5
Về đến nhà, bà nội đã nấu một nồi sườn lớn đúng ý mẹ tôi. Mẹ tôi bị ép nhịn ăn một tuần liền nên bây giờ mở bụng ra ăn, một mình xử hết hơn nửa nồi.
Tôi nhìn thấy sắc mặt của bà nội thay đổi, lập tức cất giọng khen ngợi:
“Em trai thật là giỏi, chắc bây giờ đã đến giai đoạn phát triển mạnh rồi đấy, mẹ ăn nhiều một chút, em trai con sẽ hấp thụ càng tốt hơn nữa!”
Nghe vậy, bà nội liền nở nụ cười hài lòng:
“Đúng đúng, muốn ăn gì ngày mai bà lại làm cho cháu trai của bà ăn nhé. Cháu trai bảo bối của bà ơi, phải lớn thật khỏe mạnh nhé!”
Mẹ tôi nhân cơ hội nói thêm:
“Mẹ, ngày mai con muốn ăn thịt kho tàu, phải loại thật béo đấy ạ!”
Bà nội liền đồng ý ngay lập tức. Tôi nhìn mẹ tôi ăn đến nỗi dầu mỡ dính đầy miệng mà không ngăn cản. Ở kiếp này, đứa em trai trong bụng bà ấy chắc chắn sẽ khiến bà nội và mẹ tôi đều được “như ý nguyện.”
Một người bị chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ, điều cần làm nhất là nghiêm khắc kiểm soát chế độ ăn uống. Nếu phớt lờ không quan tâm, đứa trẻ trong bụng không chỉ có nguy cơ trở thành một “đứa trẻ khổng lồ” với ngoại hình bất thường, mà thậm chí sự phát triển thần kinh não bộ cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Vậy nên chế độ ăn uống toàn dầu mỡ của mẹ tôi hiện giờ chính là thứ mà bệnh nhân tiểu đường thai kỳ phải kiêng kỵ nhất.
Cứ như thế, mẹ tiếp tục “bồi bổ” trong suốt hai tháng liền, và cân nặng từ 70kg vọt lên 100kg. Mỗi lần bà nội giục mẹ tôi vận động nhiều hơn để dễ sinh, tôi lại bày cách cho mẹ tôi lừa bà nội để trốn tập luyện. Cái vòng luẩn quẩn ấy khiến mẹ tôi càng ngày càng béo lên.
Một tuần trước ngày tôi nhập học, tôi trở về nhà thì phát hiện mẹ tôi vừa nôn xong. Mẹ tôi vừa lau miệng vừa nài nỉ bà nội:
“Chúng ta đến bệnh viện kiểm tra đi mẹ, con đột nhiên nôn như thế này có phải bị bệnh rồi không mẹ?”
Bà nội trợn mắt, hờ hững nói:
“Theo ý mẹ thì tốt nhất con ở lì trong bệnh viện luôn đi. Sao mà con tin bệnh viện đến thế nhỉ?”
“Ba tháng đầu con cũng nôn nghén suốt đó thôi? Giờ mấy tháng sau nôn thì có gì lạ đâu chứ? Đây là cháu trai của mẹ nghịch ngợm, đang đùa giỡn với con thôi!”
Mẹ tôi nôn đến xanh xao, nhưng vẫn không từ bỏ mà tiếp tục hỏi:
“Thế con thường xuyên hay đi vệ sinh, lại còn ngứa bụng nữa, là sao đây hả mẹ?”
Bà nội ngập ngừng không nói nên lời, tôi liền lên tiếng:
“Mẹ, mẹ cũng nên dành thời gian mà tìm hiểu kiến thức mang thai một chút đi chứ. Giai đoạn sau này tử cung to lên, chèn ép vào bàng quang thì chắc chắn sẽ dẫn đến hay đi vệ sinh mà. Còn ngứa bụng là vì em trai phát triển quá tốt, làm da bụng mẹ căng ra chịu không nổi nên mới ngứa đấy. Điều này chứng tỏ em phát triển rất khỏe mạnh đó mẹ.”
Nói xong, tôi còn lấy điện thoại ra tìm thông tin liên quan để cho hai người cùng xem.
Bà nội gật gù rồi đưa cho mẹ tôi một miếng dưa hấu:
“Con ăn miếng dưa này đi cho mát miệng. Cháu trai của mẹ vẫn khỏe mạnh lắm. Nếu con còn dám nguyền rủa nó lần nữa, mẹ sẽ đuổi con ra ngoài đấy!”
Mẹ tôi buồn bã không nói gì, chỉ nhận miếng dưa rồi ăn lấy ăn để.
