11
Vụ tai tiếng này rần rần đến mức gần như ai ai cũng biết.
Là giáo viên chủ nhiệm nên Châu Ứng Hòe bị hiệu trưởng phê bình rất nặng, còn bị trừ tiền thưởng.
Việc này làm anh nhận ra, rằng những học sinh trong lớp của mình chỉ đang giả vờ chơi đùa thân thiết với nhau nhưng thực ra mỗi người đều đang ẩn giấu những bí mật của riêng mình.
Anh lần lượt gọi tất cả các bạn cùng lớp lên văn phòng nói chuyện.
Chẳng ai muốn thừa nhận, tất cả đều chỉ nói rằng họ không biết.
Các bạn nam từ văn phòng bước ra nháy mắt với người tiếp theo:
"Lão già cổ hủ đó đang giả vờ chân thành đó, đừng có nói."
Thấy cảnh này mà tôi chỉ muốn cười to.
Chân thành thì được ích gì?
Những câu chuyện cổ tích dạy trẻ con làm người phải chân thành.
Nhưng thực tế, nói dối mới giúp bạn đạt được nhiều thứ hơn, những phẩm chất tốt đẹp chưa chắc đã mang lại một kết cục hoàn mỹ.
Cuộc trò chuyện này kéo dài gần nửa tháng.
Các học sinh trong lớp đều trao cho Châu Ứng Hòe những cái lắc đầu.
Không biết, không rõ, không hiểu.
Không ai muốn mang trên mình cái danh kẻ b.ắ.t n.ạ.t.
Mọi tội lỗi đều bị đổ lên đầu một mình Hứa Ỷ Hạ, quả là buồn cười.
Hứa Ỷ Hạ cứ như thể Chúa Jesus còn sống vậy.
Công tác khắc phục của Châu Ứng Hòe bị trưởng phòng giáo vụ tạm dừng. Ông cho rằng việc đối thoại chỉ lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến thành tích của học sinh.
Tôi là ứng viên cuối cùng của Châu Ứng Hòe.
Trước đó, tôi đứng ở cửa híp mắt nghe Châu Ứng Hòe chịu giáo huấn, cảm giác như đang nghe những âm thanh du dương êm ái trên thiên đàng, tai như được gột rửa.
Trưởng phòng rời đi, tôi đẩy cửa bước vào.
Lúc này, lòng tôi đầy cảnh giác, giống như một chú nhím xù lông.
Anh nói: "Xin lỗi em."
Tôi cảnh giác: "Lần này thầy lại định giờ chiêu gì nữa đây?"
“Là giáo viên chủ nhiệm, tôi đã tắc trách.”
"Kiểu người chỉ theo nịnh bợ người có tiền như thầy em gặp nhiều rồi."
“Vốn dĩ ban đầu tôi được giao phụ trách không phải lớp của em, nên tài liệu tôi nhận được ban đầu cũng không phải của lớp các em. Nhưng chủ nhiệm lớp cũ đột nhiên từ chức, việc bàn giao với thầy ấy không được suôn sẻ, nên tôi đã hỏi qua trưởng phòng giáo vụ về tình hình của lớp trước."
Anh hơi đau đầu, xoa xoa lông mày: “Hiện tại xem ra ông ấy đã bỏ qua rất nhiều vấn đề.”
"Lúc em cần lại không thể dang tay giúp đỡ, còn tự cho mình là đúng khi tìm kiếm sự thật. Tôi xin lỗi vì điều này, nếu em cần——"
"Dừng!" Tôi khoanh tay trước ngực, giọng bỡn cợt: "Ý là thầy sẽ giúp em sao?"
Anh mở ngăn kéo ra, như đang tìm kiếm thứ gì: “Trước mắt, tôi đang……”
“Cho em tiền đi.” Tôi lại ngắt lời anh, cười híp mắt đưa tay ra: “Em muốn một trăm nghìn tệ.”
Châu Ứng Hòe ngừng động tác, nhìn tôi không nói gì.
"Thầy không làm được phải không? Vậy cho em thêm ba mươi nghìn tệ nữa cũng được, bậc thánh nhân vĩ đại của chúng ta."
“Chuyện ba vạn tệ, tạm thời em không cần lo lắng.”
Ồ? Có vẻ như việc uy hiếp ngày hôm đó đã có tác dụng?
Tôi chế nhạo anh: "Thầy Châu quả là người đường hoàng chính trực nha."
"Trở về đi. Em vẫn chưa sẵn sàng đâu."
Tôi cảm thấy khó hiểu: “Sẵn sàng gì? Sẵn sàng ăn chửi à?”
"Sẵn sàng để mở cửa trái tim."
