1.
Đó là một ngày bình thường như bao ngày khác. Tôi ngồi xổm trước tủ giày ngay cửa ra vào, cẩn thận bóc lớp băng keo trên kiện hàng vừa mới nhận. Bỗng bên ngoài có tiếng loạt soạt khẽ vang lên.
Chẳng bao lâu sau cánh cửa chống trộm bật mở, bà Vương Mỹ Phương là mẹ chồng tôi thản nhiên bước vào mà không buồn đổi dép.
Bà chưa từng báo trước khi đến, cứ thế tự nhiên xuất hiện như thể đây là nhà mình. Tôi vốn đã quen nên chỉ khẽ gọi một tiếng ‘Mẹ’, rồi tiếp tục tập trung vào công việc dở dang.
Nhìn thấy đống kiện hàng xếp trước mặt tôi, bà chẳng thèm đặt túi xách xuống mà lập tức cao giọng nói: “Lại mua cả đống đồ nữa à? Tiêu tốn bao nhiêu tiền rồi đây?”
Bà lúc nào cũng vậy, hễ thấy tôi tiêu tiền là như bị chọc giận cứ phải làm ầm lên. Nếu tôi dại dột cãi lại thì bà sẽ càng nói hăng hơn, thậm chí còn kéo cả vấn đề đạo đức ra mà dạy dỗ. Bà luôn bảo tôi không biết cách quản lý gia đình cùng tiêu xài hoang phí.
Không muốn tranh cãi vô ích, tôi chỉ im lặng để mặc bà muốn nói gì thì nói.
Tôi bóc ra một hộp mỹ phẩm trúng thưởng trong buổi livestream, thì bà lại lầm bầm: “Mấy thứ lọ chai này lại chất đầy bàn trang điểm rồi, còn mua thêm làm gì nữa không biết? Suốt ngày chỉ biết tiêu tiền!”
Tôi lấy ra chiếc váy công chúa nhỏ mua cho con gái rồi giơ lên ướm thử, bà lại lải nhải không dứt: “Đã bảo bao nhiêu lần là quần áo cho trẻ con phải mua rộng một chút! Chúng lớn nhanh lắm chưa mặc được mấy bữa đã chật rồi, thế mà cứ tiêu hoang như vậy. Đúng là không tự mình kiếm ra nên chẳng biết quý trọng đồng tiền!”
…
Cách đối phó của tôi cực kỳ hiệu quả: Cứ coi như gió thoảng bên tai, bà muốn nói gì thì cứ nói chứ tôi không cần để tâm. Khỏi phải tranh luận mà cũng tránh được cãi vã— một công đôi việc.
Mãi đến khi đã phàn nàn chán chê, bà mới chịu ngồi xuống ghế sofa mở TV lên xem. Thấy sắp đến giờ cơm, tôi vừa định hỏi mẹ chồng muốn ăn gì thì bà đã nhanh nhẹn đứng dậy mà đi thẳng vào bếp.
Khoảng mười phút sau, bà bưng ra một tô mì trứng cà chua đặt lên bàn rồi ngồi xuống ăn ngon lành.
Tôi nhìn bà rồi bước vào bếp, cảnh tượng trước mắt khiến tôi không khỏi sững sờ: bếp ga lộn xộn, bồn rửa đầy dầu mỡ, xoong nồi vứt bừa bộn… và quan trọng nhất là mẹ chồng tôi chỉ nấu cho mỗi mình thôi!
Không nói một lời tôi cặm cụi dọn dẹp lại nhà bếp, rửa sạch chén bát rồi lấy điện thoại đặt một phần lẩu cay cho bản thân.
Chẳng bao lâu sau shipper đã giao hàng tới, nhưng người trước vừa đi thì người sau đã nhăn mặt khó chịu: “Lại phí tiền rồi, nhà đầy đồ ăn mà không chịu nấu cứ đi ăn mấy thứ mất vệ sinh ngoài hàng quán!”
Tôi coi như không nghe thấy, đeo tai nghe rồi bật tivi lên. Vừa xem phim vừa mở đồ ăn đặt ngoài.