Hai người họ không hề hay biết rằng, tất cả những triệu chứng này đều là do bệnh tiểu đường thai kỳ gây ra. Từng triệu chứng đơn lẻ thì không sao, nhưng khi chúng kết hợp lại thì chính là dấu hiệu điển hình của chứng tiền sản giật.
Và chứng tiền sản giật chính là căn bệnh đáng sợ nhất trong giai đoạn cuối thai kỳ. Đứa cháu bảo bối của họ đang gặp nguy hiểm rồi!
6
Sáng hôm tôi chuẩn bị đi học, đúng lúc mẹ tôi dậy đi vệ sinh.
Bà loạng choạng vịn vào tay vịn ghế sô pha, nói:
“Ôi trời, sao đầu tôi lại choáng váng thế này!”
Tôi liếc nhìn vào bếp rồi hét to:
“Bà nội ơi, mẹ con bảo bị chóng mặt kìa!”
Nghe thấy tiếng tôi, bà nội vội vàng pha một bát nước đường rồi mang ra cho mẹ.
“An Hòa, mày làm gì mà hoảng hốt thế hả, suýt nữa làm em trai mày sợ rồi kìa. Để xem bà có tét cho mày một trận hay không. Trên mạng người ta có nói rồi, có một số bà bầu ở giai đoạn cuối sẽ bị hạ đường huyết dẫn đến chóng mặt, uống bát nước đường là ổn ngay thôi.”
Tôi nhanh chóng phụ họa:
“Bà nội nói đúng lắm. Mẹ, mẹ xem bà nội đối xử với mẹ tốt như thế kia, mẹ đừng cứ đòi đi bệnh viện mãi nữa, làm bà giận hoài.”
Mẹ tôi lập tức xoa bụng, gật đầu lia lịa:
“Được, từ nay mỗi sáng mẹ sẽ uống một bát nước đường theo lời bà con.”
Nói xong, mẹ tôi lại áy náy quay sang bà nội:
“Mẹ, trưa nay cháu trai của mẹ muốn ăn bánh bao nhân thịt chua, mẹ nhớ cho nhiều mỡ vào nhé, ăn mới ngon ạ.”
Bà nội được khen liền vui vẻ, vừa ngân nga vừa đi băm thịt:
“Con cái đúng là món nợ đời mà. Vì cháu trai của tôi, bảo làm thịt rồng tôi cũng làm!”
Nhìn cảnh bà cháu vui vẻ hòa thuận, tôi hài lòng lên đường đến trường.
Kiếp trước, khi mẹ tôi sinh em trai, tôi đã phải hủy bỏ một buổi hùng biện cực kỳ quan trọng để xin phép quay về nhà. Ai ngờ rằng, chuyến trở về đó tôi không thể quay lại được nữa. Nhưng lần này sẽ khác, tôi chỉ sống cho chính mình thôi.
Trong lúc tôi nghĩ cách tránh nghe điện thoại của gia đình để trốn thoát khỏi số phận, thì không biết bằng cách nào bà nội liên hệ được với giáo viên chủ nhiệm để liên lạc được với tôi.
7
“An Hòa, mày mau về đi! Mẹ mày đang cấp cứu rồi!”
Không còn cách nào khác, tôi đành vội vàng đến bệnh viện. Bà nội đang nắm chặt tay, đi đi lại lại trước cửa phòng phẫu thuật.
Miệng bà không ngừng thì thào:
“Đại Bảo à, cháu nhất định phải bình an đấy nhé!”
Tôi hỏi bà:
“Rốt cuộc là chuyện gì xảy ra vậy ạ? Sao tự dưng mẹ lại sinh non vậy?”
Bà nội ánh mắt lảng tránh, mấp máy môi:
“Bà cũng không biết nữa...”
Đúng lúc đó, bác sĩ bước ra với một xấp giấy tờ, yêu cầu người nhà ký tên. Nghe thấy lời bà nội, bác sĩ lập tức chen vào:
“Sản phụ không đi khám thai định kỳ đã đành, nhưng người nhà làm sao lại nói dối như thế được vậy?”
“Khi sản phụ được đưa đến thì cô ấy đã bất tỉnh rồi. Tôi hỏi huyết áp và đường huyết có cao không, bà cụ cứ khăng khăng bảo là bình thường hết.”
Tôi nhìn thoáng qua bà nội, không lên tiếng. Bà vì tiết kiệm tiền nên từ lâu đã không cho mẹ tôi đi khám thai rồi, những gì bà nói hoàn toàn là bịa đặt.
