1.
Vừa hết kỳ nghỉ mùng Năm, tôi lại bận rộn quay cuồng.
Mỗi ngày đều đi sớm về muộn, chạy khắp nơi tìm khách để liên hệ với các mối buôn. Lo đầu ra cho dưa hấu của cả làng.
Là người duy nhất trong làng làm nghề buôn dưa, dưa hấu của cả thôn đều do một tay tôi đứng ra bán giúp. Giá cả tôi đưa ra cũng rất sòng phẳng, chỉ lấy ba xu mỗi cân… Mà tiền tạm ứng cho bà con lúc nào cũng là tiền mặt sòng phẳng.
Có điều dưa hấu đâu phải dễ bán. Năm nào đến mùa cũng vậy, tôi đều phải chạy đôn chạy đáo lo đầu ra trước cả tháng.
Sáng hôm đó, tôi còn chưa kịp mở mắt đã bị cuộc gọi của bố đánh thức: “Phong Thu, con mau về đi có chuyện rồi!”
Tôi vội khoác đại cái áo, mặt mũi chưa kịp rửa mà phóng xe chạy như bay về nhà. Dọc đường vượt tốc liên tục, cuối cùng cũng kịp về đến nơi trước giờ trưa.
Nhà tôi vẫn đông nghịt người, cảnh tượng quen thuộc đến mức tôi chẳng buồn ngạc nhiên nữa. Nhưng lần này ánh mắt bà con nhìn tôi lại khác, cứ như vừa khó hiểu xen lẫn chút bực bội.
Vì câu nói gấp gáp của bố, tôi không kịp nghĩ nhiều. Vừa dừng xe đã chạy thẳng vào trong.
Bố mẹ đang ngồi trong nhà, xung quanh đứng kín người trông chẳng khác gì đang bị đấu tố. Đầu cúi gằm xuống không ai dám ngẩng lên.
“Bố, có chuyện gì vậy ạ?” Tôi vội vàng bước tới hỏi.
Bố ngẩng đầu nhìn tôi một cái, môi mấp máy nhưng không nói nên lời. Chỉ thở dài một tiếng rồi cúi đầu trở lại.
“Phong Thu, cháu nói thật đi. Có phải cháu đã ăn chặn tiền của bà con không?” Bạch trưởng thôn bước đến, giọng nói đã chẳng còn chút khách khí như mọi khi mà nghe cứ như đang thẩm vấn.
Ăn chặn?
Câu nói đó làm tôi sững người, tôi ăn chặn tiền của bà con khi nào chứ?
“Trưởng thôn, bác nghe ai nói vậy ạ? Nói gì cũng phải có bằng chứng chứ?” Tôi đứng lặng vài giây rồi lên tiếng, không giấu được vẻ khó chịu.
“Là Tiểu Thi đã nói với bác rồi, con bé tận mắt thấy lúc cháu bán dưa… Giá cháu thương lượng với thương lái cao hơn giá báo lại cho dân làng!”
Bạch trưởng thôn đột nhiên giơ tay chỉ thẳng vào mặt tôi, giọng điệu và ánh mắt cứ như thể đang vạch tội một kẻ phạm pháp.
Tôi nhíu chặt đôi mày.
Bạch Thi là con gái của ông ta, cũng là người thứ hai trong làng thi đỗ đại học. Dù chỉ là một trường dân lập hết sức bình thường.
Nhưng ở thôn Vương Ốc này, nơi mà trình độ văn hóa trung bình chỉ dừng lại ở trung cấp. Thì cô ta lúc nào cũng tự nhận mình là trí thức cao cấp.
Năm ngoái sau khi tốt nghiệp, Bạch Thi trở về quê nói là không ưng mấy công việc ngoài kia và muốn ôn thi công chức.
Nhưng đã gần một năm trôi qua, cũng chẳng thấy cô ta thi thố gì.
Dân làng thì thầm với nhau rằng chắc cô ta kiếm không được việc ở thành phố, sống chẳng nổi nên mới ngậm ngùi quay về.
Cũng dễ hiểu thôi. Tôi là người đầu tiên trong làng đỗ đại học, lại là trường 211 hẳn hoi. Năm đó để tìm được một công việc tử tế, tôi cũng phải vắt sức lắm mới trụ lại được.
Bạch trưởng thôn có vẻ đang muốn đào tạo con gái thành người kế nhiệm. Năm nay ông ta còn đích thân nhờ tôi dẫn Bạch Thi theo cùng, giúp cô ta học hỏi thêm khi đi tìm đầu ra cho dưa hấu của làng, nói là muốn cô ta ‘mở mang tầm mắt’.
