặp nhau nữa không?”

“Em nói cứ như là em đi nước ngoài không bằng. Chẳng phải nhà cô Út của em chỉ cách mấy cây số thôi sao. Nếu muốn em có thể về thăm anh bất cứ lúc nào hoặc có thời gian anh sẽ bắt xe buýt đi thăm em.”

“Phải ha. Em quên mất.” Tôi cố nở nụ cười.

Một cái bóng xuất hiện sau lưng chúng tôi. Thanh Hoài quay lại, nói. “Vũ Ân, lại đây ngồi cùng đi.”

Vũ Ân bước lại, ngồi cạnh tôi.

Ánh trăng thả những chùm sáng bàng bạc xuống con đường vắng tênh. Bầu trời lấp lánh ánh sao tô điểm cho bóng tôi thêm phần sáng ngời.

“Sau này sẽ có rất ít khoảnh khắc ba chúng ta ngồi bên nhau ngắm sao như thế này.” Thanh Hoài nói, nhìn lên trời rồi quay sang tôi. “Hai người có điều gì muốn nói không?”

“Chỉ cần đừng quên lời hẹn của chúng ta, nhất định phải trở thành những người mang dáng vẻ tuyệt nhất, cho dù có thất bại cũng phải thất bại cho thật rực rỡ.” Tôi nháy mắt với Thanh Hoài.

“Sao em không nói gì với Vũ Ân? Sao lại bơ cậu ấy?”

Câu hỏi của Thanh Hoài làm tôi khựng lại. Thành thật mà nói, giữa tôi và Vũ Ân không có quá nhiều cuộc trò chuyện, trò chuyện riêng tư như tôi với Thanh Hoài lại càng không. Vì tôi không biết phải nói gì với anh nhưng hôm nay đã khác.

Tôi quay sang Vũ Ân, hỏi. “Sau khi tốt nghiệp, anh tính thi vào trường gì?”

“Học viện cảnh sát.” Vũ Ân đáp nhanh. “Còn em?”

Tôi chưa kịp lên tiếng thì Thanh Hoài đã nhanh miệng. “Cậu đừng hỏi em ấy, nó còn chẳng biết nữa là.”

Tôi chu môi. “Ai nói em không biết. Chẳng qua chỉ là… chỉ là em tạm thời chưa nghĩ tới mà thôi.”

Chúng tôi nói chuyện cho đến tận khuya khi bóng trăng và các vì sao ngủ vùi trong mây.

***

Sáng hôm sau, Thanh Hoài tiễn chúng tôi ra trạm xe buýt. Trong lúc đợi xe, anh nói. “Từ giờ về sau chỉ còn có hai anh em, Thiên Lam, em đừng có mà bắt nạt Vũ Ân nữa đấy. Đối với người trong nhà lúc nào cũng to tiếng còn với người ngoài thì nhát như thỏ. Đúng là khôn nhà dại chợ.”

“Anh cứ phải nhắc đến chuyện đó mới chịu được sao?” Tôi cáu gắt rồi lầm bầm. “Em không thèm bắt nạt người bạn yêu quý của anh đâu.”

Thanh Hoài chỉ cười. “Không đúng à?” Anh quàng tay lên vai Vũ Ân. “Anh giao người huynh đệ tốt của anh cho em chăm sóc, đừng có ăn hiếp cậu ấy nữa.”

Vũ Ân dùng khuỷu tay đấm vào ngực Thanh Hoài. “Còn chưa biết ai chăm sóc cho ai. Cô ấy đừng nổi loạn như ngày đó là tôi đã biết ơn lắm rồi.”

Tôi định ngoác miệng cãi thì nụ cười của Thanh Hoài như chiếc tủ kê vào miệng tôi.

“Cậu mới đến đây không bao lâu giờ phải đi nơi khác sống, cậu sẽ ổn chứ?” Thanh Hoài hỏi bạn mình một cách nghiêm túc.

“Lo cho tôi à?” Vũ Ân liếc nhìn.

“Chỉ sợ cậu không thích nghi được với môi trường mới.”

“Yên tâm đi. Lúc trước tôi cùng mẹ rày đây mai đó quen rồi, những chuyện này không làm khó được tôi đâu.”

Tôi chớp mắt nhìn Vũ Ân khi nghe câu nói đó. Anh ấy nói thế là có ý gì nhỉ? Tôi chưa kịp nói gì thì Thanh Hoài đã cất tiếng.