Quả nhiên, bác sĩ nói tiếp:
“Huyết áp khi nhập viện là 170/210 mmHg, đường huyết lên tới 21 mmol/L. Bất kỳ chỉ số nào trong số này cũng là cấp cứu rồi, huống chi nó lại xảy ra trên một sản phụ nữa! Nói dối ở bệnh viện là lấy mạng người ra để đùa đấy!”
Bà nội lúng túng nhưng vẫn không chịu thua, cãi lại:
“Nói gì mà lấy mạng chứ? Thời buổi bây giờ tôi chưa thấy ai sinh con mà ch//ết cả. Nếu các người không cứu được thì là do y thuật của các người không tốt thôi!”
Bác sĩ định giải thích, thì từ trong phòng phẫu thuật vang lên tiếng y tá gọi:
“Tình trạng của Tô Tú Viên không ổn rồi, cần phải cấp cứu ngay, bác sĩ Vương mau quay lại đi!”
Bác sĩ vừa chạy vào không được năm phút lại lao ra.
“Bà cụ, mau ký tên đi! Sản phụ hiện giờ bệnh tình rất nghiêm trọng, phải mổ lấy thai ngay, nếu không cả mẹ lẫn con đều gặp nguy hiểm cả.”
Bà nội lùi lại mấy bước, nói:
“Không được đâu, cháu trai của tôi dự sinh vào cuối tháng tám âm lịch, đó là ngày lành tháng tốt đấy. Tôi đã nhờ thầy bói xem cho giờ hoàng đạo rồi, bây giờ mà mổ thì hỏng hết vận mệnh của cháu tôi đấy!”
Nói xong, bà còn đẩy tờ giấy đồng ý phẩu thuật sang một bên.
Bác sĩ cuống đến mức mồ hôi đầm đìa, quay sang tôi cầu cứu:
“Cô bé, mau khuyên bà nội cháu ký tên đi! Mẹ cháu đang chờ chữ ký này để cứu mạng đấy!”
Nói xong, không đợi tôi trả lời, cô ấy lại hỏi:
“Cháu học đại học rồi đúng không? Chắc đã đủ tuổi thành niên rồi, hay là cháu ký giấy đi?”
Tôi lấy chứng minh thư ra, gượng cười:
“Bác sĩ ơi, cháu nhảy hai lớp ạ, còn mười ngày nữa mới đủ tuổi thành niên cơ!”
Bố mẹ tôi năm đó kết hôn còn chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Năm tôi sinh ra, họ vừa đủ tuổi để đăng ký, sau đó để tôi được nhập hộ khẩu và đi học bình thường, họ khai nhỏ tuổi tôi đi hai năm.
Thế nhưng mẹ tôi vì để tiết kiệm tiền, ngay từ khi tiểu học bà ấy đã bắt tôi nhảy lớp để học theo đúng tuổi thật, từ lớp một lên thẳng lớp ba. Vì vậy, dù tuổi thật của tôi đã mười chín, nhưng trên chứng minh thư tôi chỉ mới mười bảy thôi.
Thấy bác sĩ vẫn đứng đó chưa vào, một bác sĩ khác vội chạy ra:
“Sao giấy tờ vẫn chưa ký vậy? Nếu chậm thêm nữa thì cả mẹ lẫn con đều không giữ được đâu! Bệnh nhân bị sốc rồi!”
Nghe thấy bác sĩ nói đứa cháu đích tôn không giữ được, bà nội tôi mới run rẩy ký giấy.
Nhưng cuối cùng vẫn đã quá muộn.
Để giữ mạng sống, mẹ tôi phải cắt bỏ tử cung, còn em trai vì sinh non, thiếu oxy khi chào đời, lại là trẻ sơ sinh quá cân nên đã phải đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh.
8
“Ôi, nhìn cháu trai đích tôn của tôi mà xem, mới tám tháng mà đã nặng chín cân rồi, khỏe mạnh quá cơ!”
Bà nội đứng dựa vào tấm kính của phòng chăm sóc đặc biệt, nhìn chằm chằm vào em trai tôi, cười vui mừng.
Tôi nhìn theo ánh mắt của bà. Em trai nằm đó, so với kiếp trước, cơ thể có nhiều thịt hơn, nhưng sắc mặt lại đen sạm, toàn thân tím tái. Nếu không phải thấy lồng ngực em đang thoi thóp thở, chắc tôi đã nghĩ em là một đứa trẻ đã ch//ết rồi.
Đột nhiên, em ấy bắt đầu co giật, mấy y tá vội vã xúm lại cấp cứu.
