“Chú Tôn à, chú là người rộng lượng xin đừng làm khó cháu nữa. Đừng nói là năm xu, dù chú có trả cháu năm hào thì số dưa này cũng chẳng bán nổi đâu.” Tôi đặt bút và thước xuống bàn nhìn chú mỉm cười, rồi nhẹ nhàng đáp.
“Phong Thu, con nói vậy là không phải rồi. Đều là bà con làng xóm cả mà, mấy năm trước con bán cũng tốt lắm đấy thôi?” Chú Tiền cũng sốt ruột, lên tiếng chen vào.
“Mấy năm trước là vì lòng tôi còn ấm, giờ thì nguội lạnh cả rồi. Với lại, chẳng phải tiểu thư nhà họ Bạch từng hứa chắc như đinh đóng cột rằng sẽ bán hết dưa cho bà con sao? Vậy thì mọi người nên tìm cô ta chứ tìm tôi làm gì?” Tôi phủi tàn thuốc dính trên ngực áo, cố ý nhấn mạnh họ tìm sai người rồi.
“Con ranh… À không, con bé Bạch Thi đi rồi còn đâu? Bà con cũng hết cách nên mới phải quay lại tìm con. Phong Thu à, giờ trong làng chỉ có con là làm được việc này. Con không thể thấy mọi người gặp nạn mà khoanh tay đứng nhìn được.”
“Con bé là đứa non nớt không hiểu chuyện, chẳng lẽ con cũng thế sao?”
Bạch trưởng thôn lại bắt đầu giở trò gán ghép trách nhiệm, lên giọng giảng đạo lý với tôi. Hồi con gái ông ta tìm cách chèn ép tôi, tôi chẳng tin là sau lưng không có bóng dáng ông ta làm đạo diễn.
Muốn nhân cơ hội đè tôi xuống, đè không được lại quay ra lôi kéo. Cái kiểu gió chiều nào xoay chiều đó của Bạch trưởng thôn, tôi đã quá quen.
“Sợ gì mà không quay lại? Cô ta chec đâu mà chẳng liên lạc được. Là con gái ông, chẳng lẽ ông không biết tìm ở đâu? Gọi điện cho cô ta là xong, chứ có khó gì?” Tôi liếc nhìn ông ta, buông lời mỉa thẳng.
Bạch trưởng thôn mặt đỏ gay, cũng biết tôi vẫn còn giận vì những chuyện trước đây.
“Phong Thu, hay là thế này đi! Chú thay mặt cả làng đứng ra nói chuyện, năm nay dưa vẫn nhờ cháu bán. Cháu muốn lấy bao nhiêu tiền công thì cứ nói là được.” Bạch trưởng thôn nghiến răng, cuối cùng cũng đưa ra điều kiện.
Muốn tôi toàn quyền định giá à? Nghe có vẻ hào phóng đấy…
Nhưng mà câu ‘cháu nói là được’ nghe thế nào cũng thấy không đáng tin.
11.
Ba xu cũng được, ba hào cũng được, thậm chí chỉ cần một hào một cân, bà con cũng chấp nhận.
“Thôi thôi thôi… Trưởng thôn à, ông đừng nhắc đến tiền nữa. Bây giờ chỉ cần nghe đến chữ ‘tiền’ là tôi phát hoảng rồi.”
“Mấy năm nay tôi chạy đôn chạy đáo giúp làng bán dưa, cứ nghĩ kiếm chút tiền công cũng là lẽ thường và bà con ai cũng sẽ hiểu.”
“Không ngờ trong mắt mọi người tôi lại là kẻ tham lam vô lương tâm, móc túi bà con từng xu từng cắc. Tiền thì đã trả lại cả rồi nhưng lại bị viết đơn tố cáo, bị liên ngành gọi lên làm việc. Cái ‘nồi cơm sắt’ cũng vỡ luôn, tiền mất tật mang… tôi làm vậy rốt cuộc là vì cái gì?”
“Ngày xưa không giúp làng bán dưa, tôi sống vẫn yên ổn. Vậy mà càng giúp, lại càng bị biến thành kẻ thù…”
“Tôi nghĩ thông rồi, thời buổi này làm người tốt đúng là khó. Huống chi, tôi cũng đã nói rõ từ hôm đó rồi: từ nay về sau, dưa thôn Vương Ốc… Tôi không bán nữa.”
“À đúng rồi, trưởng thôn này! Bản sao tờ đơn tố cáo có chữ ký tập thể tôi vẫn giữ đây, ông có muốn xem qua không? Trong đó có mấy người tuy không có chức vụ gì to tát nhưng nói thế nào cũng là ‘cán bộ’, chữ ký thì viết như gà bới cần phải rèn thêm nhiều lắm.”
