Vì ba xu, tôi bị cả làng hắt hủi

[3/6]: Chương 3

Bởi tôi thừa biết miệng cô ta hôm nay nói lớn bao nhiêu. Thì ngày mai, cú tát của hiện thực sẽ giáng vào mặt cô ta đau đớn bấy nhiêu.


Không phải tôi tự cao, nhưng dưa của thôn Vương Ốc. Ngoài tôi ra không ai bán nổi.


“Lý Phong Thu, làm chuyện xấu thì phải trả giá. Mà ngày anh phải nhận quả báo… cũng sắp đến rồi.” Lúc được cả đám người đưa ra tới cửa, Bạch Thi bỗng dừng chân rồi ngoảnh lại nhìn tôi với ánh mắt đầy ẩn ý.


Khi đó tôi vẫn chưa hiểu ‘quả báo’ mà cô ta nói là gì, nhưng chẳng bao lâu sau thì tôi đã biết rồi.


Chuyện đã lỡ nói ra, thì tiền chắc chắn phải trả lại. Chiều hôm đó, Bạch trưởng thôn dẫn người đến tận nhà tôi tính sổ.


Mấy năm qua, trừ năm đầu tiên ra thì những lứa dưa tôi bán đều có thu phần chênh lệch. Tôi phải bán xe và vét sạch số tiền dành dụm suốt bao năm, bố mẹ tôi cũng phải gom góp hết của để dành mới đủ bù vào.


Nhìn cảnh bà con vui vẻ nhận lại tiền, ai nấy cười tươi như hoa. Cứ như thể họ vừa giành lại được báu vật gia truyền bị đánh cắp bao nhiêu năm trời.


Nhà tôi từ đó cũng chẳng còn cảnh người ra kẻ vào tấp nập như trước.


Bà con trong làng mỗi khi gặp bố mẹ tôi, đều lập tức quay mặt đi. Như thể chỉ cần nói chuyện với họ thôi cũng đã là chuyện đáng xấu hổ lắm rồi.


Cùng lúc ấy, ‘quả báo’ mà Bạch Thi từng nói… cũng chính thức đến.


Có người gửi đơn tố cáo lên cấp trên, nói tôi trong thời gian đương chức đã tự ý tham gia hoạt động thương mại. Lợi dụng chức vụ để thu mua giá rẻ rồi bán ra giá cao, thu lợi bất chính.


Thậm chí, còn có cả đơn thư tập thể xác nhận nội dung tố cáo là thật.


Không cần đoán tôi cũng biết, người đứng sau vụ này chính là Bạch Thi. Còn ‘đơn tập thể’ kia, e rằng cũng chẳng ngoài đám người trong thôn Vương Ốc.


Việc tôi bán dưa, lãnh đạo đơn vị không phải không biết. Chỉ là trước nay vẫn chọn cách mắt nhắm mắt mở.


Nói cho hay thì là ‘giúp đỡ quê hương’, còn tiền chênh lệch thì cùng lắm coi như ‘tiền công vất vả’.


Nhưng một khi sự việc bị lôi ra ánh sáng, thì có muốn bao che cũng đành bó tay. Lãnh đạo không thể không xử lý theo quy định.


Tôi bị gọi lên làm việc và khai báo đầy đủ mọi chuyện, bao gồm cả việc hưởng chênh lệch khi bán dưa.


Nhờ thái độ thành khẩn, cộng với việc tôi đã hoàn trả toàn bộ số tiền trước khi bị điều tra. Tôi được xử lý nhẹ, chỉ bị kỷ luật cảnh cáo.


Đây là một hình thức xử lý... nghe thì có vẻ nghiêm trọng, nhưng trên thực tế chẳng khác gì một vết mực mờ trong hồ sơ.


Ở cơ quan tôi, trừ phi có kỳ tích xảy ra. Chuyện có kỷ luật ấy hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì đến chuyện lương thưởng hàng tháng.


Sau khi kết quả được công bố, mấy đồng nghiệp còn rủ nhau mở tiệc ăn mừng cho tôi. 


Thế nhưng ngay giữa bàn tiệc, tôi lại đưa ra một quyết định khiến tất cả mọi người sửng sốt: Tôi… nộp đơn xin nghỉ việc.


Dạo gần đây đúng là tôi hơi đen, không chỉ mất tiền mà còn bị tố cáo. Nhưng trong cái rủi, tôi cũng đã nghĩ thông suốt rồi.


