Vì ba xu, tôi bị cả làng hắt hủi

[6/6]: Chương 6

Và cơn mưa ấy cứ thế kéo dài ròng rã bốn, năm ngày liên tiếp. Nước ngập sâu đến nửa mét, toàn bộ ruộng dưa bị nhấn chìm.


Ngoại trừ nhà tôi, thì cả làng Vương Ốc không sót một hộ nào bị lỗ sạch.


Tôi nhìn bà con ai nấy mặt mày như đưa đám, chẳng thể nói là hả hê nhưng chắc chắn… không có chút xót thương nào.


Ăn xong còn vỗ ngực khen tôi Lý Phong Thu có tình có nghĩa. Vừa buông bát xong đã đập thẳng bát vào mặt tôi.


Đấy gọi là quả báo.


Đợi mưa tạnh, nước rút xuống thì tôi cũng bắt đầu bận rộn. Tôi vào thành phố mua vật tư, thuê người về dựng nhà kính.


Vài năm nay, làng Vương Ốc sống quá dễ dãi khiến bà con dần thành ra lười biếng. Họ chỉ biết đợi đến mùa xuân gieo hạt, dăm ba hôm tưới nước bón phân rồi đến hè hái dưa xong… Sau đó ngồi chờ tôi mang đi bán đổi lấy tiền.


Nhưng đứng trên góc nhìn của dân học nông nghiệp, để đất tốt như thế mà quanh năm chỉ trồng đúng một vụ dưa— là lãng phí trắng trợn.


13.


Đợi nước rút xong, tôi lập tức bắt tay vào việc.


Dưa sớm, dưa muộn, dưa trồng trong nhà kính… Tôi lập lại toàn bộ kế hoạch trồng trọt, từ trước kia mỗi năm chỉ trồng một vụ thì giờ chuyển sang bốn vụ một năm.


Vì diện tích đất nhà tôi có hạn, muốn tăng thu nhập thì chỉ có thể chọn đi đường sản phẩm chất lượng cao. Tôi mạnh dạn nhập về những giống dưa mới ra mắt, còn hiếm trên thị trường.


Chia theo mùa mà gieo trồng, nghiên cứu quy trình chăm sóc theo từng giai đoạn khí hậu.


Đặc biệt là vụ đông và đầu xuân, giá dưa trồng nhà kính thời điểm này cao đến mức giật mình. Tôi bán ra tất nhiên cũng kiếm lời gấp mấy lần.


Tôi chuyên tâm nghiên cứu kỹ thuật và thử nghiệm không ngừng, vừa giữ được chất lượng dưa lại vừa nâng năng suất lên thêm 50%.


Chỉ mất đúng một năm rưỡi, thu nhập từ việc trồng dưa nhà tôi đã bằng tổng cả mười năm cộng lại trước đó.


Nhờ mấy trái dưa hấu, nhà tôi thực sự vươn lên làm giàu.


Cũng từ đây, trong làng không thiếu kẻ mắt đỏ vì ghen tị. Miệng đầy lời châm chọc gièm pha, thậm chí còn có kẻ cố tình phá hoại lúc nửa đêm len lén chui vào nhà kính, để nhổ trộm cây giống.


Nhưng từ sau vụ mấy người trong làng vây xe, cản nhà tôi chở dưa đi bán. Tôi đã cảnh giác hơn, cho lắp camera giám sát trong toàn bộ khu nhà kính.


Lần này bị phá cây giống, tôi không đôi co cũng không tìm đến tận nhà cãi tay đôi. Tôi xách luôn video đến đồn công an trình báo.


Dân trong làng này, nghèo thì coi thường mà giàu thì sợ. Hôm nay dám nhổ cây thì ngày mai biết đâu lại dám phóng hỏa, không xử cho đau một lần thì kiểu gì sau này cũng còn sinh chuyện.


Cảnh sát vừa bắt người là tôi lập tức thuê luật sư giỏi, khởi kiện theo đúng quy trình.


Mấy kẻ phá hoại đó cuối cùng đều bị tạm giam, buộc phải bồi thường thiệt hại cho tôi mà còn là mức bồi thường cố định không thể mặc cả.


Dù chỉ nhổ hơn trăm cây giống, nhưng cái giá họ phải trả… e là cả đời này cũng không quên nổi.


Trưởng thôn đích thân đến nhà tôi xin xỏ, mong tôi nương tay bỏ qua. Tôi không thèm để ông ta bước qua cổng.


Từ đó trở đi, không còn ai dám bén mảng tới phá phách nữa.


Thôn Vương Ốc, cũng chính thức… tách làm hai.


Một bên là nhà tôi.


Một bên là… phần còn lại.


