Sau khi mua nhà, tôi nhìn rõ bộ mặt của gia đình.

[1/5]: Chương 1

1.


Tối ba mươi Tết, chồng tôi vô tình nhắc đến căn hộ vừa mua đứt hồi tuần trước.


Đó là một căn hộ rộng rãi ở khu chung cư mới ngay trung tâm thành phố, diện tích hai trăm hai mươi mét vuông, mỗi tầng chỉ có một căn và có thang máy riêng, khu dân cư cũng thuộc loại cao cấp. Tôi và chồng vừa xem đã ưng ngay, nên cắn răng mua luôn mà không trả góp.


Họ hàng xung quanh ai nấy đều rôm rả chúc mừng, chỉ riêng mẹ tôi ngồi một bên ánh mắt dần hoe đỏ.


Tôi cứ ngỡ bà đang mừng cho hai vợ chồng tôi.


Ai ngờ, giây sau mẹ tôi đã đưa tay lau nước mắt vừa khóc vừa nói:


“Con gái mẹ đúng là có phúc, lấy được người chồng giỏi giang. Còn trẻ mà đã được ở nhà đẹp thế này, không như thằng em trai nó số khổ… Đến giờ vẫn chưa mua nổi cái nhà, làm mẹ như tôi nghĩ mà đau lòng lắm chứ.


Nụ cười trên mặt tôi và chồng lập tức cứng đờ, không cười nổi nữa.


Không khí quanh bàn ăn chợt đông cứng lại, mãi đến khi bác cả đứng dậy nâng ly chúc rượu, câu chuyện mới được kéo sang hướng khác.


Mẹ tôi cũng nhanh chóng làm như chưa có chuyện gì xảy ra, tươi cười uống rượu rồi gắp thức ăn và trò chuyện vui vẻ với mọi người.


Nhưng suốt bữa đó, tôi không còn tâm trí đâu mà tham gia nữa. Nhìn gương mặt tươi như hoa của mẹ lòng tôi bỗng chùng xuống, tâm trí trôi về những ngày rất xa...


Từ nhỏ, tôi đã cực kỳ ghét ăn gừng.


Ngoài gừng ra, thứ gì tôi cũng ăn được. Riêng gừng— bất kể là thái sợi, cắt lát hay băm nhuyễn— cứ hễ cắn phải là sẽ buồn nôn. Tôi thà ngồi mười phút nhặt từng miếng ra khỏi đĩa còn hơn nuốt trôi cùng cơm.


Trớ trêu thay, cả bố mẹ tôi đều mê gừng mà đặc biệt là gừng sợi. Một bữa ăn năm món thì hết ba món có gừng, trong đó hai món là gừng sợi.


Hồi nhỏ, tôi từng nhẹ nhàng nói với mẹ: con không thích ăn gừng, mẹ có thể nấu ít món có gừng được không?


Mẹ chỉ cười nói gừng tốt cho sức khỏe và tôi phải tập ăn, từ hôm đó trở đi món nào trong nhà cũng có gừng. Thế nên từ nhỏ đến lớn, bữa ăn nào tôi cũng kiên trì gắp bỏ gừng ra khỏi đĩa, mưa gió không ngăn nổi.


Mẹ còn thích rắc bột gừng lên đồ ăn. Những món đó tôi hoàn toàn không thể nuốt nổi, nhưng trong nhà cứ vài hôm lại xuất hiện.


Nhiều năm trôi qua, cơ thể tôi dần phản ứng mạnh đến mức chỉ cần ngửi mùi gừng là buồn nôn. Có một hôm, không chịu nổi nữa tôi lại đề cập với mẹ chuyện này.


Mẹ nghe tôi nói liền đặt đũa xuống, mỉm cười nhìn tôi: “Trần Hân, con nói thật cho mẹ biết đi… Có phải con đang muốn yêu đương nên mới lấy cớ để giảm cân không? Nói mẹ nghe, con đang định thu hút ánh nhìn của cậu con trai nào?”


Tôi sững lại.


Khi đó, tôi mới học lớp tám.


Vì đủ mọi lý do, bữa cơm trong nhà tôi lúc nào cũng có gừng. Cũng chính vì thế tôi từ nhỏ đã ăn uống rất kém, người thì gầy gò ốm yếu mãi. Mãi đến khi lên cấp ba được chuyển sang ở ký túc xá, tình trạng mới dần cải thiện.


Có người hỏi mẹ sao tôi thấp bé và gầy gò như vậy, mẹ chỉ cười vui vẻ đáp: “Con bé này nhà tôi nuôi bị chiều quá nên mới vậy. Nó kén ăn từ nhỏ nên cái này không ăn, cái kia không đụng tới khiến chúng tôi cũng hết cách rồi.