Tôi khoát tay từ chối không buồn lay chuyển, còn tiện thể mỉa mai cả đám người từng quay lưng với mình.
“Phong Thu, tôi hỏi thật. Dưa làng mình là cậu không muốn bán, hay là… không dám bán?” Bị tôi châm chọc không thương tiếc khiến mặt Bạch trưởng thôn đen như đáy nồi, nhưng vẫn cố nén giận mà hạ giọng hỏi tiếp.
“Không muốn bán.” Tôi dứt khoát đáp.
Giúp họ nữa? Tôi bị điên chắc? Đầu tôi bị cửa kẹp à?
Người khác có thể phụ tôi, chứ tôi không dại gì phụ lại chính mình.
Tôi đâu phải nhân vật chính trong mấy bộ phim truyền hình thánh mẫu dài tập, bị cả làng bắt nạt hắt hủi đến tận cùng nhưng chỉ cần ai đó nói đôi ba câu tử tế là lại nhũn người ra. Rồi quay lại cống hiến như chưa từng bị tổn thương?
“Cậu… Ông Lý, đều là người cùng làng cả, sao lại có thể làm chuyện tuyệt tình như vậy?” Trưởng thôn không ngờ tôi lại thẳng thắn như thế, nên đành phải quay sang bấu víu vào bố tôi.
“À…” Bố tôi cũng bắt đầu lưỡng lự.
Ông có giận không thì tôi không rõ.
Có lẽ là có đấy.
Chỉ là… cả đời bố tôi quen sống làm người hiền lành, điều ông không giỏi nhất chính là… từ chối.
“Bố, bố vào buồng lấy giúp con cái túi. Con còn phải đi xử lý chút việc.” Tôi cố ý sai bố đi lấy đồ, để ông rời khỏi cái chốn rối ren này.
Ngồi đây, ông chỉ càng thêm khó xử và mệt lòng mà thôi.
“Được rồi, trưởng thôn này! Chú Tôn chú Tiền, các bác các thím… chuyện dưa hấu, đừng tìm tôi nữa.”
“Tôi không còn lòng cũng chẳng còn sức. Lát nữa tôi còn có việc, mọi người cứ về đi chứ tôi không giữ nữa.” Tôi dứt khoát ra mặt tiễn khách.
Bà con ai nấy đều không cam tâm rời đi, vừa đi vừa ngoái lại liên tục mong tôi sẽ đổi ý vào phút chót.
“Phong Thu à, hay là con giúp bà con một tay đi? Mưa xuống thật thì… coi như xong cả năm luôn rồi.” Bố tôi xách túi đi từ trong buồng ra, giọng đầy trăn trở.
Ông… vẫn quá mềm lòng.
“Bố, lần trước chịu thiệt chưa đủ à? Hôm đó cả đám người ấy nhào vào, chẳng phải suýt nữa nuốt sống bố con mình luôn sao? Đều là lũ sói hoang, nuôi không bao giờ quen.”
“Con nghĩ thông rồi, ngoài người nhà mình thì với ai cũng nên có giới hạn.”
“Có người đói, mình đưa cho cái bánh bao họ sẽ biết ơn. Lần sau lại đói, mình vẫn đưa bánh bao và họ vẫn cảm ơn.”
“Đến lần thứ ba… mình vẫn đưa cái bánh bao ấy là họ bắt đầu chửi. Tại sao không cho họ một mâm cơm đầy đủ bốn món một canh?”
“Giúp người một lần là ân nghĩa. Còn giúp mãi… sẽ trở thành nghĩa vụ.”
Tôi đón lấy túi từ tay bố rồi gập bản thiết kế trên bàn lại, cẩn thận bỏ vào trong sau đó nói với giọng chậm rãi mà chắc nịch.
“Con trai bố nói đúng. Từ giờ mình không chen vào mấy chuyện lằng nhằng này nữa, tự lo cho mình cho yên thân còn hơn đủ thứ lằng nhằng ngoài kia.” Bố tôi im lặng một lúc, rồi gật đầu thật kiên quyết.
“Vậy là đúng rồi. Bây giờ con lên tỉnh để mốt nhớ mang xe về, còn thu hoạch dưa nhà mình nữa.” Tôi đeo túi lên vai rồi bước ra cửa.
Dưa của thôn Vương Ốc có thể không bán được.
Nhưng… dưa nhà tôi thì không nằm trong số đó.
12.
Nhà tôi có mười lăm mẫu đất, toàn bộ đều trồng dưa hấu loại tốt. Tuy sản lượng không cao như trước, nhưng lợi nhuận tổng thể thì tăng đáng kể.