Không còn ai trong làng qua lại với nhà tôi. Nhưng như thế thì sao chứ?


Dưa vẫn trồng và tiền vẫn kiếm. Cơm vẫn ăn thì cuộc sống nhà tôi cũng chẳng ảnh hưởng gì, ngược lại còn yên bình hơn trước.


Cũng có vài hộ trong làng học theo mô hình nhà kính của tôi, bắt đầu trồng dưa bốn mùa.


Vấn đề là… trồng thì vẫn được, nhưng… không ngon và bán không được. Vài nhà thử rồi, thấy không hiệu quả… lại âm thầm bỏ cuộc.


Trong khi đó, việc làm ăn của nhà tôi ngày càng phát đạt. Nhu cầu thị trường tăng lên không ngừng. Không còn cách nào khác, tôi phải sang các làng bên thuê thêm vài nghìn mẫu đất để mở rộng quy mô trồng trọt.


Còn đất ở Vương Ốc à?


Xin lỗi, tôi thấy xui nên không đụng tới.


Chẳng mấy chốc, thị trường dưa hấu mùa đông và đầu xuân trên toàn tỉnh… bị tôi một mình thâu tóm. Nói hơi phô trương thì— nếu một năm tôi không trồng dưa, hơn nửa số siêu thị trong tỉnh mùa đông xuân sẽ không có dưa để bán.


Còn nhìn lại thôn Vương Ốc thì sao?


Vẫn thế.


Năm nào cũng trồng, nhưng năm nào cũng lo không bán được.


Chẳng mấy năm, bà con trong làng cũng dần chịu không nổi. Hàng nghìn mẫu đất trồng dưa bị bỏ hoang ngày một nhiều. Dân làng không dồn tâm sức chăm bón, năng suất và chất lượng đều tụt dốc. 


Từ từ… dưa hấu Vương Ốc chỉ còn là chuyện quá khứ.


Thay vào đó, cái tên được nhắc đến khắp nơi… chính là dưa Phong Thu.


14.


Việc làm ăn mỗi lúc một phát đạt khiến tiền trong tay cũng ngày càng rủng rỉnh, chất lượng cuộc sống của gia đình tôi theo đó mà nâng lên từng ngày. Nhà tôi giờ sống phải gọi là… phất như diều gặp gió.


Căn nhà cũ bị đập đi xây lại từ đầu. Hòn non bộ, hồ cá, vườn cây cảnh bao quanh một căn biệt thự bốn tầng khang trang, nhìn qua không khác gì khu nghỉ dưỡng trong mấy khu du lịch cao cấp.


Vì thường xuyên ra vào Viện Nông nghiệp nên dần dà tôi quen biết một nữ nghiên cứu viên tên là Lưu Ảnh.


Cô ấy xinh đẹp và hiền lành, lại chịu khó chịu khổ. Quan trọng hơn hết là hoàn toàn ủng hộ lý tưởng của tôi, muốn gây dựng sự nghiệp từ những quả dưa hấu.


Hai đứa hẹn hò kín đáo được hai năm, rồi quyết định… kết hôn.


Chuyện này thực ra cũng có một màn kịch nhỏ buồn cười.


Sau khi chính thức xác định quan hệ với Lưu Ảnh, tôi dẫn cô ấy về làng gặp bố mẹ. Ai ngờ vừa bước vào nhà đã thấy Bạch trưởng thôn ngồi chễm chệ giữa phòng khách, tay múa chân vung nói năng bô bô.


Thấy Lưu Ảnh đi phía sau tôi, trưởng thôn lập tức cứng họng. Im bặt hồi lâu mới lắp bắp hỏi: “Phong Thu, cô gái này là ai vậy?”


“Bố, mẹ, đây là Lưu Ảnh bạn gái của con. Là người con vẫn kể với bố mẹ đó.” Tôi chẳng thèm để ý tới trưởng thôn, chỉ giới thiệu Lưu Ảnh với bố mẹ.


“Sao? Cậu có bạn gái rồi à? Sao không nói với tôi tiếng nào?” Bố mẹ tôi còn chưa kịp mở miệng, trưởng thôn đã lại bắt đầu nhảy dựng lên.


“Trưởng thôn này, ông hơi lo chuyện bao đồng quá đấy. Tôi yêu ai, cưới ai cũng phải nộp đơn xin phép ông phê duyệt à?” Tôi nhướng mày, lạnh giọng chặn họng ông ta.


“Không không… haha, hai người cứ tiếp tục, tôi… tôi xin phép.” Trưởng thôn cười gượng rồi xấu hổ rút lui, lủi mất hút.


Mãi sau tôi mới biết, ông ta đến nhà là định mai mối tôi cưới con gái ông ta— Bạch Thi.


