Từ chối chị họ mặt dày phiền phức

[1/4]: Chương 1
Theo dõiKênh Youtube Nguyệt Truyệnủng hộ team nhé ^^

1.

 

Ba tháng sau khi kết hôn, tôi bất ngờ phát hiện người chị họ từng vô cớ chặn tôi trên mạng xã hội, nay lại chủ động thêm tôi trở lại.

 

Không chỉ vậy, chị ấy còn gửi cho tôi một phong bao lì xì.

 

Tôi không nhận, mà chỉ đáp lại một chữ: “?”

 

Chị họ gửi thêm một biểu cảm cười và hỏi: "Dạo này thế nào rồi? Nghe nói em sống tốt lắm?"

 

Tôi cảm thấy khó hiểu, chỉ trả lời: "Cũng tạm ổn thôi ạ."

 

Chị họ của tôi tên là La Tình.

 

Những tranh chấp giữa các bậc trưởng bối trong dòng họ không hề ảnh hưởng đến mối quan hệ tốt đẹp giữa tôi và chị ấy.

 

Tôi vẫn nhớ, vài năm trước, chúng tôi từng giữ liên lạc khá thường xuyên. Nhưng sau khi chị kết hôn, thì mối quan hệ ấy dần phai nhạt.

 

Sau này, tin tức về chị tôi chỉ nghe từ miệng của các bậc trưởng bối, thường là những câu chuyện về một số người họ hàng sống không mấy êm đẹp.

 

Cho đến nửa năm trước đám cưới của tôi, tôi gửi tin nhắn cho chị nhưng chỉ nhận được dấu chấm than đỏ chói.

 

Lúc đó, tôi đã hiểu. Thế giới của chúng tôi có lẽ sẽ chẳng còn giao nhau nữa.

 

2.

 

"Sơ Sơ, nhận phong bao đi chứ."

 

Chị họ đột nhiên nhắn tin như vậy.

 

"Chị, sao tự nhiên lại gửi phong bao cho em?"

 

Một lúc lâu sau, chị ấy gửi tới một đoạn tin nhắn thoại dài khoảng 30 giây.

 

Lúc đó tôi đang bận làm việc, không tiện nghe, nghĩ bụng lát nữa xong việc sẽ mở. Nhưng rồi công việc cuốn lấy tôi, mãi đến khi tan ca tôi mới nhớ ra.

 

Khi mở lại tin nhắn, biểu tượng đỏ nhấp nháy đã nhảy lên con số 11.

 

Tất cả đều là tin nhắn thoại từ chị họ.

 

Tôi bấm vào nghe, thì thấy toàn là lời giải thích của chị:

 

"Sơ Sơ, hôm em cưới, chị bận quá không đến dự được. Nghĩ là dù không đến thì quà cưới vẫn phải gửi, nhưng hôm nay chợt nhớ ra là chị quên mất. Bây giờ chị bù lại, em nhận đi nhé. Đây là lời chúc phúc của chị dành cho hôn nhân của em."

 

"Sơ Sơ, sao em không trả lời vậy?”

 

“Có phải em vẫn giận chị không?”

 

“Sao em càng lớn càng nhỏ mọn thế nhỉ?”

 

“Nhà chị bận rộn đủ thứ, nên quên là chuyện thường tình thôi mà."

 

"Em không trả lời, cũng không nhận phong bao là có ý gì đây? Không nhận chị là chị họ nữa sao?"

 

"Chị đã xin lỗi rồi, em còn muốn chị làm thế nào nữa?"

 

.......

 

Những tin nhắn tiếp theo cũng na ná như vậy, chỉ là đảo lộn trật tự câu chữ.

 

Tôi nghe hết từng lời, bỗng không biết phải đáp lại thế nào.

 

Suy nghĩ một lúc, tôi trả lời: "Không sao đâu chị, chuyện đám cưới qua lâu rồi. Em nhận tấm lòng của chị, nhưng phong bao thì thôi ạ."

 

Tin vừa gửi đi chưa được bao lâu, chị họ đã gọi điện thoại tới.

 

Tôi bắt máy, đầu dây bên kia vang lên giọng của chị, lâu rồi tôi mới nghe lại: "Sơ Sơ, em cứ nhận phong bao đi."

 

"Thôi chị ạ, em nhận tấm lòng là được rồi." Tôi nhẹ nhàng từ chối.

 

"Đừng khách sáo, nghe lời chị, nhận đi."

 

Tôi từ chối mấy lần, chị vẫn không chịu thôi mà cứ nài nỉ mãi. Cuối cùng, không chịu nổi sự thúc ép từ chị, tôi đành nhấn vào nhận phong bao.

 

180 tệ.

 

Nhìn số tiền mà tôi vừa nhận được, lồng ngực tôi như bị thứ gì đó nặng nề chặn lại.

 

Tôi nhớ rõ, vào ngày cưới của chị. Tôi đã phải thắt lưng buộc bụng để mừng chị 800 tệ.