Nhưng con nhóc này chẳng có chút kiên nhẫn. Hôm qua đi theo tôi đến vài siêu thị, đến chiều đã mượn cớ bận việc rồi bỏ về trước.
Tôi còn ngỡ cô ta thực sự có chuyện gấp.
Giờ nghe Bạch trưởng thôn nói vậy thì tôi lập tức hiểu ra, hóa ra con bé chạy về nhà mách lẻo với bố rồi!
“Bạch Thi đâu? Gọi cô ta ra đây nói cho rõ ràng đi. Có gan mách lẻo, chẳng lẽ lại không dám ra đối mặt?” Tôi bỗng thấy giận sôi trong lòng, đưa mắt nhìn quanh mà không thấy bóng dáng cô ta đâu. Giọng cũng cao vút lên.
Thật chẳng còn gì để nói.
Mấy năm nay, dưa hấu nhà cô ta đều do tôi đứng ra bán giúp. Năm cô ta đỗ đại học, Bạch trưởng thôn còn không lo nổi học phí. Cũng là tôi đưa tận tay mười nghìn tệ để đóng cho cô ta.
Hai hôm nay theo tôi lên tỉnh cô ta luôn được ăn ngon uống tốt, tôi tiếp đãi chẳng thiếu thứ gì.
Vậy mà cô ta trả ơn tôi thế này đây sao?
2.
“Lý Phong Thu, anh gào cái gì thế hả?” Bạch Thi từ ngoài cửa bước vào, trừng mắt lườm tôi một cái sắc như dao.
Dứt lời cô ta xoay người lại, để đối mặt với bà con đang chen chúc trong ngoài căn nhà. Sau đó giơ tay chỉ thẳng vào tôi từng chút từng chút một, y như đang thay cha mình là Bạch trưởng thôn đứng ra chỉ mặt điểm tên:
“Bà con nghe cho rõ đây! Chính là Lý Phong Thu… Hắn mất hết lương tâm mà vơ vét công sức của bà con để bỏ túi làm giàu!”
“Hôm qua, lúc hắn lên tỉnh bàn giá dưa với mấy siêu thị. Chính tôi đã ở đó để tai nghe mắt thấy tất cả!”
“Hắn thỏa thuận với thương lái, giá cao hơn giá báo lại cho bà con những ba xu một cân!”
“Mỗi cân dưa, hắn đút túi ba xu. Cả làng mình có bao nhiêu ruộng, trồng bao nhiêu dưa? Bà con tính đi, một năm gom lại thì riêng số tiền bẩn này… Lý Phong Thu đã ôm về cả chục nghìn tệ!”
“Tôi hỏi thật, có nhà nào trong làng mình trồng dưa mà một năm kiếm được từng ấy tiền không?”
“Số tiền đó, lẽ ra phải thuộc về bà con! Thế mà hắn nỡ lòng nào thản nhiên nuốt trọn!”
“Vậy mà bà con còn xem hắn là ân nhân, là chỗ dựa của cả làng? Tỉnh táo lại đi, mọi người đều bị hắn lừa rồi!”
“Tôi… Bạch Thi là người của thôn Vương Ốc, tôi có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của bà con! Gặp chuyện bất công như thế này, tôi tuyệt đối không thể làm ngơ. Tôi phải vạch trần sự thật và phản đối, tôi không cho phép Lý Phong Thu lợi dụng sự thật thà của bà con thêm một giây nào nữa!”
Cô ta đứng giữa đám đông nói với khí thế ngùn ngụt, lớn tiếng kể lể từng ‘tội trạng’ của tôi. Giọng nói hừng hực đầy căm phẫn, như thể đang đứng giữa tòa và nhân danh công lý tuyên án.
Cũng được đấy, đúng là sinh viên đại học. Chí ít còn biết nhẩm tính sơ sơ số tiền tôi kiếm được mỗi năm.
“Vậy đây là cái tội cô muốn gán cho tôi à?” Tôi nhìn thẳng vào cô ta, nửa buồn cười nửa bất lực. Chỉ ba xu thôi mà, có cần làm quá lên đến mức long trời lở đất vậy không?
Nhìn cái dáng hùng hổ ấy, ai không biết lại tưởng tôi đào mả tổ tiên nhà cô ta vậy.
“Chừng đó chưa đủ kết tội sao? Cả chục nghìn tệ đấy, đó là từng nhát cuốc… từng gáo nước… từng giọt mồ hôi của bà con dưới nắng gắt mà đổi lấy.”
“Dựa vào đâu mà anh chỉ cần nói vài câu là nghiễm nhiên đút túi hết số tiền m.á.u t.h.ị.t ấy?”
