“Anh…” Bạch Thi tức đến mức nghẹn họng, một chữ cũng không nói ra được.
“Chẳng phải lúc trước cô rất tự tin sao? Thế này nhé, cô với bố cô gom hết dưa trong làng lại rồi tự đứng ra thu mua đi?”
“Vừa giúp được bà con lại giữ trọn lời hứa, một mũi tên trúng hai đích. Quá tuyệt còn gì?”
Tôi ‘hảo tâm’ hiến kế cho cô ta một chiêu… độc.
“Tiền nhà tôi cũng đâu phải gió thổi đến!” Bạch Thi nghe ra tôi đang mỉa mai thì trừng mắt phản bác.
“Đúng, tiền nhà cô không phải gió thổi đến. Nhưng thời gian và sức lực của tôi thì là từ gió thổi ra chắc?” Tôi không khách khí gì, lạnh giọng quát cô ta một câu rồi quay người bước thẳng ra khỏi làng: “Tốt nhất là tránh đường đi, tôi còn việc phải làm. Nếu cứ bám lấy tôi nữa thì cẩn thận tôi báo công an về tội cố tình quấy rối người khác đấy.”
“Lý Phong Thu, anh đừng có đắc ý! Tôi… Bạch Thi, nhất định cũng sẽ bán được dưa cho bà con!” Phía sau lưng, giọng cô ta the thé vọng lại đầy tức tối.
“Tôi nói trước nhé, nếu cô bán được hết dưa. Bảo tôi lấy họ Bạch nhà cô luôn cũng được!” Tôi giơ một ngón tay lên trời, không thèm quay đầu lại mà cười khẩy bước đi.
Bạch Thi xem ra cũng đã muốn quyết ăn thua đủ với tôi. Một lần nữa đứng giữa làng tuyên bố chắc nịch: cô ta sẽ bán hết dưa cho cả làng.
Mồm miệng cô ta đúng là cứng còn hơn vỏ dưa. Nhưng cứng mồm thì vẫn chẳng bán được hàng.
Không có kênh phân phối cũng chẳng có khách hàng, thứ duy nhất Bạch Thi có thể trông cậy… chính là bố mẹ cô ta.
Đúng, bố cô ta là trưởng thôn. Nhưng làm trưởng thôn không đồng nghĩa với việc… bán được dưa.
Loay hoay mãi, hết tuần này sang tuần khác. Nghe nói Bạch trưởng thôn cũng vắt hết sức, cuối cùng mới xoay sở bán được thêm một tấn dưa.
Trong khi đó dưa hấu đã bắt đầu vào vụ, không bán kịp thì chỉ còn cách để nó nứt vỏ hỏng rụng ngoài đồng.
Bà con cũng cuống lên. Không ai dám đặt hết cược vào mỗi mình Bạch Thi nữa, ai nấy lại kéo nhau ra đường, bày dưa bán vỉa hè như những năm tháng khốn khó trước kia.
Nhưng Bạch Thi không chịu thua. Cô ta quyết định đổi hướng, tự mình ‘cải cách’ bằng cách chọn ra vài cô gái trong làng. Miễn là xinh đẹp và dáng chuẩn… rồi mở livestream bán dưa.
Phải công nhận, bán hàng qua mạng giờ đúng là xu thế.
Nhưng quan trọng là phải biết bán cái gì. Trái cây vốn dĩ đã khó bảo quản và dễ dập nát, mà dưa hấu thì càng mong manh… Chỉ cần va chạm nhẹ là coi như bỏ.
Nhưng Bạch Thi không tin. Cô ta nhất quyết tin rằng livestream sẽ giúp cả nước biết đến dưa Vương Ốc, và dưa sẽ cháy hàng chỉ sau một đêm.
Tôi cũng từng vào xem vài buổi livestream của cô ta, mà suýt nữa thì… cười rụng cả hàm.
9.
Mở đầu buổi livestream, Bạch Thi dẫn theo mấy cô gái lên nhảy múa rồi lấy đó làm chiêu câu kéo người xem.
Đợi đến khi lượng người trong phòng lên cao, mỗi cô ôm một quả dưa bắt đầu thi nhau khen lấy khen để. Nào là dưa ngon thế này ăn ngọt ra sao, hôm nay không mua thì ngày mai tiếc hùi hụi, rồi nào là khuyến mãi ‘đặt hàng 10.000 cân, tặng ngay 500 cân"...
Lúc mới nhảy thì lượng khán giả vẫn còn khá đông, cao điểm có lúc lên tới hai ba nghìn người. Nhưng cứ hễ dưa hấu vừa xuất hiện… là người xem liền rút sạch.
Để chiều lòng khán giả thời lượng nhảy kéo dài càng lúc càng lâu, còn trang phục trên người các cô thì… ngắn dần.