Còn mạnh miệng hứa rằng sẽ giúp tôi xin đất xây nhà trong làng, lại còn cho luôn hai mươi mẫu ruộng nhà ông ta để trồng dưa.


Chỉ là… hộ khẩu tôi không ở Vương Ốc, đất có xây biệt thự thì tên cũng là của Bạch Thi.


Hai mươi mẫu dưa kia? Nói trắng ra là làm không công cho ông ta thôi. Tính toán kiểu đó, bàn tính chưa gõ mà hạt đã văng tứ tung rồi.


Mà nói thật, riêng cái tính nết và đầu óc của Bạch Thi thì trừ khi tôi mù mới lấy cô ta.


Vì phong tục ở quê, đám cưới của tôi và Lưu Ảnh được tổ chức ngay tại thôn Vương Ốc.


Hôm cưới, cả làng đến đủ mặt.


Thời buổi này, tiền mừng cưới ở quê ít nhất cũng phải hai trăm. Thế mà không hiểu ai khởi xướng, cuối cùng cả làng ‘đồng lòng’ đi phong bì đúng… hai mươi tệ.


Và là mỗi nhà… hai mươi tệ.


Dắt theo cả nhà, ít thì bảy tám người mà nhiều thì cả chục. Thiếu điều họ mang luôn con chó theo.


Nhét hai mươi đồng rồi ngồi vào bàn ăn. Ăn như phá, uống như rồng cuốn và hút thuốc như thiêu thân. Từ lúc khai tiệc đến lúc dọn dẹp không một lời chúc phúc.


Lúc ra về còn tiện tay gom theo, chén bát đũa trên bàn mất sạch một nửa. Đến đầu bếp tôi thuê cũng phải sững sờ, quay sang hỏi tôi: “Cái làng này nghèo đến mức này thật à?”


Không phải nghèo, mà là ghen ăn tức ở. Không sao cả chỉ là một bữa cơm thôi, tôi nuôi nổi. Coi như làm từ thiện cho đám ăn xin có tổ chức.


Sau khi cưới, Lưu Ảnh nghỉ hẳn việc và toàn tâm toàn ý cùng tôi trồng dưa. Bố mẹ tôi cũng thảnh thơi hơn nhiều, ngày ngày hai ông bà chăm hoa nuôi cá… Sống cuộc đời an nhàn mà trước kia họ chưa từng dám mơ đến.


15.


Việc kinh doanh của tôi ngày càng lớn mạnh và thuận buồm xuôi gió— Còn dân làng Vương Ốc thì… càng lúc càng hối hận.


Chỉ vì ba xu.


Chỉ vì ba xu đó, dưa của họ đã thối rữa ngoài ruộng.


Chỉ vì ba xu đó, họ từ đó về sau… chưa từng có lại được một ngày tháng yên ấm.


Nếu được cho thêm một cơ hội, họ còn tin vào lời gièm pha của Bạch Thi không?


Chắc chắn là không.


Nhưng nếu cho thêm một cơ hội, họ còn vì ba xu mà bất mãn với tôi không?


Chắc chắn là có.


Bởi vì… đó là bản chất con người.


Cùng với sự vươn lên không ngừng của sự nghiệp, cái tên Lý Phong Thu cũng trở thành biểu tượng được gắn thêm biệt danh— Vua Dưa Hấu.


Tiền tôi có và danh tôi cũng có, nhưng điều đó không khiến tôi mờ mắt hay ngông cuồng.


Bởi vì tôi hiểu, kinh nghiệm từng trải trong quá khứ đã dạy tôi một điều: phát triển là con đường duy nhất.


Người chạy trước chưa chắc đã thắng. Nhưng kẻ chạy sau… thì càng không thể dừng lại.


Dù hiện tại tôi đã có trong tay khối tài sản kếch xù, đủ để sống vài đời chẳng cần làm gì nữa. Thế nhưng nơi tôi và vợ lui tới nhiều nhất, vẫn là… nhà kính trồng dưa.


Đôi khi toàn tâm toàn ý theo đuổi một việc gì đó, nó sẽ dần dần trở thành… sở thích và là một phần của cuộc sống.


Nhờ sự nỗ lực bền bỉ không ngừng nghỉ của hai vợ chồng, cuối cùng chúng tôi đã nghiên cứu và cho ra đời giống dưa Phong Thu số 1, số 2, số 3.


Không chỉ phá vỡ định kiến ‘dưa hảo hạng thì không thể cho năng suất cao’, mà còn góp phần lớn vào việc kéo giá dưa trái vụ xuống mức mà ai cũng có thể mua được.


—Hết—

Bình luận (0)
Đăng ký tài khoản (5s xong)

Hãy là người bình luận đầu tiên