 

Thế này là sao chứ...

 

Tôi thật sự không hiểu nổi chị ấy nữa.

  

3.

 

Tôi cứ nghĩ mối liên hệ giữa tôi và La Tình đến đây là dừng lại. Nhưng không ngờ hôm sau chị lại liên lạc tìm tôi.

 

“Nghe nói bây giờ em đã chuyển sang sống với chồng rồi à?”

Tôi trả lời: “Đúng vậy.”

 

“Vậy là nhà của em hiện giờ đang để trống đúng không?”

 

Hồi mới tốt nghiệp, tôi đã lao vào làm việc không ngừng nghỉ, chỉ để tự tạo cho mình một cảm giác an toàn. Nhờ sự nỗ lực ấy, tôi mới có được một căn nhà nhỏ cho riêng mình. Đây từng là niềm tự hào mà tôi chia sẻ với chị họ.

 

“Em định cho thuê rồi.” Tôi trả lời thật lòng.

 

Căn hộ đó là nơi tôi đã dồn hết tâm huyết để trang trí, từng góc nhỏ đều mang theo dấy ấn của mình. Vì luyến tiếc, dù định cho thuê thì tôi vẫn chưa thực sự muốn rời xa nó.

 

“Đừng cho thuê nữa, cho chị mượn để ở cữ một thời gian đi.”

 

Đột nhiên, chị gửi đến một câu khiến tôi không biết phải phản ứng như thế nào.

 

“Ý chị là sao?” Tôi nhắn lại, không giấu được sự khó hiểu.

 

Không lâu sau, chị gọi điện thoại tới.

 

Tiếng cười vang lên từ đầu dây bên kia, rồi chị thao thao bất tuyệt: "Sơ Sơ à, chị đang mang thai đứa thứ hai rồi, còn hai tuần nữa là tới ngày sinh. Em cũng biết mà, căn nhà nhỏ của chị thì chật chội mà lại đông người, đến lúc ở cữ còn có bao nhiêu họ hàng tới thăm, bất tiện đủ đường."

 

Tim tôi khẽ chùng xuống, một cảm giác bất an dâng lên.

 

Quả nhiên, ngay sau đó chị tiếp lời: "Chị nghĩ thế này, nhà em để trống cũng không làm gì, hay để chị dọn qua ở tạm một hai tháng, yên tâm nghỉ ngơi mà làm tháng ở cữ. Em biết không, lúc sinh đứa đầu tiên vì còn trẻ người non dạ, chị không chú ý gì cả nên giờ bị đủ thứ bệnh hậu sản. Lần này chị muốn bồi bổ lại, làm cẩn thận hơn một chút..."

 

Chị nói mãi không dừng, nhưng tôi đã hiểu rõ ý định của chị – muốn ở nhờ nhà tôi để làm tháng cữ.

 

Nhưng tôi không đồng ý.

 

Thứ nhất, tôi thật sự không nỡ. Ngôi nhà này là tâm huyết của tôi, dù gặp vài khách thuê tiềm năng nhưng tôi vẫn chưa quyết định.

Thứ hai, ở cữ nghĩa là sẽ có nhiều người qua lại. Nghe thôi đã thấy cảnh tượng lộn xộn, chưa kể chất lượng cư xử của họ hàng thì khó mà đảm bảo.

 

"Xin lỗi chị, nhà em đã đồng ý cho người khác thuê rồi. Em đã nói miệng với khách và họ cũng đến xem nhà vài lần, hiện giờ đang làm thủ tục hợp đồng. E là không giúp được chị chuyện này."

 

Tôi nghĩ lời từ chối khéo léo này sẽ khiến chị biết khó mà lui.


Không ngờ chị chỉ cười khan hai tiếng, rồi nói: "Không sao đâu! Miễn chưa ký hợp đồng thì em vẫn có thể rút lại mà. Chị từng làm chuyện này rồi nên kinh nghiệm đầy mình, cứ nói với người thuê là chị họ của em cần nhà, nhờ họ thông cảm một chút."

 

Một cơn giận nghẹn ứ trong ngực, khiến tôi không thốt nổi lời.

 

Đột nhiên, bên kia điện thoại có tiếng trẻ con khóc ré lên: "Ôi, Đại Bảo khóc rồi. Thôi nhé, cứ vậy mà quyết định đi ha! Chị phải đi dỗ nó đây."

 

"Không, chị…"

 

Tôi còn chưa kịp nói hết câu, chị đã cúp máy.

 

“…..?”

 

4.

 

Tối về đến nhà, tôi mang một vẻ mặt đầy tâm sự. Chồng tôi------ Mạnh Kính, thấy vậy liền hỏi: "Em làm sao thế?"

 

Tôi đơn giản kể lại ý định mượn nhà của La Tình.

 

Không ngờ anh chỉ phẩy tay, thoải mái nói: "Anh còn tưởng chuyện gì to tát lắm, hóa ra chỉ có vậy."