Livestream mấy ngày liền, không bán được một quả dưa nào. Cuối cùng còn bị nền tảng khóa tài khoản vì lý do "truyền bá nội dung phản cảm".
Thiết bị livestream với quần áo biểu diễn là tiền của ủy ban thôn bỏ ra. Thế là lỗ sạch, lỗ đến mức không gượng dậy nổi.
Bạch Thi sững người và bà con cũng chec lặng.
Năm nay dưa hấu được mùa khắp nơi, cung vượt cầu khiến thị trường chẳng thể tiêu thụ nổi. Bà con kéo nhau ra ngoài bán dưa, gian nan chồng chất. Có lần sáng sớm chất đầy xe đi, tối lại kéo nguyên xe về không thiếu một quả.
Các sạp dưa cạnh tranh khốc liệt, giá cả bị ép xuống đến tận đáy. Kiếm lời ư? Đừng mơ. Giờ chỉ xem ai chịu lỗ được nhiều hơn thôi.
Dưa bán tám hào, có người năm hào cũng bán. Nhưng bán rẻ chưa chắc có người mua.
Thậm chí có chỗ bán lẻ từng quả: sáu tệ một quả, mười tệ hai quả.
Dưa chín mà không thu hoạch, cố lắm cũng chỉ trụ lại được trên ruộng một tháng. Còn nếu đã hái xuống rồi thì nửa tháng là thối.
Giờ đây, dưa của cả làng vẫn nằm nguyên trên ruộng. Không ai dám động vào, chỉ còn biết ôm lấy hy vọng mong manh chờ điều kỳ diệu xuất hiện.
Việc mà bà con làm nhiều nhất mỗi ngày… chính là bám lấy Bạch Thi.
Bởi vì chính cô ta từng vỗ ngực cam đoan trước mặt cả làng rằng sẽ bán hết dưa cho bà con, tuyệt đối không để ai phải chịu thiệt.
Mọi người vẫn đang chờ cô ta… thực hiện lời hứa đó.
Chỉ còn nửa tháng nữa, nhiều nhất là nửa tháng. Nếu dưa ngoài ruộng không bán được, thì chỉ còn cách để chúng thối rữa tại chỗ.
Dù Bạch Thi có không cam lòng, thì cũng phải nuốt đắng chấp nhận sự thật: cái miệng của cô ta thì to, nhưng năng lực lại quá nhỏ.
Cô ta đành thừa nhận trước bà con rằng, năm nay… dưa không bán nổi nữa. Đồng thời vội vàng xoa dịu, hứa hẹn rằng sang năm sẽ rút kinh nghiệm và lên kế hoạch từ sớm để cố gắng bán sạch dưa cho cả làng.
Nhưng trong tai bà con, mấy lời đó chẳng khác gì tiếng đánh rắm.
Sang năm bán được hay không là chuyện của sang năm, còn điều mà mọi người quan tâm bây giờ… là năm nay.
Mới được sống đôi ba năm yên ổn, ai ngờ chỉ vì một câu cam đoan của ‘con gái trưởng thôn’ mà cả làng dốc hết hy vọng vào cô ta.
Giờ cô ta quay ra bảo ‘không bán được nữa’ thì khác gì đùa giỡn niềm tin của người ta:
“Haiz… tôi đúng là bị ma làm. Một con bé mới lớn, liệu có làm nên trò trống gì không?”
“Nhà trưởng thôn ấy à? Cả nhà đều bụng dạ chẳng ra sao, nhìn là biết chẳng có ý gì tốt lành.”
“Bạch Thi cái quái gì? Tôi thấy nên gọi là Bại Thi thì đúng hơn, tên nghe đã thấy chẳng cát lành gì rồi.”
Tin đồn cùng lời ra tiếng vào trong làng mỗi lúc một nhiều, tất cả đều nhắm thẳng vào Bạch Thi mà bắn. Cả quá trình, cô ta chỉ hưởng được đúng một tháng ngắn ngủi gọi là ‘vinh quang’.
Ban đầu thì ra sức giẫm tôi xuống, cuối cùng lại tự ngã một cú đau điếng.
Bà con trong làng ấy mà, lúc cần thì nồng nhiệt hết mực… Ai giúp họ kiếm tiền thì họ sẽ khen người đó tận mây xanh. Nhưng một khi không còn giá trị lợi dụng, họ sẽ trở mặt còn nhanh hơn lật sách.
Điều đó, tôi hiểu rất rõ.
Cuộc sống của Bạch Thi ở làng mỗi ngày một thêm bức bối, ra đường thì bị móc mỉa trước mặt mà quay lưng thì bị bàn tán sau lưng đủ kiểu khiến người ta không thở nổi. Có lần cô ta đi ra ngoài lúc trời tối, còn không biết bị ai xông vào đánh cho một trận.