“Tuổi thơ cậu cơ cực lắm à?”

Vũ Ân im lặng, có vẻ như không muốn nói.

Tôi tát nhẹ vào vai Thanh Hoài. “Sao anh lại tọc mạch vào chuyện người khác chứ?”

“Đây không phải là tọc mạch mà là quan tâm. Hơn nữa cậu ấy đâu phải là người khác. Là em gái mà không quan tâm đến anh trai gì hết trơn.” Thanh Hoài trách nhẹ.

Tôi ngó lơ. Từ lúc Vũ Ân “giải cứu” tôi khỏi nhóm bắt nạt, tôi đã nhìn anh bằng ánh mắt khác nhưng không nói ra vì tôi không quen thể hiện cảm xúc yêu thương trước mặt người khác. Bây giờ nếu nói rằng tôi cũng quan tâm đến Vũ Ân, Thanh Hoài sẽ trêu chọc tôi mất.

Giữa lúc tình huống khó xử, may mà xe buýt tới đã “giải vây” giùm tôi. Tôi xốc ba lô lên vai, lên xe trước ngồi ở băng ghế cuối cùng, cạnh cửa sổ.

Vũ Ân vỗ vai Thanh Hoài. “Đi nhé. Giữ gìn sức khỏe.” Nói rồi anh leo lên xe, ngồi kế tôi.

Tôi nhoài người ra cửa sổ, nói với người ở lại. “Anh nhớ đến thăm em nha.”

“Biết rồi. Nhớ bảo trọng.” Thanh Hoài mỉm cười, vẫy tay.

Xe buýt từ từ lăn bánh. Tôi ngoảnh đầu ra sau, thấy anh vẫn đứng đo, đưa tay lên vẫy. Bóng anh cô độc trong ánh bình minh khiến mắt tôi cay cay. Chỉ mong sẽ không có lần chia ly nào nữa. Ít nhất, chúng tôi vẫn ở cùng thị trấn, nếu nhớ quá thì bắt xe buýt đi thăm nhau. Nghĩ vậy, tôi không buồn nữa.

Vì là sáng sớm nên xe buýt vắng khách. Suốt chặng đường đi, chúng tôi không ai nói với ai tiếng nào. Đột nhiên, Vũ Ân mở khóa ba lô, lấy ra một gói xôi đậu phộng, đưa cho tôi. Chẳng biết anh mua từ khi nào.

“Em chưa ăn sáng phải không? Ăn đi.”

Tôi cầm lấy gói xôi. “Anh không ăn à?”

“Anh không đói.”

Tôi bóc một miếng xôi, bỏ vào miệng rồi chuyền sang cho Vũ Ân. “Ăn chung đi.” Tôi không thể ăn no nê một mình, bỏ mặc Vũ Ân nhịn đói. Mặc dù trong hoàn cảnh hiện tại cần phải tiết kiệm từng đồng nhưng tôi cũng không phải là kẻ ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân.

Mẹ tôi từng nói: Chia sẻ những điều tích cực trong lúc gặp khó khăn, dù là một tấm áo hay một chai nước, điều đó cũng giống như bước đi trong ánh sáng, dập tắt bóng tối và bi kịch để mang lại nhiều hạnh phúc hơn.

Vũ Ân nhìn tôi rồi ăn xôi một cách vui vẻ. Khi chúng tôi ăn hết gói xôi thì cũng vừa lúc đến nhà cô Út. Tôi đẩy cánh cổng rào nhà cô qua một bên và bước vào. Vũ Ân theo sau.

“Cô ơi, con tới rồi.” Tôi đứng giữa nhà, gọi lớn.

Một lát sau cô Út từ trong phòng ngủ, vừa búi tóc vừa đi ra. Khuôn mặt vui vẻ lập tức biến mất khi nhìn người phía sau tôi. “Ai đây?”

“Anh ấy tên là Vũ Ân, con trai của mẹ kế của con. Ba con từng kể cho cô nghe chuyện này rồi mà.” Tôi giới thiệu.

Cô Út vỗ trán. “À, cô nhớ rồi. Chỉ là cô không có ấn tượng với những người không cùng huyết thống với chúng ta.” Cô bước lại ghế, ngồi xuống rót một cốc trà.

Bình luận (0)
Đăng ký tài khoản (5s xong)

Hãy là người bình luận đầu tiên