"Thầy làm chủ nhiệm là như thánh mẫu luôn đó, thầy Châu."
“Giáo dục phải như gió xuân mưa nhuận”.
"Đối xử tử tế cả với kẻ thù của mình sao? Thầy là đồ ngốc à?"
"Em không phải là kẻ thù của tôi."
Châu Ứng Hòe đứng thẳng lên, nhìn thẳng vào mắt tôi: “Em là học trò của tôi.”
"Tôi là bố của em!"
"Viết bản kiểm điểm dài một ngàn từ, tuần sau nộp."
"Em là học sinh."
"Tuần sau nộp. Không được sao chép trên mạng."
“……”
Cuộc sống của Hứa Ỷ Hạ cũng chẳng êm đẹp gì, cô ta trở thành mục tiêu công kích của dư luận.
Đúng vậy, cô ta đã trở thành một tôi khác.
Tôi vừa bãi nhiệm vị trí người bị tẩy chay, cô ta liền trở thành người kế nhiệm.
Chẳng còn ai cùng cô ta tay trong tay đến căng tin nữa.
Châu Ứng Hòe nhiều lần can thiệp nhưng chẳng có tác dụng mấy.
Dù sao thì Hứa Ỷ Hạ cũng có lỗi trước.
Những lời ong tiếng ve cuối cùng đã đeo bám lấy cô ta như rêu mọc khắp người.
Ngay cả Trương Dĩ Kiều cũng không buồn an ủi cô ta.
Hứa Ỷ Hạ nói với cả lớp rằng Trương Dĩ Kiều đã bảo cô ta chụp những bức ảnh đó.
Trương Dĩ Kiều vặn lại: "Lời cậu nói có thể tin được sao?"
Hai kẻ đồng hành vô cùng thân thiết này đã trở mặt với nhau như vậy đấy.
Vì không muốn bị tẩy chay, Trương Dĩ Kiều đã chọn quay lưng lại với cô ta.
Nực cười quá đi. Hứa Ỷ Hạ. Cậu thật đáng thương vì đã gặp một người như tôi.
Gặp một đứa con hoang có thù tất báo, không biết xấu hổ như tôi.
12
Tháng 12 tới, Hứa Ỷ Hạ, bị cô lập không ai giúp đỡ định phản kích.
Trong tiết dự giờ của giáo viên ngữ văn Hoàng Vũ Vy.
Đó là tiết tập làm văn, Hoàng Vũ Vy cho chúng tôi mười phút viết ngẫu hứng.
Chủ đề vừa nhàm chán vừa sáo rỗng: “Tình yêu.”
Tôi ngồi ngẩn người hết mười phút, rồi nghe cô ấy nói: "Có bạn nào xung phong đọc cho cả lớp nghe không?"
Dưới bục giảng im lặng như tờ, Hoàng Vũ Vy lại lặp lại lần nữa.
Hứa Ỷ Hạ giơ tay lên.
Cô ta đứng dậy, lớn tiếng nói: “Cô Hoàng, bạn cùng bàn của em xung phong.”
Hoàng Vũ Vy đi tới, trên mặt mang vẻ cảm kích.
Đây là năm thứ hai cô đứng trên bục giảng, phía cuối lớp học chật kín lãnh đạo nhà trường.
Tiết dự giờ này liên quan mật thiết đến kết quả đánh giá của cô.
Cô ấy đưa tay cầm cuốn vở tập làm văn của tôi lên, hắng giọng rồi chợt sững người.
Trên giấy làm văn được vẽ một cục phân to.
Một thoáng trầm mặc khiến cuối lớp dậy lên những tiếng xì xầm bàn luận.
Tôi nhớ Hoàng Vũ Vy lần trước ở văn phòng đã khoác áo cho tôi, còn nói một câu.
——Tôi nhớ rồi, em là người đã giành được giải thưởng……
Cô ấy nhớ tôi, tôi là học sinh đã lọt vào vòng trong cuộc thi viết văn nhưng không tiếp tục tham gia vòng chung kết.
Vòng chung kết được tổ chức ở Bắc Kinh, chi phí đi lại phải tự chi trả nên mẹ tôi đã hồi lại vé tàu.
Vì vậy, tôi phải dừng lại ở vòng ngoài, không thể đi tiếp, tới hiện trường cuộc thi tranh chức vô địch.
Gia đình nghèo, khó mà sinh ra được người con xuất chúng, bởi vì muốn bồi dưỡng được một người xuất chúng phải cần rất nhiều tiền.
Hơn nữa, cảnh nhà nghèo luôn bị những thứ cơm áo gạo tiền bủa vây, lấy chỗ đâu cho tôi để một chiếc bàn học?