 

Tôi trừng mắt nhìn anh: "Chị ấy đám cưới thì không đến, lễ lạt cũng chẳng gửi, giờ lại đột nhiên đòi mượn nhà ở. Nghe đã thấy kỳ cục rồi!"

 

Mạnh Kính vừa dọn dẹp bàn ăn vừa nói: "Đó không phải chị họ em sao? Người ta có khó khăn, em giúp một tay cũng chẳng mất gì."

 

"Nhưng em thấy không thoải mái."

 

"Em ấy à," anh liếc nhìn tôi, rồi thở dài: "đúng là lạnh lùng. Ngay cả với họ hàng cũng không muốn qua lại, đúng là chỉ hợp sống một mình thôi."

 

Tôi há miệng định nói gì đó nhưng rồi lại im lặng.

 

Lời chẳng hợp ý, nói thêm chỉ tổ phí công.

 

Mạnh Kính thuộc kiểu ‘người tốt truyền kỳ’, chuyện gì cũng ‘ừ thì được’. Chỉ cần ai mở lời là sẵn sàng chạy khắp nơi giúp đỡ, bất kể việc đó có khiến anh mệt mỏi hay không. Điều đáng nói là hầu hết những việc đó, đều là những việc vừa mất sức vừa chẳng được lời cảm ơn.

 

Hồi chưa chính thức yêu nhau, chính cái sự nhiệt tình này của anh đã khiến tôi ngộ nhận mình là người đặc biệt. Sau này mới phát hiện, hóa ra tôi chỉ là một trong vô số người nhận được sự ‘ưu ái’ đó.

 

Nhưng khi hiểu ra thì tôi đã là ‘bà Mạnh’ mất rồi, có muốn hối hận cũng chẳng kịp.

 

Chỉ biết âm thầm hy vọng anh bớt đi những hành động thiện nguyện vô ích, và suy nghĩ nhiều hơn cho bản thân.

 

Càng nghĩ tôi càng thấy không thể để cho La Tình mượn nhà.

 

Một khi đồng ý, tôi chắc chắn sẽ phải chịu đựng hai tháng không yên giấc.

 

Ra ngoài xã hội lâu, tôi dần nhận ra điều quan trọng nhất là chính mình. Không thể vì chút sĩ diện gọi là ‘nể mặt’ mà khiến bản thân khó chịu được.

 

Đêm đó, tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Quay sang bên cạnh, nhìn thấy Mạnh Kính ngủ say đến mức ngáy vang, tôi lại càng thấy bực bội.

 

Tôi bèn véo nhẹ mũi anh, giữ chặt cho đến khi anh hơi cựa mình thì nhanh chóng buông ra, nhắm mắt giả vờ ngủ.

 

"Ơ… sao anh mơ thấy có ai đó đổ xi măng vào mũi mình thế nhỉ…" Anh nói nhỏ, rồi lại xoay người ngủ tiếp.

 

Tôi cố gắng kiềm chế để không bật cười, khóe miệng không tự chủ được khẽ nhếch lên.

 

5.

 

Trong giờ nghỉ làm, tôi tranh thủ gọi điện cho chị họ.

 

Gọi liền mấy cuộc mà không ai bắt máy, cuối cùng tôi đành để lại lời nhắn nhờ chị gọi lại khi rảnh.

 

Mãi đến gần lúc tan làm, tôi mới nhận được cuộc gọi từ chị.

 

"Sơ sơ, em gọi chị à? Xin lỗi nhé, em chưa từng mang bầu nên không hiểu được nỗi khổ của phụ nữ mang thai đâu…"

 

Còn chưa kịp vào chuyện chính, chị đã thao thao bất tuyệt một bài ‘luận về nỗi khổ của bà bầu’ dài hơn mười phút.

 

Tôi khó khăn lắm mới chen được một câu, chuyển đề tài về vấn đề chính:

"Chị à, em muốn nói với chị một chuyện," tôi mở lời, "việc chị nhờ mượn nhà, e là không được đâu. Chị nên tìm cách khác thì hơn."


"Sao cơ?" Giọng chị đột ngột lạnh xuống: "Chẳng phải chúng ta đã thỏa thuận xong rồi sao? Sao giờ em lại đổi ý? Hôm nay chị đã dọn dẹp cả ngày, chuẩn bị đồ để chuyển vào nhà em. Bây giờ em nói không được là ý gì đây?"

 

"Không phải đâu chị," tôi giải thích: "hôm qua em còn chưa kịp nói hết, chị đã cúp máy nên em không có cơ hội nói rõ."

 

Tôi xoay nhẹ dây tai nghe, cân nhắc xem nên từ chối thế nào để tránh làm tổn thương lòng tự trọng của chị.

 

Bình luận (0)
Đăng ký tài khoản (5s xong)

Hãy là người bình luận đầu tiên