“Tôi ghét nhất cái kiểu người chỉ giỏi lách luật kiếm lời, lấy việc chiếm phần của người khác làm bản lĩnh!”
Bạch Thi khoanh tay trước ngực hếch cằm cao ngạo, ánh mắt đầy khinh thường.
Đúng là giỏi thật, làm được việc thì chưa thấy đâu. Nhưng cái tài khơi chuyện và đổ dầu vào lửa thì phải nói là không ai qua mặt cô ta được.
Chỉ vài câu nói, Bạch Thi đã đẩy tôi sang phía đối lập với chính bà con trong làng.
Ban đầu tôi còn nghĩ cô ta chỉ là tuổi trẻ bồng bột, cái kiểu ngây ngô tự cho mình là người gìn giữ công lý nên thấy tôi kiếm chút tiền chênh lệch liền cho là sai trái. Muốn đứng ra ‘đòi lại công bằng’.
Nhưng bây giờ nhìn lại, con bé này không chỉ ngốc mà còn hiểm.
Chắc mấy năm nay thấy tôi giúp làng bán dưa nên danh tiếng trong mắt bà con ngày càng cao, cô ta bắt đầu sợ tôi uy hiếp đến vị trí trưởng thôn của cha mình. Giờ bắt được cớ thì liền lập tức trở mặt giở trò.
Bạch trưởng thôn từng là người đi khắp chợ bán dưa suốt nửa đời người, chẳng lẽ cô ta lại không hiểu chuyện chênh lệch giá là điều hết sức bình thường?
“Tôi hiểu rồi, cô đang muốn trở mặt với tôi phải không? Vậy còn bà con, mọi người cũng cho rằng Lý Phong Thu tôi không xứng đáng nhận ba xu mỗi cân dưa sao?”
Tôi không đôi co với Bạch Thi, mà quay sang nhìn khắp lượt bà con xung quanh.
Ở thôn Vương Ốc này Bạch Thi chỉ là một nhân vật nhỏ, nếu không phải là con gái của trưởng thôn thì ai thèm để mắt đến cô ta?
Còn người tôi thật sự tiếp xúc làm việc cùng giúp đỡ bao năm qua, chính là những người đang đứng ở đây. Tôi tin họ sẽ không đến mức vô lý mà so đo với tôi từng đồng từng xu, dù gì mấy năm nay nhờ tôi mà họ cũng đã kiếm không ít tiền.
Thế nhưng…
“Phong Thu à, chú nói câu này cháu đừng giận. Số tiền đó… thật sự không nên lấy đâu.” Chú Tôn lên tiếng trước với giọng nói nghiêm nghị và đầy ái ngại, như thể ông ấy đã quên mất chính mình từng là người đầu tiên đến tìm bố tôi và nhờ tôi giúp bán dưa.
“Ba xu không nhiều thật, nhưng đó là mồ hôi nước mắt của bà con. Một cân là ba xu, mười cân là ba hào, trăm cân là ba tệ*.”
*Sốp giải thích: bên trung 1kg = 0,5 kg bên việt nam, và giá tiền thì tỉ lệ 1:3 nhé (suy ra lão Tôn nói 100 cân tính 3 tệ = 50kg bên mình mà thằng nhỏ ăn lời 9 tới 10 nghìn đó).
“Một mẫu đất thì sao? Một hộ gia đình thì sao? Cả làng hơn hai trăm hộ gom lại, thì cháu cầm số tiền đó mà không thấy lấn cấn à?”
Chú Tiền cũng chen vào, giọng hòa nhã nhưng không giấu được trách móc:
“Cháu giúp bà con bán dưa thì ai cũng ghi nhận, nhưng mà nhận tiền thế này… chẳng phải là chiếm lợi của bà con hay sao?”
“Đúng đấy Phong Thu, chuyện này cháu làm không phải rồi. Đều là người cùng thôn với nhau, sao lại xử sự như thế được?”
“Thiệt cho thím tôi lúc nào cũng khen anh là người có tâm, luôn hết mình vì làng vì nước. Vậy mà giờ, anh đáp lại niềm tin của mọi người thế này sao?”
“Nếu không nhờ cán bộ Bạch lên tiếng, chắc chúng tôi còn bị giấu mãi. Bị người ta lợi dụng mà vẫn tưởng mình đang được giúp!”
Hãy là người bình luận đầu tiên
Nguyệt Truyện hoan nghênh các tác giả, dịch giả, nhóm dịch và các fanpage đăng truyện lên website của chúng tôi. Mọi chi tiết về nhuận bút, kiếm tiền và các thỏa thuận khác vui lòng nhắn tin trực tiếp đếnfanpage Facebook Nguyệt Truyệnhoặc email nguyettruyennet@gmail.com