Thấy tôi không đáp lại mẹ chồng dứt khoát đứng chắn ngay trước mặt, tay chỉ thẳng vào trán tôi vừa chọc vừa mắng: “Nhìn đi nhìn đi, cái nhà này bị cô phá nát đến mức nào rồi! Ngay cả con bé Hân Hân cũng bị cô làm hư, mới năm tuổi đầu mà ngày nào cũng đòi ăn đồ rác rưởi ngoài đường. Thế này thì ai mà chịu nổi?
Bà nói gì tôi còn có thể nhịn, nhưng cái kiểu chỉ tay vào trán người khác thì tôi thực sự không chịu nổi. Từ nhỏ đến lớn, ngay cả bố mẹ tôi cũng chưa từng làm vậy với tôi.
Nhưng bà dù sao cũng là người lớn, tôi cố nuốt cục tức xuống rồi nghiến răng nặn ra một câu châm chọc: “Mẹ nói đúng lắm ạ! Lần sau con không gọi mấy quán nhỏ nữa, đặt luôn nhà hàng lớn cho mẹ vừa lòng!”
Câu đó vừa dứt, bà lập tức nghẹn họng mà hít một hơi thật sâu rồi bắt đầu bài diễn văn quen thuộc: “Cô nghe xem mình đang nói cái gì! Hồi đó tôi đã bảo với thằng Nam là loại đàn bà như cô không thể lấy làm vợ được, vừa phá của lại còn lười biếng! Suốt ngày ăn với chơi rồi bắt con trai tôi nai lưng ra nuôi cả nhà, đến m.á.u cũng bị cô hút sạch rồi còn gì!
Tôi trừng mắt lườm một cái rõ dài. Vẫn là mấy câu cũ rích, bà không thấy nhàm nhưng tôi thì chán tới phát mệt rồi.
Không đấu lại thì thôi, né được là yên thân.
Tôi thở dài, đứng dậy xách hộp lẩu cay chui vào phòng ngủ sau đó khóa trái cửa lại. Âm lượng tivi bật lên cao hết cỡ để mặc mẹ chồng ngoài kia cứ nói bóng gió, mỉa mai bao nhiêu tùy thích.
2.
Tôi ở trong phòng vừa ăn vừa toát mồ hôi hột, xem chương trình tấu hài mà cười đến đau cả bụng.
‘Cạch’ một tiếng, bên ngoài vang lên tiếng đóng cửa. Tôi cứ tưởng mẹ chồng đi rồi, nhưng ai ngờ là chồng tôi— Trình Tường Nam— về đến nhà.
Vừa thấy mẹ đang ngồi ở phòng khách, anh mỉm cười chào một tiếng: "Mẹ đến rồi ạ? Vợ con đâu rồi sao không thấy?"
Mẹ chồng liếc mắt, mặt đầy bực dọc: "Vợ vợ vợ, có vợ là quên mẹ liền! Về đến nhà là chỉ lo đi tìm vợ!"
Trình Tường Nam đã quá quen với tính của bà nên bình thản nói: "Mẹ lại cãi nhau với vợ con nữa rồi à? Dù sao cô ấy cũng là con dâu, mẹ đừng chấp nhặt quá. Cô ấy cũng đâu có nhàn nhã gì, việc trong ngoài đều là một tay cô ấy lo liệu cả."
"Xì! Nó mà vất vả gì! Vậy mẹ thì dễ dàng lắm chắc?" Bà lại bắt đầu kể khổ, vừa khóc vừa nhắc lại quãng đời vất vả như thể đó là bản quyền thuộc về riêng bà: "Lúc anh mới sinh ra thì bố anh bỏ đi, ông bà nội thì chẳng ngó ngàng lấy một lần. Chỉ có một mình tôi một tay phân một tay tã, nuôi anh khôn lớn…"
"Thôi nào mẹ, con biết rồi! Mẹ vất vả cả đời tụi con hiểu mà, dù sao thì... con thay mặt vợ xin lỗi mẹ một tiếng. Mấy hôm nữa là sinh nhật mẹ rồi, cả nhà mình vui vẻ hòa thuận cùng nhau ăn một bữa cơm nha."
"À mà, con thấy vợ con mấy hôm trước còn lén đi chọn quà sinh nhật cho mẹ đó, mẹ thấy không, cô ấy coi mẹ như mẹ ruột luôn mà!"