Mỗi lần nghe vậy tôi chỉ thấy lòng mình trống rỗng, muốn phản bác mà không biết phải nói gì.


Mãi đến một năm nọ, tôi được nghỉ hè và về nhà thăm gia đình. Bữa cơm hôm đó, tôi bất ngờ khi phát hiện chẳng có món nào có gừng sợi. Ngạc nhiên quá, tôi hỏi mẹ sao hôm nay không cho gừng vào món ăn.


Mẹ từ trong bếp bưng đồ ăn ra nghe vậy chỉ cười cười, giọng pha chút bất đắc dĩ: “Em trai con không thích ăn gừng, chỉ cần có một chút là nó không chịu ăn cơm. Giờ nấu ăn trong nhà mẹ đều không cho gừng vào nữa.”


Nghe đến đó, tôi chec lặng tại chỗ.


Đúng lúc ấy, em trai tôi vừa chơi bóng về. Mẹ vội vàng đặt đĩa thức ăn xuống cười tươi chạy ra đón, vừa vỗ nhẹ tay nó vừa trách yêu: “Đi rửa tay đi con, rồi ăn cơm.”


Tôi đứng một bên, lặng lẽ nhìn cảnh hai mẹ con họ thân thiết tình cảm. Lòng như bị nhấn chìm trong làn nước lạnh ngắt.


Là sao? Em tôi không ăn được gừng, chỉ vì vậy mà cả nhà ngưng luôn việc nấu nướng với gừng?


Thế còn tôi? Hồi nhỏ, tôi cũng không thể ăn nổi dù chỉ một miếng. Vậy mà mẹ vẫn kiên trì nấu từng bữa, ngày nào cũng có.


Tại sao cùng một chuyện, cách mẹ đối xử với tôi và em trai lại khác nhau đến thế?


Lúc ấy tôi mới hiểu: thì ra bữa cơm trong nhà, không phải lúc nào cũng bắt buộc phải có gừng. Không ăn được gừng cũng không có nghĩa là kén chọn hay điệu đà. Chỉ cần nói không ăn gừng, thì cũng có thể được tôn trọng và được cảm thông …nhưng quan trọng nếu người đó không phải là tôi.


2.


Chuyện khiến tôi lạnh lòng với mẹ, không chỉ có mỗi việc đó.


Từ nhỏ tôi đã học rất giỏi và ngoại hình cũng ưa nhìn, tên tôi luôn có mặt trên bảng vàng danh dự của trường. Thầy cô ai cũng quý mến khiến mỗi lần mẹ đi họp phụ huynh đều nở mày nở mặt, bà được giáo viên chủ nhiệm khen ngợi cùng các phụ huynh khác ngưỡng mộ. Họ còn hỏi mẹ bí quyết nuôi dạy con.


Ấy vậy mà mẹ rất hiếm khi mua đồ mới cho tôi. Trong khi điều kiện gia đình không hề tệ, tôi lại phải mặc lại quần áo cũ mà hai chị họ để lại.


Tôi từng xin mẹ mua vài bộ đồ mới, nhưng mẹ lại nói: “Giáo viên nói con đã là đứa con gái xinh nhất khối rồi, không cần tô vẽ thêm nữa. Học sinh thì nên chú tâm vào học hành, đừng suốt ngày nghĩ tới chuyện làm đỏm làm dáng.”


Hồi đó tôi còn chưa hiểu ‘làm đỏm làm dáng’ nghĩa là gì. Tôi chỉ biết em trai tôi vừa vào tiểu học, mẹ đã sắm cho nó đôi giày hàng hiệu vài ngàn tệ còn bố thì mua cho nó ba lô và đồng hồ cũng toàn đồ xịn.


Nhìn tình cảnh đó tôi chỉ biết khóc và hỏi tại sao, em trai còn nhỏ vậy mà lại được mua toàn thứ đắt tiền dễ hỏng. Còn tôi lại chẳng đòi hàng hiệu, chỉ muốn vài bộ đồ mới thôi mà lại không thể?


Tôi không ngờ, câu hỏi ấy khiến bố mẹ nổi giận đùng đùng. Bố tôi mặt sầm lại chỉ thẳng vào mặt tôi mà quát: “Mày làm chị mà không chịu được em mình tốt hơn à? Em mày là con trai, con trai phải có đồ xịn nếu không thì bạn bè nó sẽ coi thường! Tao hỏi mày, mẹ mày có để mày không có đồ mặc không? Bày cái mặt đưa đám đó ra cho ai coi? Nuôi mày lớn thế này, bố mẹ còn thiếu nợ mày à?”