Ở tỉnh thành hai ngày, tôi quay về làng mang theo một chiếc xe tải để thu hoạch và chở dưa đi.
Vừa đỗ xe bên đường, còn chưa kịp bắt tay vào chất hàng thì bất ngờ một đám người ào ra từ bốn phía vây chặt lấy chiếc xe tải.
Dẫn đầu không ai khác chính là chú Tôn và chú Tiền.
“Không được chất dưa!” Chú Tôn giằng quả dưa từ tay một công nhân bốc vác, giận dữ quẳng xuống đất mà quát lên như sấm.
“Chú Tôn, chú mở to mắt mà nhìn cho rõ đây là dưa nhà tôi. Chất hay không chất, không tới lượt chú quyết định?” Tôi bước lên túm lấy cổ áo chú ấy, ấn đầu ông ta cúi xuống nhìn quả dưa vừa bị đập nát.
“Tôi mặc kệ, dưa nhà tụi tôi không bán được thì nhà cậu cũng đừng mong mang đi!” Chú Tôn vùng lên, trợn mắt mà gào như thể tôi vừa cướp bát cơm nhà chú ta.
“Đúng thế! Dưa nhà cậu cũng đừng mong bán!”
“Đập hết dưa nhà nó đi!”
Bà con xung quanh nhao nhao phụ họa theo.
Ngay giây phút ấy, cái bản tính cố hữu bộc phát trọn vẹn. Mình khổ thì người khác cũng không được sướng.
Họ chưa từng tự hỏi: vì sao chính họ lại rơi vào cảnh khốn cùng như bây giờ?
“Ai dám!” Nghe đến chuyện muốn đập phá dưa nhà tôi, bố tôi nổi giận mà dang rộng hai tay che chắn trước xe dưa.
“Bố, không sao đâu! Cứ để họ đập đi, muốn đập bao nhiêu thì đập. Bố đi chuẩn bị báo công an đi, báo là có người tụ tập gây rối và phá hoại tài sản cá nhân.”
“Dưa nhà mình đều có hợp đồng rõ ràng. Họ đập một quả thì phải đền một quả, không ai thoát được đâu.”
Nói rồi tôi móc điện thoại ra, bật camera bắt đầu quay phim:
“Nào, đập đi chứ? Vừa nãy khí thế lắm mà? Chú Tôn, chú Tiền, còn đứng đó làm gì? Mau ra tay đi!”
“Đập xong nhớ trả tiền nhé. Rồi chuẩn bị vài ngày ăn cơm trại miễn phí, việc tốt như vậy còn chần chừ gì?”
Tôi giơ cao điện thoại, vừa nói vừa lia một vòng quanh đám đông để ghi lại từng gương mặt quen thuộc trong làng mà không để sót một ai.
Không ai dám động thủ. Họ đỏ mắt thật đấy, ghen tị cũng là thật nhưng khi biết phải trả giá thì dù tức tối đến mấy… cũng đành ngậm bồ hòn nuốt xuống.
Giằng co khoảng nửa phút, đám đông rốt cuộc phải tản ra.
“Chú Tôn, đừng vội đi thế chứ. Dưa nhà cháu bị chú đập nát rồi còn gì? Giống này đặc biệt gọi là tiểu Phụng, giá thị trường bảy tệ một cân, quả này ít nhất mười cân… Bảy mươi tệ, mời chú thanh toán.”
Tôi tóm lấy chú Tôn đang định chuồn mà giơ tay đòi tiền.
Nếu là trước đây làng xóm với nhau, đừng nói một quả dưa mà có khi bê mấy quả đi tôi cũng chẳng so đo. Nhưng hôm nay bố tôi bị chọc đến mức không nói nổi một lời, vẫn đứng đấy im lặng nhìn tôi đòi nợ.
Cuối cùng chú Tôn cũng đành móc ví đưa bảy mươi tệ, mặt mày xám ngoét lủi thủi rút lui.
“Không có gan thì bày trò gì? Mặt dày đến thế là cùng… Phì!” Tôi nhìn theo bóng lưng chú, văng một câu chửi to.
Ông ta loạng choạng suýt thì trượt chân, cắm mặt xuống rãnh bên đường. Nói ra cũng khéo, xe dưa nhà tôi vừa giao hàng xong ở tỉnh thì trời bắt đầu đổ mưa.
Hãy là người bình luận đầu tiên
Nguyệt Truyện hoan nghênh các tác giả, dịch giả, nhóm dịch và các fanpage đăng truyện lên website của chúng tôi. Mọi chi tiết về nhuận bút, kiếm tiền và các thỏa thuận khác vui lòng nhắn tin trực tiếp đếnfanpage Facebook Nguyệt Truyệnhoặc email nguyettruyennet@gmail.com