Thay vì cả đời ngồi lì một chỗ và an phận lĩnh lương qua ngày... thì tại sao tôi không tự mình làm nên chuyện gì đó cho ra hồn?


7.


Điều kiện trong nhà hiện giờ phải nói là chạm đáy lịch sử, gần như tất cả không còn một đồng tiết kiệm.


Là đàn ông, tôi phải gánh vác gia đình này. Là con trai, tôi có trách nhiệm đảm bảo cho bố mẹ một cuộc sống tuổi già yên ổn.


Hồi còn nhỏ thứ tôi ghét nhất chính là dưa hấu, chỉ mong được thoát khỏi nó càng sớm càng tốt. Vậy mà lớn lên, xoay vần thế nào tôi lại quay về với thứ mình từng muốn trốn chạy.


Giờ đây, mục tiêu tôi tự đặt ra cho mình… vẫn là dưa hấu.


Học bốn năm ở trường Nông nghiệp, tôi có kiến thức lý thuyết cùng nền tảng chuyên môn vững vàng. Đem những gì đã học ra để làm nông nghiệp, cũng coi như là xứng đáng với tấm bằng đại học của mình.


Ước mơ năm xưa của bố mẹ giờ đã thành hiện thực. Con trai họ sau một vòng đời loay hoay, cuối cùng vẫn quay về để tiếp nối cái nghiệp của tổ tiên truyền lại.


Tôi có kế hoạch và biết mình muốn làm gì, nên làm gì và phải làm như thế nào. Tôi ngồi xuống, nói chuyện thẳng thắn với bố mẹ một buổi thật lâu… Họ hoàn toàn ủng hộ tôi.


Khi cả nhà ba người chúng tôi âm thầm chuẩn bị cho con đường mới. Thì ở ngoài kia, cả thôn lại đang xoay quanh Bạch Thi như cái rốn của vũ trụ.


Dưa hấu sắp vào vụ, bà con thì dõi mắt trông chờ. Mong Bạch Thi thực hiện đúng lời hứa mà bán được dưa cho họ.


Chỉ là… họ đã mắc hai sai lầm.


Một là quay lưng với tôi. Hai là đặt niềm tin vào Bạch Thi.


Con nhóc ấy, vừa xấu tính lại vừa ngốc. Ngốc mà tự cho mình là thông minh, thì là dại dột đến cực điểm.


Cô ta đi theo tôi vài lần tới siêu thị, tận mắt chứng kiến tôi thương lượng xong một mối dưa rồi ngây thơ nghĩ mình cũng có thể làm được như thế.


Bố cô ta là trưởng thôn… Đúng, ở làng Vương Ốc thì có tiếng thật.


Nhưng bước chân ra khỏi làng, ai biết đến “Bạch trưởng thôn” là ai? Ai thèm để mắt tới một người tên Bạch Thi?


Huống hồ, mối quan hệ tôi gây dựng suốt bao năm nay không phải từ trên trời rơi xuống. Bao nhiêu khách hàng hợp tác vì thứ họ chọn là tôi… Chọn cái tên Lý Phong Thu này, chứ chẳng phải vì dưa hấu của làng Vương Ốc.


Dưa thì ở đâu cũng có. Nhưng Lý Phong Thu, thì chỉ có một.


Bạch Thi đầy tự tin lên tỉnh, cô ta bắt chước tôi mà mang dưa hấu đi chào hàng khắp các siêu thị. Nhưng kết quả là không một ai để mắt tới cô ta.


Cô ta cố bám riết mới gặp được vài người phụ trách thu mua, nhưng đến khi họ ra điều kiện thì Bạch Thi lại chẳng chấp nhận nổi.


Cùng là loại dưa ấy, nếu tôi đi thương lượng thì người ta sẵn sàng trả tám hào một cân. Nhưng đến lượt Bạch Thi, họ chỉ chịu trả năm hào.


Không phải vì cô ta là phụ nữ nên bị chèn ép, mà vì trong chuyện này… có những thứ gọi là ‘thủ thuật’.


Giá là do người định, vấn đề là cô ta hoàn toàn không biết cách nào để đẩy giá lên. Chưa kể cô ta chỉ biết nhắm vào siêu thị để tiếp thị dưa, còn những kênh tiêu thụ khác thì hoàn toàn mù tịt.


Sau nửa tháng chạy ngược chạy xuôi, rốt cuộc cô ta chỉ chốt được duy nhất một đơn hàng là năm trăm cân.


Năm trăm cân? Chỉ bằng số dưa khi một hộ thu hoạch thôi cũng đã vượt qua con số đó rồi.