Mẹ tôi cũng nghiêm mặt, giọng lạnh lùng đầy sự vô cảm: “Còn nhỏ đã biết ghen tị thế rồi à? Quần áo mấy chị họ con để lại toàn đồ tốt, không đủ cho con mặc chắc? Không biết quý trọng còn đòi hỏi, con nói xem… Có phải con đang muốn yêu đương rồi không? Có bạn trai ở trường rồi hả? Con mới mấy tuổi rồi Trần Hân? Mẹ thấy con đúng là hư hỏng quá rồi.”


Đứa trẻ bé xíu là tôi khi đứng trước cơn thịnh nộ cuồng phong đó, chỉ biết ngơ ngác không hiểu mình đã làm gì sai.


Từ nhỏ đến lớn tôi luôn nằm trong top mười toàn khối, ngoan ngoãn lễ phép và chưa từng gây gổ với ai, cũng chưa từng khiến thầy cô phiền lòng. Chỉ vì không muốn mặc đồ cũ, mà tôi bị xem là ‘hư hỏng’ ư?


Nhưng điều khiến tôi bàng hoàng hơn, là lần đầu tiên tôi mơ hồ nhận ra lý do thật sự khiến bố mẹ đối xử khác biệt với tôi và em trai. Có lẽ nằm trong những câu mẹ tôi vô thức thốt ra:


“Muốn yêu đương”, “làm đỏm làm dáng”, “muốn thu hút con trai”.


Hình như trong mắt mẹ, mọi hành động của tôi đều có thể quy về chuyện trai gái. Và mẹ thì đặc biệt hăng hái trong việc… dạy dỗ tôi về những chuyện đó.


Khi ấy tôi còn chưa biết đến khái niệm “slut-shaming”— sự sỉ nhục phụ nữ vì giới tính và ngoại hình.


Tôi không dám nghĩ tiếp nữa.


Chính vì những chuyện như vậy, nên sau khi ra trường đi làm tôi ra sức mua sắm quần áo cho mình. Tuổi thơ thiếu thốn khiến tôi không quá bận tâm chuyện ăn uống mà sống tiết kiệm, lương tháng ngoài phần tiết kiệm và gửi về cho gia đình, hầu như tôi đều dùng để mua đồ mặc.


Cho đến khi tôi gặp chồng tôi bây giờ, khi anh biết về quá khứ của tôi thì rất xót xa. Anh không chỉ thường xuyên khen tôi mặc đẹp, cho tôi cảm giác được trân trọng mà còn thích dẫn tôi đi mua sắm. Anh nói muốn cùng tôi lấp đầy tủ quần áo của mình.


Tôi cảm động đến rưng rưng nước mắt. Thế nên khi anh cầu hôn, tôi chẳng chút do dự mà gật đầu đồng ý.


Tôi không ngờ chuyện trọng đại như cưới xin, bố mẹ tôi vẫn có thể gây ra một màn ra trò.


3


Tôi và chồng yêu nhau là tự nguyện, sau hai năm thì bắt đầu bàn chuyện kết hôn.


Về sính lễ và hồi môn tôi với anh đã ngồi xuống cùng thảo luận, rồi quyết định mỗi người góp mười vạn để gửi chung vào một tài khoản ngân hàng. Số tiền này là làm vốn khởi đầu cho tổ ấm nhỏ của riêng hai đứa.


Về nhà và xe, cả hai đều có sẵn xe riêng. Nhà chồng tặng anh một căn hộ nhỏ, nhưng chúng tôi thống nhất sau khi cưới sẽ cùng nhau cố gắng mua một căn rộng hơn.


Mang theo bao hy vọng về cuộc sống tương lai, tôi vui vẻ kể lại cho bố mẹ nghe kế hoạch ấy. Mẹ tôi đồng ý ngay và vẻ mặt còn rất hào hứng, nhưng khi tới lúc gặp mặt bàn chuyện đính hôn với nhà trai thì mẹ lại lặng lẽ đưa ra một chiếc thẻ ngân hàng.


“Sính lễ bên thông gia cứ chuyển vào thẻ này là được rồi.” Mẹ tôi nói.


Cả phòng phút chốc lặng ngắt. Bố mẹ chồng nhìn nhau ngỡ ngàng, tôi và chồng cũng sửng sốt nhìn mẹ.


“Mẹ, sao mẹ lại thế? Chẳng phải chúng ta đã bàn là tiền đó để vợ chồng con dùng sau hôn nhân, và sẽ chuyển vào thẻ của bọn con sao?” Tôi cuống lên nói nhỏ vào tai mẹ. 


Bình luận (0)
Đăng ký tài khoản (5s xong)

Hãy là người bình luận đầu tiên