Trình Tường Nam vừa dỗ vừa hòa giải trông cũng ra dáng người làm con, làm chồng. Nghe vậy, mẹ chồng tôi có vẻ cũng nguôi giận đi được chút.
Tôi tính bước ra ngoài thì thấy bà đột ngột sà vào lòng con trai, nước mắt nước mũi tèm nhem giọng thút thít đáng thương: "Con à, mẹ cũng chỉ nghĩ cho con thôi… Chỉ cần hai đứa bay sống hạnh phúc, thì mẹ chịu chút ấm ức cũng chẳng sao…"
???
Tôi chưa nói gì mà bà ta đã diễn cả vở bi kịch như thể mọi chuyện đều do tôi gây ra, từng câu từng chữ như thể đang ngầm tố tôi vô tâm cùng hỗn hào.
Đúng là ‘d.a.o nhỏ c.ắ.t mông’, hôm nay mắt tôi thật sự đã sáng ra rồi! Không ngờ mẹ chồng tôi lại ‘trà xanh’ đến mức này!
Tôi bước ra trước mặt hai mẹ con họ mà bình thản lau miệng, rồi buông một cái ợ nhẹ: "Mẹ à, chỉ cần mẹ không phải chịu ấm ức... thì vợ chồng con ly hôn cũng được thôi."
3.
"Xem xem! Vợ của anh đang nói cái kiểu gì với tôi vậy hả?"
Mẹ chồng trừng mắt quát tôi, rồi quay sang chồng tôi tỏ vẻ đầy tức tối. Sau đó bà lại gằn giọng, nói với tôi bằng vẻ mặt cay nghiệt: "Nói thật đấy, nếu cô mà ly hôn thì cả đời này chắc chắn cũng không tìm được ai tốt như con trai tôi đâu!"
Có chồng ở đây, tôi cũng chẳng buồn nhịn nữa mà dõng dạc đáp lại: "Có một bà mẹ chồng như bà, ai mà sống nổi trong cái nhà này chứ?"
"Cô...!" Bà ta tức đến mức mặt đỏ bừng, ngã phịch xuống ghế sofa vừa vỗ ngực vừa rên rỉ: "Tôi tạo nghiệt gì mà phải chịu cái cảnh này chứ trời ơi!"
Trình Tường Nam vội bịt miệng tôi lại, ôm eo kéo tôi về phòng ngủ: "Mẹ, mẹ bớt giận đi ạ! Để con nói chuyện với Diệp Thanh một lát."
Anh vội đóng cửa phòng lại, xoay người làm động tác chắp tay nói với giọng năn nỉ đầy thành khẩn: "Vợ à, mẹ anh lớn tuổi rồi! Bà lại hay nói nhiều nên em đừng chấp bà ấy nữa, nể mặt anh một chút và chịu nhịn mẹ một lần thôi… được không?"
Tôi chỉ hừ một tiếng ngoảnh mặt đi, chẳng thèm đáp. Ngay lập tức anh rút điện thoại từ túi ra, lắc qua lắc lại trước mặt tôi trông không khác gì đang khoe của: "Hôm nay có lương rồi, 7.500 tệ anh chuyển cho em 7.200 tệ, chỉ giữ lại 300 tệ làm tiền tiêu vặt."
Rồi anh vòng tay ôm tôi từ phía sau, giọng trầm xuống mà dịu dàng thủ thỉ bên tai: "Vợ à, nếu không có em thì cái nhà này sao có được ngày hôm nay? Em là người vợ tốt nhất mà anh có được, anh sao nỡ để mất em chứ? Mẹ anh từ trước đến giờ vẫn thế, bà già rồi nên anh cũng khó mà nói gì. Nhưng mà ủy khuất cho em quá rồi… Anh xin lỗi!"
Nghe những lời ấy, tim tôi bỗng nhói lên một cái.
Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng tôi cùng nhau gây dựng sự nghiệp và chắt bóp từng đồng để mua được căn hộ rộng rãi giữa trung tâm thành phố. Nếu không có sự đồng lòng và thấu hiểu thì chắc chẳng thể đi đến ngày hôm nay.
Mẹ chồng đúng là khó tính và không dễ sống chung, nhưng ít nhất chồng tôi chưa từng quay lưng với tôi. Nếu anh không vững vàng, thì với một bà mẹ chồng như vậy tôi đã ly hôn cả trăm lần rồi.