Khoảnh khắc đó tôi chợt nhận ra: Xuất phát điểm quyết định tương lai của tôi.
Tương lai của tôi cũng sẽ như mẹ mình, sống lay lắt qua ngày, cuộc đời chìm trong bóng tối vô tận.
Vì nghèo, tôi không dám nghĩ về quá khứ, càng không dám mơ mộng đến tương lai.
Chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi mà tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Cuối cùng, tôi giơ tay phát biểu.
Tôi nói: “Cô Hoàng, em muốn tự mình đọc có được không?”
Cô đáp lại rất nhanh: “Được, em có cần thời gian chuẩn bị không?”
Cô ấy cho tôi thêm thời gian để viết nháp, nhưng tôi chỉ lắc đầu: "Không cần đâu ạ."
Nếu nói về tình yêu thì câu trả lời của tôi chỉ có một, đó chính là mẹ.
Tôi đã kể một câu chuyện ngắn về việc mẹ tôi đã ở phòng bệnh nhặt thuốc như thế nào.
Những câu từ dào dạt tuôn ra hết sức trật tự và sống động.
Không khí xung quanh lặng ngắt như tờ. Lúc tôi ngồi xuống, Hoàng Vũ Vy dẫn đầu vỗ tay.
“Thật cảm động.” Cô nói: “Nhưng chúng ta đang học tiết văn nghị luận.”
Cả lớp cười rộ lên, bầu không khí cũng bớt căng thẳng.
……
Chuông reo, tiết dự giờ này cũng có thể miễn cưỡng coi như thành công tốt đẹp.
Sau buổi học, Hoàng Vũ Vy đến tìm tôi: "Bài văn lúc nãy của em khiến mọi người rất cảm động."
Tôi không muốn nói nhiều với cô ấy nên gật đầu chiếu lệ: “Ồ.”
“Lãnh đạo nhà trường đánh giá em rất cao.” Cô bám riết không tha: “Sao em không tham gia vòng chung kết?”
Tôi câm như hến, cô lại nói: “Hàm Thanh, nếu em có gì khó khăn thì có thể đến tìm cô.”
“Cảm ơn cô.” Tôi trả lời lạc quẻ: “Cảm ơn cô hôm đó đã giúp em mặc quần áo.”
Cô đưa cho tôi một tờ giấy: “Đây là phiếu đăng ký tham gia cuộc thi viết “Khát vọng xanh”.
“……Phí đăng ký là hai trăm tệ, đắt quá.”
“Cô trả giúp em.” Cô vỗ vai tôi: “Cô thấy em rất có năng khiếu.”
Tôi sẽ chỉ dùng hai trăm tệ đó để trả tiền thuê nhà, điện nước, học phí và lệ phí.
Chưa kể đến, nhà trường rất chú trọng thành tích học tập, muốn tham gia các hoạt động ngoại khóa thì thành tích học tập phải đạt tiêu chuẩn.
Tôi trả lại phiếu đăng ký cho cô: “Em bị học lệch, Toán chỉ được 43 điểm, không tham gia được đâu ạ.”
“Vòng sơ khảo sẽ diễn ra vào đầu học kỳ sau. Em có thể nhân kỳ nghỉ đông để học bù——”
Tôi lắc đầu, lùi lại hai bước, cúi đầu chào cô, xách cặp rồi dứt khoát rời đi.
Đi mới được mấy bước, tôi chợt nhận ra có người theo sau nên quay người lại.
Trương Dĩ Kiều lúng túng đứng đó, không còn giơ nanh múa vuốt như trước nữa.
Cậu ta ngập ngừng bước lại gần: “Dù mẹ cậu có bị bệnh thì cậu cũng không nên lấy đó làm lý do để tống tiền người khác.”
“Đồ thần kinh!” Tôi giơ ngón giữa lên thẳng mặt cậu ta: “Thì ra sở thích của cậu là đi khuyên đ.ĩ đ.i.ế.m hoàn lương à.”
Cậu ta bối rối, dừng bước: “Tôi thực sự không nên đồng cảm với loại người như cậu.”
“Tôi cóc cần cậu đồng cảm.” Tôi không chịu lép vế: “Tôi chỉ cần tiền.”
Hãy là người bình luận đầu tiên
Nguyệt Truyện hoan nghênh các tác giả, dịch giả, nhóm dịch và các fanpage đăng truyện lên website của chúng tôi. Mọi chi tiết về nhuận bút, kiếm tiền và các thỏa thuận khác vui lòng nhắn tin trực tiếp đếnfanpage Facebook Nguyệt Truyệnhoặc email nguyettruyennet@gmail.com