Bà nội cuống quýt hét lớn từ bên ngoài:
“Ôi trời ơi, cháu vàng cháu bạc của tôi ơi, cháu làm sao thế này! Trẻ con vừa mới sinh ra sao lại ấn như thế chứ, nhỡ làm hỏng cháu tôi thì sao?”
Bác sĩ chạy ra nói:
“Người nhà của Tô Tú Viên đúng không? Mau đi nộp tiền đi, vì mẹ có đường huyết cao nên bây giờ bé bị sốc hạ đường huyết rất nghiêm trọng, lại sinh non nữa nên phải dùng máy thở ngay còn kịp!”
Liên quan đến đứa cháu mình yêu thương nhất, bà nội tôi cuối cùng cũng sợ hãi, lẩm bẩm:
“Thật quái lạ, sao mà đường huyết lại cao chứ…”
Vì không đủ tiền, bà nội đành móc chiếc điện thoại từ túi quần ra gọi cho bố tôi.
Khi bố tôi chạy đến, mẹ tôi đã tỉnh lại. Khi biết tin em trai phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt, còn phải đặt máy thở cấp cứu, khuôn mặt vốn đã trắng bệch của mẹ tôi càng không còn chút máu.
Tóc tai rối bù, nước mắt lưng tròng, mẹ tôi nắm lấy ga giường, hướng về phía bố tôi xin lỗi:
“Tất cả là lỗi của em, sao tự nhiên lại sinh non thế này chứ!”
Liếc nhìn bà nội đang đứng cạnh với vẻ mặt đầy chột dạ, tôi vội chen vào:
“Giá mà con cũng giống em trai, sinh sớm hơn mười ngày thì tốt quá. Con đã đủ tuổi ký giấy cho mẹ rồi, mẹ đã có thể giữ được tử cung…”
Mẹ tôi khựng lại, ánh mắt bối rối nhìn về phía bà nội.
Bố tôi kéo bà nội lại, chất vấn:
“Mẹ! Chuyện này là sao vậy? Tử cung của Tú Viên sao lại bị cắt hả?”
Thấy mọi người đều nhìn chằm chằm vào mình, bà nội lập tức ngồi phịch xuống đất, vỗ đùi khóc rống lên:
“Ôi trời ơi! Tôi cũng đâu có biết bệnh viện này tay nghề kém đến thế! Cứ khăng khăng bảo Tú Viên bị tiền sản giật, còn nói huyết áp, đường huyết cao, tôi chưa từng nghe qua mà! Đây là dâu vàng tôi cưới về, sinh một đứa con mà tốn mất năm vạn tệ đấy!”
Đúng lúc đó, y tá bước vào kiểm tra phòng.
“Bà à, bà nói vậy là không đúng rồi. Nếu không phải vì bà nói dối rằng kết quả kiểm tra của sản phụ hoàn toàn bình thường thì đã không làm chậm trễ thời gian cấp cứu rồi!”
Mẹ tôi lẩm bẩm hỏi:
“Vậy tại sao lại phải cắt tử cung của tôi? Tại sao phải cấp cứu cho Đại Bảo của tôi vậy?”
Nữ y tá hất cằm về phía bà nội, nói:
“Tại vì bà ấy sợ mổ sớm làm ảnh hưởng đến vận mệnh của cháu mình nên cứ chần chừ mãi…”
Cô ấy lại nói tiếp:
“Người nhà mau đi nộp thêm tiền đi. Do sản phụ có đường huyết quá cao, bây giờ tình trạng của đứa bé rất tệ. Lạ thật, chị bị đường huyết cao là do chị ăn nhiều đồ ngọt vào cuối thai kỳ à?”
Nghe câu này, mẹ tôi sững người. Y tá tưởng mẹ tôi sợ, vội an ủi:
“Yên tâm đi, chúng tôi sẽ cố hết sức!”
Bà nội thấy tình hình không ổn liền kiếm cớ nói muốn về nhà nấu canh rồi lẻn đi mất.
Chỉ có tôi nhận ra, ánh mắt mẹ tôi nhìn bà nội lúc này mang theo một chút căm hận.
Tôi khẽ nhếch môi. Hạt giống của sự thù hận đã được gieo xuống rồi, tiếp theo sẽ là màn kịch rất thú vị đây.
Hãy là người bình luận đầu tiên
Nguyệt Truyện hoan nghênh các tác giả, dịch giả, nhóm dịch và các fanpage đăng truyện lên website của chúng tôi. Mọi chi tiết về nhuận bút, kiếm tiền và các thỏa thuận khác vui lòng nhắn tin trực tiếp đếnfanpage Facebook Nguyệt Truyệnhoặc email nguyettruyennet@gmail.com