Dần dần, bà con bắt đầu hoài nghi: Bạch Thi liệu có thật sự bán được dưa hay không?


Nói hay đến mấy cũng chỉ là lời nói gió bay, không bằng cầm tiền thật trong tay. Mỗi lần cô ta xuất hiện, bà con đều vây lại hỏi dồn: “Dưa bao giờ bán được?”


Lần nào, cô ta cũng chỉ quanh quẩn vài câu mập mờ để đối phó:


“Sắp rồi, sắp rồi.”


“Sắp có kết quả rồi.”


“Đang có tiến triển mà.”



Không thể phủ nhận, nhìn vào thì đúng là cô ta đang nỗ lực bán dưa thật.


Nhưng bán không được… cũng là thật nốt.


Còn việc cô ta cố tỏ ra mạnh mẽ là vì sĩ diện, hay thật lòng muốn gánh vác cho bà con thì cũng khó mà nói cho rõ.


Hôm đó, tôi chuẩn bị đi tỉnh một chuyến. Vừa ra khỏi cửa thì chạm mặt Bạch Thi.


“Anh Phong Thu…” Cô ta nhoẻn miệng cười, ngọt ngào chào hỏi tôi như chưa từng có chuyện gì xảy ra.


“Thôi đủ rồi. Tôi chỉ là kẻ tham lam vô liêm sỉ, máu lạnh chỉ biết kiếm tiền bất chính nên không dám nhận cái chữ ‘anh' từ thiên kim tiểu thư nhà họ Bạch đâu.”


Tôi cắt lời cô ta rồi vòng qua định rời đi.


“Anh Phong Thu, em biết anh đang giận em… Em sai rồi, thế đã được chưa?”


“Giờ dưa không bán được, bà con đang sốt ruột lắm. Anh giúp em một lần thôi, được không? Em xin anh đấy…”


Cô ta níu lấy tay tôi, bắt đầu giở giọng nũng nịu.


8.


“Chuyện đó thì liên quan gì tới tôi?” Tôi hất tay cô ta ra, vẻ mặt chẳng muốn giấu sự chán ghét mà lạnh giọng hỏi ngược lại.


“Sao lại không liên quan? Anh là người của thôn Vương Ốc, anh có trách nhiệm cùng nghĩa vụ—” Bạch Thi lại bắt đầu lôi cái bài đạo nghĩa sáo rỗng ra giảng giải.


“Thôi im đi. Người thôn Vương Ốc đâu chỉ có mình tôi? Nói đến trách nhiệm cùng nghĩa vụ, thì thiên kim tiểu thư nhà trưởng thôn là cô phải đứng hàng đầu chứ?”


“Đừng dùng mấy trò đạo đức giả đó để trói buộc tôi, có thời gian thì lo mà nghĩ xem làm sao bán được dưa đi. Nếu không cảnh tôi hôm nay… chính là cái kết của cô ngày mai đấy.”


Tôi mất kiên nhẫn, gạt tay cô ta ra rồi tiếp tục bước đi. Không ngờ, Bạch Thi mặt dày bám theo sau.


“Không được đi, tôi lấy thân phận con gái trưởng thôn ra lệnh cho anh. Anh phải giải quyết chuyện dưa hấu của thôn Vương Ốc!” Cô ta dang tay chắn ngang đường, mặt mày nghiêm nghị như đang đóng phim truyền hình chính luận.


“Đúng là đồ thần kinh!” Tôi bật cười khinh bạc:


“Cô dù gì cũng tốt nghiệp đại học, lúc mẹ cô sinh cô ra… có phải vô tình dùng nhau thai thay cho não không đấy?”


“Con gái trưởng thôn? Cô tưởng cái danh ấy có giá trị gì to tát lắm à? Ai cho cô quyền hạn chế tự do người khác? Ai cho cô quyền ra lệnh cho tôi? Là bố cô à? Gọi ông ta đến đây để tôi hỏi cho ra nhẽ.”


“Còn nữa, hộ khẩu của tôi không ở làng này. Nói cho đúng thì tôi không phải dân thôn Vương Ốc, cô lấy cái tư cách gì mà hống hách với tôi?”


Tôi không nhịn được cười, buông vài câu mỉa mai cay độc. Với cái đầu óc như vậy, bảo sao bận bịu nửa tháng trời cũng chỉ bán được có… năm trăm cân dưa.



Bình luận (0)
Đăng ký tài khoản (5s xong)

Hãy là người bình luận đầu tiên