Thấy tôi dịu lại, Trình Tường Nam cúi xuống hôn nhẹ lên trán tôi rồi nhỏ nhẹ nói: "Vợ à, mấy hôm nữa là sinh nhật mẹ rồi. Hay là em mua tặng mẹ một món quà để cải thiện quan hệ mẹ chồng, nàng dâu một chút nhé? Em cứ mua đi anh thanh toán hết."
Tôi vẫn còn hơi miễn cưỡng, anh bèn kéo rèm rồi khóa trái cửa phòng. Tiếp tục nhẹ nhàng dỗ dành thêm một lúc.
---
Chiều thứ Sáu, sau khi đón Hân Hân từ trường mẫu giáo về. Tôi dẫn con tới trung tâm thương mại, định chọn một món quà sinh nhật cho mẹ chồng.
Nghĩ bà đã có tuổi, chắc sẽ thích những món quà thực tế nên tôi dạo qua khá nhiều cửa hàng. Cuối cùng chọn được một chiếc áo len lông cừu chất lượng tốt có đường may cẩn thận, vừa đẹp vừa ấm.
Trên đường dắt Hân Hân về nhà, con bé bất ngờ hỏi tôi: "Mẹ ơi, ‘lười biếng bẩm sinh’ là gì vậy ạ?"
Tôi sững người tưởng con bé nói nhầm, liền hỏi lại mấy lần xem câu đó từ đâu mà có.
Hân Hân chớp chớp mắt, gương mặt ngây thơ không chút nghi ngờ đáp lại: "Là bà nội nói đó ạ. Bà bảo mẹ là đồ lười biếng bẩm sinh."
Nghe xong lời đó, m.á.u nóng trong tôi dồn lên não. Hai bên thái dương tôi giật liên hồi, từ khi Hân Hân chào đời đến giờ mẹ chồng chưa từng đỡ đần tôi một tay.
Trình Tường Nam từng nhờ bà trông cháu, nhưng bà ta thì sao?
Lúc thì kêu đau lưng, khi thì lại than mỏi chân. Vậy mà mỗi lần ra quảng trường nhảy múa với mấy ông bà bạn già, bà nhanh nhẹn đến mức ai cũng phải trầm trồ.
Lần duy nhất bà đi đón cháu ở trường, thì lại để lạc mất con bé. Từ hôm đó trở đi, tôi quyết định nghỉ việc ở nhà để toàn tâm toàn ý chăm con.
Lúc mới nghỉ, chính miệng bà còn bảo công việc của tôi chẳng kiếm được bao nhiêu. Ở nhà chăm con là một lựa chọn khôn ngoan.
Thế mà bây giờ mở miệng ra là chê tôi ăn bám và không có thu nhập, nói bóng gió như thể tôi vô dụng chỉ biết ngồi mát ăn bát vàng.
Làm mẹ toàn thời gian đâu có nghĩa là không lao động? Tôi không mang tiền về, nhưng cũng là người đang giữ cho cái nhà này êm ấm và con cái trưởng thành từng ngày.
Thế mà bà lại nhẫn tâm nói xấu tôi ngay trước mặt cháu mình.
Tôi siết chặt tay cầm chiếc túi đựng áo len, nhìn món quà định bụng mang về tặng bà. Bỗng thấy bản thân thật ngốc nghếch hết sức.
4.
Hân Hân không chịu lên nhà, mà cứ nằng nặc đòi chơi ở khu vui chơi dưới khu chung cư một lúc. Tôi vẫn còn đang giận nên chẳng vội về, muốn tìm chỗ thở một hơi cho bình tĩnh lại rồi hẵng lên nhà.
Con bé vừa buông tay tôi ra đã chạy vù đến chỗ cầu trượt, hí hửng trèo lên như thể quên luôn chuyện vừa rồi.
Hãy là người bình luận đầu tiên
Nguyệt Truyện hoan nghênh các tác giả, dịch giả, nhóm dịch và các fanpage đăng truyện lên website của chúng tôi. Mọi chi tiết về nhuận bút, kiếm tiền và các thỏa thuận khác vui lòng nhắn tin trực tiếp đếnfanpage Facebook Nguyệt Truyệnhoặc email nguyettruyennet@gmail.com