Cô ta gắng gượng được hai hôm, rồi cũng chịu không nổi nữa. Lấy cớ đi làm ăn xa mà lẳng lặng chuồn mất, sợ rằng không thể trở về làng được nữa rồi.
Thật ra Bạch Thi vốn dĩ chỉ là một đứa con gái chẳng có năng lực gì, nhưng dân làng lại coi cô ta là chỗ dựa.
Giờ thì hay rồi, cô ta phủi tay bỏ đi để lại đống hỗn độn. Chỉ còn lại bà con tự xoay xở thu dọn tàn cuộc.
Họa vô đơn chí, chân trước Bạch Thi vừa rời làng thì chân sau Cục Khí tượng lập tức phát cảnh báo thời tiết khẩn cấp.
10.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh cường độ mạnh, khu vực chúng tôi sắp hứng chịu một đợt mưa lớn hiếm gặp trong vài chục năm qua.
Mà dưa hấu… lại là thứ kỵ nước nhất. Một khi bị ngập trong ruộng, thì coi như xong không ăn được nữa.
Thiên tai giáng xuống, cộng thêm nhân họa. Thôn Vương Ốc một lần nữa rơi vào cảnh tuyệt vọng.
Thiên kim tiểu thư Bạch Thi— người từng mang danh chính nghĩa và hào hứng xông pha, thì nay đã cao chạy xa bay. Bà con lúc này mới bừng tỉnh, chợt nhớ ra còn một người từng bán dưa giỏi không ai bằng.
Sau một tháng lạnh tanh như chùa bà đanh, nhà tôi lại nhộn nhịp kẻ ra người vào như ngày nào.
“Phong Thu à, cháu nghĩ cách giúp tụi chú với chứ trời sắp mưa rồi. Dưa mà gặp nước là coi như công cốc cả năm nay đó.”
“Đúng rồi Phong Thu, cháu liên hệ gấp đi. Tìm mối đến thu dưa cho bà con, chứ muộn chút nữa là hỏng hết!”
“Năm nay thím trồng bằng giống tốt nhất, phân bón cũng mua loại đắt tiền nhất. Nếu không bán được… thím thật sự trắng tay mất thôi…”
…
Bà con túm tụm xung quanh tôi, thi nhau khẩn khoản cầu xin tôi giúp họ bán dưa.
Giờ thì nhớ tới tôi rồi à?
Nhưng tất cả đã muộn rồi.
Tôi cúi đầu, tiếp tục nhìn vào bản thiết kế còn dang dở trên bàn mà không nói một lời.
“Phong Thu à, là đàn ông con trai. Con không nên để bụng hẹp hòi quá, bà con có lỡ nói con vài câu thôi chẳng lẽ con còn để bụng đến giờ?”
“Chuyện cũ cho qua đi, giờ quan trọng nhất là bán được dưa cái đã. Ở đây toàn người lớn tuổi, con cũng nên cho họ một câu trả lời chứ?”
Thấy tôi im lặng, Bạch trưởng thôn dập tàn thuốc mà hắng giọng lên tiếng.
“Không bán.” Tôi vẫn tiếp tục vẽ, chỉ khẽ lắc đầu rồi trả lời gọn lỏn.
“Phong Thu à, chuyện lần trước là do tụi chú bị con bé Bạch Thi mê hoặc và chia rẽ. Giờ ai cũng rõ cả rồi.”
“Con đừng để trong lòng nữa. Lần này bán dưa con cứ lấy phần xứng đáng, ba xu là ít thì lấy bốn xu, năm xu cũng được. Tụi chú tuyệt đối không có ý kiến.”
Chú Tôn cúi người khom lưng xua tay xin lỗi lia lịa, chẳng buồn để ý Bạch trưởng thôn vẫn đang đứng đó mà nói năng chẳng nể nang gì. Ông ấy thẳng thừng lôi Bạch Thi ra chỉ trích.
Mà nghĩ cũng phải, ngày đầu tiên tôi đứng ra bán dưa chính là bán cho nhà chú ấy. Đến khi Bạch Thi kiếm chuyện, người đầu tiên nhảy ra phụ họa… cũng chính là chú ấy.
Hãy là người bình luận đầu tiên
Nguyệt Truyện hoan nghênh các tác giả, dịch giả, nhóm dịch và các fanpage đăng truyện lên website của chúng tôi. Mọi chi tiết về nhuận bút, kiếm tiền và các thỏa thuận khác vui lòng nhắn tin trực tiếp đếnfanpage Facebook Nguyệt Truyệnhoặc email nguyettruyennet@gmail.com